Điều nghịch lý của ngày nay
Điều nghịch lý của thời đại ngày nay là chúng ta có những toà nhà
cao hơn nhưng sự kiên nhẫn lại ngắn hơn, ta có những đại lộ rộng lớn
hơn nhưng cái nhìn lại nhỏ hẹp hơn. Chúng ta tiêu xài nhiều hơn nhưng
có được ít hơn, mua sắm nhiều hơn nhưng thưởng thức lại kém hơn. Ta có
căn nhà to rộng hơn nhưng gia đình nhỏ bé hơn; có nhiều tiện nghi hơn
nhưng thời giờ ít ỏi hơn. Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn nhưng hiểu biết
lại giảm đi, ta dư thừa kiến thức nhưng lại thiếu sự xét suy; ta có
thêm nhiều nhà chuyên môn nhưng cũng thêm biết bao nhiêu là rắc rối, có
thêm thuốc men nhưng sự lành mạnh lại càng sụt giảm.
Thời đại ngày nay chúng ta uống rượu và hút thuốc quá nhiều, tiêu pha
không tiếc nuối, thiếu vắng tiếng cười, lái xe quá nhanh, nóng giận
rất dễ, thức rất khuya, đọc sách rất ít, xem ti vi quá nhiều, và hiếm
khi ta biết ngồi lại trong tĩnh lặng! Tài sản của ta tăng lên gấp bội
phần nhưng giá trị chúng ta cũng sụt giảm theo. Chúng ta nói quá nhiều,
thương yêu quá ít, và thù ghét thì lại quá thường xuyên.
Chúng ta biết cách kiếm sống nhưng không mấy ai biết sống. Một đời
người được kéo dài hơn nhưng chỉ là cộng thêm năm tháng mà thôi. Chúng
ta đã lên đến mặt trăng và trở về trái đất, nhưng rất khó bước qua bên
kia đường để chào người hàng xóm mới. Ta chinh phục được thế giới bên
ngoài nhưng không biết gì về thế giới bên trong. Chúng ta đã làm được
rất nhiều việc lớn lao nhưng rất ít việc tốt lành.
Không khí chung quanh ta trong sạch hơn nhưng tâm hồn ta càng thêm ô
nhiễm. Chúng ta chia cắt được một hạt nguyên tử nhưng chưa phá được
thành kiến của chính mình. Chúng ta viết nhiều hơn nhưng học được ít
hơn. Chúng ta có nhiều dự án hơn nhưng hoàn tất ít hơn. Chúng ta biết
cách làm việc thật nhanh chóng nhưng không biết cách đợi chờ. Chúng ta
thiết kế nhiều máy điện toán chứa thật nhiều dữ kiện, in ra bao nhiêu
tài liệu, nhưng sự truyền thông giữa con người lại càng sút kém đi.
Ngày nay là thời đại của mì ăn liền, tiêu hoá chậm, con người to lớn
nhưng chí khí rất nhỏ, lợi nhuận thì rất sâu mà tình người thì rất cạn.
Đây là thời đại của hai đầu lương nhưng trăm ngàn ly dị, nhà cửa khang
trang nhưng đổ vỡ trong gia đình. Đây là thời đại của những mặt hàng
trưng bày ngoài cửa tiệm thì rất nhiều, nhưng trong nhà kho lại không
có một đồ vật nào. Đây là thời đại mà kỹ thuật có thể mang lá thư này
đến thẳng với bạn và bạn cũng hoàn toàn tự do để chọn đọc nó hay xoá bỏ
đi...
Nhưng xin bạn hãy nhớ bỏ thì giờ ra với người thương, vì họ sẽ không
có mặt với ta mãi mãi. Hãy nhớ chọn những lời dễ thương với những ai
đang ngước nhìn bạn nhiều ngưỡng phục, vì cô hay cậu bé đó rồi cũng sẽ
lớn lên và rời xa ta. Hãy nhớ ôm chặt người gần bên, vì đó là một món
quà vô giá mà ta có thể ban tặng cho người khác, khi nó được xuất phát
từ đáy tim mình. Hãy nhớ nắm tay nhau và trân quý phút giây này, vì biết
rằng thời gian sẽ không ở với ta mãi mãi. Hãy có thì giờ để thương
nhau, để lắng nghe nhau, và nhất là hãy chia sẻ với nhau những ý tưởng
đẹp nhất trong tâm mình.
Và nhất là bạn hãy luôn nhớ rằng, cuộc sống không phải được đo lường
bằng con số hơi thở của mình, mà bằng những giây phút kỳ diệu trong
cuộc đời đã mang hơi thở ấy bay cao.
Dr. Bob Moorehead
Chạm những lá xanh
Khoảng hai tuần trước đây, ba cha con
chúng tôi suýt bị một tai nạn khi băng qua con đường trước nhà. Hôm ấy
tôi dẫn hai đứa con đến trường lần cuối cùng trước khi nghỉ hè. Khi băng
qua được khoảng ba phần tư đường, trong lúc đèn cho phép đi bộ vẫn còn
sáng và cả ba cha con chúng tôi đều cẩn thận nắm chặt tay nhau, một
chiếc xe phóng ra từ đâu, quẹo gấp ngang góc đường với một vận tốc chết
người, va vào bờ rồi nảy lên, tạt qua hướng chúng tôi đang đứng.
Tôi thấy mặt người lái xe rõ ràng. Tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi
gần sát đến độ có thể hôn nhau được. Cô ta là một thiếu nữ có gương mặt
đẹp với một ánh mắt không hồn. Chiếc xe chỉ cách chúng tôi vài phân
rồi tạt sang một hướng khác, bánh xe rít trên đường. Xe đảo qua lại
trên đường như đuôi một con cá, sau cùng cô ta lấy lại được sự kiểm
soát rồi biến đi mất dạng. Tôi đứng đó mà nín thở, đầu gối run rẩy, tim
tôi đập như trống. Ngược hẳn lại, hai đứa con tôi phá lên cười, chúng
đuổi nhau qua phía bên kia đường, chạy hết từ cây này sang cây khác,
như mọi ngày, nhảy lên quơ tay cố chạm những chiếc lá xanh.
Vẫn còn run sợ vì chuyện vừa xảy ra thật bất ngờ, tôi chẳng biết phải
nghĩ hay nói gì. Tôi làm chuyện dĩ nhiên: nổi giận. Không phải với
người tài xế lái chiếc xe ấy, bởi vì cô ta đã đi mất rồi. Tôi trút cơn
giận lên hai đứa con tôi. Tôi định sẽ dạy cho chúng một bài học mà rõ
ràng chúng đã không học được sau kinh nghiệm vừa rồi.
“Đừng bao giờ, đừng bao giờ lơ đãng một phút nào khi băng qua đường.
Các con có thấy chiếc xe khi nãy không? Chỉ còn một chút nữa là nó đụng
ta rồi. Các con có biết vậy không? Chỉ còn một chút xíu nữa thôi là...
”
“Thôi hết rồi mà ba,” đứa con trai 8 tuổi của tôi vô tư trả lời, rồi
nhảy lên cố nắm lấy một nhánh cây mà nó đã bắt hụt khi nãy. Lúc này đứa
con gái 6 tuổi của tôi đã nhảy lò cò xuống tận góc đường và sắp sửa
mất dạng.
Như vậy là quá mức! Cơn giận của tôi bùng nổ. Nếu hai đứa con tôi còn
nhớ gì về buổi sáng đến trường hôm ấy, có lẽ là: cha chúng nó đôi khi
chẳng cần gì hết cũng có thể trở nên giận dữ, điên lên một cách thật vô
lý. Và hai đứa con tôi nghĩ đúng. Chúng nó có làm gì sai đâu! Chúng
nắm tay tôi, băng qua đường theo sự báo hiệu của đèn. Sự thật thì tôi
chẳng có bài học gì để dạy chúng cả!
Nếu có chăng là bài học này: đời sống đầy dẫy những chuyện bất ngờ.
Khi ta tưởng rằng chung quanh ta an toàn thì đâu đó có một người nào
đang để tay lên cần giật: một mạch máu vỡ nơi óc, hay nghẹn nơi tim,
một tế bào ung thư xuất hiện, một người lái xe say rượu, một tên nghiện
đi tìm thuốc phiện... Khi một chiếc màn buông xuống, chúng ta không có
thì giờ để hỏi han hay xin xỏ thêm một cơ hội nào khác, dầu có tức giận
hay phản kháng. Sự việc chỉ giản dị xảy đến. Rồi đi. Không cần từ giã.
Tôi muốn dạy cho hai đứa con tôi về những nguy hiểm trong đời sống.
Chúng ta ai mà lại không vậy! Nhìn hai bên đường. Mặc đồ trắng sau khi
trời tối. Đừng nhận kẹo từ một người lạ. Chúng ta trả lời hết mọi thắc
mắc và hy vọng rằng chúng sẽ hỏi thêm. Nhưng để một tên say rượu sau
tay lái và những bài học của chúng ta trở thành vô nghĩa.
Nhưng những bất ngờ của cuộc đời đều có một lợi ích này: chúng làm
tăng thêm giá trị của cuộc sống, mặc dù một mặt là đe dọa tiêu diệt nó.
Chiều hôm ấy, khi đón hai đứa con từ trường về, trên đường đi bộ tôi
nhìn xuống, thấy như có gì thay đổi, hai đứa nó bỗng trở nên quý giá
hơn, mỏng manh hơn.
Kinh nghiệm này dạy cho tôi một điều mà tôi cứ quên mãi: đời sống
không phải được cho không, mà nó là một món quà vô giá. Rồi một ngày
chúng ta sẽ bị cướp mất đi, bởi một cơn đau trong đêm khuya hay một
người lái xe buổi sáng, nhưng không gì có thể làm giảm đi giá trị của
cuộc sống. Ngược lại, chính cái tính chất mỏng manh và vô thường ấy bảo
đảm cho sự quý giá của nó. Ta chỉ thật sự trân quý một cái gì mà một
ngày nào đó chúng ta biết mình sẽ phải đánh mất. Cần một bẫy sập rung
rinh dưới chân, và một người tài xế điên rồ phủ bóng thần chết thoáng
lên gia đình tôi, để một lần nữa tôi tỉnh thức dậy và thấy được sự
nhiệm mầu của cuộc sống, và năng lượng của tình thương.
Nhưng đời sống là vậy đó. Thường thường, những món quà quý giá nhất
lại được gói trong một thứ giấy rất kỳ cục. Kỳ cục đến độ nếu cho chúng
ta một sự chọn lựa, chắc chắn chúng ta sẽ lựa một món khác. Chúng ta
chọn món mà được gói trong những bao giấy màu thật đẹp, có gắn thêm một
cái nơ mỹ miều. Không bao giờ lại là thứ đồ gói bằng loại giấy vàng cũ
kỹ, cột lại bằng một sợi dây gai.
Hai đứa con tôi không biết, nhưng thật ra chúng đã nghĩ rất đúng. Ba
cha con tôi vừa thoáng chạm vào chiếc áo đen rộng thùng thình của tử
thần. Tại sao tôi không nghĩ đến việc nhảy lên chạm những chiếc lá xanh
trên cành bạn nhỉ?
F. Forrester Church
Hạnh phúc chính là con đường
Chúng ta tự thuyết phục mình rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn sau khi
ta hoàn tất một dự án này, học hết chương trình này, xong một khoá trị
liệu này... Hay có thể là sau khi mình lập gia đình, sanh con, và thêm
đứa nữa... Nhưng rồi chúng ta sẽ có những bức xúc vì những đứa con của
mình vẫn chưa đủ lớn, chừng ấy ta mới có được hạnh phúc. Nhưng sau
đó, ta lại có những vấn đề khác vì phải đối đầu với tuổi thiếu niên của
chúng. Và ta chắc chắn mình sẽ có hạnh phúc khi nào chúng qua khỏi
giai đoạn ấy...
Chúng ta tự nhủ, mình sẽ hoàn toàn có hạnh phúc khi nào người bạn đời
của mình biết thay đổi thái độ, hoặc khi ta có một chiếc xe hơi đời
mới hơn, khi ta có một chuyến nghỉ mát thật vừa ý, hay là khi ta về
hưu...
Nhưng bạn biết không, thật ra thì sẽ không có một giây phút nào là
hạnh phúc hơn giây phút này. Nếu không phải bây giờ thì sẽ là bao giờ?
Cuộc sống lúc nào cũng đầy dẫy những thử thách và biến đổi.
Chúng ta đã được hứa hẹn rằng, ở một thời điểm nào đó trong tương
lai, cuộc sống sẽ bắt đầu – một cuộc sống thật sự. Nhưng dường như lúc
nào cũng có một chướng ngại nào đó ngăn chặn không cho ta đến được nơi
ấy, ta có vấn đề này cần phải vượt qua trước, có vài việc chưa làm
xong, vài chuyện cần được thanh toán, vài món nợ cần được trang trải...
Rồi chừng ấy cuộc sống mới có thể bắt đầu. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra
rằng, những chướng ngại ấy cũng chính là cuộc sống.
Khám phá đó giúp tôi ý thức được là không có một con đường nào để đi
đến hạnh phúc. Hạnh phúc là kinh nghiệm được mình đang sống, trọn vẹn
trong giây phút này, và tiếp xúc với nó thật sâu sắc.
Vì vậy bạn hãy biết trân quý mỗi giây phút mà mình đang có. Và hãy
trân quý nó hơn nữa vì bạn đang chia sẻ giây phút ấy với một người nào
đó rất đặc biệt, họ quan trọng đủ để bạn có thể chia sẻ thời giờ của
bạn trong lúc này... Và bạn cũng nên nhớ rằng, thời gian không chờ đợi
một ai.
Vì vậy bạn thôi đừng chờ...
Cho đến khi ta học xong
Cho đến khi ta đi học trở lại
Cho đến khi ta xuống cân
Cho đến khi ta lên cân
Cho đến khi ta có con
Cho đến khi con mình khôn lớn
Cho đến khi ta đi làm
Cho đến khi mình về hưu
Cho đến khi ta lập gia đình
Cho đến khi ta ly dị xong
Cho đến chiều thứ Sáu
Cho đến sáng Chủ nhật
Cho đến khi ta có xe hơi hay nhà mới
Cho đến khi ta trả hết tiền nhà hay tiền xe
Cho đến mùa Xuân
Cho đến mùa Hạ
Cho đến mùa Thu
Cho đến mùa Đông
Cho đến khi ta có đủ tiêu xài
Cho đến ngày lãnh lương
Cho đến khi bài nhạc của mình trổi lên
Cho đến khi ta uống một tách cà phê
Cho đến khi ta nhắm mắt lìa đời
Cho đến khi ta sanh trở lại và khám phá ra rằng, không có giây phút nào khác để có hạnh phúc hơn là ngay giây phút này.
Hạnh phúc không phải là một nơi nào ta đến, mà chính là con đường ta đang đi.
Những bài học thiên văn
Vài tháng trước, vào một buổi tối mùa xuân trời trong, tôi dẫn đứa con trai 6 tuổi của mình, Skyle, đến trung tâm không gian Chabot Space and Science Center ở vùng Berkeley để quan sát Thổ tinh (Saturn) qua chiếc kính thiên văn dài 28 bộ Anh.
Bầu không gian là niềm say mê mới nhất của bé Skyle. Nó thường mải mê vùi đầu trong những quyển sách với tựa đề như là “Một trăm điều bạn cần biết về không gian”, hay là chơi với những tấm thẻ, một mặt có in hình chiếc viễn vọng kính Hubble Scope, mặt bên kia là câu đố như là, “Sự bùng nổ của ngôi sao, super nova, được cấu tạo như thế nào?” “Làm thế nào các khoa học gia biết được một dãy thiên hà đang xoay theo chiều nào?”...
Bầu không gian không phải là một đề tài tôi thường chú ý, vì vậy mà những quyển sách của bé Skyle – nó bắt tôi đọc cho nghe sau buổi ăn chiều – thường mang lại cho tôi nhiều điều mới lạ. “Chất đen, dark matter,
là tên đặt cho những vật ngoài vũ trụ, vì các khoa học gia tuy biết
rằng chúng có mặt, nhưng không thể tìm thấy chúng” Hoặc là, “Các khoa
học gia có thể đoán được vũ trụ này có bao nhiêu vật thể (matter)
bằng cách đo lường sự chuyển dịch của các thiên hà. Điều này cho ta
thấy, tất cả những vì sao và hành tinh chỉ là một phần rất nhỏ của vũ
trụ. Phần lớn còn lại là vô hình.”
Câu nói ấy đã khiến cho tôi suy nghĩ hết trọn một tuần. Và tôi cũng
kinh ngạc là tại sao các khoa học gia vẫn chưa trở thành những tu sĩ
huyền bí, quỳ sụp xuống và tôn thờ những chiếc viễn vọng kính của họ!
“Bên ngoài vũ trụ còn có gì nữa không?” Chúng tôi cũng đọc cùng trong một quyển sách ấy của Skyle.
“Các khoa học gia vẫn còn suy đoán, bằng cách dựa trên những manh mối
còn sót lại sau khi vũ trụ được sanh ra. Nhưng họ tin chắc rằng, nơi ấy
hoàn toàn không có thời gian, cũng không có khoảng cách và vật thể.”
Câu chót ấy nghe sao giống như một lời kinh xưa, vọng ra từ trong một
thiền viện, tụng theo nhịp mõ vang vang. Nhưng thật ra tôi đang đọc
cho bé Skyle nghe nơi chiếc bàn ăn trong nhà bếp, trong khi nó
đang say mê gặm nhắm miếng bánh màu hồng có dạng một trái trứng mà nó
tin rằng có một con thỏ to thần bí nào đó đã giấu trong nhà chúng tôi
vào buổi sáng Easter. Mà đâu ai có thể trách nó được? Trong một thế giới của vụ nổ lớn, Big Bang, và những đường hầm thông thương, wormholes, kết nối các vũ trụ khác lại với nhau, thì tôi cũng có thể tin vào sự có mặt của một con thỏ to huyền bí được chứ!
Tôi và bé Skyle đi đến đài trung tâm thiên văn Chabot với đứa bạn thân cùng tuổi, Alex, cũng say mê khoa học như nó. Bé Alex thì lại rất đam mê về môn vi trùng học, microbiology. Những món đồ chơi của nó là những con vi khuẩn nhồi bông, đủ mọi loại, mọi chứng bệnh.
Skyle và Alex đã làm bạn với nhau trước khi chúng
biết đi, khi tôi và má nó thường bế hai đứa ra chơi ngoài công viên gần
nhà. Vào năm ba tuổi, Alex bị chẩn đoán với căn bệnh loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy) và hiện giờ đang được chữa trị theo một phương pháp genetic
còn trong vòng thử nghiệm. Và điều đó có nghĩa là trong vòng mười năm
tới, sự thành công hay thất bại cũng đồng nghĩa với sự sống chết của
nó.
Bé Alex không chạy nhanh như chúng bạn, và nó cũng gặp khó
khăn khi bước lên những bậc thang. Nhưng trước những chuỗi cười giòn
tan, thường không ai nhớ đến căn bệnh mà nó đang mắc phải.
Bé Skyle cũng có vấn đề riêng của nó, mặc dầu không đến nỗi
nguy hiểm đến mạng sống. Lúc ba tuổi, nó phải đi điều trị vấn đề về sự
phối hợp giác quan, sensory integration. Hệ thần kinh của nó
quá nhạy cảm và có một kết cấu hơi khác thường. Nó có thể nghe được
tiếng dòng điện chạy vang trong tường, khi ngủ phải cần những tấm màn
che thật tối, và tôi vẫn thường bồng nó khóc la ra khỏi những buổi tiệc
sinh nhật vì tiếng ồn lớn.
Bây giờ thì mọi việc đều đã trở nên khá bình thường. Nhưng trong những năm tháng qua, tình bạn giữa nó và bé Alex là chỗ nương tựa cho cả hai, chúng cùng vui đùa và chia sẻ những say mê lẫn các khó khăn của nhau.
Chúng tôi đến nơi khi bầu trời đêm cũng vừa buông xuống trên mái vòm to của đài thiên văn Chabot.
Đây cũng là nơi đặt chiếc kính thiên văn lớn nhất Hoa Kỳ và được mở
cửa cho công chúng đến xem. Trong khi sắp hàng đứng chờ, Alex và Skyle thi nhau đố chúng tôi những câu hỏi về Saturn: những vòng đai chung quanh Saturn được làm thành bởi những tảng băng và đá. Saturn to hơn trái đất gấp 800 lần, nhưng nó rất nhẹ, nếu như ta thả vào một đại dương vĩ đại thì nó vẫn nổi trên nước.
Skyle quay sang nói chuyện với một phụ nữ đứng phía sau,
chừng ba mươi tuổi, có lẽ cũng là một thành viên thiên văn “chuyên
nghiệp” như nó. Cả hai bàn với nhau về 62 mặt trăng của Jupiter và về Proxima Centauri, ngôi sao gần nhất với mặt trời chúng ta, cách xa khoảng chừng 4 năm ánh sáng.
“Cháu có biết nếu ta tính ra bằng dặm là nó cách xa bao nhiêu không?” Cô ta hỏi.
Skyle nhíu mày suy nghĩ: “Nếu tính ra bằng dặm, ta phải nhân
lên 186.000 dặm cho mỗi giây, nhân với 60 giây trong một phút, nhân
với 60 phút mỗi giờ, nhân với 24 giờ trong một ngày, nhân với 365 ngày
trong một năm, và rồi nhân lên cho 4 năm. Cháu không tính nhẩm trong
đầu được. Có nhiều con số không quá!”
Đến phiên chúng tôi, từng người một thay nhau leo lên một chiếc thang
dựng đứng và bước đến đặt mắt nhìn qua ống nhòm của chiếc viễn vọng
kính.
“Má! Má phải xem cái này!” Skyle há hốc miệng!
Tôi đặt mắt vào ống nhìn và qua chiếc kính viễn vọng, 900 triệu dặm xa, là hành tinh Saturn
– màu vàng sáng, với những vòng đai và chói sáng như một viên kẹo.
Chung quanh nó là năm đốm sáng, những mặt trăng lớn nhất của Saturn.
Trong khi ấy, tầng bên ngoài phía trên, một số đông những người mê
thiên văn đã bắt đầu tụ họp. Họ mang theo những chiếc kính riêng của
mình, đặt nhắm lên bầu trời đêm hướng về những vật thể của thiên đàng.
Giống như là một buổi hội thiên văn vậy. Bé Skyle và Alex
đua nhau chạy từ chiếc kính thiên văn này sang cái khác, đặt mắt vào
nhìn rồi la lên câu gì đó vô nghĩa. Một trò chơi bí mật nào đó mà chỉ có
chúng mới hiểu với nhau.
Ánh trăng thật sáng, dường như ta có thể đọc sách được. Bé Skyle và Alex tạm thời chán với bầu không gian, chúng thi nhau tập trò chống tay lộn nhào trên sân. Tôi và má của Alex
ngồi trên một bờ tường xi măng thấp, nhìn chúng chơi với nhau: Hai đứa
bé cũng bí mật và vô thường như những hành tinh quay tròn ngoài không
gian vô tận kia. Cơ thể của chúng cũng được làm bằng cùng những vật thể
cấu tạo nên các vì tinh tú, đã được tôi luyện trong một mặt trời xa
xưa. Tôi tưởng tượng đến sự kinh ngạc của nhà thiên văn đầu tiên khi
đặt chiếc viễn vọng kính lên bầu trời đêm và khám phá ra Saturn
với những vòng đai của nó. Hàng triệu năm qua, loài người chỉ thấy nó
như là một điểm sáng trên bầu trời đêm, như một vị thần linh mà sự di
chuyển của nó có thể mang lại tai hoạ cho con người.
Những năm trước, có lần tôi hỏi má của Alex, làm sao chị vẫn có thể giữ được niềm an vui và tự tin, trong khi phải săn sóc cho bé Alex
– lo chữa trị, chở nó đi bác sĩ, giữ cho nó được khoẻ mạnh, cầu nguyện
cho một ngày nào đó khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa. Chị mỉm cười đáp:
“Không ai có thể biết chắc được mình sẽ có bao nhiêu thời gian với con
mình. Tôi chỉ cố gắng tập cho mình có hạnh phúc trong mỗi ngày.”
Ngồi nhìn chúng nó lộn nhào dưới ánh trăng, một câu kinh trong nhà
Thiền chợt đến với tôi: “Trong ánh sáng, bóng tối cũng có mặt, nhưng ta
không cần phải tìm hiểu bóng tối. Ngay giữa bóng tối, ánh sáng vẫn
hiện hữu, nhưng ta không cần phải đi tìm ánh sáng.”
Đâu ai thật sự biết được trọng lực, gravity, là gì! Quyển sách thiên văn của Skyle
nói như thế. Nó chỉ là một tên gọi mà chúng ta tạm đặt cho một lực hút
giúp cho mặt trăng quay chung quanh trái đất, và trái đất quay chung
quanh mặt trời – nó giữ cho những vật thể trong vũ trụ ở lại với nhau,
thay vì là lao vút đi vào một nơi xa thẳm trong không gian.
Nhìn bé Skyle và Alex đùa chơi với nhau, tôi có chút
xót xa với ước mong sẽ bảo vệ cho chúng lúc nào cũng có hạnh phúc và
an toàn, giữa một cuộc sống đầy dẫy những tai nạn xe hơi, vi khuẩn,
súng đạn, hiếp đáp và những chứng bệnh bất trị. Đó là một ước vọng quá
to tát mà tôi không thể nào tính được, có nhiều con số không quá!
Việc mà tôi có thể làm là thật sự có mặt với tất cả: cảm nhận được
trong tim về những gì tôi biết đang hiện hữu trong vũ trụ này, chúng có
mặt rất đầy đủ, mặc dù mình không thể nhìn thấy. Nhìn sâu vào chiếc
viễn vọng kính tôi thấy có những vì sao đã chết đi và đang sinh trở
lại, cách đây hàng trăm năm ánh sáng.
Anne Cushman
Tôi muốn lại được làm sáu tuổi
Kính gửi Ông hay Bà,
Từ nay tôi xin được chánh thức đệ đơn từ chức người lớn, vì cần phải
nhận lãnh trách nhiệm của một em bé sáu tuổi. Tiền thuế của tôi chắc
chắn sẽ thấp hơn. Tôi muốn được trở lại làm sáu tuổi.
Tôi muốn đến tiệm McDonald’s và nghĩ rằng đó là một nhà hàng
sang trọng và nổi tiếng nhất trên toàn cầu. Tôi muốn được xếp tàu giấy
thả trôi trên những vũng nước bùn và thảy đá tạo thành những con sóng.
Tôi muốn được nghĩ là kẹo sô-cô-la quý báu hơn tiền, vì chúng có thể ăn
được. Tôi muốn được chạy đá banh với chúng bạn trên sân vào những giờ
ra chơi. Tôi muốn được thức thật khuya trong đêm giao thừa để đón ông bà
và núp lén xem ông táo.
Tôi tiếc nhớ lại những ngày xa xưa khi cuộc sống rất đơn giản. Khi
những gì tôi biết chỉ là mười hai màu căn bản, một bảng toán cộng và
vài bài ca dao học thuộc lòng. Nhưng tôi không thắc mắc gì hết. Vì tôi
không hề biết những gì tôi không biết, mà tôi cũng chẳng cần muốn biết.
Tôi muốn được đến trường, ăn quà với chúng bạn, ra sân chơi, chạy
đuổi nhau và đi cắm trại. Tôi muốn được lúc nào cũng vui, vì tôi không
biết về những gì tôi cần phải buồn giận. Tôi muốn nghĩ rằng thế giới
này rất công bằng, ai ai cũng thành thật và tốt bụng với nhau. Tôi muốn
tin là bất cứ việc gì cũng đều có thể được.
Đôi lúc, trong khi lớn lên, tôi đã được học quá nhiều. Tôi học về vũ
khí nguyên tử, về sự kỳ thị, về nạn đói, về bệnh tật, về ly dị, về
lường gạt, về đau đớn, và về cái chết. Tôi muốn nghĩ là tất cả mọi
người trên trái đất này, trong đó có tôi, sẽ sống đời đời, vì tôi không
biết ý niệm về cái chết. Tôi muốn không biết gì hết về những rắc rối,
phức tạp của cuộc đời, và mừng vui trước những điều rất nhỏ nhặt. Tôi
muốn ti-vi là một cái gì tôi xem cho vui chứ không phải là một phương
tiện để tôi trốn tránh cuộc đời hoặc những công việc cần phải làm.
Tôi muốn sống để biết rằng, những điều nhỏ mang lại cho tôi niềm vui,
và chúng sẽ vẫn mãi đem lại cho tôi hạnh phúc ấy y như là lần đầu tiên
khám phá. Tôi muốn được trở lại làm sáu tuổi.
Tôi nhớ là mình đã không nhìn thế giới này một cách toàn vẹn, nhưng
chỉ chú ý đến những gì có liên hệ trực tiếp đến mình. Tôi muốn được
ngây thơ đủ để tin rằng, nếu tôi được hạnh phúc thì mọi người khác cũng
thế.
Tôi muốn được đi trên bãi biển và chỉ nghĩ đến cát trắng dưới bàn
chân, và hy vọng tìm thấy một viên đá thủy tinh màu xanh thẩm mà tôi
hằng mơ ước. Tôi muốn bỏ ra những buổi chiều trèo cây, chạy xe đạp với
đám bạn, để mặc cho người lớn lo nghĩ về thời giờ, về những buổi hẹn
khám bác sĩ, và làm sao để có tiền sửa xe, đóng bảo hiểm...
Tôi muốn tự hỏi mình sẽ làm gì khi lớn lên, mình sẽ ra sao, thành
người như thế nào, và không hề lo lắng về chuyện tôi sẽ thật sự ra sao,
nếu một mai ước mơ kia không thành sự thật.
Tôi muốn được lại cái thời gian ấy. Tôi muốn được dùng nó bây giờ như
một nơi ẩn náu, vào những lúc chiếc máy vi tính của tôi bị hư, khi
giấy tờ cần giải quyết đang chất đống trên bàn, hay khi vài người bạn
đang gặp khổ đau, những lúc gây gổ với người bạn đời, hay lúc ngồi tiếc
nuối những ngày vui qua mau, hoặc những lúc không biết việc mình làm
là đúng hay sai...
Tôi có thể trở về ngày tháng ấy, để được chạy ra ngoài sân thả diều,
và không lo nghĩ gì khác hơn ngoài việc nên chọn cánh đồng nào chiều
nay trời sẽ lộng gió.
Tôi muốn được trở lại làm sáu tuổi!
Vô danh
(Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn do Nguyên Minh thực hiện)