18/08/2010 17:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 5769
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tương truyền dưới triều nhà Minh, tại phủ Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến có một chàng tú tài tên là Lương Bính Lân là một người tài cao học rộng. Ngoài chữ nghĩa văn chương anh còn có đủ tài về cầm, kỳ, thi, họa, lại thêm khéo tay trong nghề điêu khắc, tạc tượng. Một năm nọ, Lương tú tài lên kinh đô ứng thí. Anh rất hài lòng về những bài làm trong thi trường, vì vậy Lương Sinh mang một tâm trạng hớn hở trở về nhà chờ đợi tin vui.

Khi đi ngang qua phủ Dương Châu, anh vào tá túc qua đêm trong một ngôi cổ miếu. Ðêm hôm ấy, trong giấc mộng, Lương Sinh thấy ba vị tiên Phúc, Lộc, Thọ đến viếng thăm chuyện trò cùng anh. Những vị tiên này còn cùng anh hát xướng rất là vui vẻ. Khi tỉnh giấc điệp, Lương Sinh cảm thấy lòng dạ lâng lâng, anh nghĩ rằng đây có thể là những điềm báo tốt đẹp về bước đường công danh của anh sẽ được rực rỡ sau này. Sáng ngày hôm sau, trước khi rời khỏi ngôi cổ miếu lên đường trở về nhà, anh đứng van vái với trời đất rồi xin một quẻ xâm. Quẻ xâm anh rút được là xâm thượng và có lời lẽ như sau:

Ba đoạn văn chương nhập triều ca,

Trúng được khôi nguyên ấy chẳng xa,

Công danh hiển hách qui chưởng thượng,

Phú quí vinh hoa tại nhãn tiền.

Chưởng thượng nghĩa là trên lòng bàn tay, nếu đoán theo nghĩa xâm thì đường công danh của anh nằm trong lòng bàn tay. Lương Sinh nghĩ rằng lần này chắc chắn sẽ đậu được khôi nguyên, vì chính thần linh đều đến chúc mừng và lời tiên đoán trong quẻ xâm tốt lành như vậy thì còn nghi ngờ gì nữa. Về đến nhà, anh vội vàng mở tiệc linh đình đãi đằng thân thuộc. Nào ngờ khi kết quả của triều đình công bố thì không có tên của Lương Sinh, ngay đến hàng tiến sĩ cũng không có thì còn nói gì đến khôi nguyên. Lương Sinh đâm ra chán nản. Ðiều mà anh cảm thấy thắc mắc là tại sao ngay đến thần linh cũng trêu chọc, đùa cợt anh đến mức độ này.

Từ đỉnh cao hy vọng, tụt xuống hố sâu tuyệt vọng, Lương Sinh không còn luyến tiếc đến công danh nữa. Anh quyết chí từ bỏ con đường khoa bảng, từ đó anh vận dụng sự khéo léo của đôi bàn tay để điêu khắc những tượng gỗ, từ những tượng gỗ này, anh bỗng nảy ra ý định dùng chúng làm trò múa rối. Trước hết anh dùng chỉ xỏ vào tay chân của hình nộm để điều khiển sự hoạt động, sau đó anh soạn cốt truyện, đặt lời ca. Những hình nộm được sáng chế càng lúc càng nhiều, những nhân vật từ văn quan, võ tướng, Thừa Tướng, Trạng Nguyên cho đến tiểu thư, ca kỹ và đầy đủ những hạng người trong xã hội.

Lúc đầu việc làm của anh chỉ là một trò tiêu khiển, sau đó anh mang gánh hát múa rối ra trình diễn cho dân trong làng thưởng thức. Người dân thôn dã ít có những môn giải trí, cho nên sau giờ làm việc đồng áng cực nhọc ban ngày, người ta tụ lại nhà anh để xem hát vào lúc ban đêm. Nhờ cốt truyện được chọn lựa công phu, lời ca tiếng nhạc có ý nghĩa nên trò múa rối của Lương Sinh dần dà trở thành món ăn tinh thần của người dân quê. Nhiều người ham muốn môn nghệ thuật này đã tìm đến thọ giáo, cũng có nhiều người không ngại đường xa ngàn dặm đã đến xem và học hỏi.

Một hôm, Lương Sinh soạn cốt truyện cho một vở tuồng mới mà trong đó nhân vật chánh sau bao năm vất vả, cuối cùng đã thi đỗ Trạng Nguyên cưới được vợ đẹp, trở thành một nhân vật cột trụ của triều đình và sống một đời vinh hoa phú quí. Lương Sinh bỗng sực nhớ lại hai câu trong lá xâm mà anh đã xin được ngày xưa: Công danh hiển hách qui chưởng thượng, Phú quí vinh hoa tại nhãn tiền. Phải chăng lời xâm của thần linh đã tiên đoán có một ngày anh sẽ đạt được công danh hiển hách trên "lòng bàn tay", và sẽ nhìn thấy phú quí vinh hoa ở ngay "trước mắt".

Từ đó, Lương Sinh càng chăm chú hơn nữa trong việc phát huy ngành nghệ thuật múa rối. Sau nhiều năm trau dồi, cải tiến anh đã trở thành một bậc tôn sư. Nghệ thuật múa rối tiếp tục hơn 400 năm và hãy còn lưu truyền lại ở những vùng nông thôn các tỉnh Phúc Kiến, Ðài Loan. Tên tuổi của Lương Bính Lân luôn được người ta nhắc nhở đến như là thánh tổ của một ngành nghệ thuật.

Xưa nay đã có biết bao nhiêu bậc Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, Công Hầu, Khanh Tướng, thế nhưng có được bao nhiêu vị mà tên tuổi được người đời sau nhớ đến. Nếu đem ra so sánh thì có lẽ "phú quí vinh hoa nhất thời" của họ không thể nào qua mặt "tên tuổi" anh chàng Lương Bính Lân dù chỉ có "công danh hiển hách trên lòng bàn tay" này.

Trong những gánh hát múa rối, người ta thường thấy có những câu đối liễn với nhiều ngụ ý sâu xa và triết lý như:

"Ngàn dặm đong đưa hai ba bước,

Trăm năm nhúc nhích một đôi giờ"

Trong một rạp hát múa rối bé tí teo thì không gian và thời gian đều bị rút ngắn lại. Khoảng cách muôn ngàn dặm chỉ đi lại trong vòng hai ba bước. Thời gian cả trăm năm cũng chỉ diễn đạt trong một vài phút, một vài giờ.

Hoặc:

"Vào cổng này, Công, Hầu, Khanh, Tướng,

Ra cửa kia, Sĩ, Nông, Công, Thương"

Những bậc Công Hầu Khanh Tướng xưa nay có mấy ai ngồi tại vị suốt trăm năm. Trong cuộc đời của những kẻ làm nên nghiệp cả chắc chắn cũng có những phút giây trôi nổi lên voi xuống chó, kẻ được người thua hôm nay làm vua ngày mai làm giặc kể sao cho xiết.

Hoặc như:

"Trung Hiếu lưỡng toàn tam nghĩa tiết,

Văn võ cao thăng Vạn Lý Hầu"

Lời lẽ trong những câu đối liễn này thật đáng để cho ta ngẫm nghĩ. Tổ sư Lương bính Lân của ngành múa rối, mãi cho đến lúc thành danh mới ngộ ra được cái câu "công danh hiển hách trên lòng bàn tay". Nếu như chúng ta dùng một phương thức qui nạp để nhận định thì sẽ thấy rằng không những chỉ có những hình nộm trong nghệ thuật múa rối, mà ngay đến cuộc sống của con người, chẳng phải đều bị điều khiển bởi chính bàn tay của chúng ta hay sao? Công danh hiển hách có thể nằm trên lòng bàn tay, mà ngay cả một đời lận đận cũng không thể nhảy khỏi số mạng của lòng bàn tay.

Trong gánh hát múa rối, người đứng sau lưng cánh gà điều khiển cốt truyện mới thực sự là nhân vật chánh. Trong tay anh ta chỉ huy lủ khủ hàng chục, hàng trăm hình nộm. Do cái ý niệm trong đầu, anh ta có thể biến hình nộm này thành người hiền lương, hình nộm kia thành kẻ gian ác, tất cả sự sống, cái chết, thành công, thất bại của những hình nộm đều được điều khiển bởi hai bàn tay của anh. Trong khi diễn tuồng, anh ta có đầy đủ quyền lực sinh sát hàng trăm con người vô tri không cử động kia, nhưng đến khi vở tuồng chấm dứt, khách xem tản mát ra về, tất cả những con người gỗ, hình nộm đều đã nằm trong đáy rương, anh ta ngồi xề xuống gánh hàng rong bán lúc giữa khuya húp sùm sụp tô cháo gà thì bạn có thể nhìn thấy ngay chính cuộc đời của anh ta cũng chẳng khác gì một thứ hình nộm bị điều khiển trong chính đôi bàn tay của anh ta.

Ngày xưa lúc còn ở quê nhà, khi xem xong một tuồng hát, tôi thường lang thang trước cổng rạp, trong cõi lòng có một chút gì luyến tiếc hình như không muốn ra về. Mỗi một câu chuyện đều có đoạn kết thúc, mỗi một tuồng hát đều phải đi đến chỗ chung cuộc. Ðôi khi bước ra khỏi rạp hát tôi có cái ảo giác, nghĩ rằng nếu như linh hồn của chúng ta bị rút khỏi thân xác hiện hữu thì con người có khác gì những thằng người gỗ trên sân khấu đâu? Chúng ta đi xem hát mà cảm thấy cõi lòng rung động là vì chúng ta có được một linh hồn bất diệt.

Nếu như chúng ta chân thật hóa kịch bản của những tuồng tích thì sẽ thấy rằng cuộc đời của con người và những nhân vật múa rối không một chút khác biệt. Hằng ngày chúng ta vượt qua bao nhiêu thời gian và không gian cũng chẳng qua là do vấn đề cảm giác. Từ giờ này qua giờ kia không có sự gián đoạn. Từ ban ngày bước vào ban đêm cũng không có sự cắt đứt. Trước khi chúng ta sinh ra trên cõi đời này, thời gian và không gian đã hiện hữu, sau khi chúng ta lìa khỏi thế gian này, thời gian và không gian cũng vẫn còn tiếp tục tồn tại. Khi chúng ta tập trung tinh thần vào cốt truyện thì thấy những hình nộm đã chiếm trọn vẹn không gian của sân khấu, thế nhưng khi ta thờ ơ lãnh đạm với vở tuồng thì những hình nộm kia lại trở thành nhỏ bé đáng thương. Cũng như lúc ta đặt trọng tâm vào cuộc sống hàng ngày ta sẽ thấy bản thân là trung tâm của vũ trụ, nhưng một lúc nào đó khi đứng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì sẽ thấy con người chúng ta mới bé bỏng làm sao.

Vận mệnh của những hình nộm nằm trên lòng bàn tay. Vận mệnh của chúng ta cũng nằm trên lòng bàn tay.

Một điều khác biệt là những hình nộm thì bị kẻ khác điều khiển, còn chúng ta may mắn hơn, có thể dùng đôi tay của mình để sáng tạo một cõi trời đất mới.

Giở đôi bàn tay ra, chắc chắn ta sẽ thấy được những chỉ tay chằng chịt. Tướng mệnh học có thể dự đoán tương lai của con người nhờ lòng bàn tay, những nhà tướng số thì cho biết trên thế gian này không có một bàn tay nào giống bàn tay nào, do đó không có vận mệnh của người nào giống người nào cả. Thế nhưng thế gian mà chúng ta đang ở đã do nhiều bàn tay họp lại xây dựng, những sự sáng tạo vĩ đại trên đời cũng đều do bàn tay con người làm ra.

Có một lần tôi gặp một nhà tu hành, tôi nhờ ông dùng phương cách đơn giản nhất để tóm tắt phương pháp tu luyện của tín đồ Phật giáo. Nhà sư trả lời:

- Chỉ có ba chữ Thân, Khẩu, ý. Mỗi ngày chỉ có thân, khẩu, ý, mỗi ngày hãy tự hỏi ta đã làm gì, ta đã nói gì, và ta đã nghĩ gì? Mỗi tháng cũng thân, khẩu, ý. Mỗi năm cũng thân, khẩu, ý, và cả đời cũng chỉ thân, khẩu, ý. Ðó chính là phương cách tu hành tốt nhất.

Nhiều chuyện nói ra thì thật đơn giản, thế nhưng muốn tuân theo nguyên tắc để làm thì không dễ đâu. Nếu như chúng ta hàng ngày giở đôi bàn tay ra và tự hỏi rằng: "Ðôi tay của ta trước kia đã làm gì? Hiện nay đang làm gì? Tương lai sẽ làm gì?" Ðược như vậy, bạn có thể tưởng tượng rằng trên lòng bàn tay của ta lúc nào cũng là một kịch trường sống động, mà bạn có thể diễn được tấn tuồng và vai trò mà bạn thích.

Lâm Thanh Huyền
Dịch giả : Phạm Huê

Âm lịch

Ảnh đẹp