06/06/2011 20:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 2789
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TTCT - Từ nhiều năm nay, họa sĩ Quách Đông Phương theo đuổi một đam mê: chụp ảnh những chiếc cổng làng ở Hà Nội và các vùng lân cận. Trong bộ ảnh của anh về cổng làng, cổng ngõ, cổng đình, cổng nhà... có tới hơn 700 bức là cổng làng cổ (*).


Rất nhiều cổng làng xưa cũ ấy giờ chỉ còn thấy trong những bức ảnh của Quách Đông Phương.

Cổng làng Cự Đà (vẫn còn) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong ngôi nhà riêng ở phố Sơn Tây, khác hẳn những ngôi nhà liền kề bởi chiếc cổng nhà phảng phất hình ảnh làng quê Bắc bộ, họa sĩ Quách Đông Phương kể:

“Ngày trước, tôi công tác ở một đơn vị xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ nên phải liên tục tới các làng nghề, từ làng Yên Thái, Gia Lâm (Hà Nội)... đến Đình Bảng (Bắc Ninh), Mộ Trạch (Hải Dương)... Lúc đó tôi đã tự hỏi: liệu một vài năm nữa khi mình quay lại, những cổng làng cổ kính và đẹp đẽ ấy chỉ còn là một ảo ảnh của quá khứ xa vời? Khi tôi bắt đầu chụp cổng làng từ những năm 1990, nhiều cổng làng đã dần mất đi. Vậy là cố gắng đi thật nhiều, chụp thật nhiều để lưu giữ...

Trong tiểu thuyết Quê nhà, tôi đã viết về cổng làng mình với bao yêu thương. Làng quê có cổng ngõ, cổng đình, cổng chùa, cổng đền và cổng làng, trong đó cổng làng là tiêu biểu, là hình ảnh đẹp nhất trước khi vào làng. Cổng làng ở đồng bằng sông Hồng hay ở VN nói chung là một nét văn hóa rất thú vị. Chỉ là cái cổng nhưng nghĩ kỹ ra lại là nét đẹp của phong tục, của truyền thống...

Nhà văn TÔ HOÀI

Cái cổng làng vô tri vô giác, tồn tại quá lâu và quá quen thuộc khiến nhiều người quên nó là một sản phẩm độc đáo của kiến trúc cổ VN. Cổng làng được xây dựng ở đầu làng chính là sự giới thiệu với khách thập phương về lai lịch, nét đặc trưng của làng: làng nghề chạm bạc, làng nghề làm giò chả, làng nghề mây tre đan, làng có nhiều người đỗ đạt... Làng nào cũng có cổng, nhiều là bốn cổng theo bốn hướng đông - tây - nam - bắc, ít cũng hai cổng, cổng tiền và cổng hậu. Kiến trúc của từng cổng làng đều khác nhau, có cổng làng to như cổng thành, lại có cổng làng nhỏ bé bình dị, có cổng xây bằng đá ong, có cổng bằng gạch... Ở chốn quê nghèo, cổng làng mộc mạc; làng khá giả thì cổng bề thế, rồng chầu hổ phục... Làng nào có nhiều người đỗ đạt, làm quan thường được quyền xây cổng lớn, chạm trổ câu đối văn vẻ chữ nghĩa. Danh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng.

Cổng làng không chỉ tồn tại và gắn bó với cuộc đời nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Cổng tiền của làng luôn được xây dựng theo hướng đông nam, hướng mặt trời mọc để đón những điều tốt lành nên người nông dân đi qua cổng tiền để ra đồng mỗi ngày. Còn cổng hậu hướng về phía tây mặt trời lặn, khi có ma chay dân làng tiễn đưa những buồn đau qua cánh cổng đó. Một số cổng làng tại Hà Nội như ở làng Ước Lễ, làng Sơn Đồng hoặc ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh) vẫn còn giữ được hình ảnh con chó đá mà theo tín ngưỡng dân gian sẽ giúp canh giữ phần âm, không cho ma quỷ xâm nhập làng.

Ăn nên làm ra người dân cũng nghĩ đến cổng làng. Có lẽ không phải người Hà Nội nào cũng biết làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai) có cổng làng kiên cố được xây dựng từ thời vua Gia Long bằng tiền quyên góp của nhiều gia đình sống khấm khá với nghề làm giò chả truyền thống ở Hà thành. Hay làng Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) vốn có truyền thống thi cử, nhiều người làng đỗ đạt làm quan đã góp công góp của xây cổng làng.

Trước đây nhiều dân làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai) từng là những nhà kinh doanh có tiếng ở 36 phố phường Hà Nội, rồi họ tỏa đi tứ xứ. Đến nay những dấu tích của họ để lại chính là những chiếc cổng làng. “Lệ làng, phép nước”, ở cổng làng Cự Đà nay vẫn còn từ “hạ mã” cho biết ngày xưa bất kỳ ai vào làng, dù là quan lại đi nữa, đều phải xuống ngựa ở cổng làng - một cách bày tỏ sự tôn trọng không gian cư trú phía sau cổng làng.

Họa sĩ Quách Đông Phương - Ảnh nhân vật cung cấp

Đáng buồn là trong số 700 cổng làng tôi chụp được những năm qua đến bây giờ chẳng còn tồn tại được non nửa. Nhiều cổng cũ xuống cấp nặng nề do thời gian, đã bị phá đi để thay bằng cổng mới. Nhiều cổng bị cho là cản trở giao thông, ôtô, xe công nông không qua lại được nên người ta thẳng tay phá bỏ... Nhiều làng ven đô trước đây có cổng, khi đô thị hóa đất đai có giá cao, cổng làng gần như hoàn toàn biến mất: làng Cót, Triều Khúc, Lủ, Nghĩa Đô, An Phú... Đi dọc đê sông Đuống mới thấy nhiều cổng làng cổ cũng bị phá mất rồi. Đáng sợ nhất là nét đẹp cổ xưa phải nhường chỗ cho sự bôi bẩn vô lối. Có cổng làng mới xây còn đắp cả ảnh vịnh Hạ Long, dựng tượng Tam Đa, lập hòm công đức, treo biển đồng như cổng nhà kẻ trọc phú.

Cũng còn một số cổng làng cổ tồn tại khá nguyên vẹn ở Hà Nội như Đông Ngạc, Đường Lâm, Dương Xá, Yên Thái, Cự Đà, Chèm, Vẽ... nhưng không gian làng không còn, cổng làng bị chèn giữa những dãy nhà cao tầng. Ngày xưa đường làng là đường gạch, bây giờ đường bêtông, nhà xây to, cổng làng trở nên bé nhỏ đến tội nghiệp!

Có người cho rằng cổng làng Bắc bộ bị phá đi như một điều tất yếu, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc một nét văn hóa đang bị hủy hoại...”.

Cổng làng Ước Lễ (vẫn còn)

Cổng làng Dương Xá (đã được làm mới, cây đa bên trái đã bị đốn)

Cổng làng Đông Ngạc (vẫn còn)

Cổng làng Cót (đã mất)

Cổng làng bỏ hoang trên đê sông Đuống

Cổng làng Phú Thượng (đã mất)

Cổng làng Kim Giang (đã mất)

NGA LINH ghi

__________

(*) Họa sĩ Quách Đông Phương đã trưng bày ảnh cổng làng tại hai triển lãm ảnh vào năm 2000 và 2004.

Nguon: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/404665/Cong-lang-da-mat.html


Âm lịch

Ảnh đẹp