Lịch sử Ðức Mục Kiền Liên (Mahà Moggalàna)


Hellmuth Hecker Nguyễn Ðiều dịch Việt (1988)
20/08/2010 09:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 9751
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

5. Những Thinh văn xuất sắc

Trong Mahàpadãna Sutta, bài kinh thứ 14 thuộc bộ Diighà Nikàya (Trường A Hàm) đức Phật đã đề cập đến những vị Chánh Ðẳng Chánh Giác trong quá khứ và xác nhận rằng các vị Chánh Ðẳng Giác mỗi vị đều có hai đệ tử lãnh đạo và một đệ tử hầu cận. Rồi trong một chỗ khác, kinh Samyutta Nikàya (Tạp A Hàm 17,14) Phật còn nói rằng: Tất cả những bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác trong quá khứ và tương lai đã hay sẽ có một đôi đệ tử xuất sắc nhất.

Mỗi khi có đấng Toàn Giác xuất thế ba vị đại đệ tử này (tức hai vị lãnh đạo Tăng chúng và một vị hầu cận) rất cần thiết. Ngài ví họ như ba vị cầm đầu ba bộ Quốc phòng, Nội vụ và Tài Chánh của một nhà vua. Ðức Phật so sánh việc điều hành Phật giáo như cách tổ chức của một quốc gia, Phật đã nói Ananda (Ðại đức A Nan) như người "Tàng trữ" Pháp Bảo (Bộ trưởng Tài Chánh), vì Ananda là đệ tử nhớ tất cả những bài pháp của Phật thuyết. Ðức Phật cũng nói đến Sàrìputta như vị "Tổng Tư Lệnh" chu toàn, bảo vệ phạm vi Giáo Hội (Bộ Trưởng Quốc Phòng) và Mahà Moggallànalà người có trách nhiệm nội bộ, như bà vú trong gia đình chăm lo con cái, như "Bộ trưởng Nội Vụ" duy trì nội an.

Cả bốn Thánh nhân này (tức đức Phật cộng với hai đệ tử lãnh đạo và một đệ tử hầu cận) có thể chia làm hai nhóm: mội nhóm gồm hai vị có nhiều điều tương đồng. Chẳng hạn như đức Phật và Ananda (A Nan) thuộc giai cấp "Chiến sĩ" (Khattiya) và cùng sinh một ngày. Tương tự như thế, Sàrìputta (Xá Lợi Phất) và Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên) thuộc giai cấp Bà La Môn và ra đời cùng một lúc.

Sự quan hệ nhân tộc này đã nghiệm đúng trong đời sống thanh tịnh hàng ngày: Ananda luôn luôn ở bên cạnh Phật, kể từ khi ông trở thành đệ tử hậu cận như bóng với hình. Còn Mahà Moggallàna và Sàrìputta thì gần như không thể tách rời nhau được.

Lúc tuổi về chiều, mỗi khi đức Phật cảm thấy thân thể mỏi mệt, ba vị Ðại đệ tử này là ba vị duy nhất được Phật cho phép nhân danh Ngài giảng giải giáo pháp.

Chẳng hạn như đã xảy ra ở Kapilavatthu (Ca Tỳ la Vệ) Mahà Moggallàna thay Phật thuyết một bài pháp thật dài nói về sự thu thúc lục căn để đối trị tình trạng chìm đắm trong lục trần. (theo kinh Samyutta Nikàya:Tạp A hàm, 35, 202).

Sau khi Sàrìputta và Mahà Moggallàna đắc quả A La Hán. Ðức Phật đã tuyên bố trước Tăng chúng rằng họ sẽ đóng vai trò hai vị đệ tử lãnh đạo.

Một số Tỳ Khưu tỏ ra ngạc nhiên và bắt đầu so bì tại sao đức Thế Tôn lại nâng đỡ những Tỳ Khưu "mới xuất gia". Họ bàn tán: "Người xứng đáng được Phật ban cho phẩm vị ấy phải là nhóm năm thầy Kiếu Trần Như, hoặc giả Trưởng lão Yasa hay ba vị đại Sa Môn Kassapa (Ca Diếp). Tại sao đức Phật không ngó ngàng các vị này, mà lại ban giáo phẩm cao nhất đến những đệ tử mới xuất gia và "thấp hạ" nhất?"

Ðể phân giải sự xôn xao ấy, đức Thế Tôn dạy rằng: Mỗi người chỉ gặt hái những gì họ đã tạo. Sàrìputta và Mahà Moggallàna vốn trong nhiều kiếp quá khứ gieo trồng phẩm vị ấy. Cả hai đã tuần tự bồi đắp công năng trở thành Ðại đệ tử Phật. Trong khi đó những Tỳ Khưu khác thì cố gắng tiêu trừ phiền não để giải thoát mà thôi. Tuy cả hai vị Ðại đệ tử thuộc về một giai cấp xã hội khác, và từ một tín ngưỡng khác mới gia nhập Phật giáo, nhưng địa vị đặc biệt của họ trong hàng Thánh nhân là một địa vị đặc biệt do luật nhân quả ấn định.

Ngoài ra đức Phật cũng đã nhiều lần, trong nhiều trường hợp khác nhau, ca ngợi đôi đệ tử ưu tú này như sau:

"Sàrìputta và Mahà Moggallàna là những vị Thánh nhân độc đáo, là những Sa Môn ưu hạng trong cộng đồng Tăng lữ. Họ luôn luôn thực hành đúng lời giáo huấn của Như Lai, sống theo chân lý. Hai Thánh Tăng ấy xứng đáng cho hành Tứ chúng lễ bái và kính mến (Samyutta Nikàya: Tạp A Hàm 47, 14)"

Và:

"Nếu một người mẹ hiền, thường khuyên nhắc đứa con trai yêu quí rằng: Này con! Con nên học hành và giữ gìn nết hạnh như một "Quan Nội Giám" hay như một Hatthaka của giòng họ Alavi. Vì đây là hai hạng người gương mẫu của xã hội hiện tại. Thì (xa hơn nữa) bà mẹ ấy nên dạy tiếp rằng: Này con! Ðức con yêu quí của mẹ. Nếu con muốn được giải thoát, sống đời sống vô gia đình của một đạo sĩ chân tu thì con nên làm như Sàrìputta và Mahà Moggallàna! Vì hai Sa Môn này là hai tấm gương sáng của các hàng Tỳ Khưu vậy! "(Samyutta Nikàya 17, 23).

Một chỗ kinh khác:

"Này chư Tỳ Khưu! Hãy học hỏi và tu tập cùng Sàputta và Mahà Moggallàna. Vì hai Sa Môn này có đầy đủ sức thông minh và tinh thần hỗ trợ cho đồng đạo trong đời sống Thánh Thiện! Sàrìputta có thể ví như người mẹ, và Mahà Moggallàna ví như bà vú. Sàrìputta đủ khả năng hướng dẫn phàm Tăng đến Thánh quả Nhập lưu và Mahà Moggallàna sẽ đưa họ đến cứu cánh giải thoát!" (Majjhima Nikàya: Trung A Hàm số 141).

Ðặc điểm hai vị Ðại đệ tử này trong các lời ca ngợi nêu trên của đức Phật có thể phân tích như sau: Sàrìputta có một biệt tài khai thị và hỗ trợ những ai được Ngài dạy dỗ, chặt đứt ba xiềng xích sanh tử đầu tiên nơi tâm thức để bước vào Thánh đạo! Nghĩa là Ngài có khả năng cải hóa phàm nhân một cách rất hiệu quả, bằng cách làm cho họ thấy rõ sự ảo mộng của kiếp người, rồi đưa họ vào giai đoạn bình an, không còn sa đọa.

Sàrìputta giống như một hiền mẫu, hằng theo dõi và hướng dẫn những bước chân đầu tiên của trẻ thơ. Hoặc nói cách khác, Sàrìputta là vị thầy thọ ký, hay ít nhất là bậc Sa Môn làm nở được đoá hoa Tu Ðà Hườn trong mỗi học trò.

Còn Mahà Moggallàna hằng tiếp tục hướng dẫn chư Tỳ Khưu đã bước vào Thánh lưu tiến đến mục tiêu cuối cùng, Mahà Moggallànakhông bao giờ để cho một vị Tu Ðà Hườn dừng lại ở đó, mà sẵn sàng soi sáng khuyến khích hành giả tới nơi tới chốn. Mahà Moggallàna như một Sa Môn vô địch về đức tính tinh tấn, nên những Tỳ Khưu nào hữu duyên tu tập gần Ngài, có thể xem như tu tập gần đức Phật, vì phương pháp phát triển tinh tấn mà Mahà Moggallàna áp dụng để hỗ trợ đồng đạo cũng giống như phương pháp mà đức Phật đã hỗ trợ Ngài trước đây. Nói tóm lại, Mahà Moggallàna gần như một bà vú luôn luôn dinh dưỡng và củng cố sức mạnh của trẻ thơ cho đến khi khôn lớn vững chắc.

Riêng đức Phật tượng trưng cho sự tổng hợp của hai phẩm tính Sàrìputta và Mahà Moggallàna. Nếu Sàrìputta là người mẹ, Mahà Moggallànalà bà vú, mỗi người có một ân đức riêng đối với trẻ thơ, thì đức Phật quả thật vừa là người mẹ, vừa là bà vú đối với tất cả chúng sanh, nhất là đối với những ai đã bước vào con đường Bát Chánh (Atthangika Magga).

Ðể dễ nhớ, chúng ta có thể tóm tắt rằng cuối cùng Sàrìputta và Mahà Moggallàna đều giải thoát, những phương tiện để hai vị này tiến tới giác ngộ là chiều Rộng và chiều Sâu. Sàriputta nhờ vào Trí tuệ (rộng), và Mahà Moggallàna nhờ vào Thiền định (sâu) (Ceto vimutti cànivimuttica).

Dữ kiện này được hoàn toàn chứng minh khi hai Ðại đệ tử Phật được giao phó trách nhiệm chăm sóc sự tu tập của Rahula (La Hầu La), người con kiếp chót của đức Phật.

Vị là một Tỳ Khưu vừa xuất gia, Rahula có hai vị thầy A Xà Lê (Acariya): một dạy dỗ về Pháp bảo và một chăm sóc hạnh kiểm. Sàrìputta được Phật chỉ định làm thầy dạy đạo, và Mahà Moggallàna làm sư trưởng giám hộ hạnh kiểm và tu tập Thiền định...

Một hôm, Sàrìputta nói với Mahà Moggallàna rằng: "Này đạo huynh! Sự hiểu biết của bần Tăng so với những thần thông vĩ đại của đạo huynh chẳng khác nào một mảnh đá vụn đối với toàn khối núi Hy Mã Lạp Sơn to lớn hùng vĩ!"

Mahà Moggallàna liền đáp lại rằng: "Nhưng đổi lại, này Sàrìputta! Về sức thông minh, trí tuệ của bần đạo đối với trí tuệ của Thánh huynh chỉ như một hạt cát nhỏ trong một bãi sa mạc!" (theo Samyatta Nikàya 21,3)

Về những tầm thông thái đa diện, một hôm đức Phật đã tiết lộ rằng: "Có những pháp chỉ có Như lai mới nghiệm ra và có thể thông giải, nhưng không phải Sàrìputta. Rồi có những vấn đề Sàrìputta mới cắt nghĩa nổi, chứ không phải Mahà Moggallàna. Và cũng có những công việc chỉ có Mahà Moggllàna mới đủ khả năng giải quyết, chứ không phải bất cứ một Tỳ khưu nào khác!" (theo Jataka 483).

Vì vậy, hai vị Ðại đệ tử ấy có thể xem như hai gạch nối giữa những phẩm lực tối thượng của đức Phật với khả năng của chư vị đệ tử khác.

Khi Ðề Bà Ðạt Ða tuyên bố đòi lãnh đạo Giáo Hội, đức Thế Tôn đã nói rằng Ngài sẽ không giao phó ai cầm đầu Tăng chúng. Ngay cả hai vị Ðại đệ tử Sàrìputta và Mahà Moggallàna, khiến cho Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) bị cô lập. (Cula Vagga VII, 3).

Trong sự phẩm định những đệ tử ưu tú trên cán cân, một bên là Sàrìputta và Mahà Moggallàna và bên kia là Ðề Bà Ðạt Ða (kẻ hằng làm cho nhiều Tỳ Khưu nông nỗi trở nên hư hỏng), còn một số đông Sa Môn khác với nhiều trình độ và công hạnh khác nhau, nên đức phật đã phủ dụ như thế.

Bởi tranh giành chức "Ðệ tử ưu tú" mà một Tỳ Khưu tên Kokàlika, nghe lời Ðề Bà Ðạt Ða, đã có lần vu khống hai vị Ðại đệ tử ấy rằng "họ có nhiều ác ý" thay vì sự tố cáo đó nên nhắm vào Ðề Bà Ðạt Ða.

Ðức Phật đã dạy:

"Này Kokàlika! Ông không nên lầm lẫn như thế! Hãy thân thiện và tín nhiệm Sàrìputta và Mahà Moggallàna, vì họ là hai Sa Môn có khả năng!" (theo Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm 6- 10).

Dù được Phật nhắc nhở như vậy, nhưng Kokàlika vẫn tiếp tục vu oan nên đã chịu quả khổ. Theo kinh ghi lại thì Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) và Kokàlika đã bị đọa vào địa ngục Vô Gián, tức địa ngục của những kẻ nặng tội nhất. Ngược lại, Sàrìputta và Mahà Moggallànathì đạt tới Thánh quả cao nhất, giải thoát Niết Bàn. 

6. Những đóng góp của hai vị Ðại đệ tử.

Trong tam tạng kinh điển, có nhiều bản "thuật sự" nói về những công tác mà hai vị Ðại đệ tử đã thực hành chung để phụ tá đức Phật chăm sóc Giáo Hội. Cả hai đã làm việc rất nhiều để cho cộng đồng Tăng lữ được phát triển đầy đủ ơn ích. Những đóng góp của họ hầu hết nhắm vào việc dung hoà nội bộ, ổn định và gìn giữ kỷ luật Giáo Hội, đáng được ghi lại cho hậu thế noi theo.

Chẳng hạn như vụ đức Phật ra lệnh trục xuất nhóm sáu vị Tỳ Khưu (Chabaggiya, Lục quần Tỳ khưu) cố ý dễ duôi và bất tuân kỷ luật mà đức Phật đã lắm lần khuyên răn không kết quả (ghi trong Kìta Giri thuộc bộ Majjhima Nikàya 70). Ðây không phải là một việc dễ làm! Và cũng vì nhóm sáu vị Tỳ Khưu này mà một số giới luật mới đã được đức Phật chế định.

Sau cùng, vì thái độ quá sân si, bất phục thiện của họ mà đức Phật quyết định cho phép Sàrìputta và Mahà Moggallàna(với sự ủng hộ của Tăng Già Tỳ Khưu đầy đủ đức hạnh) trục xuất sáu Tỳ Khưu khó dạy này ra khỏi Giáo Hội một cách êm đẹp (Culla Vagga VI,13-16).

Ðặc biệt nhất là sau đó, hai vị Ðại đệ tử đã thành công trong việc khuyến dụ được những Tỳ Khưu trẻ tuổi bồng bột, nghe lời xúi giục của Ðề Bà Ðạt Ða hành động sai lầm, quay về với đức Phật và giữ lại đời sống phạm hạnh.

Khi thực hiện điều này, Sàrìputta đã dùng Tha tâm thông để thấy rõ những Tỳ Khưu nhỏ lầm lạc kia suy nghĩ gì mà giải thích ngay điểm họ hiểu quấy, còn Mahà Moggallàna thì dùng những thần thông khác! (theo Culla Vagga VII,4).

Biến cố sau đây chứng tỏ rằng hàng ngũ Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã được vững chắc: một lần nọ, khi Sàrìputta bị một Tỳ Khưu thù nghịch vô cớ kết tội, Mahà Moggallànavà Ananda đã lập tức triệu tập Tăng chúng để nhìn nhận và phán quyết sự điều trần chân chánh của Sàrìputta trước lời buộc tội của người đối lập, là sự thật (Anguttara Nikàya IX 11).

Lần khác, khi Mahà Moggallàna bị bệnh, đức Phật đã đến thăm và khuyến khích ông bằng một bài pháp nói về bảy yếu tố Giác ngộ. Mahà Moggallàna đã nhờ bài pháp này mà khắc phục được đau đớn và khỏi bệnh (Samyutta Nikàya 46,15).

Sau khi đạt đến Thánh quả A La Hán, và được đức Phật giao phó trách nhiệm hướng dẫn Giáo Hội, hai vị Ðại đệ tử thường sống chung với nhau trong một tu viện thuộc Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana Vihàra). Họ thường tổ chúc những buổi luận đạo, với sự tham dự của một số Tăng lữ để giúp những đồng đạo gia tăng sự hiểu biết trong Phật giáo hoặc đã thông những điểm nghi ngờ của họ. (Majjhima Nikàya No 5).Và có rất nhiều bài pháp đã được hai vị Ðại đệ tử này thuyết cho Tăng chúng nghe.

Những bài pháp do Mahà Moggallànathuyết được ghi lại trong các kinh: Majjhima Nikàya số 15, Anguttara Nikàya 35, 202.

Họ cũng dùng khá nhiều thì giờ trong việc chủ tọa những buổi luận đạo của những hàng đệ tử (ghi trong kinh Samyutta Nikàya 14, 15).

Ngoài ra còn có những mẫu đối thoại sâu sắc với Ðại đức Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà), một Thiền sư thượng thừa trong các hàng Ðại đệ tử Phật. Những mẫu đối thoại như thế đề cập đến pháp Thân Quán Niệm Xứ (tức sự quán xét biết mình- ghi trong Samyutta Nikàya 47, 26-27) và sự khác biệt giữa hai bực Hữu học (Sekhà) và Vô học (Asekhà) (ghi trong Samyutta Nikàya 52, 4-6).

Cả hai vị Ðại đệ tử thường được đức Phật nhiệt liệt khen ngợi về việc làm hữu ích của họ nhưng họ không bao lấy làm hãnh diện. Vì họ là những Thánh nhân, nên các sự ngã mạn, tự cao v.v... không còn trong họ nữa.

Xin kể một giai thoại:

Một lần nọ khi hai Ðại đệ tử này đang ngồi gần đức Thế Tôn. Phật yên lặng và cả hai vị Ðại đệ tử đều lĩnh tọa trong một trạng thái đoạn tuyệt phiền não. Chợt đức Phật thốt ra những câu tán dương sau đây, trước tiên đến Sàrìputta và sau đến Mahà Moggallàna:

"Như đỉnh núi khôn lay trên mặt đất,
Một Sa Môn vọng tưởng đã tiêu tan,
Tâm và trí không còn theo phóng dật,
Thì lục căn tinh khiết sáng như vàng.
Thiền an trụ làm thân tâm hoá Phật,
Rồi Sa Môn thấy rõ Pháp Niết Bàn!"
(Thoát dịch theo Kinh Udàna III, 4-5)

Còn sự khiển trách thì chỉ có một là đức Phật đã không ý với Sàrìputta mà lại khen ngợi Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên). Câu chuyện như sau:

Lúc ấy đức Thế Tôn vừa yêu cầu một nhóm Tỳ Khưu làm ồn, vốn là học trò của Ðại đức Sàrìputta, ra khỏi nơi Phật ngự. Ðức Phật bèn hỏi hai vị Ðại đệ tử xem họ nghĩ sao khi Phật làm như vậy. Sàrìputta trả lời: "Vì đức Thế Tôn muốn an định trong thiền cảnh, và chư đệ tử phải tuân hành". (Ý nói Sàrìputta và Mahà Moggallàna, sau khi nhóm Tỳ Khưu ồn ào kia đi rồi, họ phải cùng với đức Phật nhập vào Thiền định).

Nhưng đức Phật đã quở trách Sàrìputta. Ngài nói: "Ông không nên có ý nghĩa như vậy, và đừng bao giờ tái suy nghĩ như thế!"

Rồi Phật quay sang Mahà Moggallàna nhắc lại câu hỏi tương tự. Mahà Moggallàna đáp lại rằng: "Khi đức Thế Tôn muốn an định trong thiền cảnh thì các đại đệ tử, nhất là đạo huynh Sàrìputta phải có trách nhiệm coi ngó chư Tăng (dạy dỗ các đệ tử của mình).

Ðức Phật liền khen ngợi Mahà Moggallàna và tiếp rằng "Cả hai đại đệ tử phải trông nom cộng đồng Tăng lữ một cách tốt đẹp như chính đích đức Phật trông nom vậy!".

7. Thần thông của Mahà Moggallàna

Trong bài pháp nói về những đệ tử có khả năng siêu phàm (Anguttara Nikàya I,13) đức Phật đã đề cập đến Mahà Moggallàna như một bậc Thương thừa trong những kẻ có thần thông trên thế gian.

Một hôm Mahà Moggallànacùng với các học trò đi kinh thành gần nơi Tăng hội (Samyutta Nikàya 14-15), đức Phật đang có mặt và còn nói rõ: "Dĩ nhiên cũng có những đệ tử khác đã được thần thông quí báu, nhưng mỗi người chỉ tuyệt diệu trên một phương diện. Chẳng hạn như Sa Môn Anuruddha và Tỳ Khưu Ni Sakulà đạt Thiên nhãn thông thấy rõ đủ loại chúng sanh trong tam giới. Tỳ Khưu Sobhita và Tỳ Khưu Ni Bhadda Kapilàni thì có Túc mạng thông biết được hàng ngàn kiếp trong quá khứ. Tỳ Khưu Sagalo có thể đi trong lửa, không bao giờ bị cháy. Ðệ tử Cùla Panthaka có thể bay trên không gian, đi thăm các tầng trời. Và đệ tử Pilinda thì độc đáo trong việc nghe các hàng chư Thiên nói chuyện (Thiên nhĩ thông).

Nhưng Mahà Moggallàna thì xuất sắc nhất trên tất cả các phương diện. Ông đã đạt được nhiều loại thần thông khác nhau, cao đẳng hơn các loại đệ tử khác! Ngay cả Tỳ Khưu Ni Uppallavanna là một bậc pháp luật nổi tiếng cũng không vượt nổi thần thông của Mahà Moggallàna vậy!"

Ai đã từng nghiên cứu về những sức mạnh "Siêu tâm lý" hay các bí mật Thần học (tuy trừu tượng nhưng rất thực dụng) sẽ khám phá ra được giá trị bản kinh nói về thần thông của Mahà Moggallàna, và phải tin tưởng rằng ấy là một điều có thật!

Thế giới mà chúng ta gọi là vật chất, có thể tiếp nhận qua năm cảm quan (hay năm giác quan) được nhưng nhà Vật Lý học hiện nay cắt nghĩa như là "Sự biểu hiện của nhiên lực" v.v... vốn chỉ là một phần rất nhỏ trong cái "sự thật vô biên". Sự thật ấy bao gồm tất cả mọi "Tĩnh Ðộng" từ cực tiểu đến cực đại mà con người chỉ thông thấu được môi trường rất hạn hẹp, khó có thể hiểu nổi những gì giới hạn của mình.

Nghi ngờ chớ không dám quá quyết Xác nhận hay Phủ nhận vì biết rằng nó nằm ngoài tầm tay tư tưởng của mình, rồi tạm dùng những từ ngữ như "Phản vật chất", "Tâm lý lực" hay "Siêu nhiên" chính là con người bắt đầu cảm chứng những kỳ lạ mà khoa học không cắt nghĩa được. Vì chúng ta chỉ ý thức được một lãnh vực nhỏ hẹp, lãnh vực của thế giới "sinh động vật", nên chúng ta luôn luôn có khuynh hướng lấy những "Kiến thức" chuyển động giới hạn làm nguyên tắc tuyệt đối.

Nhưng vũ trụ đối với những bậc thanh tịnh Ðại Giác, đối với các bậc Thánh nhân vượt khỏi mọi tầng lớp vật chất hóa hiện, là một vũ trụ to lớn không lường. Vũ trụ ấy vốn vừa độc lập với môi trường của chúng ta vừa có thể linh nghiệm nếu chúng ta đủ đem sức cái " Tự nhiên" của mình rèn luyện thành cái "Siêu nhiên" của các bậc Thánh. Ðây chính là chỗ gạch nối (hay còn gọi là mối liên hệ) giữa những huyền bí khác nhau mà người ta gọi là phép lạ! Ðiều đáng tiếc là một khi những trình độ siêu phàm ấy biểu hiện như một thần thông có thật, vì người ta vì quá bị cầm tù trong tư tưởng hẹp hòi, không thể ý thức rằng chính cái "sở năng hữu hạn" của mình không cho mình hiểu biết được các sự thật không thể chối cãi được.

Nhưng đối với các hàng siêu thế, như đức Phật hay ngài Mục Kiền chẳng hạn, khi đã tu luyện phát triển những khả năng thần nghiệm xuất thế, các ngài đã lọt vào trong những pháp hành vô cực, cao rộng hơn môi trường phàm tình rất nhiều và với những cảm quan đã hoàn toàn tinh diệu, nhất là đã đạt được "Tứ Phần Nhận Thức" (Iddhipada), các Ngài sẽ thấy rõ cái chân lý Vô thượng, Vô lượng, phi không gian lẫn phi thời gian.

Ðối với các bậc này, viễn tượng biểu hiện biết thực nghiệm của họ sẽ nằm trong lẫn ngoài vũ trụ, không thể đo lường được, vượt khỏi mọi lằn mức và biên giới.

Kinh Majjhima Nikàya (Trung A Hàm) số 32 có ghi : Khi Sàrìputta hỏi Mahà Moggallàna: "Loại Sa Môn nào mà Tăng chúng (đang) hội họp nơi đây nên tán dương nhiều nhất?" Mahà Moggallàna trả lời rằng: "Theo quan điểm của ông thì ấy là Sa Môn có trí tuệ luôn luôn tỏ sáng và có thể thảo luận và giảng giải một cách rành mạch mọi giáo lý của đức Phật"

Nghĩa là kinh đã xác nhận Mahà Moggallàna quả thật là người đủ khả năng nói pháp siêu hình.

Thật ra, những bài pháp giá trị cả bề rộng lẫn bề sâu là những bài pháp phải thoát ra cửa miệng của một người đã tu chứng đạt thần thông, vượt lên trên lãnh vực vật chất và cảm quan. Sa Môn nào càng mở trí thức bằng những công phu siêu nhiên như thế, Sa Môn ấy càng có nhiều điều để nói. Nghĩa là hành giả khi tự mình đã chứng nghiệm trong diệu pháp giải thoát siêu phàm, họ sẽ có trí tuệ thông biện nhất để làm bộc lộ sức mạnh của pháp bảo và kích thích người khác. Những thí dụ về Mật pháp do Mahà Moggallàna thuyết ra như thế đã được ghi trong Majjhima Nikàya (Trung A Hàm số 15- 17), trong Anguttara Nikàya (Tăng Nhất A Hàm X, 84) và trong Samyutta Nikàya (Tạp A Hàm 35, 202.44,7-8)

Bây giờ chúng ta thử quay lại vấn đề "Thần thông" của Mahà Moggallàna (Mục Kiên Liêm) ghi trong kinh điển Phật giáo, dựa theo năng thể chất thì sẽ thấy những loại sau:

1/ Tha tâm thông

Một lần nọ nhằm lễ Phát Lồ (Uposatha), đức Phật cùng Tăng chúng ngồi tĩnh tọa trọn cả đêm

* Ngày phát lồ, Bố-tát, tức là ngày kiểm soát lại giới hạnh. Có hai lần trong mỗi tháng, tức mồng 1 và ngày rằm. Hằng Phật Tử tại gia thường gọi đó là ngày "Sám hối", còn các bậc xuất gia ấy gọi là ngày "xưng tội, tụng giới bổn". Lễ phát lồ sẽ không thành tựu nếu có một Tỳ Khưu giấu lỗi.

Khi bình minh ló dạng, đức Phật chỉ tuyên bố: "Tăng hội đêm nay không trong sạch". Ðại đức Mahà Moggallàna lập tức dùng Tha tâm thông quan sát từ vị Tỳ Khưu này đến vị Tỳ Khưu khác, và tìm ra một tu sĩ hoàn toàn bị ô uế. Ông liền đến trước mặt yêu cầu vị Tỳ khưu ấy ra khỏi Tăng hội. Nhưng đương sự không chịu nhúc nhích. Sau khi cảnh cáo đủ ba lần, Mahà Moggallàna mới dùng "Ðại thủ" (bàn tay lớn) nhấc bổng Tỳ Khưu ấy lên, rồi đem để ra ngoài phòng hội. Ðoạn Mahà Moggallàna đóng cửa cẩn thận trước khi yêu cầu đức Phật tuyên đọc Giới bổn (Patimokha Samvarasila) (theo Anguttara Nikàya VIII,20)

* Giới bổn là những điều răn cấm, gồm 227 điều hành cho phẩm hạnh Tù Khưu (Bhikkhu) Giới bổn này còn gọi là "Biệt Giải Thoát Giới" chỉ được sau khi cộng đồng tăng sự đả "xưng tội" đầy đủ, đã được"ân xá" hay đã được "hành phạt" và trở nên trong sạch.

Lần khác đức Phật có mặt trong cộng đồng năm trăm vị Tỳ Khưu mà chỉ có Ngài mới biết tất cả là A La Hán. Khi Mahà Moggallàna từ xa đến, ông liền nhận ra các Thánh Tăng và lễ bái một cách kính cẩn.

Liền ấy, một trong số năm trăm vị A La Hán đã đứng dậy ca ngợi Ðại đức Mahà Moggallàna bằng những câu kệ (phỏng dịch thành thơ) như sau:

"Trong khe núi tâm người thanh tịnh,
Diệt tham, sân, phá tan chấp mê lầm.
Người xứng đáng cho Tăng đồ cung kính.
Vị thần thông, vì tuệ lực cao thâm.
Trong nháy mắt người nhìn ra đạo hạnh.
Của thánh nhân, không còn chút bụi trần!
Tâm người sáng như kim đài óng ánh,
Vì người đây là Tôn túc tuyệt luân!"
(Samyutta Nikàya 8,10)

Ngoài ra, kinh tạp A Hàm (Samyutta Nikàya No 52, 1-2) cũng còn một đoạn ghi về Tha tâm thông của Mahà Moggallàna như sau :

"Khi ấy Ðại đức Anuruddha đang hành thiền tại một nơi vằng vẻ. Vì muốn biết rõ hiệu lực của diệu pháp Niệm Xứ (Satipatthàna) có khả năng tiêu trừ đau khổ, đánh tan phiền não, tiến tới giải thoát hoàn toàn như thế nào, mà Mahà Moggallàna đã dùng Tha tâm thông "bám sát" thiên cảnh của Anuruddha, rồi hiện ra trước mặt, yêu cầu Thiền tăng ấy mô tả chi tiết của phương pháp thực hành Niệm Xứ".

2/ Thiên nhĩ thông

Một tối nọ, khi Ðại đức Sàrìputta đến thăm Ðại đức Mahà Moggallàna, ông chợt thấy nét mặt của người đạo huynh này có một vẻ thanh tịnh lâng lâng, siêu thoát. Ðại đức Sàrìputta liền hỏi Mahà Moggallàna xem phải chăng người đang tịnh tâm trong một cõi thiền nào đó. Nhưng Mahà Moggallàna trả lời rằng: tâm ông chỉ an trú ở cõi thiền thấp nhất. Còn nét mặt ông "trong suốt" là vì ông đang "lắng nghe" một bài pháp. Sàrìputta liền hỏi: "Sư huynh nghe pháp của ai vậy?", thì được trả lời: "Bần Tăng nghe pháp của đức Thế tôn!"

Lúc ấy đức Phật đang ngụ tại thành Xá Vệ (Savatthi) rất xa kinh đô Vương Xá (Ràjagaha), tức là nơi mà Sàrìputta và Mahà Moggallàna đang có mặt. Ðại đức Sàrìputta liền hỏi :

"Phải chăng Mahà Moggallàna đã "xuất hồn" đi nghe Phật thuyết pháp hay đức Thế Tôn dùng Phật lực đến bên cạnh Mahà Moggallàna để thuyết pháp?". Mahà Moggallàna liền xác nhận rằng không phải ông xuất hồn đến gần Phật, cũng chẳng Phật lại gần ông, mà ấy chỉ là "sự vận dụng của Thiên nhản thông và Thiên nhĩ thông" khi cả hai giác quan này của ông lẫn của đức Phật đều đã tinh luyện. Nghĩa là với hai thần thông ấy, đức Phật và Mahà Moggallàna tuy ở rất xa nhau, nhưng có thể nhìn thấy nhau, và đối đáp với nhau thật rõ ràng như ở gần vậy.

Sau đó, Ðại đức Sàrìputta tự động tán dương rằng: "Khi đạt được những thần thông như thế đức Phật hay Mahà Moggallàna có thể sống mãi đến trọn kiếp tái đất, nếu Phật hay Mahà Moggallàna muốn!". (Samyutta Nikàya 21,3).

Ngoài ra, với "Thiên nhĩ thông" Mahà Moggallànacòn có thể nghe được "ngôn ngữ của phi thân, chư thiên, ma quỷ.v.v. và có thể nhận rõ những tư thức của họ". Chẳng hạn như có một lần một ngạ quỷ đã báo cho ông biết để ngăn chặn Ðề Bà Ðạt Ða, vị ác Tăng này định làm hại đức Phật (theo Kinh Culla Vagga VIII,2).

3/ Thiên nhãn thông

Như đoạn trên vừa nói, Màhà Moggallàna đã dùng Thiên nhãn thông để thấy được đức Thế Tôn xa hàng một trăm dặm (Samyutta Nikàya 21,3).

Nhưng cũng còn ngững thuật sự sau đây:

"Lần nọ, Ðại đức Sàrìputta đang ngồi tham thiền gần chân núi, một quỷ dạ xoa (Yakkha) hung bạo đã dùng toàn lực đánh lên đầu Ðại đức một cái như trời giáng, và nhanh như chớp, Ðại đức Mahà Moggallàna cũng bận hành thiên, chợt thấy không ngăn kịp, bèn hỏi:

"Ðạo huynh Sàrìputta! Người bị quỷ dạ xoa đánh có đau không?"

Ðại đức Sàrìputta mỉm cười trả lời:

"Tôi chỉ cảm thấy có cái gì chạm nhẹ lên đầu". Sau đó, Mahà Moggalàna liền tán dương oai lực của tâm an trụ. Còn Sàrìputta thì khen ngợi thần nhãn của Mahà Moggallàna, vì chính mình không tài nào trông thấy được hung thần vừa tấn công mình hình dáng như thế nào (theo Kinh Udàna IV,4).

Một hôm, nhờ Thiên nhãn thông mà Mahà Moggallàna tuy ở xa vẫn thấy được đức vua Pasenadi bị thảm bại trong một trận đánh với người Licchavi. Nhưng sau đó nhà vua đã tập hơp được tàn quân rồi phản công và chiến thắng kẻ thù.

Khi Mahà Moggallàna thuật lại chuyện này, một số Tỳ Khưu vội kết tội ông nói điều không thật và khoe pháp "Bậc cao nhân", tức phạm vào một trong bốn đại tội gọi là Bất Cộng Trụ, phải bị mất phẩm hạnh Tỳ Khưu và bị trục xuất khỏi Giáo Hội.

Tuy nhiên, đức Phật liền dùng Thánh Tuệ phán xét và phân giải rằng: "Này chư Tỳ Khưu! Mahà Moggallàna chỉ nói đúng những điều ông đã thấy, vì những chuyện ấy đã xảy ra (theo Pàrajika IV,17).

Hơn thế nữa, Mahà Moggallàna cũng nhìn thấy rất thường sự biểu hiện của luật Nhân Quả: Ông thấy nhân loại sinh tử ra sao. Do những hành động xấu xa (như làm hại đồng loại chẳng hạn) đã khiến họ tái sinh vào các ngạ quỷ, chịu đau khổ như thế nào. Trong khi đó một số người khác nhờ làm việc lành đã được sanh vào các cõi trời Dục giới hay các cõi trời cao hơn.

Vì vậy cứ mỗi lần thuyết pháp, Mahà Moggallàna thường dùng những trường phòng hợp như thế làm thí dụ chứng minh cho luật Nhân Quả. Thuật sự về Thiên nhãn thông này tìm thấy rải rác trong kinh điển rất nhiều, không thể kể hết ra được.

Trong hai cuốn thuộc Tam Tạng Pàli nói về cảnh ngạ quỷ (Petavatthu) và các cõi trời Dục giới A Tu La (Vimànavatthu), có chín trong số năm mươi về những sự sinh diệt do chính mắt ông trông thấy. Ðây chính là lý do mà hầu hết học giả Phật giáo đều kết luận rằng Mahà Moggallàna là một vị Thánh Tăng duy nhất biết được nhiều thế giới khác ngoài cõi người và thấu rõ mọi "Biến hành" của Nghiệp (Kamma).

Tuy thuật sự về Thiên nhãn thông của Mahà Moggallànacó quá nhiều, không thể kê khai hết được. Nhưng ít nhất xin kể vài chuyện trong kinh Samyutta Nikàya (Tạp A Hàm ) số 19, 1-21 và trong Pàràjika 9,15 như sau:

Lần nọ, Mahà Moggallàna ẩn tu trên đỉnh Linh Thứu Sơn ,gần thành Vương Xá (Rajàgaha) cùng một Sa Môn tên Lakkhana (tức một trong số một ngàn đạo sĩ Bà La Môn đã quy y Phật giáo cùng với Uruvela Kassapa).

Một buổi sáng nọ, khi hai vị Sa Môn xuống núi khất thực trong thành phố, Mahà Moggallàna chợt mỉm cười khi đi qua một đoạn đường. Sa Môn Lakkhana thấy lạ bèn hỏi lý do thì Mahà Moggallàna trả lời vỏn vẹn rằng: "Bây giờ chưa phải là lúc bần đạo có thể nói cho sư huynh nghe! Khi gặp đức Bổn Sư, bần Tăng sẽ nói cho Sư huynh nghe cũng không muộn!"

Sau đó, khi gặp đức Phật, Sa Môn Lakkhana liền nhắc lại câu hỏi này thì được Mahà Moggallàna trả lời: "Lúc ấy bần Tăng thấy những ngạ quỷ đói rách chạy loạn trên không, sau lưng chúng có những" luồng ác khí "như phiền não, hối hận, đau đớn đuổi bắt!".

Ðức Phật cũng xác nhận "Ấy là một sự thật". Ngài còn nói thêm: "Sở dĩ Như Lai ít khi đề cập đến chuyện ngạ quỉ khốn khổ là vì phàm nhân không thể nào tin được!". Rồi đức Thế Tôn còn dùng "Thông Thiên Tuệ" phân tích: "Loài ngạ quỉ vốn kiếp trước xem thường từ hạnh, chế giễu những kẻ chăm lo tu hành nên kiếp này thèm khát phúc đức. Mỗi khi chúng thấy một bậc chân tu đi ngang là chúng lại gần để tinh thần bớt khổ não". Phật kết luận: "Bọn ngạ quỉ biết Mahà Moggallànacó nhiều thần thông muốn cầu ông ta giải cứu, nhưng vì nghiệp ác cuả chúng dày, không mở miệng ra được nên chúng cứ chạy quanh để kích thích lòng từ bi của Mục Kiền Liên đấy!"

4/ Di hành thông (hay còn gọi là Di Thân Pháp).

Ðây chính là loại thần thông mà những chúng sanh nào mang sự sống bằng vật chất phải cần dùng nhất.

Kinh chép: "Chỉ dễ dàng như một người muốn co cánh tay vào hay duỗi cánh tay ra, và nhanh chóng như thế, thì Mahà Moggallànacũng có thể " khởi hành" ( với xác thân của mình) từ cõi người, rồi xuất hiện trên cõi trời trong khoảnh khắc".

Ðại đức Mahà Moggallàna đã sử dụng thần thông ấy nhiều lần để vừa đi thuyết pháp cho những thiên chúng ở các cõi trời nghe vừa quay về trần gian lo việc Giáo Hội. Một trong những kỳ công ấy là Mahà Moggallàna đã giảng đạo đến chư Thiên ở tầng trời thứ ba mươi ba (Tàvatimsa: Tha Hóa Tự Tại Thiên) giúp họ phần lớn nhập vào Thánh Lưu, và nhắc nhở luôn cả vua trời Ðế Thích (Sakka) xem vua còn tin tưởng vào giáo lý giải thoát của chư Phật hay không (theo Majjhima Nikàya: Trung A Hàm số 37).

Theo thuật sự Jàkata số 483E thì khi Phật lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp ròng rã trong vòng ba tháng để độ "Phật Mẫu". Mahà Moggallàna đã làm vị Tông Ðồ duy nhất lên thông báo mọi tin tức Giáo Hội ở thế gian đến đức Phật và xin chỉ thị của ngài.

Trong khi "du hành" làm Phật sự như thế Mahà Moggallàna không phải chỉ "ghé thăm" các chư Thiên ở cõi trời Dục giới, mà Ngài còn lên cả đến các cung trời Sắc giới lẫn Vô Sắc giới. Khi Mahà Moggallàna xuất hiện, các Phạm Thiênvốn không tin có một đạo sĩ nào đủ khả năng lên tới cảnh trời của họ bèn chất vật, mới hay đó là thần thông của Sa Môn Maggallàna, đại đệ tử Phật. Từ đó, các Ðại Phạm Thiên không dám dễ duôi cho rằng "họ là những vị trời bất diệt" nữa (theo Kinh Samyutta Nikàya 6,5).

Ðặt biệt là Mahà Moggallàna đã tìm ra được một vị Phạm Thiên tên là Tissa, kẻ trước đó không bao lâu chính là một Tỳ Khưu đệ tử Phật, đã viên tịch và sinh vào cõi trời này. Nhờ nghe được Pháp bảo của Mahà Moggallàna mà Phạm Thiên Tissa đã chứng quả giải thoát ngay sau đó. (theo Anguttara Nikàya: tăng Nhất A Hàm IV,34-VII 530.)

5/ Phổ lực thông

Ðối với những vật chất (hữu hình) hay vật tính (vô hình) dù có trọng lượng và cấu lực vững chắc đến đâu, Mahà Moggallàna cũng có thể lay chuyển dễ dàng.

Lần nọ, nhân lúc một nhón Tỳ Khưu ngụ tại một tu viện, xem thường các bậc Thánh Tăng và dễ duôi phận sự tu hành, cứ bận tâm tập luyện thân thể cho được cường tránh. Ðức Thế Tôn hay chuyện nay, hiểu rõ lòng tin sức mạnh vật chất thái quá của họ, bèn bảo Mahà Moggallàna nên sử dụng thần thông để cảnh cáo. Mahà Moggallàna vâng lời Phật dạy, chỉ dùng một ngón chân ấn nhẹ, làm rung chuyển nhiều tòa nhà khiến cho toàn thể tu viện mệnh danh là "Lãnh vực Thiên Ðường Migàra" như trải qua một cơn đông đất.Nhìn thấy thần lực phi thường của Ma hà Moggallàna toàn thể Tỳ Khưu từ đó không dám dễ duôi, bắt đầu kính sợ đức Phậtt và các hàng Thánh Tăng . Nhân đó, đức Thế Tôn đã giảng giải về bốn yếu tố tạo nên thần lực (Iddhipada) và chỉ có Mahà Moggallàna mới hội đủ bốn yếu tố này (theo Kinh Samyutta Nikàya số 51, 14 và kinh Jàtaka 299E).

Kinh Majjhima Nikàya (Trung A Hàm số 37) cũng kể rằng: "khi Moggallàna đến thăn vua trời Ðế Thích (Sakka) tại thiên giới, rồi nhận ra rằng vị vua trời này đang bắt đầu khởi niệm "dục mạng", ngã chấp tâm tự hào và khoái lạc trong những hạnh phúc tiên cảng, quên hết chân lý giải thoát. Mahà Moggallàna liền sử dụng Phổ Lục Công làm lay động nhẹ ngôi đền của Ðế Thích ở, có tên là "Bất Diệt Cung", khiến cho Ðế Thích giật mình hoảng sợ. Sau đó, Ðế Thích mới từ bỏ ngã mạn và lắng nghe vị Thánh Tăng nhắc lại pháp tiêu trừ tham ái, mà ông đã được Phật dạy trong một thiên niên kiếp trước. Pháp ấy cũng là pháp Phật đã dạy đến Mahà moggallàna để tiến lên quả vị giải thoát.

Lần khác, khi đức Phật còn tại tiền, có một nạn đói đã xảy ra ở vùng đức Phật cùng Tăng chúng đang ngụ. Chư Tăng đi trì bình chẳng đủ thực phẩm. Vì vậy, Mahà Moggallàna liền yêu cầu đức Thế Tôn cho phép ông đảo ngược lớp mặt đất vì có những chất nằm trong lòng đất có thể trồi lên và con người có thể ăn được,

Nhưng đức Phật đã bảo Mahà Moggallàna không nên làm vì sẽ gây sự hủy hoại sinh mạng của một số lớn sinh vật sống trong lòng đất. Hơn nữa, nạn đói cũng là một ác quả phải trả của một số người không thể tránh được.

Ðại đức Mahà Moggallàna liền nêu lên một giải pháp khác: Ông có thể dùng thần thông để mở ra một con đường rất ngắn đến xứ Uttara kuru (khá sung túc và cách đó rất xa ) để chư tăng có thể đi khất thực.

Lần thứ hai, đức Phật cũng bác bỏ và dạy rằng: "nạn đói không thể làm hại những Sa Môn đầy đủ đạo hạnh! Dù cho các Sa Môn ấy không có một chút thần thông!" (theo Kinh Pàràjika I,2). Ðây là trường hợp duy nhất mà đức Phật đã từ chối lời đề nghị của Mahà Moggallàna.

Ngoài ra, Mahà Moggallàna cũng có thần thông đem được bất cứ vật gì ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đến chỗ mình muốn. Chẳng hạn như trong kinh ghi: "Khi Sàrìputta bị bệnh, ông (Mahà moggallàna) đã dùng thần thông lấy cuốn sen trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn về làm thuốc cho vị đạo huynh này". (theo Mahà Vagga VI, 20 và Culla Vagga V, 34).

Chỗ khác, kinh Jàtaka số 78E còn nói "Ðại đức Mahà Moggallàna, trong chốc lát đã lấy về một chồi cây Bồ đề cách xa hàng trăm dặm cho ông Bá hộ Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) trồng trong khuôn viên Kỳ Viên Tự"

Nhưng theo một thuật sự khác về vấn đề tranh tài thì Mahà Moggallàna đã từ chối.

Số là thuở ấy, những tín đồ ngoại đạo và một số những Trưởng giả trong thành phố đã tổ chức một cuộc biểu dương thần thông. Họ treo giải thưởng là một bình bát bằng vàng, cột ở đỉnh trụ rất cao, mà đạo sĩ hay Sa Môn nào lấy được tức là người vô địch.

Khi Tỳ Khưu Pindola yêu cầu Mahà Moggallàna "sử dụng thần thông để cho quần chúng khâm phục oai lực của Tăng bảo "thì Mahà Moggallàna đã từ chối. Ông nói rằng:

- "Sư đệ có thể làm việc đó!"

Và khi Pindola lấy được bát quí, khiến cho quần chúng kính nể các đệ tử của đức Cồ Ðàm thì đức Thế Tôn đã khiến trách ông ấy. Phật dạy:" Này Pindola! Từ nay về sau, ông chớ biểu diễn thần thông vì mục đích ham danh như thế!" (theo Culla Vagga V,8).

-ooOoo-


Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp