10/05/2011 15:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 1198
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tờ lịch trên tường hay trên đầu ngón tay, hay trăng non, trăng tròn, trăng già cùng với sao hôm sao mai là dấu hiệu thời gian cho đời người. Ở đó nơi mỗi chuyển vần con trăng, công việc, bổn phận nuôi con thờ chồng đầy ắp hai tay, hai vai, đầy luôn cả trái tim và đầy luôn cả năm tháng.

Tính ra ngày nào cũng là ngày của mẹ và là ngày của con với mẹ, xoắn xuýt vào nhau như không rời, tự nhiên như hơi thở, và yêu thương cứ ăm ắp “quen hơi ngọt ngào“, không ai nghĩ đến dành riêng ra một ngày cho ai đặc biệt.

Tôi tạm gọi ngày ấy là "cho", vì không muốn nó là “của“, sở hữu của ai. Bởi vì hình như một khi làm mẹ, người mẹ ít khi đòi sở hữu một thứ gì, ngoài đứa con của mình với tình thương chứa chan, một sở hữu tự nhiên trời sinh ra như thế.

Bổn phận nuôi con thờ chồng đầy ắp
trái tim và năm tháng. Ảnh: manywallpaper.com

Nói cho cùng, thoạt tiên “Muttertag“ hay “Mother´s Day“ đối với tôi lạ lắm, đến bây giờ thú thật vẫn còn chưa hết “lạ“. Ðối với mẹ của mẹ và mẹ của tôi, ngày ấy chưa có tên gọi như thế, mẹ chưa bao giờ phân biệt ngày của mẹ, ngày của cha, ngày của tình nhân...

Và nếu có một ngày, tự dưng ai cắc cớ không cho mẹ làm bánh nậm cho cả nhà ăn hay không cho mẹ thổi cơm nấu cá một ngày, mẹ sẽ tròn mắt hờn lẫy hay dỗi cơm, vì nghĩ rằng mẹ bị "chê“ luôn trong cái “ngày làm mẹ hiền“ ấy.

Mother"s Day quả thật là ngày bên "TÂY",
nên MẸ TA chẳng màng đến. Ảnh: lth-hotels.com


Muttertag, Mother´s Day quả thật là ngày bên “TÂY“, nên MẸ TA chẳng màng đến, và bỡ ngỡ vô cùng khi nghe có cái ngày tên là “ngày hiền mẫu“, tuồng như chỉ có một ngày ấy con dành cho mẹ, kỳ dư toàn là những ngày tháng phôi pha, không mẹ không con.

Tôi đã có cái bỡ ngỡ ấy của người làm "CON TA“ vào một sáng tháng năm khi tình cờ được tham dự vào ngày “Muttertag“ của người bạn Ðức, hồi mới chân ướt chân ráo rời xứ TA. Buổi sáng thức dậy, thấy cả nhà lặng yên như tờ, không thấy bà mẹ người bạn thường khi đã dậy từ sáng sớm, lục đục trong bếp dọn điểm tâm cho cả nhà.

Tôi rón rén đi xuống lầu xem động tĩnh, thấy trong bếp có người đang lui cui lăng xăng, đến gần mới biết người bạn đang âm thầm bày trên một cái khay tách cà fê, dĩa điểm tâm với bánh mì, nước trái cây, trứng la cót, dĩa trái cây, khăn lau miệng, một bình hoa nhỏ cắm đóa hoa hồng trắng.

Thấy tôi đến, người bạn dơ hai ngón tay lên miệng ra dấu đừng làm ồn. Tôi nhìn sang phòng ăn, thấy bàn ăn được trang hoàng tươm tất, trải khăn trắng, bày biện khác hơn ngày thường, muỗng nĩa thìa bằng bạc khá sang trọng. Người bạn đưa tay chỉ lên phía phòng ngủ của bà mẹ, rồi chị nhẹ nhàng đi bước đi chân mèo, mang khay điểm tâm bước lên cầu thang, cùng lúc điệu nhạc “Four Elise“ của Beethoven trỗi lên từ cuối phòng, tôi nghe tiếng cười đầy hạnh phúc của bà mẹ, người cha và người con.

Lát sau tôi được giải thích hôm ấy là "ngày hiền mẫu“. Vào ngày ấy người mẹ được chồng con nâng niu chiều chuộng, được điểm tâm với bố trong phòng ngủ và…“nghỉ việc nhà“. Vào ngày ấy mẹ không được “làm“ mà chỉ được “chơi“.

Ðàn bà Ðức thời trước (và có lẽ thời nay, nếu tôi công bình) nỗi tiếng trung kiên và hiền thục: "deutsche Frau, deutsche Treue“ (phụ nữ Ðức, sự trung kiên Ðức), lại chăm chỉ và siêng năng việc nhà. Cho nên một ngày được nghỉ, có thể là một ngày dừng làm “đàn bà Ðức“ chăng? Chỉ thấy ngộ nghĩnh, pha lẫn cảm động, đầy tình người, nhưng cũng đầy "Ngộ Không“ chứ không phải “không ngộ“! Ngày mẹ hiền ấy giữa các nhân vật trong gia đình.

Bữa điểm tâm sáng cả nhà tự làm để dành tặng mẹ.
Ảnh: i.123g.us


Suốt ngày, trong niềm vui ấm cúng, thật thú vị khi thấy người con hay dằng tay mẹ không cho đụng vào cái chảo, cái nồi, hay cái dĩa, bình hoa, hoặc vội vàng đứng lên lấy cái chén đã ăn xong không cho mẹ mang vào bếp, hoặc người bố không cho mẹ bước vào phòng phơi áo quấn là ủi. Có tiếng cười chế diễu cái thói hay làm, mau tay mau chân của mẹ và tiếng kêu vừa than van vừa sung sướng của bà khi bị hụt hẫng không được cử động theo thói quen hàng ngày, người mẹ có cảm tưởng như mình bị "cho nghỉ mát“ bất ngờ vào cái ngày "hiền mẫu“ ấy. Bố và con đều tranh nhau chìu chuộng người mẹ như chưa bao giờ có thể chiều chuộng hơn.

Ðể rồi…ngày hôm sau…đây là tường thuật thống kê của vài tờ báo Ðức sau ngày "hiền mẫu“, khi người mẹ vào trong bếp, thì thấy cả núi chén dĩa chưa rửa, bếp núc bị xáo trộn tùm lum, hủ đường hủ muối nằm sái chỗ, tất tần tật các thứ đang chờ bàn tay dọn dẹp nhanh nhẹn của bà!!! Tờ báo còn cho biết, các bà mẹ chưa chắc đã thích cái ngày "gọi là hiền mẫu ấy“ với lời bình phải chi chồng và con hàng ngày vào bếp giúp dọn dẹp, còn hơn "một chút huy hoàng rồi chợt tối ấy “ – Ðó là chuyện của báo chí.

Riêng người mẹ bạn tôi, quả thật bà đã được hạnh phúc suốt ngày “hiền mẫu“.

Ảnh: nguoivienxu.vietnamnet.vn

Phần tôi, sống ở Ðức bao năm, tôi cũng bị nhiễm. Ðến khi MẸ TA của tôi qua Ðức, tôi cũng bắt chước đem khay điểm tâm vào giường mẹ bất thình lình không báo trước, thì mẹ đã xua tay, ai đời lại nằm trong giường mà ăn và đẩy tôi ra khỏi phòng. Rồi mẹ ngồi dậy, bối tóc, mặc áo ra khỏi phòng và mặc tôi chạy theo dành thứ này thứ nọ trong tay không cho làm, bà gắt lên "nì răng dở chứng làm trò đầu trâu cản mũi“.

Tháng năm, hoa tử đinh hương nở rộ trong vườn, ngắt một cành đem vào cho mẹ buổi sáng, vào cái ngày hiền mẫu TÂY ấy, mẹ cười tội nghiệp: “hoa nở trong vườn đẹp rứa, ngắt vô làm chi cho tội tình“.

Ngày ấy tôi bỗng dưng thất nghiệp suốt cả một ngày chủ nhật "hiền mẫu“, còn mẹ thì ung dung pha nước trà, dạo vườn, làm bánh, nấu cơm như thường lệ. Ðòi dẫn mẹ đi chơi, mẹ gạt phăng đi, đi mô cho mệt, đánh bài tứ sắc vài ván cũng vui.

Với MẸ TA của tôi, cái ngày TÂY ấy hóa ra vô dụng, nhưng thật tình MẸ không bớt một giây hiền mẫu.

Kịp khi con gái tôi lên tám, có nghĩa là tôi đã lên chức MẸ được tám năm. Một sáng ngày hiền, tôi thức giấc, nghe tiếng cười khúc khích của hai bà cháu dưới bếp. Tôi rón rén xuống cầu thang, chợt ngẩn người, thấy hai bà cháu đang cùng nhau đem bánh trong lò ra cắt, cháu bỏ trái dâu, bà thêm vào trái mận, cháu cho thêm một cánh hoa, bà đặt thêm một cái nụ, hí húi trang hoàng…hí hửng ngắm nghía…Tôi lẳng lặng trốn về phòng để đừng ai biết, giả vờ còn ngủ.

Khoảng tiếng sau, tôi chính thức lên tiếng thức dậy, thủng thỉnh xuống phòng, thì thấy trước mắt được đón tiếp bằng lời chào "buổi sáng“ với bình hoa tử đinh hương tím ngát tỏa hương dịu dàng, cái bánh ga tô hình trái tim được tô điểm với nhiều búp hoa cỏ trong vườn và tấm cát với chữ viết tiếng Việt còn non nớt “Con thương mạ lắm“ dựng trước bình hoa.

Nhìn vào phòng khách, tôi bắt gặp ánh mắt long lanh như cười của bà "MẸ TA“ và bé Mai Lan đang trốn mặt trong lòng bà.

Mẹ đã nghĩ gì, tôi đã nghĩ gì giây phút ấy, đố ai đoán cho ra!


  • Thái Kim Lan (Từ Muenchen, Đức)
  • http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/mon-qua-ngay-hien-mau-cho-toi


Âm lịch

Ảnh đẹp