Xin đừng "sửa" lịch sử!


Tác giả: Hồ Anh Hải
24/11/2011 08:16 (GMT+7)
Số lượt xem: 59535
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bây giờ các nhà nghiên cứu, các nhà văn lại muốn sửa chuyện cổ tích nữa! Sửa cho hợp với nhân sinh quan hiện đại, nhằm mục đích có lợi cho việc giáo dục trẻ em. Mục đích ấy rất tốt, nhưng cách làm thì dở. Khi ấy không còn là cổ tích nữa, mà nên gọi là chuyện cũ viết lại.


LTS : Ngày 12/9/2011 Tuần Việt Nam đưa bài viết "Công minh lịch sử và công bằng xã hội", một một đề tài nghiên cứu tâm đắc của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, thông qua một bài viết đăng trên báo Nhân Dân cách đây 15 năm.

Mới đây, Tuần Việt Nam lại nhận được bài viết của tác giả Hồ Anh Hải, liên quan đến chủ đề nói trên, cùng với cuộc tranh luận sôi nổi về việc sửa cái kết truyện cổ tích Tấm- Cám. Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải bài viết dưới đây

Sửa hay không sửa hồi kết chuyện cổ tích Tấm Cám đã trở thành đề tài tranh cãi trên VietNamNet. Cuộc tranh luận này rất bổ ích, nó cho thấy suy nghĩ của người Việt Nam chúng ta còn lệch pha so với thời đại. "Cái nước mình nó thế đấy!" - câu nói thật đúng !

Lối suy nghĩ thiếu quan điểm lịch sử chân chính của người phương Đông còn hằn sâu trong đầu óc tôi và bạn.

Ai đó từng nói: Từ khi có các sử gia, lịch sử không còn là lịch sử nữa. Nghĩa là sự thật lịch sử đã bị các sử gia nhào nặn. Họ trổ mọi tài để biến hóa, viết lịch sử theo hướng họ quan niệm,  hay ai đó quan niệm.

Năm 2003 chúng tôi lên thăm Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Sau khi xem các hiện vật và tài liệu trưng bày, tôi hỏi cô hướng dẫn viên: "Dăm chục năm trước, tôi học phổ thông, các thầy cô dạy chúng tôi mãi mãi ghi nhớ công ơn của những bậc cách mạng tiền bối, trong đó có Hùm Xám Bắc Sơn C.V.T, người đứng ra tổ chức dân quân Bắc Sơn tước vũ khí của lính Pháp thua Nhật chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội qua đường Bắc Sơn, dùng số vũ khí đó trang bị tiến hành khởi nghĩa.

Đội Du kích Bắc Sơn ra đời trước cả Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kia mà! Sao ở đây không thấy bất cứ câu chữ, tài liệu nào nói về nhân vật đó?"

Mấy cô nhìn nhau cười ngượng nghịu: "Có tài liệu đấy ạ, nhưng chúng em cất đi không trưng bày."

Một sự thật lịch sử rõ ràng không được trưng bầy trong khi lại có những lịch sử...hư cấu như chuyện "Lê Văn Tám"...

Không rõ Bảo tàng Bắc Sơn hiện nay còn "cất tài liệu" như cũ hay đã phục hồi nguyên trạng sự thật lịch sử? Nếu đã sửa  thì xin muôn lần cảm ơn!

Cái kiểu tự ý mình sửa lịch sử hoặc làm ra lịch sử như thế của các sử gia rất phổ biến tại các xứ phương Đông.

Bây giờ các nhà nghiên cứu, các nhà văn lại muốn sửa chuyện cổ tích nữa
Hậu quả sửa lịch sử tai hại lắm. Điều tệ hại nhất là làm người dân hiểu sai lịch sử. Tệ thứ hai là làm dân mất lòng tin. Họ có cảm giác mình bị các sử gia đánh lừa! Vì trước sau thì sự thật sẽ vẫn được trả lại. Chỉ có điều người dân phải chờ, có khi chờ hàng nghìn năm ! Chuyện Lê Văn Tám phải chờ khoảng 60 năm (1946-2005).

Nếu sử gia Phan Huy Lê không thẳng thắn tiết lộ: "Nhân vật lịch sử 'anh hùng Lê Văn Tám' hoàn toàn không có thật!" thì chẳng biết nhân dân còn phải chờ bao lâu, có lẽ là muôn thuở?

Xin đừng bao giờ quên: Các sử gia sửa sự thật lịch sử, đến lúc nào đó, sự thật lịch sử cũng vẫn trở lại. Còn họ thì bị chính lịch sử "nguyền rủa".

Bây giờ các nhà nghiên cứu, các nhà văn lại muốn sửa chuyện cổ tích nữa! Sửa cho hợp với nhân sinh quan hiện đại, nhằm mục đích có lợi cho việc giáo dục trẻ em. Mục đích ấy rất tốt, nhưng cách làm thì dở. Khi ấy không còn là cổ tích nữa, mà nên gọi là chuyện cũ viết lại.

Sẽ chẳng ai thèm để ý tới loại chuyện cũ viết lại ấy, vì nó đâu còn là cổ tích ! Nó chẳng khác gì cổ vật giả, dù giống của thật đến đâu cũng chẳng ai mua. Một bức tranh sao chép sao có thể sánh được với tranh gốc. Cái quý nhất là ở chữ "cổ".

Cổ tích là một phần của lịch sử dân tộc, nó phản ánh hoàn cảnh lịch sử khách quan thời xa xưa. Hồi kết chuyện cổ tích Tấm Cám đúng là trái với tinh thần nhân đạo và khoan dung ngày nay chúng ta tôn thờ. Nhưng người ngày xưa nghĩ như thế nào là chuyện của họ, sao bây giờ ta có thể thay đổi được? Làm như thế cũng là trái đạo lý.

Muốn trẻ em không bị tiêm nhiễm tinh thần vô nhân đạo ở hồi kết chuyện Tấm Cám thì thiếu gì cách? Sao lại phải dùng tới hạ sách là sửa cốt chuyện? Sửa như thế khác gì giết mất một cổ tích quý giá của dân tộc ta.

Tổ tiên loài người là con khỉ, điều đó nghe có vẻ xấu quá nhỉ. Nhưng dù học thuyết Darwin trái với Kinh Thánh thật đấy, rốt cuộc Giáo hội Ki Tô cũng chịu thua, muốn sửa cũng chẳng thể sửa được sự thật về nguồn gốc loài người.

Xin đừng bao giờ quên: Các sử gia sửa sự thật lịch sử, đến lúc nào đó, sự thật lịch sử cũng vẫn trở lại. Còn họ thì bị chính lịch sử "nguyền rủa".

http://tuanvietnam.net/2011-11-18-xin-dung-sua-lich-su-


Âm lịch

Ảnh đẹp