Đại sư thứ hai: KARMA PAKSHI (1206-1283)
Đại sư Karma Pakshi sinh năm 1206 tại Kyil-le Tsakto thuộc miền
đông Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là các vị hành giả
Du-già đáng kính. Ngài được đặt tên là Chưzin.
Ngay từ thuở nhỏ, ngài đã biểu lộ những phẩm chất của một thiên tài.
Chưa được 10 tuổi, ngài đã tinh thông giáo nghĩa kinh điển và thực hành
thiền định đến những mức độ rất sâu xa.
Với lòng mong muốn được học hỏi tiến xa hơn, ngài lên đường tìm đến miền
trung Tây Tạng. Trên đường đi, ngài tình cờ được gặp Pomdrakpa, đệ tử
chân truyền của Drogon Rechen, người đã nhận được giáo pháp của dòng
Karma Kagyu từ đức Karmapa Dsum Khyenpa.
Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, Pomdrakpa đã nhìn thấy một số linh ảnh
và thông qua đó ông nhận ra ngay chính cậu bé này là hóa thân của đức
Karmapa Dsum Khyenpa tái sinh, đúng như sự mô tả trong bức thư do ngài
để lại cho Drogon Rechen.
Pomdrakpa kiểm tra lại bằng cách mang toàn bộ giáo pháp mà mình đã học
được ra thảo luận với cậu bé Chưzin. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Chưzin
chứng tỏ một sự uyên bác vượt bực và tinh thông hết thảy các phần giáo
pháp. Em chỉ cần đọc qua một bản kinh văn duy nhất một lần là có thể
trình bày ngay cả những phần giáo nghĩa sâu thẳm nhất trong đó.
Mặc dù vậy, Pomdrakpa vẫn yêu cầu cậu học trò nhỏ bắt đầu việc học tập
giáo pháp một cách chính thức và nghiêm túc. Truyền thống này về sau
được áp dụng đối với tất cả các vị Karmapa tái sinh. Mặc dù một vị
Karmapa tái sinh luôn chứng tỏ những tri thức sẵn có từ tiền kiếp, nhưng
người đứng đầu tông phái vẫn phải chính thức trao truyền lại cho vị ấy
mọi truyền thống của tông phái mình.
Vị Karmapa đời thứ hai này đã dành trọn gần nửa cuộc đời cho việc thực
hành thiền định. Ngài cũng viếng thăm và khôi phục hoạt động của các
trung tâm tu học, tự viện mà trước đây vị Karmapa thứ nhất đã thành lập.
Một số trong các tu viện ấy đã hoang phế hoặc đổ nát. Ngài tổ chức việc
xây dựng hoặc sửa chữa lại tất cả, cũng như làm sống dậy truyền thống
tu tập ở từng nơi. Tương truyền là ngài đã phải vay mượn rất nhiều tiền
bạc để trang trải cho những khoản chi phí xây dựng. Nhưng khi ngài du
hành ngang qua hồ Namtso ở vùng Tsang, ngài đã tìm được một kho châu báu
đủ để trả hết các món nợ đã vay.
Ngài trở nên nổi tiếng khắp nước qua việc hướng dẫn người dân Tây Tạng
thực hành trì tụng câu chân ngôn Án ma ni bát di hồng (Om mani padme
hum) như một phương tiện kỳ diệu để làm sinh khởi tâm đại bi. Theo lời
dạy của ngài, câu chân ngôn này đã được xưng tụng tập thể ở hầu hết các
tu viện, và từ đó về sau trở thành một phần quan trọng trong sự tu tập
của tất cả mọi người dân Tây Tạng.
Danh tiếng về sự tu tập và giáo hóa của ngài ngày càng vang xa, đến tận
đất nước Trung Hoa. Vào năm 1251, hoàng tử Mông Cổ lúc bấy giờ là Hốt
Tất Liệt (Khubilai, 1215-1294), cháu nội của Thành Cát Tư Hãn (Chinggis
Khan, 1167-1227), đã gửi lời thỉnh cầu ngài đến thăm viếng triều đình
Mông Cổ. Trong nhiều lần nhập định, ngài đã nhìn thấy những linh ảnh cho
biết trước về ảnh hưởng của lần thăm viếng này đối với tiền đồ của phái
Karma Kagyu nên ngài vui vẻ nhận lời.
Chuyến đi mất khoảng 3 năm. Vào năm 1254, ngài được đón chào một cách
long trọng trên đường đến thăm triều đình Mông Cổ. Hốt Tất Liệt vui mừng
đón tiếp ngài với sự cung kính và tôn trọng. Tuy nhiên, ông tỏ ý muốn
ngài biểu hiện năng lực tâm linh để các vị thầy của những tôn giáo khác
được nhìn thấy. Ngài chấp nhận lời đề nghị này. Các nhà chép sử Trung
Hoa và Tây Tạng cùng với một số người châu Âu có mặt vào thời điểm đó
đều kể lại về việc rằng ngài đã thực hiện nhiều phép mầu kỳ diệu ngay
giữa triều đình. Điều này khiến cho tất cả mọi người đều kính phục và
nhận ra sự siêu việt của ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là
ngài đã thành công trong việc hòa giải rất nhiều mối bất đồng trong
hoàng tộc vào lúc đó. Mặc dù vậy, ngài đã từ chối lời mời của Hốt Tất
Liệt khi ông này muốn ngài lưu lại triều đình Mông Cổ. Điều này làm Hốt
Tất Liệt cảm thấy bị xúc phạm và không hài lòng.
Trong những năm sau đó, ngài vân du khắp nhiều nơi trên đất nước Trung
Hoa, Mông Cổ, cũng như nhiều vùng của Tây Tạng và trở thành bậc đạo sư
lỗi lạc được tất cả mọi người biết đến. Ngài đặc biệt được Mangu, anh
trai của Hốt Tất Liệt , hết sức kính trọng. Vào lúc đó, Mangu đã trở
thành vị Đại Hãn (Khan) cai trị Mông Cổ và phần lớn lãnh thổ Trung Hoa.
Mangu thỉnh cầu ngài đến thuyết giáo tại triều đình và được ngài nhận
lời.
Theo lời dạy của ngài, Đại Hãn Mangu đã đón mừng việc ngài đến thuyết
giảng tại triều đình Mông Cổ bằng một lệnh đại xá cho các phạm nhân. Sau
đó, ngài tổ chức các buổi lễ truyền pháp và giảng dạy giáo lý cho rất
nhiều người. Vào thời điểm này, ngài nhận ra rằng Mangu vốn đã từng theo
học với Karmapa Dsum Khyenpa trong tiền kiếp và khi ấy cũng đã được
thành tựu pháp môn Đại thủ ấn.
Mangu trở thành một Phật tử hết sức nhiệt thành ủng hộ đạo pháp. Ông tổ
chức những buổi tranh luận chính thức giữa các bậc thầy ngoại đạo với
đức Karmapa Karma Pakshi để qua đó ngài khuất phục tất cả và xiển dương
Chánh pháp. Nhờ sự chỉ dạy của ngài, Mangu tiếp tục thực hành công phu
tu tập và đạt được nhiều kết quả phi thường. Ông không còn cảm thấy đắm
say trong quyền lực chính trị, mà thay vào đó luôn cố gắng thực hiện
nhiều điều mang lại sự an vui lợi lạc cho dân chúng.
Sự giáo hóa của ngài không chỉ giới hạn trong triều đình Mông Cổ mà còn
lan rộng ra khắp nơi. Ngài đã khuyên dạy được đa số dân chúng biết ăn
chay và thực hành pháp Thập thiện (Mười điều lành). Với sự can thiệp của
ngài, đã có rất nhiều tù nhân được ân xá hoặc tha bổng.
Mặc dù được Đại Hãn Mangu hết lòng kính trọng, ngài không hề lợi dụng
điều đó để phát triển tông phái của mình, mà luôn khuyên vị lãnh tụ này
dành mọi cơ hội phát triển đồng đều cho các tông phái khác nhau của đạo
Phật. Sau khi nhận lời mời của vị Đại Hãn đi du hóa ở nhiều nơi trên đất
nước Mông Cổ, ngài từ biệt để trở về Tây Tạng.
Trong thời gian ngài trên đường trở về Tây Tạng thì Đại Hãn Mangu qua
đời vào năm 1260 và Hốt Tất Liệt trở thành người kế vị. Ông này nhanh
chóng nắm giữ quyền lực rộng lớn, trải dài đến tận các vùng xa xôi của
Miến Điện, Triều Tiên và Tây Tạng. Nhớ lại sự bất mãn trước đây khi ngài
đã từ chối lời mời ở lại triều đình của ông nhưng sau đó lại chấp nhận
lời thỉnh cầu của Đại Hãn Mangu, Hốt Tất Liệt cho rằng ngài đã cố ý
khinh thường ông ta. Vì thế, vị Đại Hãn mới lên ngôi lập tức ra lệnh
truy bắt ngài.
Mặc dù vậy, nhiều toán quân lính được phái đi đều thất bại trong việc
bắt giữ ngài. Hốt Tất Liệt nổi giận đã ra lệnh bắn chết ngài tại chỗ,
không cần bắt về. Tuy vậy, không một đội quân nào của ông có thể thực
hiện được việc đó. Có một lần, ngài bình thản ngồi trì chú trong khi đội
quân 37.000 người ồ ạt kéo đến vây chặt quanh ngài. Thế rồi, tất cả bọn
họ đều bị đông cứng lại như trong một cơn giá rét cực kỳ. Và khi cơn
rét buốt qua đi, tất cả đều khiếp sợ bỏ chạy thay vì là bắt lấy ngài.
Tuy nhiên, cuối cùng ngài cũng quyết định để cho một toán quân của Hốt
Tất Liệt bắt về, vì biết rằng tâm từ bi của ngài đủ sức để cảm hóa vị
Đại Hãn này. Quả nhiên, cảm phục trước tấm lòng đại bi và sự bình thản
của ngài ngay cả khi phải đối diện với sự thù nghịch và nguy hại, Hốt
Tất Liệt bày tỏ sự hối tiếc về hành động đã qua và khẩn cầu được ngài
chỉ dạy đạo pháp.
Sau đó, ngài trở về Tsurphu để thực hiện việc xây dựng một pho tượng đức
Phật Thích-ca rất lớn, theo những linh ảnh mà ngài đã nhìn thấy trong
suốt một thời gian dài vào những lần nhập định. Tượng Phật này cao đến
gần 17 mét. Khi công việc xây dựng hoàn tất, người ta mới phát hiện
tượng Phật bị nghiêng sang một bên. Ngài liền nhập định trong tư thế
ngồi hơi nghiêng sang một bên giống như tượng Phật. Sau đó, ngài từ từ
chuyển mình ngồi thẳng lên. Kỳ diệu thay, khi ấy tượng Phật cũng được
chuyển sang tư thế ngay thẳng, không còn nghiêng sang một bên nữa.
Không chỉ là một bậc đạo sư có công nghiệp hoằng hóa sâu rộng khắp nơi,
ngài còn là một học giả vĩ đại. Các nhà sử học ghi nhận rằng ngài đã
biên soạn hàng trăm bộ luận, đã từng được lưu giữ trong thư viện của một
tu viện ở Tsurphu thuộc miền trung Tây Tạng. Sự nghiệp giáo hóa của
ngài đã để lại rất nhiều ảnh hưởng trong dân chúng Tây Tạng cũng như
Mông Cổ và Trung Hoa.
Trước khi viên tịch vào năm 1283, ngài gọi vị đệ tử lớn nhất là Orgyenpa
đến và dạy rằng ngài sẽ tái sinh ở miền tây Tây Tạng. Ngài cũng giao
phó cho Orgyenpa việc đứng đầu tông phái cho đến khi hậu thân tái sinh
của ngài xuất hiện.
Orgyenpa là một đệ tử xuất sắc nhất của vị Karmapa thứ hai. Ông sinh vào
năm Mộc Dần, tức là năm 1230 theo Tây lịch, tại Latư, thuộc miền bắc
Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là các hành giả tu tập
Tan-tra.
Từ khi còn rất trẻ tuổi, ông đã tinh thông giáo pháp Kim cương thừa và
nhiều phần giáo pháp khác do chính cha ông trực tiếp chỉ dạy. Ông có một
năng khiếu bẩm sinh ưa thích việc thực hành thiền định, nhưng tự quyết
định rằng cần phải học tập và nghiên cứu giáo pháp cho thật tinh thông
trước khi thực hành các công phu thiền định sâu xa.
Ông thọ giới ưu-bà-tắc (upsaka) với ngài Gưtsangpa. Từ năm 7 tuổi, ông
đã say mê việc học tập và nghiên cứu các giáo pháp căn bản. Năm 16 tuổi,
ông bắt đầu theo học và nghiên cứu nhiều bản kinh văn sâu sắc như Thắng
pháp luận (Abhidharma), Trung quán luận (Madhyamaka), Luật tạng
(Vinaya), cùng nhiều bộ môn học thuật tinh vi khác tại một tu viện nổi
tiếng ở tỉnh Tsang.
Trong suốt thời gian theo học, ông tỏ ra vượt trội so với tất cả các bạn
đồng học và tinh thông tất cả các môn học. Ông cũng được ngài Golungpa
Namkha Gyaltsen truyền thụ và cho phép thực hành sâu sắc pháp môn
Kalachakra Tantra. Sau đó, ông tiếp tục được ngài Gưtsangpa chỉ dạy để
tiến xa hơn.
Sau đó, ông lên đường hành hương đến rất nhiều thánh tích và tự viện ở
Nepal, Ấn Độ, Trung Hoa, Pakistan, Tsari, Kailash, Jalandara, and
Odiyana để chiêm ngưỡng và cầu học, cũng như thực hành một cách sâu xa
các giáo pháp đã học. Ông đạt được những kết quả phi thường trong việc
tu tập và trở thành một bậc thầy Tan-tra nổi tiếng.
Vào năm 53 tuổi ông mới được gặp đức Karmapa thứ hai, Karma Pakshi, và
ngay lập tức được vị này nhận làm đệ tử, truyền thụ cho toàn bộ giáo
pháp của dòng Karma Kagyu. Sau khi được thầy truyền dạy mật pháp, ông
đạt được sự chứng ngộ ở mức độ rất cao và từ đó luôn theo hầu hạ bên
thầy.
Sự nghiệp giáo hóa lợi sinh của Orgyenpa lan rộng nhiều nơi trên khắp
nước Tây Tạng. Trong khi chỉ dạy cho các đệ tử, ông thường tập trung chủ
yếu vào các phần giáo pháp Đại thủ ấn thuộc truyền thống của ngài
Gampopa.
Ông có rất nhiều đệ tử. Trong số đó, các vị nổi bật hơn cả là Nyedowa,
Chưje Kharchuwa, Jamyang Sưnam Ưser. Ngoài ra còn có rất nhiều các vị
học giả cũng như hành giả Du-già ở cả Tây Tạng và Ấn Độ. Nhưng người đệ
tử quan trọng nhất mà sau này ông đã trao lại cương vị đứng đầu phái
Karma Kagyu chính là Rangjung Dorje, hậu thân của đức Karmapa đời thứ
hai tái sinh.
Ông viên tịch vào năm 1312 sau khi đã hoàn tất trọng trách được thầy giao phó.
Đức Karmapa thứ hai sau khi thể hiện một cuộc đời giáo hóa siêu việt đã
tiếp tục thực hiện lời đại nguyện từ tiền kiếp bằng cách tái sinh tại
miền tây Tây Tạng đúng như lời dự báo, để rồi nhận lại vai trò dẫn dắt
tông phái Karma Kagyu từ chính người đệ tử trước đây của mình.