Khách xa đến thường chỉ thăm thú đền đài, lăng tẩm, chùa chiền… mấy
ai được lắng sâu trong cảm giác thi vị của các nhà vườn Huế, cổ kính, u
tịch, nơi ẩn chứa tâm hồn, cốt cách của con người Huế... “Đơn sơ mà văn
vẻ, mộc mạc mà ý vị”...
Một không gian sống thường ngày dân dã
|
Nhà vườn, một không gian sống thường ngày dân dã, gắn kết con người với
thiên nhiên. Cái rộng lớn của không gian, cái vô hạn của thời gian, tất
cả hòa quyện và được sắp xếp vén khéo, tài tình trong một nếp vườn.
Huế - một thành phố vườn, đâu đâu cũng thấy một màu xanh êm đềm của
sông, hồ, đồi núi, cỏ cây. Không ở đâu mà con người quấn quýt với thiên
nhiên đến vậy, như thể không có cây, hoa cỏ thì người ta sẽ chết.
Chẳng thế mà từ thành phố đến thôn làng, nhà nào cũng kiến tạo cho
mình một màu xanh với đủ kiểu vườn: vườn đồng bằng, vườn đồi, vườn dốc,
vườn chùa, vườn lăng, vườn rừng, vườn treo, vườn chậu, vườn lầu, vườn
di động... Mỗi vườn có một vẻ đẹp riêng, nhưng cuốn hút hơn cả, làm mê
đắm lòng người là những nhà vườn rộng do tổ tiên để lại như một thứ
hương hỏa muôn đời.
Vườn Huế không như vườn Nam bộ hay đồng bằng Bắc bộ. Vườn Huế để thư
giãn là chính, và cây trái cốt để cúng tế, cung cấp thực phẩm nuôi sống
người dân một cuộc sống không quá bon chen, đủ cho con cái ăn học nên
người. Qua cốt cách đó, cái vườn và cái nhà cậy nhờ nhau, lan tỏa trong
nhau tạo nên nét hài hòa đến kỳ diệu.
Nhà vườn Huế là một sự phối hợp có dụng ý giữa kiến trúc nhà và
vườn, nhìn vào thấy được quan niệm, tính cách sống. Người khá giả thì
nhà rường bằng gỗ quý, chạm khắc cầu kỳ. Người bình dân thì căn nhà gỗ
tuềnh toàng hơn, có khi là mái tranh đơn sơ, nhưng cấu trúc vẫn vậy,
chí ít cũng có hàng cây bờ rào, căn nhà chính thường nằm ở giữa vườn.
Gắn kết con người với thiên nhiên...
|
Có thể nói rằng, mỗi chủ nhân là một nghệ nhân, một nghệ sĩ vẽ nên vô
vàn những bức tranh lên nơi trú ngụ của mình, để rồi qua năm tháng nó
dày lên nét rong rêu mà lúc nào nhìn vào vẫn thấy tinh khôi.
Sự phối hợp giữa kiến trúc chính, phụ, vườn cây khóm hoa, vạt cỏ,
hòn non bộ, cổng ngõ, bình phong, bể cạn… đều có ý tưởng của chủ nhân
dựa trên thuyết phong thủy - một thuyết chủ đạo trong thiết kế, xây
dựng nhà của người Huế.
Hầu hết những ngôi nhà cổ (nhà để ở) của Huế đều quay mặt về hướng
Nam, không chịu ánh nắng trực tiếp nên mát mẻ về mùa hè và ấm áp vào
mùa đông. Những ngôi nhà quay về hướng Tây thường để thờ phụng (mặt
trời lặn đằng Tây là thế giới bên kia).
Nhà Huế thường kiến trúc một, ba hoặc năm gian hai chái, mái lợp
ngói liệt. Gian giữa là bàn thờ gia tiên. Các gian hai bên là nơi ở của
vợ chồng chủ nhân, con cháu của họ và là nơi tiếp khách. Nhà chính và
nhà phụ nối liền nhau bởi một hành lang có mái che thuận tiện trong
sinh hoạt, mỗi khi kỵ giỗ đưa các món cúng lên bàn thờ không bị ướt.
Trước nhà bao giờ cũng có một chiếc cổng nhỏ.
Nhà quý tộc cổng gạch bờ rào cao, nhà thường thường bậc trung cũng
có hàng chè tàu. Người khá giả thì cổng ngõ có mái, hoặc những loại dây
leo, chè tàu được cắt tỉa gọn gàng nối hai trụ thành hình vòm thay mái.
Có nhà còn xây trụ gạch và bên trên làm mái dạng cổ lầu tạo sự bề
thế cho khu nhà vườn, cũng là nơi cho người qua đường dừng chân tránh
nắng hay những cơn mưa bất chợt. Lối đi không bao giờ trực diện vào nhà
chính, vì đây nhà gian nhà thiêng liêng dành để thờ phụng tổ tiên, tạo
một cảm giác nề nếp gia phong.
Che cho lối đi là tấm bình phong, người vào nhà phải rẽ hướng khác
để vào sân nhà. Sau bình phong bằng vôi, gạch, hay hàng chè tàu, bông
cẩn là hòn non bộ và bể cạn - yếu tố thủy (minh đường). Cả một vũ trụ
thu nhỏ với sơn thủy hữu tình ấy là một cấu trúc hoang dã theo quan
niệm triết lý hướng nội.
Có thể nói nhà vườn Huế đạt đến sự tinh tế giữa kiến trúc nhà và vườn
|
Nhà vườn Huế là một loại vườn tạp, chủ nhân trồng những cây, hoa phục
vụ đời sống thanh đạm và thư giãn tinh thần, chỉ để tri túc, tiện túc,
cây trái dùng phục vụ cúng bái, cây hương liệu như rau thơm, hành ngò,
dược liệu như gừng, nghệ, đinh lăng…
Phía trước thì trồng những cây cho hoa có hương, sắc, quý và thân
thiện, tiện chăm sóc, bảo vệ như hoàng mai, bạch mai, hải đường, ngọc
lan, vạn thọ, tường vy, mẫu đơn, phong lan… Hai bên và phía sau trồng
cây lưu niên cần sự chăm sóc hoặc dễ trồng như chuối, chè xanh, trầu,
cau, thanh trà… bốn mùa đều cho hoa trái.
Tầng dưới cùng là đất của hàng chục loài rau dại làm nên món canh
“tập tàng” dân dã, ngon lành, bổ dưỡng như lá lốt, rau sam, rau khoai,
rau má, rau dền, mồng tơi… và còn thêm những dàn bầu, bí, mướp, các
luống cải, ngò…
Những vườn đẹp của Huế được hình thành ven bờ sông Hương như Long
Hồ, Ngọc Hồ, Hương Long, Kim Long, Nguyệt Biều, Lương Quán, Dương Xuân,
Vỹ Dạ, Bao Vinh…, Phước Tích (xuôi ven sông Ô Lâu). Một số nhà vườn đẹp
nổi tiếng là An Hiên, Ngọc Sơn Công Chúa Từ, Lạc Tịnh Viên…
May mắn thay, dù đang trong cơn lốc đô thị hóa, thành phố Huế hầu
như nhà nào cũng có vườn cũng như cố gắng giữ vườn. Mỗi khi có việc đi
đâu xa, lúc trở về ngôi nhà vườn bình yên, thấy lòng nhẹ thênh. Đi để
nhớ, ở để thương, có phải?
Theo TTDL