20/05/2011 11:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 1924
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đến được Bhutan quả không phải dễ dàng. Tận giữa thế kỷ 20, vương quốc bé nhỏ này vẫn hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Chỉ đến năm 1974, Bhutan mới mở cửa đón khách du lịch.


Để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của mình và bảo tồn truyền thống văn hóa, hoàng gia Bhutan quyết định hạn chế số lượng du khách đặt chân đến nơi này (năm 2009, tổng số khách du lịch đến Bhutan chỉ có 23.480 người). Mỗi khách du lịch phải đóng ít nhất 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan để thanh toán chi phí tour trọn gói do một công ty du lịch Bhutan thu xếp. Visa và hành trình cho mỗi chuyến công du được kiểm soát nghiêm ngặt.

“Cung điện hạnh phúc” Punakha Dzong.     Ảnh: N.P.Q.M
“Cung điện hạnh phúc” Punakha Dzong. Ảnh: N.P.Q.M

Thật may mắn, đây là lần thứ 2 tôi đặt chân đến Bhutan, và hành trình lần này của tôi bao gồm gần 800km ôtô xuyên qua ba vùng miền, cùng với những chuyến leo núi để tiếp cận với những bản làng xa xôi hẻo lánh. 

Để đến được Bhutan, tôi bay sang Bangkok, sau đó dừng chân tại Calculta (Ấn Độ) trước khi đáp xuống sân bay Paro. Chuyến bay từ Bangkok phải khởi hành từ 4 giờ sáng, vì sân bay Paro rất hiểm trở và thời gian đáp xuống an toàn nhất là từ 9-10 giờ sáng. Chỉ có một đội bay gồm tám phi công Bhutan với nhiều năm kinh nghiệm được phép bay đến sân bay Paro. Tất cả các máy bay riêng của các nguyên thủ quốc gia và các tỉ phú đến thăm Bhutan bằng phi cơ riêng, đều nhờ đến tài điều khiển của tám phi công này.

Tôi được xếp ngồi bên trái của máy bay, cạnh cửa sổ. Đây là vị trí mà bất cứ khách du lịch nào đến Bhutan cũng muốn chọn, vì tại vị trí này, bạn sẽ thấy nóc nhà của thế giới - đỉnh núi Everest phủ tuyết nhô lên trên những tầng mây. Và, kìa, mọc trên những tầng mây là các đỉnh núi trắng lung linh trong nắng. Đỉnh Everest rất gần, tưởng như tôi có thể với tay là chạm được.

Khi máy bay giảm độ cao, chúng tôi bắt đầu lượn lờ giữa trùng trùng điệp điệp các ngọn núi xanh thẳm. Phi công lên tiếng trấn an khi có một vài hành khách tỏ vẻ lo sợ, vì máy bay đang áp sát các ngọn núi. Và, trước mắt tôi, vẻ đẹp hùng vĩ của Bhutan lại trải ra trước mắt: những rặng núi vươn màu xanh lên mây, những vực sâu xanh thăm thẳm, những dòng sông trắng xóa uốn khúc. Tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang đang vẫy gọi tôi đáp xuống bằng màu nõn nà của lúa non.

Đón tôi là Thinley Dorji, bạn đồng nghiệp Bhutan thông minh dễ mến. Để thực hiện tốt công việc xóa đói giảm nghèo tại các bản làng, Thinley nói thông thạo 5 thứ tiếng bản ngữ. Hơn một nửa thời gian của anh dành cho những hành trình dài dằng dặc vào các bản làng xa xôi. Anh nói với tôi rằng, ở với dân, hiểu dân, thì mới giúp họ tốt nhất.

Thinley trông thật nam tính, khỏe khoắn trong trang phục gho truyền thống dành cho nam giới. Còn tôi, để hòa nhập với văn hóa nơi này, cũng diện cho mình trang phục kira dành cho nữ giới. Bảo tồn truyền thống văn hóa luôn là tiêu chí cao nhất của người dân nơi đây. Vì thế, khi đến Bhutan, du khách được sống trong những tập tục từ nghìn năm nay. Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi đã được chứng kiến những cuộc chơi bắn cung của các chàng trai.

Đích bắn rất xa, thử tài của các xạ thủ. Bất cứ khi nào chàng trai bắn trúng, các cô gái lại hát và múa, rồi sau đó trao cho chàng một dải lụa màu để buộc vào lưng. Nhìn vào đám đông, người bắn giỏi nhất sẽ nổi bật nhất bởi những dải lụa màu sắc trên lưng họ. Bắn cung cũng là môn thể thao quốc gia của Bhutan, với nhiều cuộc thi bắn cung được tổ chức thường xuyên giữa các làng bản, thị trấn... 

Thinley nói với tôi rằng, đến bất cứ thành phố nào của Bhutan, điểm du lịch đầu tiên du khách phải đến là Dzong, vì Dzong hội tụ tất cả các tinh hoa văn hóa và truyền thống bản địa. Hầu hết các tu viện này được xây dựng từ thế kỷ 16, trải qua bao thăng trầm của thời gian, vẫn sừng sững, đẹp tráng lệ và nguy nga. Để đến Dzong, chúng tôi thường đi qua những cây cầu gỗ chạm trổ tinh xảo, vắt ngang qua dòng sông xanh biếc.

Trên mỗi bàn thờ tại các Dzong, tôi luôn ngưỡng mộ vẻ đẹp hoàn mỹ của các chùm hoa được nặn từ bơ (sữa). Sư trụ trì Lama Dophu trên đỉnh núi Nabji Korphu giải thích với tôi rằng: người Bhutan thờ hoa làm từ bơ, với niềm tin rằng không vẻ đẹp nào tồn tại vĩnh hằng.  Và sư trụ trì cũng nhắc tôi không được chụp ảnh bàn thờ ở bất kỳ Dzong nào, vì đây là nơi rất linh thiêng.

Dzong là cung điện của nhà vua, đồng thời là thủ phủ hành chính và tâm điểm của các hoạt động tôn giáo. Nơi đây, hàng trăm tu sĩ từ độ tuổi lên 3 đến 70-80 tuổi nghiêm trang tu luyện. Khách du lịch sẽ gặp may mắn nếu một tu sĩ tình nguyện làm hướng dẫn viên. Với tôi, cuộc trò chuyện với chú tiểu Namgay thật thú vị. “Em ở đây đã ba năm rồi. Hàng ngày, thức dậy lúc 3h sáng để thiền và học thuộc quyển kinh. Em ít được gặp cha mẹ, nhưng ở đây em học được rất nhiều điều để trở thành người tốt. Em mong ước được trở thành Lama (sư trụ trì). Nếu không, làm một nhà sư bình thường cũng là một vinh dự lớn”. 

Các nhà sư trẻ tại Thimphu Dzong.     Ảnh: N.P.Q.M
Các nhà sư trẻ tại Thimphu Dzong. Ảnh: N.P.Q.M

Trong chuyến hành trình gần 2 tuần ở Bhutan, tôi đã có cơ hội nghỉ chân ở nhiều Dzong, nhưng Punakha Dzong – còn được mệnh danh là “Cung điện hạnh phúc” – là nơi tôi nhất quyết sẽ quay trở lại. Một chiều xuân khi những nhành hoa tím biếc bay la lả trong nắng chiều, Punakha Dzong đã đón đôi bàn chân rón rén của tôi. Rón rén vì một vẻ đẹp thiên thần mà tôi sợ sẽ biến mất khi chạm vào. Chỉ mới đây thôi, Punakha Dzong đã đón vị vua thứ năm - Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Khi được vua cha Jigme Singye Wangchuck trao ngôi báu vào ngày 6.11.2008, vua Jigme Khesar đã tuyên thệ “Ta sẽ không bao giờ cai trị như một ông vua. Ta sẽ bảo vệ thần dân như một người cha, chăm sóc thần dân như anh em và phục vụ thần dân như một người con. Chúng ta phải tiến hành dân chủ hóa để đảm bảo sự phát triển của đất nước, để một ngày nào đó có thể tự hào giao lại đất nước của chúng ta cho thế hệ sau”.

Lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm, sau khi nhận ngôi, vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã đi bộ ròng rã 26 ngày trên con đường xuyên núi cam go nhất của Bhutan có tên gọi là Snowman’s Trek. Ông đã đi xuyên qua các đỉnh núi cao nhất đầy tuyết phủ, nơi có các bản làng nghèo nhất sinh sống, để tiếp xúc và trò chuyện với dân chúng. Ngủ trong lều đơn sơ dưới trời bão tuyết, ăn những món ăn đạm bạc, cuộc hành trình của vua Jigme Khesar là cuộc hành trình thử thách nhất mà chỉ có những trái tim quả cảm và sức khỏe phi thường mới có thể thực hiện. Người đồng nghiệp của tôi – Thinley – đã có lần thử sức trên tuyến đường ấy và phải quay trở lại sau ba ngày, vì đã ốm rất nặng do say độ cao.

Tôi đã có được một phần ngàn trải nghiệm gian khổ của vua Jigme Khesar khi leo núi 3 tiếng để đến được bản làng đầu tiên trên tuyến đường du lịch sinh thái Nabji-Korphu. Đây là con đường du lịch kết hợp xóa đói giảm nghèo do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV kết hợp với Bộ Du lịch Bhutan và người dân bản xứ phát triển. Đến với con đường Nabji-Korphu, du khách sẽ đi bộ 5 ngày để qua 5 bản làng rất nghèo đang cư trú ở những đỉnh núi xanh ngút ngàn.

Dù chuyến đi bộ là một cuộc thử sức dẻo dai của những đôi chân, tôi hoàn toàn không cảm thấy mệt mỏi vì được khám phá một thiên đường hoang dã: những trái dâu tây đỏ mọng ven đường, những chú vượn trắng đu mình vắt vẻo trên cây, những dòng thác trắng xóa, những cây cổ thụ trăm tuổi tỏa bóng mát, những đàn bướm bay lượn bên các khe suối, những chú chim đủ màu sắc hót líu lo trên cao, và hoa rừng muôn vẻ ngan ngát tỏa hương.

Ngủ trọ một đêm tại một bản làng nơi đỉnh núi, tôi mới thấy thấm thía hạnh phúc bình dị: dưới trời sao lấp lánh, chúng tôi đốt lửa, ngồi uống rượu ngô và trò chuyện với nhau. Tiếng cười vang lên ấm áp trong đêm vắng, để rồi ban mai ríu rít tiếng chim và gió mát trong lành của đồi núi đánh thức tôi dậy. 

Đặt chân đến những bản làng xa xôi hẻo lánh cách đường nhựa nhiều ngày đi bộ, tôi thật sự ngạc nhiên về sự quan tâm mà hoàng gia dành cho dân chúng. Dân chúng được chu cấp gỗ và vật liệu miễn phí khi xây nhà. Việc khám chữa bệnh, thuốc men cho toàn thể nhân dân Bhutan được nhà nước cung cấp hoàn toàn miễn phí. Trường học (kể cả các bữa ăn cho học sinh nội trú) cũng nhận được sự chu cấp của chính phủ. Các bản làng xa được cung cấp thiết bị tự tạo điện từ năng lượng mặt trời, cùng với hệ thống nước sạch bắt nguồn từ nguồn nước khoáng thiên nhiên. Có lẽ, đây là mô hình của một nhà nước cộng sản thiết thực nhất mà tôi chứng kiến.

Để tiếp tục thử sức dẻo dai, tôi đã quyết định chinh phục 2 dãy núi cao để đặt chân đến Thiền viện Taktsang (còn gọi là Tiger’s Nest - Tổ của Hổ). Tương truyền, Phật tổ Guru Padmasambhava, khi từ Tây Tạng sang Bhutan truyền đạo, đã cưỡi trên lưng hổ và bay đến đây ngồi thiền. Thiền viện Taktsang tọa lạc trên một vách núi hiểm trở cao 914m so với mặt nước biển, hùng vĩ nguy nga.

Để đến được thiền viện này, chúng tôi đã phải trèo trên những con đường núi cheo leo trong gần 3 giờ đồng hồ, thật khó khăn vì ở độ cao gần 3.000 mét, không khí loãng và ít oxy. Vậy mà trên đường đi, tôi còn gặp những Phật tử đang hành hương bằng một phương thức rất đặc biệt: họ rạp người vái lạy trên mặt đất về hướng Thiền viện Taktsang sau mỗi một bước đi. Cứ mỗi bước đi lại rạp người vái lạy. Những nhà sư đi cùng tôi cho biết rằng những người này phải mất nhiều ngày mới lên đến Thiền viện Taktsang, nhưng chuyến hành hương này là một trong những điều quan trọng nhất của cuộc đời họ.

Bây giờ, mỗi khi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy hình ảnh lộng lẫy của Thiền viện Taktsang: nhô lên từ cheo leo trên vách núi, bên cạnh những đám mây mỏng mảnh bồng bềnh, trên nền xanh thẳm của núi rừng và những vách đá núi nâu đen. Ngự trị phía trên thung lũng Paro, Thiền viện Taktsang là một trong những địa danh linh thiêng nhất ở Bhutan.

Các nhà sư tập luyện cho lễ hội truyền thống Tsechu.     Ảnh: N.P.Q.M
Các nhà sư tập luyện cho lễ hội truyền thống Tsechu. Ảnh: N.P.Q.M

Theo nhiều sách hướng dẫn du lịch, đây cũng là thiền viện hoành tráng và kỳ bí nhất thế giới, nơi mà mỗi người Bhutan đều ao ước đặt chân đến một lần trong đời. Thật khó tưởng tượng công sức và tài năng mà những nghệ nhân thế kỷ 16 đã đầu tư để kiến tạo nên kiến trúc kỳ vĩ và độc đáo này, vẻ đẹp của nó tôi không đủ sức diễn tả. Chỉ biết rằng khi đặt chân đến Thiền viện Taktsang, mọi mệt mỏi đều tan biến vì vẻ đẹp tráng lệ và không khí yên tĩnh, nghiêm trang của nơi này.

Trong thời gian ở Bhutan, tôi đã tìm gặp người Việt duy nhất đang sống ở đây - anh Long. Được mệnh danh là người câu cá giỏi nhất Bhutan, anh Long vui vẻ nói với tôi rằng, anh mới bắt đầu câu cá cách đây 2 năm. Vì người Bhutan theo đạo Phật và không sát sinh, cá tha hồ sinh sôi và nảy nở ở các dòng sông, con suối. Vì lẽ đó, mỗi lần câu, anh Long bắt được rất nhiều cá hồi to, có con nặng đến 5kg, chế biến đủ các món mà vẫn còn rất nhiều để tặng bạn bè.

Công việc của anh Long - bảo tồn thiên nhiên - thú vị nhưng rất vất vả. Anh thường phải đi công tác đến những bản làng cách thủ đô Thimphu hàng trăm km. Để đến được những nơi này, anh thường phải ngồi ô tô 2 ngày liền, sau đó cuốc bộ 2-3 ngày ròng rã. Anh Long cười rất tươi và tâm sự với tôi: “Người Bhutan rất hiền và rất tốt. Ngày Tết, tôi mời bạn bè đến đầy nhà, lôi rượu Việt ra chuốc, đến say bí tỉ mới để họ về. Sống ở đây, tôi cảm thấy rất vui và thoải mái”.

Nói về rượu, phải nói rằng các loại rượu làm từ ngô, sắn, táo, lê của Bhutan khá ngon, nhưng rất nhẹ so với rượu Việt Nam. Người Bhutan thích ăn uống, và sở thích của họ thể hiện ở các món ăn dân tộc ngon và đặc sắc. Tôi đã được nếm thử các món ăn từ nấm, rau rừng, phômai bản xứ, càri gà tuyệt ngon, và món thịt bò khô độc đáo. Người Bhutan ăn rất nhiều ớt. Ở các cửa hàng, ớt được bán theo kí lô, vì ớt không phải là gia vị mà là món rau chính.

Thinley, bạn đồng hành của tôi, sáng nào cũng cần phải điểm tâm với 1 đĩa cơm cùng với ớt và ớt. Còn tôi, dù không ăn cay, sau gần 2 tuần ở Bhutan, đâm nghiện món ớt tươi băm cùng hành tây và cà chua. Tôi để ý thấy ớt có mặt trong tất cả các món ăn, từ salad đến súp, từ món rán đến món hầm. Thinley cho tôi biết người Bhutan ăn ớt nhiều để chống lại khí hậu giá rét vào mùa đông, và các trẻ em bắt đầu ăn ớt từ khi còn bé tí. Thinley cũng hóm hỉnh cho tôi biết rằng ăn ớt tạo nhiều loại khoái cảm khác nhau: khoái cảm khi ăn và cũng cả khi ớt rời cơ thể con người!

Nhắc tới sự hóm hỉnh của Thinley, tôi chợt nhớ rằng có khá nhiều điểm đặc biệt về đàn ông Bhutan. Trang phục gho truyền thống mà họ mặc hàng ngày khá...  sexy. Nó bao gồm 1 chiếc áo bên trong, và bên ngoài là chiếc áo choàng dài đến đầu gối, có thắt dây ngang eo. Mặc gho, đàn ông đến công sở thường đi tất dài cao đến đầu gối, cùng một đôi giày da.  Tất cả nhìn rất ổn và đẹp khi họ đứng. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mặc váy thì biết giữ ý, trong khi cánh đàn ông thì...  khá chểnh mảng.

Một lần, tôi có cuộc họp cùng với tổng biên tập và phó tổng biên tập của một tờ báo lớn ở Bhutan. Họ ngồi đối diện trên 1 bộ sofa và làm tôi... mất hết tập trung cho buổi họp. Cô bạn đồng nghiệp nói với tôi rằng, đàn ông Bhutan cũng thường vô ý “lộ hàng” như thế, nhưng cũng rất may là họ luôn mặc quần đùi bên trong chiếc áo choàng dài ấy.

Cô bạn đồng nghiệp cũng cho tôi biết thêm rằng, đàn ông Bhutan thường chấp nhận để vợ cưới thêm người chồng thứ hai. Trong gia đình, tài sản của bố mẹ được chia cho con gái. Con trai có được tài sản thông qua tài sản của người vợ. Tuy nhiên, đổi lại điều này, đàn ông Bhutan cũng được tự do cưới nhiều vợ. Để tiện việc cưới hỏi và cũng tránh tình trạng ghen tuông, họ thường chọn...  cưới các chị em trong nhà. Ví dụ như vua cha Jigme Singye Wangchuck có bốn hoàng hậu là bốn chị em ruột.

Mải mê khám phá Bhutan, hơn hai tuần đã trôi qua. Sau nhiều ngày ngồi ôtô, cuốc bộ, thực hiện nhiều cuộc họp được tiến hành ngay trên bãi cỏ, đồng ruộng hoặc dưới trăng, cơ thể tôi như được hồi sinh khi được ngâm mình vào một bồn tắm nước nóng thảo dược. Những viên đá có chất khoáng đặc biệt từ các đỉnh núi chót vót được nung trong lò ở nhiệt độ cao trong 3 tiếng, sau đó thả vào bồn nước cùng các loại hoa, cây cỏ tươi rói vừa hái. Ngâm mình vào nước ấm, tôi cảm thấy thật sảng khoái trong vị nóng ấm và mùi thơm nhẹ nhàng của thiên nhiên.

Rời Bhutan, tôi mang theo những nụ cười thân thiện của người dân nơi này. Những cánh rừng xanh miên man lá vẫy tôi trở lại. Chỉ trong chớp mắt, dưới cánh máy bay là những tầng mây trắng. Và, những lời thơ chợt đến: “Núi mọc lên mây / Himalaya một ngày / Chợt / bấm khoá lịch trình hối hả / Thả chìa cho mây/Bay...”.

Nguyễn Phan Quế Mai


Nguon: http://www.baomoi.com/Home/DuLich/laodong.vn/Bhutan--the-gioi-truyen-co-tich/6291860.epi


Âm lịch

Ảnh đẹp