Phật giáo có những ảnh hưởng rất quan trọng trong văn hóa nhân
loại nói chung và đối với nghệ thuật tạo tượng nói riêng. Về tượng Phật, ngày
nay, tôn tượng của Đức Phật được hàng đệ tử Phật thờ phượng, lễ lạy, cúng dường
ở các ngôi chùa hay tại tư gia trên khắp năm châu, đó là điều quan trọng hàng
đầu khi người ta nhớ nghĩ đến Đức Phật, hay trong các thời khóa tu tập hàng
ngày để chuyển hóa tâm thức và cuộc sống của mình thăng hoa theo con đường thánh
thiện của Ngài chỉ dạy.
Tuy nhiên,
trong mấy trăm năm đầu sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, tôn tượng của Ngài chưa
có, vì người ta e ngại khó có thể miêu tả một cách trung thực phẩm chất toàn
thiện, toàn mỹ, toàn giác của Đức Thế Tôn, một bậc Đại đạo siêu phàm của trời
người. Vì vậy, để tưởng nhớ Đức Phật, để có thể lễ bái, hướng tâm về Ngài, nghệ
nhân đã khắc họa những biểu tượng như cây Bồ-đề, hay bánh xe pháp, hoặc dấu
chân của Ngài, v.v... tượng trưng cho sự hiện hữu của Đức Phật.
Ở Ấn Độ, còn
một số điêu khắc tượng trưng cho Đức Phật, trong đó có một phù điêu khắc trên
một trụ đá của bảo tháp tại Bharhut có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II trước
Tây lịch khắc hình ảnh bốn người lễ lạy cây Bồ-đề. Ngoài ra, có rất nhiều ngôi
bảo tháp được xây dựng, chạm trổ tinh vi để lưu giữ xá-lợi Phật và chư Thánh
tăng. Cũng không thể không nói đến những trụ đá nguyên khối nổi tiếng cao đến
15 mét khắc những lời Phật dạy do hoàng đế Ashoka cho xây dựng ở Bihar, Sanchi, Sarnath…
Riêng ở Trung
Quốc, theo truyền thuyết, vua Vu Điền nằm mộng thấy được lên Trời nghe Phật
thuyết pháp. Nhớ lại điềm lành này, ông rất xúc động, nên đã cho người vẽ lại
hình ảnh của Đức Phật theo sự miêu tả của ông để thờ phượng.
Theo các nhà
nghiên cứu, hình tượng của Đức Phật bắt đầu có vào khoảng thế kỷ thứ I trước
Tây lịch. Sau đó, hình tượng Đức Phật được phát triển và thay đổi rất nhiều tùy
theo sự cảm nhận và hình dung về Đức Phật theo từng dân tộc có khác nhau, nhưng
tựu trung thì Thánh tượng nào của Đức Thế Tôn cũng đều thể hiện tướng hảo của
Ngài.
Có thể kể một
số pho tượng Phật được coi là di sản văn hóa của nhân loại. Điển hình là những
pho tượng Phật cổ ở Afghanistan,
trong đó có hai pho tượng Phật thạch sa vĩ đại với 1.600 tuổi được khắc trong
rặng núi của thung lũng Ba-mi-gia đã từng bị quân Taliban phá hủy hoàn toàn vào
ngày 26-2-2001. Đây là một sự kiện đã gây sửng sốt đến độ bàng hoàng không
những cho riêng giới Phật giáo mà còn làm chấn động đến các cộng đồng và tổ
chức quốc tế trên khắp hành tinh này. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của các tổ chức
quốc tế cũng như của dư luận thế giới đã không kịp thời cứu vãn những pho tượng
Phật vô giá tại Afghanistan.
Nếu đến Trung
Quốc, chúng ta có thể chiêm bái pho tượng Phật cao nhất thế giới, cao 71 mét,
hơn 1.200 tuổi. Pho tượng Phật này được khắc vào mảng núi ở Lô Sơn, tỉnh Tứ
Xuyên.
Ngoài ra, một
pho tượng Phật khổng lồ 1.300 năm cũng được khám phá trên vùng núi Gyeongju, cố
đô Hàn Quốc.
Ở Nara, Nhật Bản có tượng
Tỳ Lô Giá Na bằng đồng lớn nhất thế giới do Thánh Vũ Thiên hoàng cho gom hết
đồng trong nước đúc nên.
Ở Thái Lan có
tượng Phật bằng vàng nặng đến 5 tấn.
Hiện nay, nhà
chức trách Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch xây dựng bức tượng Phật lớn nhất thế
giới tại thị trấn Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Thiết nghĩ những Thánh tượng của Đức Phật từ thời xa
xưa cho đến ngày nay hiện hữu ở khắp năm châu bốn biển đã nói lên sự tác động
mãnh liệt và sâu sắc của Pháp thân Phật vĩnh hằng bất tử. Dù tượng Phật được
làm bằng chất liệu thô sơ như đất sét, hay tranh vẽ bình thường, cho đến bằng
vật liệu hiếm quý như ngọc bích, gỗ trầm hương, hoặc đúc bằng đồng, bằng vàng
thì đối với người tín tâm, những tôn tượng Phật luôn luôn là sự hiện hữu của
Đức Thế Tôn sống thực đang ngự trị để cứu độ chúng sanh trên cõi đời này. Tượng
Phật đã, đang và mãi mãi là những biểu tượng thiêng liêng, cao quý mà nhân loại
hướng tâm đến, tôn thờ, lễ lạy để thăng hoa tri thức, đạo đức và xây dựng cho
loài người một thế giới an vui, hạnh phúc, hòa bình, thương yêu và cùng phát
triển ngay trên nhân gian này.
Trong kinh Pháp hoa, bộ kinh tối thượng
thừa đã xác định rằng dù là trẻ nhỏ nhóm cát làm tháp Phật, hay vẽ hình Phật
trên cát, cũng có nghĩa là đã gieo trồng hạt nhân quý báu sẽ dẫn đến quả vị Vô
thượng Bồ-đề trong muôn kiếp sau.