Cánh đồng Chum (Tiếng Lào: Thồng Háy Hín) là một
vùng di tích văn hóa, lịch sử gần thị xã Phonsavan, thuộc tỉnh Xieng
Khuang của Lào. Nơi đây có hàng ngàn chiếc chum bằng đá nằm rải rác dọc
theo cánh đồng thuộc Cao nguyên Xieng Khuang gần cuối phía Bắc của dãy
Trường Sơn (Việt Nam).
Vị trí Cánh đồng Chum kỳ bí và độc đáo của đất nước Lào.
Toàn bộ Cánh đồng Chum, có hàng ngàn chiếc chum lớn
bé khác nhau, nằm rải rác tại 52 điểm quanh tỉnh Xieng Khuang. Chiếc
chum lớn nhất được tìm thấy có đường kính 2,5m và nặng tới hàng chục
tấn. Những chiếc còn lại với đủ hình dạng, kích cỡ khác nhau, không
chiếc nào giống với chiếc nào, đa phần là không có nắp (chỉ duy nhất 1
chiếc chum có nắp trên toàn bộ cánh đồng) và sắp xếp tự nhiên không theo
bất kỳ một quy luật nào.
Đường lên Cánh đồng Chum.
Rất nhiều những chiếc Chum lớn nhỏ được bố trí bất định trên khu vực gần 2,5 ha ở Xieng Khuang.
Hiện nay, Cánh đồng Chum vẫn là một bí ẩn đầy
sức cuốn hút đối với các nhà khảo cổ học cũng như những du khách tới
đây. Bởi vẫn chưa có một câu trả lời chính xác cho nguồn gốc, thời gian
ra đời của những chiếc chum này.
Kỳ lạ, cả Cánh đồng Chum với khoảng 2000 chiếc này chỉ duy nhất có 1 chiếc chum có nắp.
Các nhà khảo cổ đã tiến hành phân tích cacbon trong
những mảnh xương tại các chum, nồi… và tin rằng các chum này có niên
đại 1500 đến 2000 năm trước. Đây được dự đoán là kiệt tác do những người
thuộc nhóm Môn-Khơme làm ra. Phần lớn các hiện vật khai quật có niên
đại 500 năm trước Công nguyên - 800 năm sau Công Nguyên. Các nhà nghiên
cứu cho rằng có thể các chum này đã được sử dụng để đựng di cốt hoặc
chứa thực phẩm.
Một hang động được tìm thấy tại Cánh đồng Chum với rất nhiều xương người và tro cốt bên trong.
Riêng đối
với bà Madeleine Colani (nhà khảo cổ học người Pháp), một trong những
người sớm nhất tiến hành nghiên cứu về Cánh đồng chum đã khẳng định
trong cuốn Mégalithes du Haut-Laos (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào, năm 1935)
rằng: “những chiếc chum khổng lồ này không phải dùng để ủ rượu vì không có dấu vết nào chứng minh điều đó”.
Rất nhiều chum với muôn vàn hình dạng, dáng đứng khác nhau.
Nhiều giả thuyết khác nhau được các nhà khảo cổ
đưa ra để lý giải về nguồn gốc, vai trò của các chiếc chum ở đây... Tuy
nhiên có lẽ sức mạnh từ các minh chứng vẫn chưa đủ để đi đến một đáp án
cuối cùng về sự bí ẩn của Cánh đồng Chum.
Riêng đối với người dân nơi đây. Người ta tin
rằng: trước đây có vị vua tên là Khun Cheung, sau khi đánh bại kẻ thù
ông cho làm những cái chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo
(lao lao) để ăn mừng chiến thắng. Một truyền thuyết nữa cho rằng đây là
những chiếc chum của những người khổng lồ bỏ lại sau khi đặt chân lên
đất nước Lào.
Các thiếu nữ H’mông và trẻ em thích thú vui đùa trên những chiếc Chum tại đây.
Cánh đồng Chum đến ngày nay được coi là một trong
những địa điểm du lịch nguy hiểm nhất thế giới. Trong thời kỳ chiến
tranh, không quân Mỹ đã rải bom dày đặc khu vực này do đó số lượng lớn
bom mìn còn sót lại là rất lớn. Du khách đến đây chỉ được tham quan ở vị
trí an toàn và phải theo sự chỉ dẫn của các biển báo bom chưa nổ.
Hiện nay chỉ có 3 khu vực tại Cánh đồng Chum mở cửa cho phép tham quan là: Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua.
Cánh đồng Chum tại
Bản Ang nằm trên một ngọn đồi gió lộng, xung quanh là khu đồi trọc thưa
thớt. Đây là địa điểm nổi tiếng nhất với 334 chum.
Bản Sua, nơi cách xa thị trấn Phonsavan nhất trong 3 điểm mở cửa cho du khách tham quan của Cánh đồng Chum.
Có thể bí ẩn Cánh đồng Chum sẽ không bao giờ được
giải đáp, hoặc ít nhất thì bây giờ nó vẫn là một ẩn số lớn. Tuy nhiên có
một thực tế là chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện huyền bí về
nguồn gốc những chiếc chum chưa có hồi kết này lại càng tăng sự hấp dẫn
du khách.
Bộ VH-TT&DL nước Lào đang hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho di tích huyền thoại này.
Mỗi năm tại Cánh đồng Chum có hơn 1 triệu lượt khách du lịch tham quan, trong đó hơn 60% là người nước ngoài.
Cùng nghía thêm một vài hình ảnh độc đáo về Cánh đồng Chum này nhé các bạn.
Nếu có dịp các bạn hãy đến nước bạn Lào và ghé thăm Cánh đồng kỳ bí này nhé!