-
Tâm lý học Phật giáo
-
---o0o---
PHẦN II - TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
II.1. CHƯƠNG 1: VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
* * *
Sự hình thành
và phát triển tâm lý học Phật giáo
Sự hình thành và phát triển tâm lý học
Phật giáo là một quá trình vừa diễn dịch vừa xây dựng kéo dài suốt hàng
thế kỷ trong lịch sử truyền thừa Phật giáo kể từ thời Đức Phật. Ở đây,
diễn dịch là sự diễn đạt bản ý của Phật và xây dựng là sự kiến lập thành
hệ thống đặc thù của các vị Tổ sư, và luận sư Phật giáo trên cơ sở phù hợp
với những giáo huấn của Phật. Do đó, có thể phân chia các giai đoạn về sự
hình thành và phát triển của tâm lý học Phật giáo như sau:
1- Thời kỳ Đức Phật (563-463 B.C) và
Phật giáo Nguyên thủy
- Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) là
thời kỳ Đức Phật còn tại thế đến sau khi Ngài diệt độ khoảng 100 năm, như
vậy thời kỳ này chỉ kéo dài từ 150 đến 200 năm.
Trong thời kỳ này, những giáo lý của Phật
được xác định cụ thể trong giáo thuyết về 12 Nhân duyên hay Duyên khởi
(Paticcasamupàda), 5 uẩn (Skandhas) và 4 Thánh đế (Cattàriàriyasaccàni)
(bao gồm 37 phần hộ đạo hay Đạo đế).
Do đó, đứng về góc độ triết học và tư
tưởng, thì nội dung Phật giáo hàm chứa trọn vẹn trong 12 nhân duyên, 5 uẩn
và 4 Thánh đế, bao gồm cả hai mặt nhận thức và hành động (tu tập), thế
gian và xuất thế gian. Nói khác đi, 12 nhân duyên, 5 uẩn và 4 Thánh đế
được biểu thị cả hai mặt phương tiện và cứu cánh, hay tương đối và tuyệt
đối trên cùng một thực tại-hiện hữu. Đây là nền tảng của cả tư tưởng triết
học và đời sống thực tiễn - Phật giáo.
Về nội dung của những giáo lý trên, Đức
Phật trình bày về con người và thế giới thực tại khách quan theo nguyên lý
Trung đạo (Majjhimà - patipadà) bất khả phân ly giữa Danh (tâm lý) và Sắc
(vật lý), hay giữa Chân lý công ước (Conventional truth) và Chân lý tuyệt
đối (Absolute truth). Nguyên lý này được Nagarjuna, qua "Trung quán luận"
(Màdhyamikasàstra) gọi là nguyên lý Nhị đế hay Bất nhị (Advaya). Đây cũng
là nguyên tắc thuyết giáo mà Đức Phật đã vận dụng trong suốt cuộc đời hành
đạo của Ngài.
Đặc biệt trong giáo lý 12 nhân duyên, Đức
Phật trình bày về con người như một tiến trình hiện hữu (process of
becoming) của vòng tròn sinh hóa của cả tâm lý và vật lý qua hình thức
của:
1/ Vô minh (Ignorance): Sự mê muội, bất
giác và cuồng si của tâm thức.
2/ Hành (Karma-formations): Cơ cấu của
các hoạt động tâm lý.
3/ Thức (Consciousness): Tri giác - hiện
hữu (thức không thể hiện hữu ở quá khứ và vị lai).
4/ Danh - sắc (Corporeality and
mentality): Danh là những gì thuộc về tâm lý, sắc thuộc về vật lý (vật
chất).
5/ Lục nhập (Six bases): sự tương tác và
hội nhập giữa 6 quan năng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức) với 6
đặc trưng của thế giới thực tại khác quan (6 trần) bao gồm: sắc (vật
chất), thanh (âm thanh), hương (hương thơm), vị (mùi vị), xúc (xúc giác,
xúc chạm) và pháp (tất cả sự có mặt của thế giới thực tại khách quan của
sự vật, hiện tượng).
6/ Xúc (impression): sự giao thoa giữa
ba thế giới: (a): các quan năng hay "căn" (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và
ý thức - thuộc chủ thể nhận thức). (b): Các đối tượng của quan năng hay
"trần" (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp - thuộc đối tượng được nhận
thức) và (c): sự sinh khởi của tri giác hay nhận thức thông qua sự giao
tiếp giữa chủ thể nhận thức (các quan năng) và đối tượng được nhận thức
(các trần cảnh - tức thế giới thực tại, khách quan) hay còn gọi là
"thức" (bao gồm: tai-nghe, mắt-thấy, mũi-ngửi, lưỡi-nếm, thân-cảm giác,
và ý thức- nhận biết hay lĩnh hội).
7/ Thọ (feeling): sự cảm nhận, cảm thọ
về vui (lạc), buồn (khổ) và trung tính (không khổ, không lạc).
8/ Ái (Craving): sự yêu thích và đam
mê...
9/ Thủ (Clinging): sự lưu luyến, bám
víu, cố chấp ...
10/ Hữu (Process of becoming): sự hiện
hữu của tiến trình "sinh tồn" trong tương quan giữa chủ thể và đối
tượng, giữa vật lý và tâm lý... theo một trong ba thể cách và trạng thái
của tâm lý, bao gồm: (a) Dục hữu (hiện hữu từ / về dục vọng, khát vọng,
ái dục, dục tính...), (b) Sắc hữu (hiện hữu từ / về thế giới sắc tướng,
vật chất, vật lý, (duy lý)...) và , (c) Vô sắc hữu (hiện hữu từ / về thế
giới phi vật thể, phi vật chất, (duy linh, phi tưởng)...)
11/ Sinh (Birth): sự sinh thành, giáng
sinh, xuất sinh...
12/ Lão - tử (Old age - and - death): sự
già nua, tử biệt hay biến dị và tan hoại....
Trên đây là nội dung của 12 chi phần nhân
duyên, và, khi một chi phần (như vô minh) hiện khởi thì toàn bộ 12 nhân
duyên cùng khởi - đây là con đường duyên khởi (hay lưu chuyển). Ngược lại,
khi một chi phần (như vô minh) đoạn diệt thì toàn bộ 12 nhân duyên đoạn
diệt. Đây là con đường hoàn diệt hay còn gọi là Diệt đế (Nirodha -
àriyasacca) - Niết bàn. Tuy nhiên, Niết bàn không có nghĩa là tiêu tan tất
cả, mà trên cơ sở cơ bản nhất, đó là sự đoạn diệt tham, sân, si hay là vô
minh. Đức Phật chứng đắc Niết bàn tối thượng ngay khi Ngài còn sống !
Như thế, qua nội dung của 12 nhân duyên,
ta có thể xác định thế nào là tâm lý học Phật giáo thời Nguyên thủy.
Nó quan trọng đến nỗi Đức Phật, trong
Tương Ưng I, tuyên bố rằng: "Nếu không liễu tri (biết rõ) về năm uẩn hay
12 nhân duyên, thì không thể thoát ly sinh tử luân hồi". Ở đây, năm uẩn
bao gồm: sắc, thọ tưởng, hành, và thức. Nó tương tự như 12 nhân duyên:
12 nhân duyên = Năm uẩn
Vô minh và hành = Hành uẩn
Thức = Thức uẩn
Danh sắc = Năm uẩn
Thọ = Thọ uẩn
Ái, thủ, hữu = Hành uẩn
Sinh, lão-tử = Năm uẩn
Như thế hệ thống tâm lý giáo dục Phật giáo
thời nguyên thủy được Đức Phật trình bày rất cụ thể và rõ ràng qua giáo lý
12 nhân duyên và 5 uẩn theo nguyên tắc của 4 Thánh đế (Khổ đế [kết quả],
Tập đế [nguyên nhân], Diệt đế [kết quả] và Đạo đế [nguyên nhân]). Đây là
phần trọng tâm của giáo lý đạo Phật, cũng là phần giáo lý nhất quán và
xuyên suốt cả lịch trình tư tưởng Phật giáo, từ Nam truyền đến Bắc truyền,
từ nguyên thủy cho đến ngày nay với khoảng thời gian hơn 25 thế kỷ qua.
2- Thời kỳ Phật giáo Abhidhamma (271
B.C - 200 AD)
Phật giáo Abhidhamma (luận thư) là thời kỳ
Phật giáo được phân chia theo nhiều hệ thống, bộ phái khác nhau. Theo
nhiều nguồn sử liệu, thời kỳ này Phật giáo được phân thành 20 bộ phái, và
đại biểu chính thức là Thượng tọa bộ (Sthaviravada) và Đại chúng bộ
(Màhasànghika). Sự phân hóa này diễn ra song song với các thời kỳ kết tập
kinh tạng Phật giáo. Có 4 thời kỳ chính như sau:
a) Lần thứ I:
Sau Phật diệt độ khoảng một tuần, đại hội kết tập này do ngài Đại Ca Diếp
(Maha-Kacyapa) làm chủ tọa, đại biểu gồm có 500 vị A La Hán, tập hội tại
thành Vương Xá (Ràjagaha), kinh đô nước M Kiệt Đà (Magadha)
b) Lần thứ II:
Sau Phật diệt độ 100 năm, đại hội kết tập này do các ngài Revata,
Sàmbhùta, Yasa Sumana, Khùjjasobhita, Sàlha, Vàsabhagàmi, và Sabhakàmi làm
chủ tọa đoàn, đại biểu gồm có 700 vị A La Hán, tập hội tại thành phố
Tỳ-xá-lỵ (Vesali). Tại đại hội này, giáo đoàn Phật giáo chính thức được
chia thành hai bộ: Thượng tọa bộ và Đại Chúng Bộ (sau đó, từ hai bộ này
tiếp tục phát sinh ra 20 tiểu bộ).
c) Lần thứ III:
Sau Phật diệt độ 218 năm (khoảng năm 325 trước Tây lịch), đại hội kết tập
này do vua Asoka tổ chức và tài trợ. Vua mời ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu
(Moggaliputa-tissa) tại núi Ahogànga làm chủ tịch hội nghị. Đại biểu gồm
có 1000 vị Tăng sĩ được tuyển chọn, và tập hội tại thành Hoa Thị
(Pataliputra).
d) Lần thứ IV:
Sau Phật diệt độ 400 năm (khoảng đầu thế kỷ thứ II Tây lịch), đại hội kết
tập này do vua Kaniska tổ chức và tài trợ, cùng với sự cộng tác của ngài
Hiếp Tôn Giả (Parsva). Đại hội này do ngài Thế Hữu (Vasumitra) làm chủ
tịch, chủ tọa đoàn gồm các vị Đại đức Dharmatràta, Ghosa, Baddhadeva, và
Parsva. Đại biểu gồm 500 vị đại học giả uyên bác, thông đạt cả tam tạng.
Đại hội được tổ chức tại tinh xá Hoàn Lâm (Kundalavana-Samgharàma) thuộc
nước Kasmitra.
Nguyên nhân của sự kết tập kinh điển và
phân hóa giáo đoàn thành các bộ phái là do quan điểm bất đồng, sai biệt về
giáo lý của Phật trong sự nhận thức của các vị đệ tử. (40)
Về khái niệm Phật giáo Abhidhamma
(A-tỳ-đạt-ma) hay Phật giáo Luận thư, là do các bộ phái Phật giáo có những
quan điểm khác nhau về giáo lý của Phật. Và những quan điểm đó được trình
bày thành hệ thống triết luận tư tưởng riêng biệt của từng bộ phái. Do đó,
đây là thời kỳ phát sinh các Luận thư - sự giải minh về giáo lý của Phật
theo quan điểm của các vị minh triết Phật giáo cách thời Đức Phật một
khoảng thời gian lâu dài, nên gọi là Phật giáo Abhidhamma.
Về sự hình thành và phát triển của Phật
giáo Luận thư được học giả Kimura Taiken (41) ghi nhận như sau:
"A-tỳ-đạt-ma, tức là mục đích "đối pháp", có nhiệm vụ tập hợp các pháp
nghĩa (của Phật) lại, rồi đem phân loại, định nghĩa, giải thích và phân
biệt. Như vậy, các phương pháp nghiên cứu đó dù cho không có sự hưng khởi
của bộ phái, nó cũng có khả năng phát sinh. Không những thế, chính trong
khi áp dụng phương pháp nghiên cứu đó, tự nhiên đã đưa đến sự bất đồng ý
kiến làm nguyên nhân cho sự phân phái".
Và Kimura Taiken trình bày về hướng phát
triển của Phật giáo Luận thư, có thể tóm tắt như sau:
a) Nguồn gốc và sự hình thành.
Luận thư, trước hết, phát sinh từ những lời giáo huấn rõ ràng, trong
sáng, rất minh bạch, dung dị... của Phật và đời sống minh triết, thánh
thiện của Ngài. Luận thư lúc đầu vốn được xem là phương pháp nghiên cứu
giáo huấn của Phật, do đó, đối tượng nghiên cứu là kinh - hay lời dạy được
nói ra bởi chính Đức Phật. Ở đây, Luận thư không có địa vị độc lập mà hoàn
toàn phụ thuộc vào kinh. Luận thư có thể được xem như là kinh được diễn
đạt rộng bởi các vị đệ tử của Phật. Tuy nhiên, về mặt lịch sử kết tập, thì
chỉ có Kinh và Luật là rõ ràng, còn Luận thư thì ít được đề cập đến, chỉ
có cá nhân san định hoặc trứ tác.
b) Sự phát triển. Theo đánh
giá của Kimura Taiken (42), có thể chia sự định hình của Luận thư
Abhidhamma qua bốn giai đoạn:
* Giai đoạn kết tập:
là giai đoạn luận thư hóa kinh (giáo huấn của Phật) qua phương pháp biên
tập thời đó của Giáo hội, chẳng hạn như bộ Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm,
v.v... Nói chung, ở giai đoạn kết tập, thì Luận thư vẫn giữ hình thức của
khế kinh.
* Giai đoạn giải minh giáo huấn của Phật:
Giai đoạn này Luận thư không còn ở
hình thức khế kinh nữa, mà đã chuyển sang định nghĩa, phân loại, phân biệt
và chú giải giáo huấn của Phật. Lúc này, khế kinh chỉ đóng vai trò bối
cảnh, tuy nhiên, Luận thư vẫn chưa độc lập bởi những kiến giải
(deconstructions) mới, mà chỉ tập chú vào nội dung như đã được nói trong
khế kinh.
* Giai đoạn độc lập hóa:
Giai đoạn này, Luận thư đã rời bỏ khế kinh,
không còn thảo luận về những lời giáo huấn của Phật một cách riêng lẻ nữa,
mà đã đi sâu vào thể tài độc lập, lấy các đề mục của kinh làm chủ đề và
phân tích, biện giải, giải minh theo qui tắc của Luận thư (nghiên cứu và
phân tích văn bản). Đây là lý do phát sinh nhiều quan điểm, nhiều luận
giải độc đặc, đa thù theo tính cách và chủ trương của mỗi bộ phái.
* Giai đoạn học thuyết hóa:
Đó là giai đoạn toát yếu hóa và cương yếu hóa
về những luận giải của Luận thư, làm cho chủ trương của mỗi bộ phái rõ
ràng, minh bạch, và mỗi bộ phái thì có những học thuyết riêng - như "Thắng
pháp tập yếu luận" của Anuttara, "Câu xá luận" của Vasubandhu v.v... Giai
đoạn này diễn ra khoảng thế kỷ thứ II, thứ III sau Tây lịch, cũng là thời
kỳ các bộ phái Hinayàna được thành lập.
c) Phương pháp xử lý của Luận thư:
Lúc đầu, Luận thư là sự tập hợp các câu
kinh và các giải thích về các câu kinh đó. Ở thời điểm này, kinh (lời dạy
cụ thể của Đức Phật) được xem là chứng lý tối thượng và tuyệt đối của Luận
thư. Tuy nhiên, Luận thư không chỉ được dừng lại ở đó mà nó còn đi xa hơn
nữa là giải minh toàn bộ tư tưởng được hàm chứa trong một hoặc nhiều câu
kinh cụ thể. Do đó, phương pháp xử lý này đưa đến sự đi sâu vào phê phán
hoặc phân tích, đánh giá, thẩm định... về nội dung của kinh. Sự kiện này
một mặt vừa làm cho kinh trở nên phong phú, nhưng mặt khác có lúc nó cũng
đi quá đà và thoát ly hẳn ý kinh. Đây là lý do "Luận đại tỳ bà sa"
(Abhidhamma - màhavibhàsà - sàstra) quyển 51 của Hữu Bộ nói rằng: "Kẻ nào
chấp chặt vào từ lời kinh mà không thông đạt được chân lý của nó thì gọi
là trư văn Sa môn (kẻ chấp vào văn tự)". (43) (xem tóm tắt một số nội dung
của luận thư ở phần sau).
3- Thời kỳ Phật giáo Mahayama (Đại
thừa)
Sau Phật diệt độ khoảng 800 năm, tức vào
khoảng thế kỷ thứ III Tây lịch, có các bậc Đại luận sư như ngài Nagarjuna
(Long Thọ), Nàgasena (Na Tiên), Vasumitra (Thế Hữu) và Asvaghosa (Mã Minh)
v.v... ra đời; và đây là những gương mặt vĩ đại phát huy giáo nghĩa
Mahayana (Đại thừa) trong lịch sử tư tưởng, triết học Phật giáo. Đến
khoảng cuối thế kỷ thứ IV Tây lịch, có ngài Asanga (Vô Trước) và
Vasubandhu (Thế Thân). Đây là hai vị Đại luận sư (anh em ruột) tiêu biểu
cho dòng triết học Duy thức - tức tâm lý học Phật giáo - Mahayàna.
Đặc điểm của thời kỳ này là sự ra đời của
hàng loạt các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn
v.v... cũng như các bộ Luận thư trứ danh như: "Du già sư địa luận"
(Yogàcarya-bhùmi-sàstra), "Nhiếp Đại thừa luận"
(Mahàyànasampari-graha-sàstra), "Duy thức tam thập tụng luận"
(Vidyàmàtrasiddhi-tridasa-sàstra-kàrika) v.v...
Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản của Phật
giáo Mahayana và thời kỳ Hinayana (bao gồm thời kỳ Abhidhamma) là các luận
thư và kinh tạng của Phật giáo Mahayana hoàn toàn không mâu thuẫn, khác
biệt nhau về nội dung giáo lý. Sự giống nhau về ý nghĩa (hay bản ý của
Phật) trong kinh tạng và luận thư của Mahayana là điểm độc đáo và rất sáng
tạo của các nhà Đại thừa (Mahayanists).
Ở đây, cần ghi nhận rằng, tính chất cơ bản
trong nội dung giáo lý như được trình bày trong các hệ thống kinh tạng và
luận thư của Phật giáo Mahayana cũng là những gì được hàm chứa trong nội
dung giáo lý của Phật giáo thời Nguyên thủy (Theravada), hay nói cụ thể là
trong kinh tạng Nikaya và A Hàm; đây là điểm nhất quán và xuyên suốt trong
hệ thống tư tưởng Phật giáo. Và điểm khác biệt duy nhất của tạng thư
Mahayana so với tạng thư của Theravada là cách trình bày và sự mở rộng ý
nghĩa về Phật, Pháp và Tăng theo quan điểm phóng khoáng và đa thù giữa
chân đế và tục đế; cả hai xuất hiện như một tổng thể bất khả phân ly. Do
đó, ở tạng - thư của Mahayana không có sự chống trái về mặt nội dung tư
tưởng.
Một điểm đặc sắc khác được phô diễn trong
tạng-thư của Mahayana là giữa kinh tạng và luận thư bổ sung cho nhau và
cùng tập chú về một thế giới tâm lý của cả sự thanh tịnh và cấu uế. Điều
này được cụ thể qua các học thuyết trung tâm của kinh tạng và luận thư. Tỉ
dụ, kinh Bát Nhã lấy "Vọng tâm Duyên khởi" làm tiền đề đi vào hiện quán,
kinh Hoa Nghiêm thì lấy "Thanh tịnh tâm duyên khởi" làm tiền đề, Duy thức
học thì đi trực tiếp và bao quát các vấn đề về tâm lý v.v... Sự bổ sung và
cùng chuyên chú vào thế giới của TÂM trong kinh tạng và luận thư Mahayana
này cho thấy tính chất phong phú và đa dạng về hệ thống phân tích tâm lý
học Phật giáo trong tư tưởng Mahayana.
4- Sự tập thành của Luận thư
(Abhidhamma)
Như đã trình bày, luận thư Phật giáo ra
đời song song với quá trình kết tập kinh tạng và phân hóa giáo đoàn. Tuy
nhiên, vào thời kỳ kết tập lần thứ nhất, luận thư chưa xuất hiện. Đến thời
kỳ kết tập lần thứ hai, luận thư đã xuất hiện nhưng chưa độc lập thành một
hệ thống riêng biệt, còn tùy thuộc nhiều về kinh tạng. Cho đến khi Thượng
tọa bộ chính thức ra đời, thì luận thư mới thực sự được thành lập thành
một tạng riêng biệt (trong ba tạng Kinh - Luật - và Luận) của Phật giáo.
Về luận thư của Phật giáo Hinayana, có thể
tóm tắt một số luận thư nổi tiếng của Thượng Tọa bộ như sau:
a) Nhân thi thiết túc luận
(Abhidhamma-prajnàtipada-sàstra) gồm 18.000 bài tụng do ngài Ca Chiên
Diên sáng tạo.
b) Giới thân túc luận (Abhidhamma-harma-dhàtukàyapada-sàstra) gồm 3
quyển do ngài Thế Hữu biên soạn.
c) Phát trí luận (Abhidhamma-jnànaprasthàna-sàstra) gồm 20 quyển, do
ngài Ca Đa Diễn Ni Tử (44) sáng tác. Đây là bộ luận nền tảng của Thượng
Tọa bộ.
d) Tập dị môn túc luận (Abhidhamma-sanjitiparyàpàdà-sastra) gồm 20
quyển, do ngài Xá Lợi Phất chế tác (trong lúc Đức Phật còn tại thế?)
e) Uẩn túc luận (Abhidhamma-dharma-skandhapàda-sàstra) gồm 12 quyển, do
ngài Mục Kiền Liên sáng tác.
f) Phẩm loại túc luận (Abhidhamma prakadanapàda-sàstra) gồm 18 quyển, do
ngài Thế Hữu biên soạn.
g) Thân túc luận (Abhidhamma-Vijnànakàyapàda-sàstra) gồm 16 quyển, do
ngài Devasarman dịch, khoảng sau Phật diệt độ 100 năm.
Đến thời vua Kaniska, các học giả Hữu bộ
lại chế tác lại giáo nghĩa của "Phát trí luận" dưới nhan đề "Đại tỳ bà sa
luận" (Abhidhamma -mahàvibhàsà -sàstra) gồm 200 quyển.
Và bộ "Đại tỳ bà sa luận" được xem như là
nền tảng giáo lý của Hữu bộ. Nhưng đến thời đại ngài Nàgàrjuna (khoảng đầu
thế kỷ thứ III. Tây lịch, tức sau Phật diệt độ hơn 700 năm), thì bộ luận
này bị phản ứng bởi tư tưởng của ngài Nàgarjuna, Deva và Ràhula-bhadra.
Trước viễn cảnh đó, Hữu bộ nỗ lực củng cố tư tưởng và học thuyết của mình
bằng cách biên soạn lại một số luận thư để làm căn bản cho giáo nghĩa của
Hữu bộ, thay cho luận thư Đại tỳ bà sa. Gồm có:
- Đề bà sa luận (14 quyển) do ngài
Sitapàni soạn.
- A tỳ đàm tâm luận (4 quyển) do ngài Dharmasri soạn. (45)
- A tỳ đàm tâm luận kinh (Abhidhamma-hrdaya-sastra-sutra) (6 quyển) do
ngài Upasànta sáng tác.
- A tỳ đàm tâm luận (11 quyển) do ngài Dharmaràta trứ tác. (46)
Đến khoảng thế kỷ thứ V. TL, lại có các bộ
luận như:
- Nhập A tỳ đạt ma luận
(Abhidhammavatàrasastra) (2 quyển) do ngài Skandila trứ tác.
- A tỳ đạt ma câu xá luận (Abhidhamma-kosa-sastra) (30 quyển) do ngài
Vasubandhu trứ tác.
- A tỳ đạt ma thuận chính lý luận (Abhidhamma Samayapradìpika-sastra- 80
quyển) và bộ A tỳ đạt ma hiển tôn luận (Abhidhamma
Samayapradìpika-sastra- 4 quyển). Hai bộ này do ngài Samghabhadra biên
soạn với mục đích phê bình "Câu xá luận" của ngài Vasubandhu. Tuy nhiên,
"Câu xá luận" đã chiếm ưu thế và được tôn vinh một thời. (xem phần tóm
tắt Câu xá ở sau).
* Về luận thư của Phật giáo Mahayana
Như đã trình bày, trong hệ thống luận thư
của Mahayana tuyệt nhiên không có sự phê phán, phê bình hay chống trái lẫn
nhau, mà chỉ có sự mở rộng và bổ sung cho nhau. Do đó, về luận thư, có thể
tóm tắt các trứ tác, biên soạn theo mỗi tác giả như sau:
Các luận thư Phật giáo thuộc hệ thống
Hinayana và Mahayna:
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Vasumitra:
1/ Dị bộ tôn luân luận (1 quyển) do
Huyền Tráng dịch.
2/ Tôn Bà Tu Mật Bồ Tát sở tập luận (10 quyển).
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Asvaghosa:
1/ Đại tôn địa huyền võ bản luận
(Màhayana bhùmigukya- vàcàmula-sutra- 20 quyển), do ngài Paramàrtha
dịch.
2/ Đại thừa khởi tín luận (Mahayana - Sraddhot pàdasutra - 1 quyển),
ngài Paramàrtha dịch đời Hậu Đường, ngài Siksànanda dịch lại thành 2
quyển.
3/ Đại trang nghiêm luận kinh (Mahalankàrasutrasàstra- 15 quyển), ngài
Kumàravjiva (La Thập) dịch.
... và một số kinh luận khác (47).
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Nàgàrjuna:
1/ Trung quán luận (Madhyadhijàna -
sastra - 4 quyển) do ngài Kumàravjiva dịch.
2/ Thập nhị môn luận (Dvàdasa - nikàya - sàstra - 1 quyển) do ngài
Kumàravjiva dịch.
3/ Đại trí độ luận (Mahàprajnàpàramità - sàstra - 100 quyển) do ngài
Kumàravjiva dịch.
4/ Thập trụ tỳ bà sa luận (Dasabhùmi - Vibhàsà - sàstra - 17 quyển) do
ngài Kumàravjiva dịch.
5/ Thập bát không luận (Astàdasàkasa - sàstra - 1 quyển) do ngài
Paramàrtha dịch.
6/ Đại thừa phá hữu luận (Mahayana bhavabhoda - sàstra - 1 quyển) do
ngài Danapàna dịch.
7/ Bồ đề tư lương luận (6 quyển) do ngài Dharmagupta dịch.
8/ Bồ đề tâm ly tướng luận (Laksanavimakata - bodhihrdaya - sàstra - 1
quyển) do ngài Dànapàna dịch.
9/ Hối tránh luận (Vivàdasamama - sàstra - 1 quyển) do ngài Gautama -
Ruci dịch.
10/ Phương tiện tâm luận (1 quyển) do ngài Cát-ca-da dịch. ... Và một số
kinh, luận khác. (48)
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Deva
1/ Bách luận (Sata sàstra - 2 quyển) do
ngài Kumàravjiva dịch.
2/ Bách tự luận (Sàtàksara - sàstra - 1 quyển) do ngài Gautama - Ruci
dịch.
3/ Quảng bách luận (Sata - sàstra Vaipulya - 1 quyển) do ngài Huyền
Tráng dịch.
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Maitreya (49)
1/ Du già sư địa luận (Yogàcàrya - bhùmi
- sàstra - 100 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
2/ Đại thừa trang nghiêm luận kinh (Mahàyana - lankàra - sàstra - ?) do
ngài Paramità dịch.
3/ Thập địa kinh luận (Dasabhùmikà - sàstra - ?) do ngài Bodhi Ruci (Bồ
Đề Lưu Chi) dịch.
4/ Trung biên phân biệt luận (Madhyàntavibhàga - sàstra - 2 quyển) do
ngài Paràmàrtha (Chân Đế) dịch.
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Asanga:
1/ Hiển dương Thánh giáo luận
(Prakaranàryavàca - sàstra - 20 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
2/ Nhiếp Đại thừa luận (Màhayana - samparigraha - sàstra - 3 quyển) do
ngài Paràmàrtha dịch.
3/ Đại thừa A tỳ đạt ma tập luận (Mahayànabhi - dharma - sangìti -
sàstra - 7 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
4/ Kim cang Bát nhã Ba la mật đa (Vajraprajnà - Paramità - sutra -
sàstra - 3 quyển) do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
5/ Thuận trung luận (2 quyển) do ngài Prajnà Ruci dịch
* Các luận thư được trước tác bởi ngài
Vasubandhu
1/ Câu xá luận (Abhidhamma - kosa sàstra
- 20 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
2/ Câu xá luận bản tụng (1 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
3/ Duy thức tam thập tụng (Vidyàmàtrasid - dhitridasa - sàstra - kàrika
- 1 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
4/ Duy thức nhị thập tụng luận (Vidyàmàtra - Vimsatisastra - 1 quyển) do
ngài Huyền Tráng dịch.
5/ Đại thừa bách pháp minh môn luận (Mahàyàna - satadhar - mavidyàdvàra
- sàstra - 1 quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
6/ Đại thừa ngũ uẩn luận (Mahàyànavaipulya - Pancaskandhaka - sàstra - 1
quyển) do ngài Huyền Tráng dịch.
7/ Nhiếp Đại thừa luận thích (Màhàyanasampari - graha - sàstra - 15
quyển) do ngài Paranàntha dịch.
8/ Thập địa kinh luận (Dasabhùmika - sùtra - sàstra - 12 quyển) do ngài
Bodhi Ruci dịch.
9/ Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh luận (Vajnaprajnàparamità - sùtra -
sàstra - 3 quyển) do ngài Bodhi Ruci dịch.
10/ Diệu pháp liên hoa kinh ưu ba đề xá (Sad dharma - pundarìka - sùtra
- sàstopadesa - 2 quyển) do ngài Bodhi Ruci dịch.
... Và một số kinh luận khác. (50)
Trên đây, chúng ta vừa khảo sát sơ lược về
sự hình thành và quá trình phát triển tâm lý học Phật giáo qua các thời kỳ
Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Luận thư, và Phật giáo Đại thừa
(Mahayana). Tất nhiên, như đã được giới hạn ngay từ đầu, chúng ta chỉ khảo
sát về tâm lý học Phật giáo qua góc độ của Luận thư (Luận tạng), đặc biệt
là hệ thống triết học Duy thức của Mahayana. Tuy nhiên, để có một cái nhìn
tổng quát về tâm lý học Phật giáo; ở đây, người viết xin tóm lược một số
nội dung cơ bản về tâm lý học Phật giáo qua ba luận thư như sau:
1- Thứ nhất: phần tóm lược về Thắng pháp
luận (Abhidhammatthasangaha) của Thượng Tọa bộ (Sthaviravàda hay
Theravada).
2- Thứ hai: phần tóm lược về Câu xá luận
(Abhidhamma - kosa - sàstra) của Hữu bộ (Sarvàstivàdin) hay còn gọi là
Nhất Thiết Hữu bộ.
3- Thứ ba: Phần trình bày về Duy thức
tam thập tụng (Vidyàmàtrasid - dhitridasa - sàstra) của Đại thừa Phật
giáo (Mahayana). Phần này sẽ được trình bày cụ thể trong nội dung của
tác phẩm (xem mục II.2 chương 2).
* * *
CÁC HỆ THỐNG
TIÊU BIỂU VỀ TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
A/ Đại cương về Thắng pháp
luận (Abhidhammatthasangaha)
Bộ "Thắng pháp tập yếu luận" này là một
công trình khảo cứu, tóm tắt và hệ thống hóa nội dung của bảy bộ luận
thuộc Hinayana bởi một vị Tăng sĩ người Ấn Độ, tương truyền là ngài
Anuruddha (A Nậu Đa La) (51)
Về mức độ chính xác của công trình tóm tắt
và hệ thống hóa này không thể hoặc khó có thể minh định rõ ràng, vì chúng
ta không có điều kiện để đọc hết bảy bộ luận đó, ít ra là về phía người
viết. Tuy nhiên, theo truyền thống Nam phương Phật giáo, thì bộ "A tỳ đàm
thắng pháp luận" này là một trong những nền tảng triết học cơ bản nhất của
Nam phương Thượng Tọa bộ. Do đó, chúng tôi dựa vào bộ luận này - và đặc
biệt là thông qua bản dịch của HT. Thích Minh Châu (52), một học giả có
thẩm quyền chuyên môn về tạng thư Pàli, ít nhất là đối với người Việt Nam
- để trình bày đại cương về tâm lý học Phật giáo theo quan điểm của Nam
phương - Thượng Tọa bộ.
(I) DÒNG CHẢY CỦA TÂM THỨC QUA A TỲ ĐÀM
THẮNG PHÁP TẬP YẾU
1- Tâm bất thiện (Akusalacitta):
Có ba loại tâm cơ bản là: tâm tham, tâm
sân và tâm cuồng si.
2- Tâm vô nhân (Ahetukacitta):
Có ba loại: Tâm quả bất thiện vô nhân, tâm quả thiện vô nhân và tâm duy
tác vô nhân.
3- Tâm dục giới bất tịnh:
Có hai loại: Tâm bất thiện và tâm vô nhân.
4- Tâm (hữu nhân) dục giới thanh tịnh:
Có ba loại: tâm thiện, tâm quả, tâm duy tác. Cả dục giới thanh tịnh và
bất tịnh đều thuộc về tâm hữu nhân.
5- Tâm sắc giới (Rùpàvacaracitta):
Có ba loại: Tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác.
6- Tâm vô sắc giới (Arùpàvaracitta):
Có ba loại: tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác. Cả ba loại tâm trên của
sắc giới và vô sắc giới đều gọi là tâm thế gian (hiệp thế)
7- Tâm đạo siêu thế (Lokattaracitta):
Có 4 loại: tâm của cảnh giới Sơ thiền (ly sanh hỷ lạc), Nhị thiền (định
sanh hỷ lạc), Tam thiền (ly hỷ diệu lạc) và Tứ thiền (xả niệm thanh
tịnh) (53)
8- Tâm quả siêu thế (dị thục siêu thế):
Có 4 loại: tâm của quả vị Sơ
thiền (Dự lưu quả), Nhị thiền (Nhất lai quả), Tam thiền (Bất lai quả) và
Tứ thiền (A la hán quả)
Cả tâm đạo siêu thế và quả siêu thế gọi
chung là tâm siêu thế. Và, cả tâm thế gian (hợp thế) và siêu thế gian
(siêu thế) được gọi là Tâm (citta). 8 phân loại trên của tâm được gọi là
Tâm Vương, tức là cội nguồn của Tâm.
(II) TÁC NĂNG TRONG DÒNG CHẢY CỦA TÂM
(TÂM SỞ HỮU)
1- Tâm sở biến hành (Sabbacittasàdhàranà).
Có 7 loại tâm sở: xúc (Phasso),
thọ (Vedanà), tưởng (Sannà), tư (Cetanà), nhất tâm (Kaggatà), mạng căn
(Jivitindriyam) và tác ý (Manasikàra)
2- Tâm sở biệt cảnh (Akusalacetasika).
Có 6 loại tâm: Tầm (Vitakka), tứ
(Vicàra), thắng giải (Adhimokkho), tinh tấn (Viriyam), hỷ (Piti) và dục
(Chando). Cả tâm sở hữu biến hành và biệt cảnh gọi là sở hữu tự (chủ thể),
tha (đối tượng).
3- Tâm sở bất thiện (Akusalacetasika).
Có 14 loại:
- Tâm si mê (Moho), vô tàm (Ahirikam),
vô quí (Anottapam), trạo cử (Uddhacca).
- Tâm tham (Lobho), tà kiến (Ditthi), kiêu mạn (Màno).
- Tâm sân (Doso), tật đố (Issà), bỏn xẻn (Macchariyam), hối quá
(Kukhuccam), hôn trầm (Thina), thùy miên (Middha) và nghi (Viccikicchà).
4- Tâm sở thiện (Tịnh quang)
(Sabhanacetasika). Có 19 loại:
Tín (Saddhà), niệm (Sati), tàm (Hiri),
quí (Ottappam), không tham (Alobho), không sân (Adoso), xả ly
(Tatramajjhattatà: trung tính), tâm sở thư thái (Kàyapassaddhi), tâm thư
thái (Cittapassaddhi), tâm sở khinh an (Kàyalahùta), tâm khinh an
(Cittalahutà), tâm sở nhu hòa (Kàyamudutà), tâm nhu hòa (Cittamudutà),
tâm sở thích ứng (Kàyakamm-annatà), tâm thích ứng (Cittakammannatà), tâm
sở tinh cần (Kàyapàgunnatà), tâm tinh cần (Cittapàgunnatà), tâm chính
trực (Cittujjukatà).
(III) HIỆN HỮU (PHÁP) QUA A TỲ ĐÀM
THẮNG PHÁP TẬP YẾU
1- Sắc cơ bản (Bhùta - rupam).
Có 4 loại: Đất (Pathavi - dhàtu), nước (Àpo -
dhàtu), gió (Vàyo - dhàtu) và lửa (Tejo - dhàtu).
2- Sắc chủ thể (Pasàda-rùpam).
Có 5 loại: mắt (Cakkhu), tai (Sotam), mũi
(Ghànam), lưỡi (Jihà), và thân (Kàyo).
3- Sắc đối tượng (hay Hành cảnh,
Gocararùpam). Có 5 loại: Sắc
(Rùpam), thanh (Saddo), hương (Gandho), vị (Raso), xúc (Photthabbam).
4- Sắc bản tính (Bhàvarùpam).
Có 2 loại: Nam tính (Purisattam); nữ tính
(Itthattam).
5- Sắc tâm sở y (Hadayrùpam).
Llà cơ cấu nền tảng của tâm thức (Hadayavatthu).
6- Sắc sinh mạng (Jivitarùpam).
Là mạng căn, tức là thân thể và các quan năng (Jivitindriyam).
7- Thực sắc (Ahàra-rùpam).
Là đoàn thực (kabalinkàro-àharo) cũng gọi là
thực tố.
Sắc tâm sở y, sắc sinh mạng và thực sắc
còn được gọi là thân biểu và khẩu biểu.
Như vậy 18 loại sắc pháp trên được phân
loại theo tự tánh (Sabhàvarùpam), tự tướng (Salakkhana - rùpam), sở tạo
(Nipphannarùpam), sắc sắc (Rùpa - rupam) và tư duy sắc (Sammasanarùpam).
Sắc là vật chất, là những gì thuộc vật lý.
Do đó tự tánh sắc là những gì có tính chất nóng , lạnh, cứng, ướt, âm,
dương v.v... Sắc tự tướng là chỉ cho vô thường, vô ngã của sắc tướng. Đó
là sự diễn biến của sinh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không... Các
pháp thuộc về tâm (tâm lý) và sắc (vật lý) gọi chung là Hữu vi pháp
(Sankhatam). Và ngược lại, các pháp vượt ngoài diễn biến chế định của tâm
lý và vật lý, không bị giới hạn, chế định bởi sinh và diệt, thì được gọi
là Vô vi (Asamskrta). Các pháp hữu vi được gọi là Tục đế, các pháp vô vi
(như Niết Bàn) được gọi là Chân đế.
(IV) Nhận xét chung về Thắng pháp luận
Ở trên chúng ta vừa trình bày tóm lược một
số thể cách và các danh từ diễn đạt cơ bản về tâm lý học theo Thắng pháp
tập yếu luận của Nam phương Thượng Tọa bộ. Về các danh từ sẽ được giải
thích rõ chung với phần trình bày về Duy thức - Tâm lý học của Đại thừa,
trong trường hợp của những khái niệm đồng nghĩa. Ở đây, chỉ trình bày tóm
tắt một số nội dung "tư tưởng" cơ bản của luận thư này.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, Thắng pháp
luận cắt nghĩa và giải minh tâm lý học qua bốn khái niệm cơ bản, đó là:
(a) Tâm (Citta), (b) tâm sở (Cetasika), (c) sắc (Rùpa) và (d) Niết bàn.
Qua bốn khái niệm trên, con người theo
Thắng pháp luận trước hết là một con người bao gồm tâm thức (tâm lý) và
sắc pháp (vật lý). Điều này tương tự như hợp thể của 5 uẩn (Pancaskandhas)
trong Phật giáo Nguyên thủy, hay chính những giáo huấn của Phật trong
Nikàya. Tuy nhiên, trong năm uẩn, Sắc uẩn (Rùpa) thuộc về sắc pháp (thế
giới vật lý), 4 uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành và thức) thuộc về tâm pháp
(thế giới tâm lý). Trên cơ sở của Tâm pháp này, luận thư đã đi sâu vào
phân tích thế giới của tâm lý và các hiện tượng diễn biến của nó qua 89
hay 121 loại tâm và 52 tâm sở.
Sự phân tích này được dựa vào cảnh giới
(trạng thái) của tâm lý qua các cấp độ như: cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc
và siêu thế, hay được cụ thể hóa theo tác năng hoạt động như: tâm thiện,
tâm bất thiện, tâm vô nhân, tâm tịnh quang; hoặc như: tâm thiện, tâm dị
thục, tâm duy tác - Theo tác năng dẫn khởi sự tái sinh hay không... Bên
cạnh đó, các loại tâm sở (tác năng của tâm vương) như: xúc, thọ, tưởng,
tư, mạng căn, nhất tâm và tác ý luôn luôn cùng hiện khởi cùng với sự tri
giác của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân (5 căn). Với sự phân tích chi tiết
như thế, luận thư Abhidhamma đã xây dựng lên một lộ trình tâm (Cittavithi)
thông qua sự sinh và diệt trong 16 sát na tâm:
1- Hữu phần chuyển động (Bhavangacalana)
(sinh khởi, rung chuyển)
2- Hữu phần dừng nghỉ (Bhavangupaccheda) (sự đứng yên)
3- Ngũ môn hướng tâm (Pancadvàràvajjana) (5 căn hướng tâm)
4- Nhãn thức (hay các thức) (Cakkhuvinnana) (các thức hiện hữu)
5- Tiếp thọ tâm (Sampaticchana) (cảm thọ)
6- Suy đạc tâm (Santirana) (suy thức)
7- Xác định tâm (Votthapana) (chuyển động 7 sát na tâm)
8-14- Tốc hành tâm (Javana)
15-16- Đồng sở duyên tâm (Tadàlambana) (cùng sinh khởi...)
Đây là lộ trình của tâm, nó là sự hiện
khởi và hoàn diệt của tất cả các hiện tượng và diễn biến tâm lý. Sự khám
phá này là một cống hiến vĩ đại của luận thư Abhidhamma cho ngành khảo cứu
Tâm lý học nói chung và Tâm lý học Phật giáo nói riêng.
Một điểm nổi bật kỳ vĩ khác, đó là khái
niệm Kiết sinh thức (Patisandhi). Khái niệm này diễn đạt về sự vận hành
của tâm trong điểm khởi đầu và kết thúc của đời sống con người, cũng còn
gọi là "ý niệm tối sơ" của sinh linh vạn hữu (Sentient beings). Nó là sức
mạnh các nghiệp thức (nghiệp lực) và vận hành dưới hình thức của những
năng lượng tâm lý (mental energy), duy trì đời sống tâm thức của con người
và các loài hữu tình khác. Mặc dầu vấn đề này vượt ngoài khả năng tri giác
của tri thức thường nghiệm, song, nó có thể được nhận thức trong các cảnh
giới của thiền định ở tầm cao. Do đó, sự hiểu biết về Kiết sanh thức là
điều cần thiết cho con người và cũng là điều mà các triết gia luôn luôn
tìm kiếm.
Con người và thế giới quan của con người
là Dục giới, tức thế giới của những sinh linh, khát vọng trần tục. Do đó,
muốn biết được hiện hữu của Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế giới, tất
yếu phải đi vào hiện quán (thiền định), thuật ngữ gọi là Vipassanà (Minh
sát tuệ). Vì lẽ, những cảnh giới siêu hình đó vốn thoát hiện ngoài tri
thức, luận lý hay phán đoán của con người; nó chỉ có thể được cảm nhận và
hiển thị bởi trong thiền định. Và để đạt được những cảnh giới đó, đòi hỏi
con người một sự nỗ lực tối cao, vượt qua mọi cảm nhiễm trần tục của mạng
căn và ý thức phân biệt. Đây là nội dung của Định học trong luận thư
Abhidhamma.
Về mặt giải thoát, luận thư, như đã trình
bày, đề cập rất cụ thể về tác năng hoạt động của tâm theo khuynh hướng
thiện, bất thiện và vô nhân (tâm lơ lửng không tiến đến mục đích cũng
không lui về nguyên động lực). Tâm thiện là tâm đưa con người đến gần sự
giải thoát, tâm bất thiện đưa con người đến khổ đau, và tâm tịnh quang
(Sobhanacitta) hay tâm sáng suốt (tuệ giác) đưa con người đến giải thoát,
giác ngộ. Đây là nội dung của Giới học và Tuệ học trong luận thư
Abhidhamma.
Từ ba phương diện trên cho thấy rằng
Abhidhamma là nền tảng cơ cấu của tư tưởng triết học Phật giáo sau thời
Phật diệt độ. Điểm đặc biệt của nó là giải minh hiện hữu qua lăng kính của
đệ nhất nghĩa đế (Paramatthasacca), nghĩa là hiện hữu được nhìn từ tự
tướng của duyên sinh tương tác - cái căn nguyên để thiết lập nên một tổng
tướng, chứ không phải là từ cái diện mạo bao quát của mỗi mỗi sự thể trông
có vẻ như độc lập, cô liêu.
Và cái mục đích tối hậu của luận thư
Abhidhamma là dùng phương tiện hiện quán để đưa con người đi vào thăng
chứng Niết bàn như đã trình bày trong 4 tâm quả siêu thế. Đó chính là sự
đoạn diệt 14 bất thiện tâm hay nói cụ thể là: Tham, sân và si. Đây là lộ
trình tiêu biểu của tâm lý học Phật giáo được trình bày qua Thắng pháp
luận của Nam phương Thượng Tọa bộ.
B/ Đại cương về Câu xá luận (Abhidhamma
- kosa - sàstra)
Luận thư Câu xá, như đã đề cập, là một
luận thư tổng hợp và tiêu biểu cho Phật giáo Hinayana (Tiểu thừa), do ngài
Vasubandhu trước tác và biên soạn. Mục đích ra đời của luận thư là: thống
nhất giáo nghĩa của Hữu bộ, và xác định lập trường chính của Phật giáo.
Luận thư Câu xá đã được HT. Thích Thiện Siêu, một học giả có thẩm quyền
chuyên môn về Hán tạng, dịch ra tiếng Việt (54), chúng ta có thể tìm hiểu
cụ thể hơn. Ở đây, chỉ trình bày tóm tắt nội dung đại cương của Câu xá.
Theo bộ Câu xá luận (30 quyển) do ngài
Huyền Tráng dịch, được phân loại như sau:
I- CÂU XÁ LUẬN
1/ Giới phẩm (2q) —> Nói về thể tánh của
hiện hữu.
2/ Căn phẩm (5q) —> Nói về tác năng
(dụng) của hiện hữu.
3/ Thế gian phẩm (5q) —> Quả Phân tích
4/ Nghiệp phẩm (6q) —> Nhân rõ về các
5/ Thùy miên phẩm (3q) —> Duyên pháp -
hữu vi
6/ Hiền thánh phẩm (4q) —> Quả Phân tích
7/ Trí phẩm (2q) —> Nhân rõ về các
8/ Định phẩm (1,5q) —> Duyên pháp vô vi.
9/ Phá ngã phẩm (1,5q) —> Luận về lý vô
ngã(anatta)
II- HIỆN HỮU (CÁC PHÁP) QUA CÂU XÁ LUẬN
Hiện hữu - Thế giới tâm lý và vật lý, hay
thế giới của sự vật hiện tượng (The world of phenomena) của cả tâm lý và
vật lý cũng gọi là Nhất thiết pháp, được phân chia thành hai loại là Hữu
vi pháp và Vô vi pháp.
Hữu vi pháp là những hiện hữu được được
diễn ra trong vòng nhân quả, bị chi phối và giới hạn bởi không gian, thời
gian; bởi sinh, trụ, dị diệt; bởi phân ly phi tán v.v... Và ngược lại,
những hiện hữu vượt ngoài các vấn đề trên, thuộc về Vô vi pháp.
a) 72 Hữu vi pháp
1/ Sắc (rùpa) pháp:
Có 11 loại: bao gồm 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), 5 trần (sắc,
thanh, hương, vị, xúc) và vô biểu sắc (hiện hữu của phi vật thể). Năm
căn thuộc chủ thể, nhận thức; 5 trần thuộc đối tượng được nhận thức.
2/ Tâm (citta) pháp:
Có một loại là Tâm vương (citta), nó hiện hữu vừa như một tổng thể phổ
quát (universal), vừa như một đơn vị nền tảng đặc thù (particular).
3/ Tâm sở (cetasika) pháp:
Có 46 loại:
- 10 Đại địa pháp: Thọ, tưởng, tư,
xúc, dục, tuệ, niệm, tác ý, thắng giải, thiền định (tam ma địa).
- 10 Đại thiện địa pháp: Tín, cần, xả, tàm, quý, vô tham, vô sân, bất
hại, khinh an, bất phóng dật.
- 6 Đại phiền não: Vô minh, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm,
trạo hối.
- 2 Đại bất thiện: Vô tàm, vô quí.
- 10 Tiểu phiền não: Phẫn, phú, san, tật, não, hại, hận, xiểm, cuống,
kiêu.
- 8 Bất định pháp: ác tác, thụy miên, tầm, tứ, tham, sân, mạn, nghi.
4/ Tâm bất tương ưng hành:
Có 14 loại: Đắc, phi đắc, mạng căn, đồng phận, vô tưởng định, vô tưởng
quả, diệt tận định, sinh, trụ, dị, diệt, sanh thân, cú thân, văn thân.
b) Ba Vô vi pháp: Hư không,
trạch diệt và phi trạch diệt.
75 pháp trên luôn luôn được diễn ra theo
các quan hệ mật thiết trong thế giới tâm lý của con người như sau:
Về các danh từ (chuyên môn) trên, sẽ được
giải thích cụ thể trong phần triết học Duy thức (xem Tam thập tụng luận
giải - phần sau).
Trong các phẩm "Thế gian", "Nghiệp" ...
luận thư cũng đề cập khá rõ về Nhân quả - Nghiệp báo, động cơ của luân hồi
qua 12 nhân duyên, và các qui luật chi phối hữu tình thế gian (The world
of sentient beings)...
Ở các phẩm "Hiền thánh", "Trí", "Định"...
luận thư cũng biện biệt rõ về lộ trình tâm qua nhiều mức độ thấp, cao...
* * *
NHẬN XÉT CHUNG
Qua phần giới thiệu cấu trúc của Câu xá
luận, một luận thư tiêu biểu của Nhất thiết hữu bộ (gọi tắt là Hữu bộ),
chúng ta thấy rằng giữa luận thư Câu xá và Thắng pháp có những điểm giống
nhau trong quan điểm về con người và thế giới. Sự giống nhau đó nằm ngay
tại những phần quan trọng nhất của luận thư như: Tâm, tâm sở, sắc pháp,
tâm thiện, tâm bất thiện, nhân quả lưu chuyển và hoàn diệt, và Niết bàn
theo bốn quả vị Thanh Văn (Sàvaka). Còn sự khác biệt chỉ diễn ra ở cách
trình bày là chính mà không phải ở nội dung.
Điều này cho thấy cả hai luận thư tiêu
biểu trên ảnh hưởng rất sâu đậm những giáo huấn của Phật được trình bày cụ
thể trong kinh tạng Nikàya. Hay nói đúng hơn, các luận thư ra đời như là
những tổng hợp ngắn nhất và được hệ thống hóa thành những khán thư cô kết,
hiện thân từ Nikàya. Cho đến các luận thư của Mahayàna (Đại thừa Phật
giáo) (sẽ trình bày ở phần nội dung chính của tác phẩm này) cũng đều như
vậy. Sự khác biệt duy nhất trong các hệ thống luận thư Phật giáo là sự mở
rộng hoặc thu hẹp một số khái niệm "cổ điển" được Đức Phật dạy trong
Nikàya hay kinh tạng của Phật giáo Nguyên thủy mà thôi. Tất nhiên, đó là
những khái niệm rất cơ bản.
Một điểm khác cũng cần ghi nhận đó là tại
sao các luận thư được xem là những tác phẩm cô kết ? Bởi lẽ, thời Đức Phật
còn tại thế, đối tượng thuyết giáo, địa điểm thuyết giáo ... của Ngài hoàn
toàn khác nhau. Do đó, mỗi đối tượng cần có những giáo lý riêng lẻ, đặc
thù như kích cỡ của những đôi chân cần có những đôi giày lớn, nhỏ khác
nhau. Vì thế, những lời dạy của Phật trong suốt 49 năm là những pháp thoại
tùy thuộc vào tình thức và trình độ của chúng sinh, nó mang tính cách thực
tiễn, có lúc sâu sắc khó hiểu (đối tượng trí thức), có lúc mộc mạc đơn sơ
dễ cảm nhận (đối tượng bình dân), và có lúc chỉ dành riêng cho bậc thánh
trí (A La Hán, Bồ Tát, Thiên Chúa, thần linh), như những pháp thoại mà
Phật giảng trên cung trời, dưới long cung, hay ngoài hải đảo xa xôi... và
được ghi lại bởi các Bồ Tát. Điều này vượt ngoài sự hiểu biết của người
trần, những kẻ cuồng si đang lang thang dong ruỗi với đói, lạnh, nóng,
khát, được, mất, hơn, thua...
Do đó, mỗi luận thư được xem như một tập
đại thành về một vấn đề nào đó được truyền dạy bởi Đức Phật. Đây là ý
nghĩa "cô kết" hay "hệ thống hóa" của luận thư.
Một điều khác nữa là luận thư không được
lập thành theo một tiêu chí nhất định và chung nhất, mà ngược lại, nó hoàn
toàn tùy thuộc vào nhân duyên xứ sở, đất nước, thời đại, con người ...,
đây là lý do khác biệt, đồng - dị của luận thư.
Tuy nhiên, những gì được nói ra, được làm
nên bởi luận thư đều hướng về một mục tiêu duy nhất, đó là đưa con người
(chúng sinh của trí tuệ) đi vào hiện quán - thiền định, để từ đó thoát ly
mọi sầu, bi, khổ, ưu, não... Đây là con đường truyền thống, duy nhất của
Phật giáo khả dĩ "đưa người sang sông".
Trên đây chúng ta vừa lược khảo rất khái
quát về hệ thống luận thư của Thượng Tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ thuộc
Phật giáo Hinayana. Điều này được xem như là tiền đề để đi vào khảo sát và
phân tích luận thư của Đại thừa (Mahayàna) theo con đường tìm hiểu Tâm lý
học - Phật giáo. (55)
II.2. CHƯƠNG 2: ĐẠI CƯƠNG TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
* * *
Giới thiệu 30 bài
tụng Duy Thức của Vasubandhu
Ngài Vasubandhu (Thế Thân) em ruột của
Luận sư Asanga (Vô Trước), sinh sau Asanga 20 năm vào cuối thế kỷ thứ IV
T.L.
Lúc đầu Ngài theo học và xiển dương giáo
nghĩa của Hữu Bộ (Sarvastivada) tại trung tâm Cashmire, thuộc Bắc Ấn. Đây
là một trung tâm phồn thịnh truyền bá tư tưởng của Hữu Bộ, và những ai
không thuộc về Hữu Bộ thì không được vào học tại trung tâm này. Nhưng sau
đó, Vasubandhu đã cải trang thành học trò của Hữu Bộ và theo học giáo
nghĩa này. Sau thời gian học tập và nghiên cứu tại Cashmire, Vasubandhu
biên soạn bộ Abhidamma Kosasàtras, như đã trình bày ở phần trước, là một
bộ luận thư xuất sắc tổng hợp tinh hoa giáo nghĩa của Hữu Bộ. Và sau khi
tác phẩm được công bố, các nhà Hữu Bộ vô cùng vui sướng vì cho rằng họ đã
có được một môn đệ ưu tú, xuất sắc, nhưng không ngờ rằng đó chính là người
đồ đệ của Santràntikà (Kinh Lượng Bộ) cải trang. Nhưng dù sao đi nữa thì
tác phẩm của Vasubandhu vẫn được xem là luận thư tiêu biểu của Hữu Bộ và
được truyền tụng suốt hơn 16 thế kỷ qua.
Về sau, Vasbandhu chế tác bộ Duy Thức Tam
Thập Tụng (30 bài tụng về tâm lý học Phật giáo). Tác phẩm này rất nổi
tiếng và được truyền tụng cho đến ngày nay.
Theo nhiều ý kiến, tuy nhiên, tác phẩm 30
bài tụng Duy thức của ngài Vasubandhu, cũng như những tác phẩm Duy thức
của ngài Huyền Trang và Khuy Cơ (một môn đệ xuất sắc của Huyền Trang) là
Đại thừa chưa tuyệt đối (hay là Quyền thừa). Về sau, ngài Pháp Tạng (người
Trung Hoa), một hành giả chuyên môn về Hoa Nghiêm (Avatamsaka) đã nỗ lực
kết hợp tư tưởng Hoa Nghiêm với Duy thức học nhằm làm cho Duy thức trở
thành giáo nghĩa Đại thừa - Viên giáo. (55)
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi sẽ tập trung
vào nghiên cứu 30 bài tụng Duy thức của Luận sư Vasubandhu, và phần giải
minh sẽ được y cứ trên cơ sở tư tưởng của Nhiếp Đại thừa luận (Mahàyàna
samparigraha sàstra) của Luận sư Asanga, Thành Duy thức luận
(Vijnaptimàtratàsiddhi - sàstra) và Bát thức qui củ tụng của ngài Huyền
Trang và một số tư tưởng căn bản của Hoa Nghiêm theo sớ giải của ngài Pháp
Tạng. (56).
* * *
NỘI DUNG CỦA 30
BÀI TỤNG DUY THỨC
Trong phần này, chúng tôi dịch và phụ chú
Anh ngữ 30 bài tụng Duy thức. Độc giả cần đọc đi đọc lại nhiều lần nội
dung này để theo dõi tiến trình phân tích tâm lý ở phần sau. Phần Anh ngữ
được trích từ bản "Treatise in Thirty Verses on Mere-Consciousness" của
Swati Ganguly (57).
(01) "Do giả lập nên nói có Ngã và Pháp
[chủ thể và đối tượng], có tất cả sự vật hiện tượng, [nhưng] tất cả Ngã và
Pháp đó đều nương vào thức mà sinh ra; [bản chất của] thức năng biến có ba
[đặc tính]".
(Because the ideas of the self [Àtman]
and the elements [Dharma] are false, the phenomenal appearances of all
kinds arise. These appearances are dependent upon the development
[Parinàma] of the consciousness. This development is of three kinds).
(02) "[Đó là] Dị thục và Tư lượng cùng với
Liễu biệt cảnh. Trước hết là thức A-lại-da, cũng gọi là Dị thục hay Nhất
thiết chủng".
(The maturing consciousness [Vipàka],
the consciousness that deliberates [Manana], and the consciousness that
discriminates [Vijnapti] the spheres of objects. The first is the
storehouse - consciousness [Àlayavijnàna] which is also called retributive
consciousness [Vipàkavijnãna] and consciousness carrying all seeds
[Sarvabijaka]).
(03) "[Đặc tính của nó là] bất khả tri,
chấp thủ và duy trì, [nhưng] trong sự biểu biệt các xứ [các quan năng của
căn thân] nó thường biểu hiện cùng với xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư; [và
trong các thọ] nó chỉ tương ưng với xả thọ".
(It is not aware of what it "grasps"
and "receives", of its place and of its discriminatory power. It is always
associated with touch, attention, sensation, thought and volition. But it
is always associated with sensation of indifference only".)
(04) "Thức này và các tâm sở của nó là vô
phú và vô ký, [nó] trôi chảy như dòng sông, [khi đạt đến] quả vị A La Hán
[thì tất cả] đều buông xả".
(It is unobscured and undefined. The
case of Mental Contact is also like this. It is perpetual evolution like a
violent current, and is renounced in the state of an arhat).
(05) "Thức năng biến thứ hai gọi tên là
Mạt na, nương tựa vào và duyên với thức [A lại da] kia, nên tánh và tướng
của nó là suy nghĩ [tư lượng]".
(The second evolving consciousness is
called manas. It functions with storehouse - consciousness as its support
and object. It has essentially the characteristics of "Cognition").
(06) "[Nó] thường biểu hiện cùng với 4
phiền não, [đó là]: ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái, [cũng như] cùng
với xúc... vân vân..."
(It is always accompanied by four
defilements, i.e. ignorance about self, belief in self together with pride
in self, and love of self. It is associated also with others [mental
associates] like touch etc...)
(07) "Tánh của thức Mạt na là hữu phú vô
ký, sinh khởi ở đâu thì chấp ngã ở đó, [cho đến khi đạt đến] quả vị A La
Hán, Diệt tận định và đạo xuất thế thì nó không còn [hiện hữu] nữa".
(It belongs to the difiled-undefiled
category; it works along the dhàtu or bhumi in which the sentient being is
born and attached; it ceases to exist at the stage of arhat, in the
meditation of annihilation and on the supramundane path).
(08) "Thức năng biến thứ ba có sáu loại
sai khác, tánh, tướng đều phân biệt [cụ thể] thiện, bất thiện, và vô ký".
(This third development of
consciousness has six different categories; perception of the object is
the nature and characteristics of these six consciousness; they are good,
bad, and neither of them).
(09) "Đây là các tâm sở: biến hành, biểu
biệt [hay biệt cảnh], thiện, phiền não, bất định, tương ưng với ba thọ".
(They are associated with universal
mental factors, with the special and good metal factors, with the
defilements; along with the secondary defilements and the indeterminate
mental factors; all these are associated with the three feelings).
(10) "Trước, tâm sở biến hành là Xúc
v.v...; rồi, tâm sở biệt cảnh là: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, và Huệ.
Cảnh bị duyên không giống nhau".
(First, universal mental factors are
Mental Contact and so forth; next, special mental factors, i.e. Desire,
Resolve, Memory, Meditation and Wisdom: the objects caused by the special
mental factors are different).
(11) "Thiện tâm sở là: Tín, tàm, quí, vô
tham, vô sân, vô si, tinh cần, khinh an, không phóng dật, hành xả và bất
hại".
(The good mental factors are belief,
sense of shame, sense of integrity, the three roots of non-covetousness
and so forth; diligence, composure of mind, vigilence, equanimity, and
non-injury).
(12) "Phiền não là: Tham, sân, si, mạn,
nghi, ác kiến; tùy phiền não là: phẫn, hận, phú, não, tật, xan".
(The defilements are covetousness,
anger, delusion, conceit, doubt and false views; the secondary defilements
are fury, enmity, hypocricy, vexation, envy and parsimony).
(13) "Cuống, siểm và hại, kiêu, vô tàm và
vô quí, trạo cử và hôn trầm, bất tín và giải đãi".
(Deception, duplicity, harmfulness,
pride, shamelessness, non-integrity, restlessness, conceit, unbelief and
indolence).
(14) "Phóng dật và thất niệm, tán loạn và
bất chánh tri; [và bốn thứ] bất định là: hối, miên, tầm và tư. Tầm và tư
có thể chia thành hai loại".
(Carelessness, forgetfulness,
distraction, thoughtlessness, the indeterminate mental qualities are
called remorse, drowsiness, reasoning and deliberation, these two can be
of two kinds).
(15) "Nương vào thức căn bản [A lại da],
năm thức tùy duyên hiện, hoặc chung hoặc chẳng chung, như sóng nương vào
nước [mà hiện khởi]".
(Depending on the root consciousness,
the five consciousness originate in accordance with various conditions,
sometimes together, sometimes separately, just as waves originate on
water).
(16) "Ý thức thường hiện khởi, trừ trong
cõi vô tưởng và hai định vô tâm, ngủ mê hay chết giả".
(The thought consciousness manifests at
all times, except for those who are born in the "Heaven without Thought",
for those in the two mindless meditations, and for those who are born in
the states of unconsciousness).
(17) "Các thức này chuyển biến [thành]
phân biệt và [đối tượng] bị phân biệt; [và rằng], vì cả hai đều là không
nên [nói] tất cả là Duy thức".
(The various consciousness manifest in
two divisions, perception and the object of perception. Because of this,
all these do not exist. Therefore, all is Mere-Consciousness).
(18) "Do tất cả hạt giống trong Tàng thức,
biến chuyển như vậy và như vậy; vì sức biến chuyển đó mà sanh ra thế giới
biểu biệt và đa thù".
(From the consciousness containing the
seeds, such and such development occur; through the power to mutual
influence, such and such distinction are produced).
(19) "Do các tập khí - nghiệp, và các
chủng tử chấp thủ của cả năng và sở, nên khi thân Dị thục qua đời thì tiếp
tục tái sinh".
(The "force of habit" of previous
action together with the "force of habit" of the two concepts, engenders
succeeding retribution after the previous retribution has been exhausted).
(20) "Do tự tính giả lập nên chấp tất cả
là thật. Tự tánh giả lập [hay biến kế] đó, tự nó không thật có".
(From such and such imaginations, such
and such things are imagined. What is apprehended by this imagination, has
no self-nature).
(21) "Còn tự tính tùy thuộc [hay y tha
khởi] do các duyên mà sinh. [Bản chất của] tự tính tuyệt đối [viên thành
thật] và tùy thuộc [y tha] nó xa lìa mọi hình thái giả lập [biến kế]".
(The self-nature that arises from
dependence on others, is the [act of] discriminations produced by causes
and conditions; the nature of ultimate reality is different from this, as
the former is perpetually free from the former nature [i.e. imagined
nature]).
(22) "[Tự tính] tùy thuộc và tuyệt đối vừa
khác vừa không khác, như tính chất vô thường, không thể thấy rằng đây [là
tuyệt đối] và kia [là tùy thuộc]".
(Therefore the nature of ultimate
reality and the nature of dependence on others are neither different nor
non-different, just as impernanence is neither different nor non-different
from the impermanent dharmas. As long as this (nature of ultimate reality)
is not perceived, that (nature of dependence on others) is also not
perceived).
(23) "Nương vào ba tính này mà lập thành
ba vô tính, nên bản ý [mật ý] của Phật nói rằng tất cả các pháp là vô
tính".
(On the basis of these threefold
natures, threefold natures of naturelessness are established. Therefore
the Buddha preached with a secret that all dharmas are devoid of
self-nature).
(24) "Trước hết là "tướng vô tánh", thứ
hai là "vô tự nhiên tánh", và sau cùng là xa lìa mọi chấp trước, tánh chấp
ngã và pháp".
(The first one is with regard to
characteristics; the second is with regard to origination; the last is far
away from the first [nature of imagination] in which the natures of Àtman
and Dharma are conceived).
(25) "Như thế là "Thắng nghĩa" của các
pháp cũng gọi là "Như tánh", vì tánh thường như vậy, nên [Thắng nghĩa
tánh] là Duy thức thật tánh".
(This absolute truth about all the
dharmas is also the absolute Suchness. Because it is always thus in its
nature, it is the real nature of Mere-Consciousness).
(26) "Từ khi sinh thức chưa hiện khởi cho
đến khi hiện khởi và cầu trụ Duy thức tánh, [trong thời gian đó] chưa thể
diệt trừ hai sự chấp thủ còn ngủ yên".
(Until the consciousness to seek to
reside in the nature of mere-consciousness has not arisen, the attachments
from the twofold concepts cannot be suppressed)
(27) "[Nếu] hiện tiền còn ý niệm về "Duy
thức tánh"; và, vì còn có sở đắc như thế, thì không thực thụ an trú trong
Duy thức".
(One who takes something before him as
an object and declares it as the nature of the Vijnaptimàtratà, since he
has something in his possession he is not really residing in the
Vijnaptimàtratà).
(28) "Cho đến khi nào đối tượng [bị duyên]
và trí [năng duyên] đều được buông xả, khi đó đã xa lìa hai sự chấp thủ và
an trú trong Duy thức".
(When in perceiving the sphere of
objects, wisdom [jnana] no longer conceives any idea of object, then that
wisdom is in the state of Vijnaptimàtratà. Because both the object to be
grasped and the act of grasping by consciousness are not there).
(29) "Không sở đắc và không thể tư nghì,
đó là trí xuất thế [vô phân biệt trí]; vì đã xa lìa thô [phiền não chướng]
và trọng [sở tri chướng], nên chứng đạt chuyển y".
(Not conceivable and not comprehensible
is this supramundane wisdom; because of the abandonment of the two-fold
grossness or incapabilities revolution at substratum or transformation of
Àlayavijnàna into wisdom is obtained).
(30) "Đây là cõi vô lậu, bất tư nghì,
thiện, thường, an lạc, giải thoát thân, Đại Mâu Ni, danh pháp".
(Such pure dhàtu is unimaginable, good
and eternal. It is a state of bliss, an "emancipated body", called the
famous law of the great sage [Sàkyamuni]).