Huyết mạch luận
Khởi lên ba cõi, thảy gồm về một tâm. Chư Phật trước sau cùng lấy tâm
truyền tâm, chẳng tạo ra văn tự.
Hỏi: Nếu chẳng tạo ra văn tự, lấy gì là tâm?
Đáp: Nay người hỏi ta, đó chính là tâm của người. Ta đáp lời người, đó
chính là tâm của ta. Nếu ta không có tâm, nhân đâu hiểu được việc đáp
người? Nếu người không có tâm, nhân đâu hiểu được việc hỏi ta? Nên hỏi
ta đó chính là tâm của người.
Từ vô số kiếp đến nay, hết thảy mọi hành vi, vận động, mọi lúc, mọi nơi,
đều chính là gốc tâm của người, đều chính là gốc Phật của người. Tâm
chính là Phật, cũng là như thế. Trừ tâm ấy ra, rốt cùng không Phật nào
khác có thể được. Lìa tâm ấy ra, không có lý nào tìm được Bồ-đề
Niết-bàn.
Tự tánh vốn chân thật, không phải nhân, không phải quả. Pháp tức là
nghĩa của tâm, tự tâm là Bồ-đề, tự tâm là Niết-bàn. Nếu nói rằng ngoài
tâm có Phật với Bồ-đề có thể được, thật không có lý như vậy.
Phật với Bồ-đề cùng ở nơi nào? Như có người dùng tay nắm bắt hư không,
được chăng? Hư không vốn chỉ có tên gọi, không có tướng mạo, không thể
nắm giữ, không thể buông bỏ. Vậy nên nắm bắt cái không chẳng thể được.
Ngoài tâm mà tìm Phật, rốt cùng chẳng thể được. Phật chính là tự tâm mà
thành, do đâu lại lìa tâm mà tìm Phật bên ngoài? Chư Phật trước sau cũng
chỉ nói một tâm này.
Tâm chính là Phật, Phật chính là tâm. Ngoài tâm không có Phật. Ngoài
Phật không có tâm. Nếu nói rằng ngoài tâm có Phật, Phật ở nơi nào? Ngoài
tâm đã không có Phật, sao khởi lên việc thấy Phật? Trước sau tuần tự dối
nhau, không hiểu rõ được tâm mình, liền bị cảnh vật vô tình bên ngoài
sai sử, không chút tự do. Nếu vẫn không có lòng tin, chỉ tự dối mình vô
ích, Phật không có lỗi gì.
Chúng sanh điên đảo, không rõ biết rằng tâm mình chính là Phật. Nếu biết
tâm mình là Phật, chẳng nên tìm Phật ở ngoài tâm.
Phật không cứu độ Phật. Dùng tâm để tìm Phật, ấy là không rõ biết Phật,
nhưng ngoài tâm mà tìm Phật đều là những người không rõ biết tâm mình là
Phật.
Cũng không thể đem Phật ra lạy Phật, không thể đem tâm niệm Phật.
Phật không tụng kinh, Phật không giữ giới, Phật không phạm giới. Phật
không giữ không phạm, cũng không tạo các việc lành dữ.
Như muốn tìm Phật, cần thấy được tánh. Tánh chính là Phật. Nếu không
thấy tánh, niệm Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới thảy đều vô ích. Niệm
Phật được nhân quả, tụng kinh được thông minh, giữ giới được sinh lên
cõi trời, bố thí được phước báo, nhưng tìm Phật thì rốt cùng chẳng thể
được.
Nếu tự mình không sáng tỏ, nên học hỏi nơi các bậc thiện tri thức đã
thấu rõ nguồn gốc sanh tử. Nếu không thấy tánh thì chẳng gọi là thiện
tri thức. Nếu chẳng như vậy thì dù có giảng nói được mười hai bộ kinh
cũng không khỏi vòng luân hồi sinh tử, chịu khổ trong ba cõi, không lúc
nào ra khỏi.
Xưa có tỳ-kheo Thiện Tinh tụng được mười hai bộ kinh nhưng vẫn không tự
thoát khỏi luân hồi, vì không thấy được tánh. Tỳ-kheo Thiện Tinh còn như
vậy, người đời nay giảng được năm ba bộ kinh đã xem đó là hết thảy pháp
Phật, thật là ngu si.
Nếu không rõ được tự tâm, tụng đọc những thơ văn nhàn rỗi đều chẳng dùng
vào đâu được. Nếu quyết lòng tìm Phật, phải thẳng hướng đến chỗ thấy
tánh. Tánh ấy chính là Phật.
Phật là người tự tại, là người vô sự, không tạo tác.
Nếu không thấy tánh, suốt ngày mê muội, hướng ra bên ngoài nhọc sức cầu
Phật, rốt cũng chẳng được.
Tuy rằng chẳng gì có thể được, nhưng nếu cầu được hiểu biết cũng nên học
hỏi nơi bậc thiện tri thức, phải khẩn thiết khổ cầu, khiến cho tâm hiểu
rõ được việc lớn sinh tử, chớ để năm tháng luống qua, tự dối mình vô
ích.
Như có của báu chất bằng núi cao, có quyến thuộc nhiều như cát sông
Hằng, mở mắt nhìn thấy đó, nhắm mắt còn thấy được sao? Nên biết rằng các
pháp hữu vi đều là ảo mộng. Nếu không gấp rút tìm thầy học đạo, một đời
luống qua vô ích. Cho dù tánh Phật vốn tự có, nếu không nhờ nơi thầy,
rốt lại cũng không rõ được. Không nhờ nơi thầy mà hiểu được, việc ấy rất
hiếm có.
Như tự mình sẵn có duyên lành nắm hiểu được ý thánh thì chẳng cần phải
học hỏi nơi bậc thiện tri thức. Đó là những người sinh ra đã sẵn biết,
sở học vượt trội hơn người.
Nếu chưa rõ biết, phải chuyên cần khó nhọc mà học hỏi, nhờ nơi kinh điển
để được rõ biết.
Như tự mình rõ biết, không học cũng biết, chẳng giống như những người mê
lầm không thể phân biệt trắng đen, dối xưng lời Phật dạy, nói pháp sai
dối, bêu xấu chư Phật. Những hạng si mê ấy thuyết pháp như mưa tuôn, hết
thảy đều là ma thuyết, chẳng phải Phật thuyết. Thầy là vua ma, đệ tử là
dân ma.
Người ngu mê chịu theo sự sai sử theo cảnh ngoài, chẳng biết phải rơi
vào biển khổ sanh tử, nhưng những kẻ không thấy tánh mình lại dối xưng
là Phật. Những hạng chúng sinh ấy đều là những kẻ mắc tội lớn, dối gạt
hết thảy những chúng sinh khác, làm cho phải rơi vào cảnh giới của ma.
Nếu không thấy tánh thì dù thuyết giảng được mười hai bộ kinh, thảy đều
là ma thuyết. Ấy là quyến thuộc của ma, chẳng phải hàng đệ tử Phật. Đã
không phân được trắng đen, dựa vào đâu mà thoát khỏi được sanh tử?
Nếu thấy tánh tức là Phật, không thấy tánh tức là chúng sanh. Nếu như
lìa bỏ tánh chúng sinh mà riêng có tánh Phật có thể được, thì hiện nay
Phật tại nơi nào? Tánh chúng sanh chính là tánh Phật, ngoài tánh ra
không có Phật. Phật chính là tánh. Ngoài tánh mình ra, không Phật nào có
thể được. Ngoài Phật ra, không tánh nào có thể được.
Hỏi: Nếu không thấy tánh thì những việc như niệm Phật, tụng kinh, bố
thí, giữ giới, tinh tấn, làm nhiều việc phước, có thành Phật được chăng?
Đáp: Không thể được.
Lại hỏi: Do đâu mà không thể được?
Đáp: Bất cứ pháp nào có thể được đều là pháp hữu vi. Đó là nhân quả, là
thọ báo, chính là pháp luân hồi. Không thoát khỏi được sinh tử, bao giờ
mới thành đạo Phật?
Thành Phật ấy là thấy tánh. Nếu không thấy tánh, có nói về nhân quả cũng
là pháp ngoại đạo. Nếu là Phật, chẳng học theo pháp ngoại đạo. Phật là
người không có nghiệp, không có nhân quả.
Chỉ cần tồn tại bất cứ pháp nào có thể được, thảy đều là bêu xấu Phật,
dựa vào đâu mà thành tựu? Chỉ cần có sự vướng mắc nơi một tâm, một khả
năng, một chỗ hiểu biết, một quan điểm, đều không thể thành Phật.
Phật không có giữ, không có phạm. Tánh của tâm vốn là không, cũng chẳng
dơ chẳng sạch. Các pháp không có chỗ tu, không có chỗ chứng, không nhân,
không quả. Phật không giữ giới, Phật không tu việc thiện, Phật không làm
việc ác, Phật không tinh tấn, Phật không lười nhác. Phật là người không
tạo tác.
Chỉ cần có tâm vướng mắc, không thể thấy Phật. Phật không phải là Phật,
chớ nên tìm cách hiểu về Phật.
Như không rõ được ý nghĩa ấy thì mọi lúc mọi nơi đều là không thấu rõ
được tâm mình. Nếu không thấy tánh mà lúc nào cũng nuôi cái tư tưởng
không tạo tác, đó là người mang tội lớn, là người ngu si lạc vào trong
chỗ vô ký không, mê mẩn như người say rượu, chẳng phân biệt được tốt
xấu.
Nếu muốn tu pháp không tạo tác, trước cần phải thấy tánh, sau đó mới dứt
hết các mối lo nghĩ, duyên tưởng. Nếu không thấy tánh mà thành Phật đạo,
thật không thể có.
Có người bác bỏ nhân quả, hung hăng tạo nghiệp dữ, nói bậy rằng nghiệp
dữ vốn là không, làm việc ác không có tội. Người như vậy phải đọa vào
địa ngục Vô gián đen tối, vĩnh viễn không có ngày ra. Nếu là người có
trí, chẳng nên có kiến giải như thế.
Hỏi: Nếu như hết thảy hành vi vận động lúc nào cũng chính là bản tâm, vì
sao thân xác trong lúc vô thường không thấy được bản tâm?
Đáp: Bản tâm thường hiện hữu ngay trước mắt, chỉ tại người không nhìn
thấy.
Hỏi: Tâm nếu đang hiện có, vì sao lại không thấy?
Đại sư hỏi lại: Ông đã từng nằm mộng chăng?
Đáp: Đã từng nằm mộng.
Lại hỏi: Trong khi nằm mộng, có phải là thân của ông chăng?
Đáp: Đúng là thân của tôi.
Lại hỏi: Như lời nói, việc làm của ông với bản thân ông là khác hay
chẳng khác?
Đáp: Chẳng khác.
Đại sư dạy: Nếu đã chẳng khác thì thân ấy chính là pháp thân của ông.
Pháp thân ấy lại chính là bản tâm của ông.
Tâm ấy từ vô số kiếp cho đến nay, so với hiện giờ vẫn không khác biệt,
chưa từng chịu sinh tử, không sinh ra không diệt mất, không thêm không
bớt, không sạch không dơ, không tốt không xấu, không đến không đi. Chẳng
có đúng sai, cũng không có hình tướng nam nữ, không tăng không tục,
không già không trẻ, không thánh không phàm, cũng không Phật không chúng
sanh, không có tu chứng, không có nhân quả, cũng không gân cốt sức lực,
cũng không có tướng mạo, đồng như hư không, không thể nắm giữ, không thể
buông bỏ, núi sông tường đá không thể ngăn ngại, ra vào qua lại thần
thông tự tại, qua núi năm uẩn, vượt sông sinh tử, hết thảy các nghiệp
đều không thể trói buộc được pháp thân ấy.
Tâm ấy mầu nhiệm tinh tế khó thấy. Tâm ấy chẳng đồng với hình tướng. Tâm
ấy là chỗ người người đều nhìn thấy giữa rõ ràng sáng tỏ diễn ra vô số
hành vi động tác đưa tay nhấc chân, nhưng chợt khi hỏi đến lại chẳng ai
nói được gì, khác nào như người máy gỗ. Thảy đều là tự mình nhận dùng
tâm ấy, vì sao lại không rõ biết?
Phật dạy rằng, hết thảy chúng sinh đều là người mê, do đó mà tạo nghiệp,
rơi vào dòng sông sinh tử, muốn thoát ra lại bị chìm xuống, chỉ vì không
thấy được tánh mình.
Nếu như chúng sinh không mê muội, tại sao khi hỏi những chuyện đang xảy
ra như vậy lại chẳng có lấy một người hiểu được? Tự mình nhấc tay động
chân, vì sao lại không rõ biết?
Cho nên biết rằng lời của bậc thánh vốn chẳng sai, do người mê tự mình
không hiểu rõ được. Cho nên biết rằng pháp này thật khó hiểu thấu, duy
chỉ có Phật mới hiểu thấu pháp này, còn hàng trời, người cùng với hết
thảy chúng sinh đều không hiểu thấu được.
Như trí huệ sáng suốt hiểu thấu được tâm này mới gọi là tánh của pháp,
cũng gọi là giải thoát, không bị sinh tử trói buộc. Hết thảy các pháp
đều không trói buộc được người ấy, nên gọi là Đại Tự Tại Vương Như Lai,
cũng gọi là Không thể nghĩ bàn, cũng gọi là Thánh thể, cũng gọi là
Trường sinh bất tử, cũng gọi là Đại tiên. Danh xưng tuy khác nhau nhưng
vẫn là cùng một bản thể.
Bậc thánh nhân phân biệt khắp thảy mọi việc, đều chẳng lìa tự tâm. Tâm
lượng rộng lớn, ứng dụng không cùng. Khi ở nơi mắt thì thấy được hình
sắc, khi ở nơi tai thì nghe được âm thanh, khi ở nơi mũi thì ngửi được
mùi hương, khi ở nơi lưỡi thì biết được mùi vị, cho đến hết thảy mọi
hành vi vận động đều là tự tâm. Chỉ cần dứt hết ngôn ngữ nói năng thì
bất cứ lúc nào cũng là tự tâm.
Cho nên nói rằng, hình sắc của đấng Như Lai không cùng tận, trí huệ của
ngài cũng vậy. Hình sắc không cùng tận, đó chính là tự tâm. Chỗ nhận
biết của tâm có thể khéo phân biệt hết thảy, cho đến mọi hành vi, mọi
chỗ ứng dụng, thảy đều là trí huệ. Tâm không có hình tướng, trí huệ cũng
không cùng tận.
Cho nên nói rằng, hình sắc của đấng Như Lai không cùng tận, trí huệ của
ngài cũng vậy. Cái thân hình sắc do bốn đại hợp thành chính là phiền
não. Cái thân hình sắc tất phải có sinh diệt. Pháp thân thì thường trụ
mà không trụ ở bất cứ đâu. Pháp thân của Như Lai thường không biến đổi.
Cho nên trong kinh dạy: “Chúng sinh nên biết rằng mỗi người đều tự có
tánh Phật.” Ngài Ca-diếp chỉ là nhận hiểu được tánh mình. Tánh mình tức
là tâm. Tâm tức là tánh. Đó tức là đồng với tâm chư Phật. Chư Phật trước
sau chỉ truyền tâm này. Trừ tâm này ra, không Phật nào có thể chứng đắc.
Chúng sanh điên đảo không biết chính tâm mình là Phật, suốt ngày hối hả
chạy tìm bên ngoài, niệm Phật, lạy Phật, biết Phật ở nơi nào? Chẳng nên
có chỗ thấy biết như vậy. Chỉ cần biết được tâm mình, ngoài tâm thật
không có Phật nào khác.
Kinh dạy rằng: “Hết thảy hình tướng đều là hư vọng.”Lại dạy rằng: “Dù ở
nơi đâu cũng có Phật.”
Chính tâm mình là Phật, đừng nên đem Phật ra lạy Phật. Cho dù có những
tướng mạo chư Phật, Bồ Tát bất chợt hiện ra trước mắt, nhất định cũng
không lễ kính. Tâm ta vắng lặng rỗng không, vốn không có những tướng mạo
ấy. Nếu chấp giữ hình tướng tức là ma, thảy đều rơi vào tà đạo. Nếu là
không thật, chỉ từ tâm mà khởi, tức không cần lạy. Người lạy là không
biết, người biết thì không lạy. Lạy tức bị ma thâu nhiếp. Vì sợ người
học không biết được nên phải phân biệt nói rõ như thế.
Trên thể tánh của chư Phật Như Lai hoàn toàn không có những tướng mạo
như vậy. Phải luôn nhớ trong lòng, chỉ cần thấy những cảnh giới khác lạ
thì nhất định không nhận giữ, cũng không sinh ra sợ hãi, không nên nghi
hoặc. Tâm ta xưa nay thanh tịnh, đâu lại có những tướng mạo như thế? Cho
đến các hình tướng như trời, rồng, dạ-xoa, quỉ thần, Đế-thích, Phạm
vương... cũng không sinh lòng kính trọng, cũng không sợ sệt.
Tâm ta xưa nay vắng lặng rỗng không. Hết thảy tướng mạo đều là tướng giả
dối, chỉ cần đừng chấp giữ nơi hình tướng. Nếu đã đạt được đến chỗ hiểu
Phật, hiểu pháp, chợt thấy những tướng mạo của Phật, Bồ Tát... mà sinh
lòng kính trọng, liền tự rơi xuống địa vị chúng sanh.
Như muốn nhận hiểu ngay, chỉ cần đừng chấp giữ hết thảy hình tướng là
được, ngoài ra không còn lời nào khác, thảy đều không chắc thật. Huyễn
ảo không tướng nhất định, chính là pháp vô thường. Chỉ cần không chấp
giữ hình tướng, hợp với ý của bậc thánh. Cho nên kinh dạy rằng: “Lìa hết
thảy các tướng, liền gọi là chư Phật.”
Hỏi: Do đâu mà không được lễ lạy chư Phật, Bồ Tát?
Đáp: Thiên ma Ba-tuần, a-tu-la cũng hiện thần thông, có thể tạo ra tướng
mạo Bồ Tát. Mọi cách biến hóa đều là ngoại đạo, thảy đều không phải là
Phật. Phật chính là tâm mình, chớ sai lầm bái lạy.
Phật là tiếng phiên âm theo Phạn ngữ, dịch nghĩa là tánh giác.
Giác, đó là chỗ linh diệu rõ biết, ứng tiếp tùy thời luôn phù hợp với sự
vật, sự việc. Nhíu mày chớp mắt, đưa tay nhấc chân, thảy đều là chỗ linh
diệu rõ biết của chính mình.
Tánh chính là tâm, tâm chính là Phật, Phật chính là đạo, đạo chính là
thiền.
Chỉ một chữ thiền, không phải chỗ kẻ phàm bậc thánh có thể suy lường
được. Thấy ngay được tánh mình gọi là thiền. Nếu chẳng thấy tánh mình,
không phải là thiền. Cho dù có giảng nói được ngàn kinh muôn luận, nếu
không thấy được tánh mình thì chỉ là phàm phu, chẳng phải pháp Phật.
Đạo lớn sâu thẳm, không thể do lời nói mà nhận hiểu, kinh điển dựa vào
đâu mà đạt tới? Chỉ cần thấy được tánh mình thì dù không biết một chữ
cũng được đạo. Thấy được tánh chính là Phật.
Thể sáng suốt xưa nay vốn thanh tịnh, không có nhớp nhơ lẫn lộn. Hết
thảy lời lẽ giảng thuyết đều là bậc thánh nhân từ nơi tâm mà khởi thành
chỗ dùng. Chỗ dùng đó vốn xưa nay không có tên gọi, lời nói còn không
đạt tới được, mười hai bộ kinh dựa vào đâu mà đạt tới?
Đạo vốn tự thành tựu trọn vẹn, chẳng do nơi tu chứng. Đạo không phải là
âm thanh, hình sắc, mầu nhiệm tinh tế khó thấy. Như người uống nước,
nóng lạnh tự biết, không thể nói cho người khác biết.
Chỉ riêng Như Lai có thể biết được, ngoài ra các hàng trời, người...
thảy đều không rõ biết. Kẻ phàm phu trí tuệ không đạt đến, cho nên mới
có việc chấp giữ hình tướng, không biết rằng tâm mình xưa nay vốn vắng
lặng rỗng không. Mê lầm chấp giữ hình tướng cùng với hết thảy các pháp,
liền rơi vào ngoại đạo.
Nếu hiểu biết các pháp đều từ nơi tâm sinh, không nên có sự chấp giữ.
Chấp giữ tức là không hiểu biết. Nếu thấy được tánh mình rồi, mười hai
bộ kinh thảy đều chỉ là những chữ nghĩa suông. Ngàn kinh muôn luận chỉ
là để làm cho rõ được tâm. Vừa nghe đã nhận hiểu được thì cần chi dùng
đến kinh luận?
Chân lý rốt ráo dứt sạch ngôn từ. Kinh luận là ngôn từ, thật chẳng phải
đạo. Đạo vốn không lời, lời lẽ giảng nói là hư vọng.
Nếu đêm nằm mộng thấy những hình tướng như lầu gác, cung điện, các loài
voi ngựa, cho đến cây cối, rừng già... không được sinh lòng ưa muốn
vướng mắc. Hết thảy đều là những chỗ thác sinh. Phải luôn ghi nhớ trong
lòng, khi lâm chung không được chấp giữ hình tướng, liền trừ bỏ được
chướng ngại. Tâm nghi vừa thoáng khởi lên liền bị ma thâu nhiếp.
Pháp thân xưa nay vốn thanh tịnh, không nhận chịu. Chỉ vì mê lầm nên
không rõ, không biết, nhân nơi đó mà vọng sinh nhận chịu nghiệp báo. Vì
thế sinh ra mê đắm vướng mắc, chẳng được tự tại. Chỉ cần rõ biết được
thân tâm xưa nay liền không còn bị đắm nhiễm. Nếu từ cõi thánh mà vào
cõi phàm, thị hiện đủ muôn loài, đó là tự mình chúng sinh.
Cho nên, bậc thánh nhân dù thuận dù nghịch cũng đều được tự tại, hết
thảy các nghiệp đều không thể trói buộc, vốn thành bậc thánh đã lâu rồi.
Vị ấy có oai đức lớn, hết thảy các loại nghiệp báo đều bị bậc thánh ấy
chuyển hóa, thiên đường địa ngục chẳng làm gì được vị ấy.
Kẻ phàm phu thần thức mê muội, không bằng như bậc thánh nhân trong ngoài
đều sáng suốt thấu rõ. Nếu có lòng nghi liền chẳng làm. Nếu làm tức rơi
vào trôi lăn trong sinh tử, về sau hối hận cũng không còn chỗ cứu vớt.
Nghèo hèn khốn khổ thảy đều do nơi vọng tưởng sinh ra. Nếu thấu hiểu
được tâm này, lần lượt khuyên bảo nhau, chỉ cần lấy chỗ không làm mà
làm, liền vào được chỗ thấy biết của Như Lai.
Người mới phát tâm, thần thức thảy đều không an định. Nếu như trong giấc
mộng nhiều lần thấy cảnh lạ cũng không nên khởi lòng nghi. Thảy đều do
nơi tâm mình khởi nên, chẳng phải từ ngoài đến.
Nếu như trong mộng thấy có vầng ánh sáng hiện ra rõ ràng lớn hơn cả mặt
trời, đó là mọi tập khí còn sót lại đã dứt sạch, thấy được tánh cõi
pháp. Nếu có việc ấy tức là đã thành đạo, nhưng chỉ được tự biết, không
được nói cùng người khác.
Hoặc ở giữa vườn cây vắng lặng, trong khi đi đứng nằm ngồi mắt nhìn thấy
vầng ánh sáng, dù lớn dù nhỏ, không được nói cùng người khác, cũng không
được sinh lòng chấp giữ, đó cũng là ánh sáng của tánh mình.
Hoặc ở trong nhà tối, trong khi đi đứng nằm ngồi mắt nhìn thấy ánh sáng
chẳng khác gì ban ngày, không được lấy làm quái lạ, thảy đều là do tâm
mình sắp hiển lộ.
Hoặc đêm nằm mộng thấy trăng sao rõ ràng, cũng là do các duyên trong tâm
mình sắp dứt hết, không được nói cùng người khác.
Khi nằm mộng nếu thấy mình mê mẩn như đi giữa vùng đen tối, đó là do tâm
mình có nhiều phiền não nặng nề ngăn che, có thể tự biết.
Nếu thấy được tánh mình, chẳng cần đọc kinh niệm Phật. Học rộng biết
nhiều vô ích, thần thức càng thêm mê tối. Tạo ra kinh điển vốn chỉ là để
nêu rõ tâm, nếu rõ biết tâm thì cần gì xem kinh điển?
Nếu từ cõi phàm nhập vào cõi thánh, nên dứt sạch các nghiệp, nuôi dưỡng
tinh thần, sống an phận qua ngày. Nếu vẫn còn nhiều nóng giận, phải
chuyển hóa tâm tính. Nếu trái ngược với đạo, tự dối mình vô ích.
Bậc thánh nhân tự tại giữa sanh tử, ra vào ẩn hiện không nhất định, hết
thảy các nghiệp đều không thể trói buộc.
Bậc thánh phá dẹp tà ma. Hết thảy chúng sinh chỉ cần thấy được tánh
mình, tức thời dứt sạch mọi tập khí còn lại, thần thức không mê muội,
khi đó liền nhận hiểu được ngay.
Chỉ ngay trong lúc này muốn thật hiểu đạo, đừng chấp giữ hết thảy các
pháp, dứt hết các nghiệp, nuôi dưỡng tinh thần, tập khí còn lại rồi cũng
sẽ dứt, tự nhiên sáng rõ, chẳng cần giả dối dụng công.
Ngoại đạo không nhận hiểu được ý Phật, hết sức dụng công, trái với ý
thánh. Suốt ngày bó buộc trong việc niệm Phật, theo kinh, thần tánh mê
mờ, chẳng thoát khỏi luân hồi.
Phật là người nhàn rỗi, cần gì phải bó buộc trong việc rộng cầu danh
lợi, sau này có ích gì?
Chỉ những người không thấy tánh mới tụng kinh niệm Phật, miệt mài học
tập, ngày đêm thực hành theo đạo, ngồi hoài chẳng nằm, học rộng nghe
nhiều, cho những việc ấy là pháp Phật. Những chúng sinh như vậy thảy đều
là bêu xấu pháp Phật.
Chư Phật trước sau chỉ nói một việc thấy tánh. Mọi việc vô thường, nếu
không thấy tánh lại dối xưng là chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề, đó là
người phạm tội lớn.
Trong mười vị đệ tử lớn của Phật, ngài A-nan là nghe nhiều đệ nhất, đối
với nghĩa Phật lại không rõ biết, chỉ học được chỗ nghe nhiều.
Hàng đệ tử Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo đều không hiểu được nghĩa
Phật, chỉ hiểu các việc tu chứng, rơi vào vòng nhân quả. Ấy là nghiệp
báo chúng sanh, không ra khỏi vòng sanh tử. Trái ngược ý Phật, đó là
hạng chúng sinh bêu xấu Phật, dẹp phá không có tội.
Kinh dạy rằng: “Hạng nhất-xiển-đề không sinh lòng tin, dẹp phá không có
tội.”
Như có tín tâm, ấy là Phật ở địa vị người. Nếu không thấy tánh, chẳng
thể đạt được địa vị gì. Chê bai sự hiền lương tốt đẹp của người khác, tự
dối mình vô ích.
Trải qua những sự lành dữ, đều có nhân quả rõ ràng. Thiên đường, địa
ngục chỉ ngay trước mắt. Kẻ ngu không có lòng tin, dù đang sống giữa địa
ngục tối tăm cũng không hay không biết. Đó chỉ vì nhân duyên nghiệp báo
nặng nề, cho nên không có lòng tin.
Ví như người mù không tin có ánh sáng, dù có nghe giảng giải vẫn không
tin. Chỉ vì mù mắt nên chẳng dựa vào đâu mà nhận biết được ánh sáng mặt
trời. Kẻ ngu cũng như thế. Hiện nay phải đọa vào các loài súc sinh, sinh
vào chỗ nghèo hèn, hạ tiện, sống dở chết dở. Tuy chịu khổ như thế mà hỏi
đến lại nói rằng: Tôi nay vui sướng lắm, chẳng khác nơi thiên đường. Cho
nên biết rằng, hết thảy chúng sinh dù sinh ra ở chỗ vui sướng cũng không
hay không biết.
Những người xấu ác chỉ là do nhân duyên nghiệp báo nặng nề che lấp nên
không thể phát lòng tin, chẳng phải do nơi người khác.
Nếu thấy được rằng tâm mình là Phật, chẳng cần phải cạo bỏ râu tóc, dù
là cư sĩ tại gia cũng vẫn là Phật. Nếu không thấy tánh, cạo bỏ râu tóc
vẫn là ngoại đạo.
Hỏi: Hàng cư sĩ tại gia có vợ con, chẳng dứt trừ dâm dục, dựa vào đâu mà
được thành Phật?
Đáp: Chỉ nói việc thấy tánh, không nói việc dâm dục. Do nơi không thấy
tánh, chỉ cần thấy tánh thì việc dâm dục xưa nay vắng lặng rỗng không,
chẳng giả dối đoạn trừ cũng chẳng tham đắm vướng mắc. Vì sao vậy? Tánh
mình vốn là thanh tịnh, tuy ở trong thân xác do năm uẩn tạo thành nhưng
xưa nay vẫn thanh tịnh, không thể nhiễm ô.
Pháp thân xưa nay vốn không nhận chịu, không đói không khát, không lạnh
không nóng, không bệnh, không ân ái, không quyến thuộc, không khổ vui,
không tốt xấu, không ngắn dài, không mạnh yếu. Xưa nay vốn không một vật
có thể được, chỉ nhân nơi việc chấp giữ cái thân hình sắc này là có,
liền có các tướng như đói khát, lạnh nóng, bệnh chướng... Nếu không chấp
giữ mọi việc làm đều tùy ý, giữa vòng sinh tử được đại tự tại, chuyển
hóa hết thảy các pháp, ngang với bậc thánh nhân thần thông tự tại không
ngăn ngại, dù ở đâu cũng được an ổn. Nếu tâm còn có chỗ nghi, nhất định
không vượt qua được bất cứ cảnh giới nào, không làm được việc quan trọng
nhất, không thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Nếu thấy được tánh, hàng
chiên-đà-la cũng có thể thành Phật.
Hỏi: Chiên-đà-la giết hại tạo nghiệp, vì sao có thể thành Phật?
Đáp: Chỉ nói việc thấy tánh, không nói việc tạo nghiệp. Mặc tình tạo các
nghiệp khác nhau, hết thảy các nghiệp cũng không thể trói buộc. Từ vô số
kiếp đến nay, chỉ do nơi không thấy tánh mà phải đọa vào địa ngục, do đó
mà tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Kể từ khi thấy biết được tánh mình thì
không còn tạo nghiệp. Nếu không thấy tánh, niệm Phật không tránh được
mọi nghiệp báo, đừng nói là việc giết hại mạng sống. Nếu thấy tánh, tâm
nghi ngờ tức thời dứt sạch, nghiệp giết hại cũng chẳng làm gì được.
Hai mươi bảy vị tổ sư ở Ấn Độ chỉ lần lượt truyền tâm ấn. Nay ta đến xứ
này cũng chỉ truyền một tâm, không nói đến giữ giới, bố thí, tinh tấn,
khổ hạnh, cho đến những việc như vào nước lửa, lên vòng gươm, ngày ăn
một lần, ngồi hoài chẳng nằm, hết thảy đều là pháp hữu vi của ngoại đạo.
Nếu nhận hiểu được thì tánh linh diệu rõ biết mọi hành vi, vận động
chính là tâm của chư Phật. Chư Phật trước sau chỉ nói việc truyền tâm,
ngoài ra không pháp nào khác. Nếu nhận hiểu được pháp này thì kẻ phàm
phu không biết một chữ cũng vẫn là Phật. Nếu không nhận hiểu được tánh
linh diệu rõ biết của chính mình, ví như có xả thân vô số lần để mong
tìm Phật cũng không thể được.
Phật, cũng gọi là pháp thân, cũng gọi là bản tâm. Tâm ấy không có hình
tướng, không nhân quả, không gân cốt, tựa như hư không, không thể nắm
giữ, chẳng đồng như vật chất ngăn ngại, chẳng đồng như ngoại đạo. Tâm ấy
chỉ riêng Như Lai có thể nhận hiểu được, ngoài ra hết thảy chúng sinh mê
muội không nhận hiểu được. Tâm ấy không lìa ngoài cái thân hình sắc do
bốn đại hợp thành. Nếu lìa tâm ấy, tức không thể vận động, chỉ là cái
thân vô tri như cây cỏ, như gạch vụn.
Thân này là vô tình, do đâu mà vận động? Nếu tự tâm mình động, cho đến
ngôn ngữ, hành vi, vận động, thấy nghe nhận biết, thảy đều là tâm động.
Khi tâm động thì chỗ dùng cũng động. Động tức là chỗ dùng của tâm. Ngoài
động không có tâm, ngoài tâm không có động.
Động chẳng phải là tâm, tâm chẳng phải là động. Động vốn không có tâm,
tâm vốn không có động.
Động chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa động. Động không phải chỗ tâm lìa, tâm
không phải chỗ động lìa.
Động là công dụng của tâm, công dụng là chỗ động của tâm. Động tức là
dụng, dụng tức là động, không động thì không có dụng.
Thể của dụng vốn là không, tánh không vốn chẳng có động. Động và dụng
đồng với tâm, tâm vốn không động.
Cho nên kinh dạy rằng: “Động mà không có chỗ nào động.”
Vì thế, suốt ngày thấy mà chưa từng thấy, suốt ngày nghe mà chưa từng
nghe, suốt ngày cảm nhận mà chưa từng cảm nhận, suốt ngày biết mà chưa
từng biết, suốt ngày đi, ngồi mà chưa từng đi, ngồi, suốt ngày giận, vui
mà chưa từng giận, vui.
Cho nên kinh dạy rằng: “Dứt sạch mọi ngôn ngữ, diệt hết mọi tâm tưởng.”
Những công năng thấy, nghe, nhận, biết vốn tự vắng lặng hoàn toàn. Cho
đến mọi cảm xúc như giận, vui... mọi cảm giác như đau đớn, ngứa ngáy...
nào khác chi người gỗ, chỉ theo suy tìm những cảm giác, cảm xúc ấy liền
không thể được.
Cho nên kinh dạy rằng: “Nghiệp ác liền có quả báo khổ, nghiệp thiện liền
có quả báo lành, đâu chỉ là nóng giận đọa vào địa ngục, vui vẻ được lên
cõi trời.”
Nếu biết bản tánh của những cảm xúc như giận, vui... vốn thật là không,
chỉ cần không chấp giữ liền thoát khỏi các nghiệp. Nếu không thấy tánh
mà tụng kinh, quyết không dựa vào đâu mà được thoát nghiệp.
Giảng giải không cùng, lược nêu những lẽ chánh tà như thế, cũng chỉ là
sơ sài thôi vậy.
Có bài tụng rằng:
Pháp ta truyền đến xứ này,
Độ người mê muội, cứu người ngu si.
Một hoa năm cánh đúng kỳ,
Tự nhiên hưng thịnh Thiền quy rộng truyền.
Đuốc hồng rộng mở khóa vàng,
Rẽ con sóng ngọc bè sang sông rồi.
Năm nhà chỉ một pháp thôi,
Lời cùng ý tận không người không ta.
http://rongmotamhon.net