10/08/2011 21:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 93100
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

b. Đi tìm dấu vết xa xưa...

Thật ra, về thân thế của Lục Tổ Đại sư thì hiện nay chúng ta không có bất cứ nguồn sử liệu nào có tính cách chính sử, nghĩa là có thể tin cậy vào một cách chắc chắn. Như đã nói, những gì được kể lại như trên là hoàn toàn dựa vào phẩm Hành do trong Pháp Bảo Đàn Kinh. Trong đó, Lục Tổ Đại sư tự thuật lại thân thế và quá trình học đạo của mình. Ngoài những chi tiết được nêu ra ở đây, chúng ta không còn tìm thấy nguồn tư liệu đáng kể nào khác có đề cập đến thân thế của ngài. Chỉ có một vài chứng tích rất mờ nhạt mà chúng tôi sẽ nói đến trong một phần sau.

Pháp Bảo Đàn Kinh là một tác phẩm bằng Hán văn do các đệ tử của Lục Tổ Đại sư ghi chép lại. Nhưng về mặt văn bản học thì bản văn này đã hoàn toàn thất lạc, chưa được tìm thấy. Tất cả những bản hiện có đều được sao chép lại vào một thời điểm khá lâu sau khi Đại sư viên tịch, và không ai có thể nói chắc được là chúng đảm bảo tính chính xác đến mức nào!

Bản Pháp Bảo Đàn Kinh hiện đang lưu hành rộng rãi nhất được chép lại vào năm 1291, gọi là bản Tông Bảo, và được đưa vào Đại Tạng Kinh thời Minh. Đến nay, bản này vẫn còn được lưu giữ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, được xếp vào quyển 48, số hiệu 2008, trang 345. Trước đó một năm, vào năm 1290 có một bản khác được khắc in ở Nam Hải, gọi là bản Đức Dị. Hai bản này khi so sánh thấy không khác biệt nhau lắm, nhưng chính bản Đức Dị đã được đưa sang Triều Tiên vào năm 1316 và từ đó về sau được chuyển dịch, lưu hành tại quốc gia này.

Trước đó cũng có một số bản Pháp Bảo Đàn Kinh khác nhưng không được phổ biến rộng rãi bằng hai bản vừa kể. Sớm nhất là bản chép năm 967, gọi là bản Huệ Hân. Sau đó là các bản năm 1013 (bản Thiều Hồi), năm 1116 (bản Tồn Trung) và năm 1153 (bản Bắc Tống). Mãi đến gần đây, việc khai quật các thủ bản ở Đôn Hoàng mới hé ra một tia sáng mới: bản Pháp Bảo Đàn Kinh được tìm thấy ở đây có niên đại được xác định vào khoảng năm 830 – 860, nghĩa là cổ nhất so với các bản trước đó đã từng được biết. Hơn thế nữa, sự khảo sát văn bản còn cho thấy là tất cả các bản kể trên thật ra đều có xuất xứ từ bản Đôn Hoàng, với những thêm thắt khác nhau trong quá trình sao chép. Vì thế, bản Đôn Hoàng là bản ngắn nhất, chỉ có khoảng 12.000 chữ, so với những bản khác đều có khoảng trên dưới 20.000 chữ!

Tuy được xác định là bản ra đời sớm nhất, nhưng nếu so với năm viên tịch của Lục Tổ Đại sư được ghi lại chính trong sách này là năm Tiên Thiên thứ 2 (713) thì cũng đã có khoảng cách đến hơn một thế kỷ! Như vậy, tính chính xác của văn bản này cũng chỉ là tương đối mà thôi.

Quay sang tìm kiếm ở các nguồn sử liệu khác, chúng ta hầu như không tìm thấy gì khác ngoài hai dấu vết mờ nhạt sau đây:

1. Trong Lăng-già sư tử ký, cũng khai quật được ở Đôn Hoàng, thấy có nhắc đến tên Huệ Năng là một trong 10 vị đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngoài ra không đề cập thêm chi tiết nào khác về ngài.

2. Trong bia ký của Vương Duy, một nhà thơ lớn, được chép vào năm 740, thấy có đoạn ghi chép về thiền sư Huệ Năng, đại ý nói rằng “...không ai biết quê quán của ngài ở đâu, chỉ biết ngài sinh sống ở một vùng man di mọi rợ, khi còn trẻ đến học đạo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, được Ngũ Tổ nhận ra là bậc pháp khí và truyền trao y bát, bảo ngài phải lánh đi nơi khác. Ngài đã ẩn cư trong 16 năm, sống chung với những người dân tầm thường ngu dốt...” 

Nội dung trong bia ký của Vương Duy tuy không phong phú lắm nhưng rất quan trọng, vì qua so sánh chúng ta thấy có nhiều điểm phù hợp với những gì được ghi trong Pháp Bảo Đàn Kinh. Và điều này có thể giúp tăng thêm tính xác thực cho văn bản, bởi vì bia ký được chép vào thời điểm khá sớm, chỉ mới có 27 năm sau khi Lục Tổ Đại sư viên tịch!

Một chi tiết nữa cũng cần được lưu ý là trong lời thêm vào ở cuối bản Đàn Kinh do đệ tử của Lục Tổ Đại sư là Lịnh Thao ghi, có một đoạn nhắc đến văn bia này của Vương Duy và một số văn bia khác nữa: “Còn những sự tích khác, hiện chép tại các bài văn bia của quan Thượng thư Vương Duy, quan Thứ sử Liễu Tông Nguyên, quan Thứ sử Lưu Vũ Tích đời nhà Đường.”

Nay văn bia của Vương Duy quả thật đã được tìm thấy, còn 2 tấm văn bia của Liễu Tông Nguyên và Lưu Vũ Tích thì chưa. Nhưng căn cứ vào việc tìm thấy văn bia của Vương Duy thì có thể tin được bài viết của Lịnh Thao là có thật chứ không phải do người đời sau thêm vào.


Âm lịch

Ảnh đẹp