Sự tích Giới Luật


Thích Nữ Trí Hải
06/09/2010 23:17 (GMT+7)
Số lượt xem: 9999
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

DẪN NHẬP

Giới luật tỷ kheo ni gồm 348 giới điều, được gọi là "Ngũ thiên thất tụ". Trước hết, "thất tụ" là bảy nhóm như sau:

Nhóm 1: 8 pháp Ba la di
Nhóm 2: 17 pháp Tăng tàn
Nhóm 3: 30 pháp Xả đọa
Nhóm 4: 178 tám pháp Đọa
Nhóm 5: 8 pháp Hối quá
Nhóm 6: 100 pháp Chúng học
Nhóm 7: 7 pháp Diệt tránh.

Phân loại theo các việc cần phải cấm chỉ không được làm (chỉ trì) hoặc cần phải làm (tác trì) thì có bảy nhóm như trên, gọi là "Bảy tụ", cũng như những chương, điều được nêu trong bộ luật hình sự ở đời. Những việc Phật cấm chỉ không được làm, nếu làm thì phạm, gọi là "chỉ trì tác phạm" như giới sát đạo dâm vọng v.v. Những việc Phật dạy phải làm không được bỏ qua, thì gọi là "tác trì chỉ phạm", ví như những việc bố tát, tụng giới, yết ma, tự tứ, vân vân.

Nhưng phân loại theo tội phạm và mức độ xử phạt (tỉ như định mức án trong bộ luật hình sự ở đời) thì chỉ có năm mục, gọi là "Năm thiên" đáng nói, đó là:

Thiên 1: Tội ba la di, là khi phạm vào một trong tám pháp ba la di nói trên (nặng nhất). Mức xử phạt là đuổi ra khỏi chùa.

Thiên 2: Tội Tăng tàn, là khi phạm một trong 17 pháp Tăng tàn nói trên. Mức xử phạt là sám hối trước hai bộ đại tăng và hành sám một thời gian, bằng cách làm các việc do tăng chỉ định.

Thiên 3: Tội Ba dật đề, là khi phạm vào hai nhóm 3 và 4 nói trên. Mức hành sám ngang nhau, nhưng một bên có vật trình ra trước Tăng để xả (nói theo luật pháp ở đời là "có tang vật cần tịch thu") rồi sám hối tội đáng đọa lạc, nên gọi là "Xả đọa". Còn một bên không có tang vật, nhưng có những hậu quả xấu như mang tai tiếng cho đoàn thể hoặc gây thiệt hại cho người khác, gọi là pháp "Đọa" vì khiến cho người phạm rơi vào những ô nhiễm do tham sân hoặc do đam mê sáu trần cảnh, không đem lại giải thoát.

Thiên 4: Tội Thâu lan giá, là loại tội "non Ba la di già Tăng tàn" ví như trong pháp ba la di thứ tám, mà mới phạm có bảy việc, hoặc hai ba bốn việc; hoặc khi cố ý giết mà đối tượng chưa chết, hoặc âm mưu bại lộ, bất thành. Do vậy nên có ba cấp bực Thâu lan giá

Thiên 5: tội Đột cát la, nhẹ nhất nhưng dễ phạm, là khi vi phạm các pháp trong những thiên còn lại (5, 6, 7) gồm hai thứ: "ác tác" (làm bậy) và "ác thuyết" (nói bậy); tựa như loại tội "vi cảnh" trong luật đời.

Sự tích giới luật được viết sau khi tham khảo:

1. Tỳ kheo ni giới, bản dịch của HT. Trí Quang.

2. Trung bộ kinh ba tập, bản dịch của HT. Minh Châu.

3. Bản dịch bộ "Tứ Phần Tỳ kheo ni Giới bản chú giải" hai tập của Ni sư Phật Oanh, (Thích nữ Trí Hải dịch, 1975).

4. Bản dịch bộ "Luật Ngũ phần" 30 quyển, trong Đại tạng kinh (dịch giả Thích nữ Trí Hải, 1989).

5. "L’enseignement monastique du Petit Véhicule" bản dịch của Thích nữ Tuệ dung.

Điều đáng nói sau khi xem những sự tích này là, với "con mắt thông suốt ba cõi và tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời", đức Phật đã quán sát căn cơ hạ liệt của chúng sinh thời mạt pháp nên khiến ra co những vị làm hành vi quấy để cho ngài có dịp chế giới. Người đọc cần phải nghĩ nhớ thâm ân chư Phật bồ tát, không được có tâm phỉ báng như nói "thời Phật mà còn loạn thế". Xét cho kỹ, ta vẫn thấy được yếu tố rất đáng kính và dễ thương nơi những vị "bồ tát nghịch hành" hiện tướng phạm giới này là, họ rất thật thà, không bao giời chối cãi hay biện hộ cho những việc quấy mình đã làm. Lại nữa, so với một tăng đoàn đông đảo gồm một ngàn hai trăm năm chục "toàn là những bậc đại a la hán" (được kể trong nhiều kinh) và nhiều vị khác chưa chứng đạo, thì con số hai mươi ba vị Tăng (Lục quần và Thập thất quần), và Nhóm 6 tỳ kheo ni "làm gương mẫu" cho sự phạm giới quả thực quá ít.

Trong nhiều bộ luật còn kể chuyện ngài Ưu ba cúc đa (Upagupta) xuất gia sau khi Phật nhập diệt không bao lâu. Lúc đó có một vị ni sống tới trên 120 tuổi, bà đã từng được trông thấy Phật và sinh hoạt của chúng tăng thời Phật. Ưu ba cúc đa xin bà kể cho ngài và một số tỷ kheo bạn hữu nghe về đời sống thanh tịnh của tăng già thời Phật, vì nghe ai cũng chê uy nghi tế hạnh của tăng chúng bây giờ thua xa thuở Phật còn tại thế. Ni bà hẹn với chúng tỷ kheo của Ưu ba cúc đa một buổi đến tư thất. Gần tới giờ hẹn, ni bà treo một bát dầu đầy trên đỉnh cánh cửa đi vào. Khi họ đã vào hết trong phòng và ngồi xuống xin ni bà kể về uy nghi tế hạnh của tỷ kheo thời Phật, Ni bà mở lời: "Vào thời Phật, trong chúng tăng có Lục quần tỷ kheo là những vị thường bị khiển trách là thiếu uy nghi nhất, nhưng vẫn còn có uy nghi tế hạnh hơn chúng tỷ kheo bây giờ nhiều lắm. Chẳng hạn, Lục quần tỷ kheo đẩy cửa đi vào phòng thì sẽ không làm đổ dầu như thế... (bà đưa tay chỉ ra cửa)". Khi Ưu bà cúc đa và đại chúng nhìn theo tay Ni bà chỉ, họ mới trông thấy những giọt dầu rơi trên nền đất, cùng bát dầu đầy treo lửng lơ trên cánh cửa ra vào.

Mỗi giới điều được thâu tóm thành bốn chữ, chỉ cốt để giúp trí nhớ và học thuộc lòng. Muốn rõ nghĩa phải xem nội dung của giới điều và xem sự tích. Khi đọc sự tích, ta có thể thấy rõ nguyên do chế giới và mục tiêu mỗi giới, đồng thời cũng có thể thấy cái tinh thần nằm ở đằng sau chữ nghĩa, vượt trên chữ nghĩa và truyện tích. Có vậy mới thấy giới luật tuy nhiều mà rút lại không ngoài bốn chữ "thiểu dục tri túc" hay không ngoài hai chữ "tàm quý". Và có vậy mới thấy 348 giới cũng không thấm gì, Phật dạy bao nhiêu cũng không đủ nếu ta chỉ hiểu trên ngôn từ mà không đạt ý. Do đấy mà có đến ba ngàn uy nghi tám vạn tế hạnh để kiện toàn một con người xứng đáng bậc "Chúng trung tôn".

---*---

Phần một

TÁM PHÁP BA LA DI

Tóm tắt

1. Làm hạnh bất tịnh
2. Lấy của không cho
3. Sát sinh đủ cách
4. Dối nói đắc đạo
5. Nhiễm tâm xoa chạm
6. Nhiễm tâm tám sự
7. Che giấu tội trọng
8. Theo người bị cử.

1. LÀM HẠNH BẤT TỊNH:

Lúc Phật ở Xá vệ, có ngài Tu đề na (Sudina) làm hạnh bất tịnh với vợ cũ. Nguyên Tu đề na con nhà giàu, đã có vợ, nghe Phật thuyết pháp bèn năn nỉ cha mẹ bất đắc dĩ phải để cho ông đi tu. Không bao lâu, gặp mùa đói kém Phật cho phép chúng tỷ kheo tản mác đi khất thực các nơi. Tu đề na dẫn một đoàn tăng chúng về thôn nhà khất thực. Cha mẹ nhân cơ hội ấy năn nỉ Tu đề na hoàn tục, Tu đề na không chịu; cha mẹ lại năn nỉ Tu đề na ở lại với vợ cũ một đêm để ông bà có cháu bế cho vui cửa vui nhà, hơn nữa khi chết còn có người cúng cơm, thờ tự. Tu đề na cuối cùng phải xiêu theo. Nhưng khi trở lại trong tăng chúng, ông cảm thấy bứt rứt, hối hận, khổ sở. Các tỷ kheo bạn tới hỏi thăm, ông nói thật, và cùng đi đến Phật kể rõ sự tình. Phật quở trách đủ thứ và dạy đó là việc không đáng làm, phi phạm hạnh. Nhân đấy Phật chế giới.

Lời bàn:

Tội ba la di còn dịch là: "tha thắng", là để cho cái khuynh hướng khác, không phải mình (tự) thắng lướt, làm cho mình không còn là mình nữa. Chính đây là nguồn gốc của mọi pháp tu và giới luât Phật chế: khiến cho con người đừng đi lạc xa cái "tánh thường" của mình, nếu lỡ đi xa một chút thì phải nhớ mà quay trở lại. Khi Phật chưa chế giới thì chưa gọi là "phạm", thế nhưng sau khi Tu đề na làm hạnh bất tịnh thì tự thấy hổ thẹn khổ sở. Điều đó chứng tỏ tánh thường của chúng ta vốn tự thanh tịnh, không xen lẫn dâm dục, nên khi làm cái sự gì khác (tha) với tánh thường ấy, thì tâm tự thấy khó chịu.

2. LẤY CỦA KHÔNG CHO:

Phật ở Xá vệ, Tỳ kheo Đàn ni ca (Dhanya) con nhà thợ gốm phạm trước tiên. Ông làm một chòi lá trong rừng để ở, một hôm đi khất thực về thấy chòi đã bị những người kiếm củi và chăn trâu phá hết vách mái. Ba lần như vậy, nhớ nghề cũ, ông bèn ra tay nung đất làm gạch xây một cái nhà có mái đỏ chói. Một hôm Phật và chúng tăng đi qua trông thấy, biết của tỷ kheo xây, Phật bèn sai Anan tới phá, rồi cấm đệ tử không được tự tay đào đất, nung ngói gạch xây nhà, vừa mất thì giờ hành đạo vừa tổn hại chúng sinh. Đàn ni ca khi trở về thấy ngôi nhà ngói cũng bị phá, hỏi ra biết được là do lệnh Phật, ông bèn vào rừng tìm cây để làm nhà gỗ. Quan giữ rừng không cho, nhưng Đàn ni ca bảo, vua đã cho tôi rồi. Quan nói nếu vua đã cho thì xin đại đức cứ tự tiện mà chặt đốn. Đàn ni ca đốn hết những cây gỗ quý lâu năm. Khi ngự giá qua rừng, trông thấy cây cối ngã nghiêng, những cây gỗ quý dành để tu bổ cung đình đã biến mất, vua cho đòi quan giữ rừng đến hỏi. Quan tâu, vì thấy vua một Phật, mà có vị tỷ kheo bảo vua đã cho chặt, nên ông đã để cho vị ấy chặt cây. Nhà vua tức giận cực điểm, cho là quan nói láo, sai bắt nhốt vào cũi giải về cung trị tội. Giữa đường gặp Đàn ni ca, ông ta kêu khóc ầm ĩ. Tỷ kheo bảo không sao, để tôi tới bảo cho vua nhớ, rồi vua sẽ thả ông về. Tỷ kheo đến thẳng cung vua, nói: "Vua không nhớ sao, ngày làm lễ đăng quan, vua có đọc bài diễn văn hứa khi lên ngôi, vua sẽ cho phép các vị xuất gia tự do hành đạo và xử dụng tất cả những vật cần dùng hiện có trong nước. Bởi thế mà tôi đốn những cây gỗ tôi cần để làm nhà". Vua ngao ngán. Căn cứ theo luật pháp, tội tỷ kheo ấy đáng bị xử tử nhưng vì tôn kính đức Phật, nên vua chỉ mắng cho một trận là "kẻ giặc, kẻ ngu si không biết gì cả, hãy đi đi cho khuất" và đuổi tỷ kheo về.

3. GIẾT HẠI MẠNG NGƯỜI:

Phật ở Xá vệ chế giới. Nhiều tỷ kheo phạm. Bấy giờ vào một mùa an cư, Phật dạy cho chúng tỷ kheo hành trì pháp môn quán sát 32 uế vật trong thân, cốt để nhàm chán thân thể, trừ ái dục, gọi là quán bất tịnh. Một số đông tỷ kheo sau khi đắc quả nhờ pháp tu này, đâm ra chán ghét thân thể xú uế bèn đem y bát của mình (tất cả gia tài của một tỷ kheo thời Phật) thuê một người đồ tể giết giùm cái thân. Trong một ngày mà trong vườn Cấp cô độc có đến sáu mươi người chết theo cách ấy. Khi giải hạ, thấy số chúng đến yết kiến Phật gảim thiểu, hỏi nguyên do, Phật bèn quở trách sự hủy hoại thân thể. Thay vì quán bất tịnh, bấy giờ Phật dạy các tỳ kheo quán hơi thở và các pháp "quán tịnh" như quán màu sắc các loại hoa xanh vàng đỏ trắng, hư không, ánh sáng... gọi là quán "biến xứ" hay kasina. Đồng thời Phật cho biết, các vị a la hán ấy hủy hoại thân thể là do dư báo của nghiệp "sát" lâu xa về trước, đến khi đắc quả họ vẫn còn phải thọ báo lần cuối cùng. Tất cả những vị ấy xưa kia đều đã từng làm nghề đồ tể giết hại súc sinh.

4. ĐẠI VỌNG NGỮ:

Phật chế giới này lúc ở thành Tỳ xá ly, trong giảng đường lâu các bên sông Di hầu. Gặp thời đói kém, vào ngày tự tứ, chư tăng đến đảnh lễ Phật. Ai cũng gầy ốm xanh xao vì suy dinh dưỡng, nhưng đặc biệt có một tốp tỳ kheo mập mạp hồng hào. Khi Phật hỏi cách sinh hoạt tu hành của họ trong mùa an cư ra sao, khất thực có dễ kiếm hay không, họ bạch: "Dạ bạch thế tôn, dễ lắm. Vì chúng con thay phiên nhau để một người ngồi thiền giữa công cộng, trong khi những người kia thì đi khắp nơi quảng cáo rằng vị ấy chính là một bậc a la hán, ai cúng dường vị ấy sẽ được phước lớn lao. Thiên hạ đua nhau đem thực phẩm thượng hạng tới cúng, do vậy chúng con khất thực không khó khăn gì cả". Phật quở trách thậm tệ cái thói vì y thực mà dối xưng thần thánh ấy, và chế giới.

Phụ:

Nhân đây Phật kể cho chúng tỳ kheo nghe chuyện về hoàng hậu Ba tư nặc. Trước đây bà vốn là một nữ tì giữ việc chăm sóc vườn lài cho một nhà giàu. Một hôm, sau khi cúng dường phần ăn sáng của mình cho một sa môn khất thực, nữ tì gặp vua Ba tư nặc đi vào vườn hoa. Nàng ân cần đón tiếp, khiến ông vua hài lòng đến độ ngay hôm ấy, vua cho mời ông trưởng đến để ngỏ ý muốn bỏ tiền chuộc nữ tì đưa về hoàng cung. Sau khi về cung, vua lại còn phong ngay cho nàng làm đệ nhất phu nhân, gọi là Mạt lợi phu nhân (Mallika hay Cô Gái Vườn Lài). Khi được làm hoàng hậu, Mạt lợi phu nhân nhớ đến vị sa môn bà đã cúng dường buổi sáng cùng ngày gặp đức vua, và muốn cho đi tìm ngài. Khi hỏi ra mới biết vị sa môn mà bà đã cúng dường đó chính là Đức Phật. Bà liền đến nơi Đức Phật xin đảnh lễ quy y, và trở thành một phật tử.

Một hôm bà đi đến Đức Thế Tôn để hỏi ngài do nhân gì đời trước mà nay bà được cái phước được gặp Đức Thế Tôn và lại được làm hoàng hậu. Phật kể, vào một tiền kiếp xa xưa, bà làm một phụ nữ giào mộ đạo, ham làm phước và cầu mong được gặp bậc minh sư. Vào một mùa đói kém khất thực khó khăn, trong xứ bà ở có bỗng có một nhóm năm vị sa môn đến thay nhau tọa thiền ngoài công viên, bà đến đảnh lễ và rước về nhà cúng dường tứ sự. Năm vị này không có giới đức, chỉ hiện tướng sa môn để thụ hưởng của bà, đồng thời đi các nơi dối gạt mọi người để thủ lợi, làm cho ai cũng nghĩ họ là thần thánh, cúng dường trọng hậu. Do nhân ầy mà trải qua nhiều đời kiếp, họ phải làm thân nô tì để trả nợ cũ. Còn cô gái, do nhân cúng dường với tâm thanh tịnh và lòng khao khát cầu gặp minh sư, mà nay được cái phước gặp Phật và ở địa vị cao sang.

Nghe Phật dạy, Mạt lợi phu nhân tò mò hỏi: "Bạch Thế tôn, vậy ra nhờ cúng dường năm sa môn ấy mà nay con được gặp Phật. Thế thì con rất muốn gặp lại các ngài để đền ơn. Xin Thế tôn cho con được biết hiện nay những vị ấy tái sinh chỗ nào?" Phật dạy: "Họ ở ngay bênh cạnh bà! Đó là năm tên đầy tớ của bà hiện nay, làm các công việc đánh xe, nấu bếp, giặt ủi..."

Nghe Phật dạy, hoàng hậu khóc ròng: "Bạch Thế tôn, con thực đã gây tội lỗi tầy trời! Đối với những bậc tôn sư đã đem lại cho con cái phước báo ngày nay, con đã không tôn kính cúng dường mà lại thường sai sử đánh mắng".

Phật an ủi bà: "Không phải lỗi tại bà, đó là quả báo mà các ông ấy phải gặt mà thôi".

Hoàng hậu nói: "Bạch Thế tôn, nhưng khi đã biết như vậy, thì con cũng không thể nào tiếp tục sai khiến chúng được nữa. Con sẽ cho gọi chúng đến để trả tự do, và xin đức Thế tôn thuyết pháp cho chúng".

Thế rồi bà cho gọi bốn người đánh xe trong đoàn tùy tùng như Phật đã chỉ. "Bạch Thế tôn, còn một người nữa ở đâu?".

- "Còn ở trong cung, đang lau chùi nhà tắm".

Hoàng hậu đau buồn cho gọi đủ năm tên đầy tớ đến. Khi đến, muốn tránh Phật, tất cả năm người đều đứng nấ sau cánh cửa. Phật dùng thần lực khiến cho họ xoay về hướng nào cũng thấy ngài đứng ngay trước mặt. Khi đã xoay đủ chiều mà không tránh nổi, họ bưng mặt khóc: "Chúng tôi khổ sở đủ điều mà sa môn này còn nhiễu loạn chúng tôi!".

Phật thu nhiếp thần lực, ôn tồn bảo: "Cũng chính các con tự làm tự chịu đấy thôi".

Năm tên nô lệ nói: "Làm đầu tắt mặt tối mới có được bát cơm ăn, chừng nào mới hết nỗi khổ này!".

Hoàng hậu bèn lên tiếng: "Thôi ta trả tự do cho các người, khỏi làm nô lệ nữa".

Năm tên nô lệ đồng loạt quỳ mọp dưới chân hoàng hậu mà khóc lóc: "Tâu lệnh bà, chúng con có lỗi lầm gì xin lệnh bà cứ hành phạt sao cũng được, nhưng xin lệnh bà đừng đuổi chúng con. Chúng con muốn phục dịch hầu hạ lệnh bà mãi mãi!".

Phật dạy cho Mạt lợi phu nhân biết, khi chưa trả hết nợ thì năm tên nô bộc ấy vẫn còn ở lại, dù bà có hành hạ xua đuổi chúng đến đâu. Nhưng đến khi đã trả hết nợ cho bà thì dù bà không nói, chúng cũng sẽ tự động ra đi. Mạt lợi phu nhân thấm thía lời Đức Thế Tôn dạy, đảnh lễ rồi xin cáo từ.

5. NHIỄM TÂM XOA CHẠM:

Phật ở Xá vệ chế giới. Thâu la nan đà phạm đầu tiên.

Trưởng giả Đại Thiện Lộc Lạc có tình ý với Tỷ kheo ni Thâu La Nan Đà, nên vì cô này mà thỉnh đại chúng về nhà thọ trai. Ni cô này cũng để ý trưởng giả, đến ngày thọ trai cô làm bộ ốm, ở lại trong chùa không đi. Tới giờ ăn, trưởng giả đến chùa gặp Thâu La Nan Đà làm các việc như trên. Khi đại chúng thọ trai trở về, sa di ni giữ chùa bạch chúng việc Thâu La Nan Đà đã làm, nội vụ cuối cùng được trình lên Phật. Sau khi quở trách Thâu La Nan Đà xong Phật chế giới ba la di thứ 5.

6. NHIỄM TÂM TÁM SỰ:

(Tám sự là: có tâm ô nhiễm mà nắm tay, nắm áo, vào chỗ vắng, đứng chung, đi chung, xúc chạm, dựa kề, hò hẹn - với nam) Phật ở Xá vệ chế giới: Thâu La Nan Đà phạm đầu tiên, cùng với Sa Lâu Lộc Lạc.

7. CHE GIẤU TỘI NẶNG:

Phật ở Xá vệ chế giới; Thâu La Nan Đà bao che cho em ruột là Đề Xá phạm tội ba la di, sau cô này bỏ đạo hoàn tục cô kia mới nói mình đã biết chuyện đó từ trước, nhưng không nói cho chúng tăng biết vì sợ xấu lây.

8. THEO NGƯỜI BỊ CỬ:

Phật ở thành Tỳ xá ly chế giới; Tỳ kheo ni Ủy thứ phạm đầu tiên.

Xiển đà (Channa) trong chúng tỷ kheo phạm nhiều tội như ăn biệt chúng, v.v... bị tăng yết ma quở trách, tăng chưa làm pháp yết ma giải tội. Ông đến chùa ni và được em gái là tỳ kheo ni Ủy thứ giúp đỡ mọi sự. khi bị tăng quở trách. Cô còn nói: "Đấy là anh ruột tôi, không giúp đỡ lúc này thì lúc nào mới giúp".

---*---

Phần hai

MƯỜI BẢY PHÁP TĂNG TÀN

Tóm tắt

1. Làm người mai mối.
2. Vu khống tội nặng.
3. Xuyên tạc tội nặng.
4. Đi thưa kiện người.
5. Biết giặc mà độ.
6. Giải cho tội trọng.
7. Phạm vào bốn sự.
8. Nhiễm tâm thọ thực.
9. Khuyên thọ nhiễm thực.
10. Phá tăng hòa hiệp.
11. Hỗ trợ phá tăng.
12. Hoen ố tín đồ.
13. Không nghe can gián.
14. Thân nhau giấu tội.
15. Xúi đừng ở riêng.
16. Giận bỏ tam bảo.
17. Chê bai chúng tăng.

1. MAI MỐI:

Phật ở Xá vệ chế giới. Tỳ kheo Ca la phạm đầu tiên. Ông giỏi về khoa bói toán, nên nhiều cư sĩ đến nhờ ông coi ngày coi tuổi để dựng vợ gả chồng cho con cái họ. Ông nhờ thế mà được nhiều người thân cận cúng dường. Nhưng có những cặp vợ chồng sau khi cưới nhau gặp rắc rối, cơm không lành canh không ngọt, hò bèn đến chùa mắng vốn. Các tỳ kheo bạch Phật.

2. VU KHỐNG:

Phật ở Xá vệ chế giới này. Tỳ kheo Tư Địa phạm. Lúc ấy Đạp bà ma la đã chứng quả a la hán, phát nguyện làm tri sự phân phối phòng ốc, đồ nằm và cử tăng theo thứ tự thọ thực tại các nhà cư sĩ. Vào ngày kết hạ an cư, Tư địa đến vườn Cấp cô độc lúc trời đã tối, chư tăng đến trước đã yên chỗ. Chỉ còn môt chỗ nghỉ tồi hơn các chỗ khác, Đáp bà ma la đưa Tư địa đến đấy và phân phối mền chiếu cũ cho ông. Tư địa tức giận, nghĩ Đáp bà ma la còn đồ tốt mà muốn chơi xấu mình. Sáng hôm sau, ông lai được phiên thọ thực tại một nhà cư sĩ giào có, nhưng lại cúng toàn thực phẩm dơ. Nguyên vì Tỳ kheo Tư địa mang tiếng xấu trong giới cư sĩ, nên khi nghe ông được cắt phiên đến nhà ấy thọ thực, chủ nhà bèn đổi ý định cúng thực phẩm thượng hạng, mà chỉ cúng những thứ hạng nhì hạng ba. Tư địa lại nghi Đạp bà la ma xúi, nên ôm hận trong lòng. Để trả thù, ông đến chùa ni gặp cô em gái là Di đa la nhờ cô này vu khống cho Đạp bà ma la phạm giới dâm dục, làm hạnh bất tịnh với mình. Giữa đại chúng, trước sự vu khống của ni cô, tôn giả Đạp bà ma la chứng tỏ sự thanh tịnh của mình bằng cách xòe ngón tay út phát ra ánh sáng và bạch Phật:: "Bạch Đức Thế Tôn, từ khi cha sinh mẹ đẻ, dù trong mộng con cũng chưa từng có một ý niệm nhiễm ô đối với phụ nữ, huống hồ là phạm giới bằng thân hay lời". Đức Phật xác chứng cho lời nói của tôn giả, quở trách hai anh em Tư địa và Di đa la ni đủ điều rồi chế giới: Không được vu khống vô căn cứ, muốn cử tội nặng của người nào, phải đủ chứng cớ rõ ràng gồm ba sự là thấy, nghe và nghi.

3. XUYÊN TẠC PHỈ BÁNG:

Phật chế giới này lúc ở Xá vệ. Tư địa sau khi bị Phật quở trách tội nhờ em gái vu khống cho Đạp bà ma la, bèn tìm cách khác để phỉ báng. Một hôm xuống đồi, trông thấy hai con dê, từ đấy ông bèn nảy ý đặt tên cho dê cái là Di đa la và dê đực là Đạp bà ma la, rồi tuyên bố giữa chúng tăng: "Tôi đích thân thấy Di đa la và Đạp bà ma la hạnh dâm dục, phạm hạnh bất tịnh. Chứng cớ rõ ràng, không phải là tội ba la di vô căn cứ đâu". Khi tăng hỏi ông đã thấy trong trường hợp nào và ở đâu, ông đáp lúc đi xuống đồi, ngay trên bãi cỏ lúc chúng đang cùng ăn cỏ với nhau. Đại chúng nghe lạ tai, bèn hỏi tiếp mới vỡ lẽ đấy là hai con dê được Tư địa đặt tên. Như vậy gọi là lấy một chút cớ nhỏ ("thủ phiến") thuộc về chuyện khác ("ư dị phận sự trung", như để, người trùng tên) để vu oan cho người.

4. ĐI THƯA KIỆN NGƯỜI:

Phật ở Xá vệ chế giới. Có một cư sĩ cúng đất cho ni chúng làm chùa, một thời gian sau ni chúng bỏ chỗ ấy đi dựng chùa nơi khác, chỗ cũ thành một đám đất hoang. Con của cư sĩ đến canh tác, liền bị ni đi kiện. Quan xử cho ni được kiện và tịch biên tài sản của người con cư sĩ. Nhiều người bàn tán chuyện này đến tai Phật, Phật chế giới. Sau đó một trường hợp tương tự xảy ra là, ni chúng bỏ chùa đi vắng cư sĩ chủ chùa bèn đem chùa cúng cho một nhóm Phạm chí ngoại đạo. Nhiều kẻ thấy vậy bất bình, đưa việc ấy ra tòa. Ni chúng sợ phạm giới Phật chế không dám đi. Vì thiếu nhân chứng nên tòa xử cho Phạm chí được kiện, ni chúng bị mất chùa. Phật chê tòa xử bất minh và nhân đấy chế lại giới này, cho phép nếu tòa mời hay có việc chính đáng thì Tỳ kheo được phép đến cửa quan.

5. BIẾT GIẶC MÀ ĐỘ:

Phật ở Xá vệ chế giới. Có những nam nữa dòng họ Ly xa (Licchavi) vào rừng cắm trại, bị một cô gái điếm ăn trộm hết bảo vật rồi chạy vào trốn trong chùa ni, xin cạo tóc xuất gia. Khi quan quân truy nã bắt được, bèn chê bai ni chúng đồng lõa với bọn trộm cướp.

6. GIẢI CHO TỘI TRỌNG:

Phật ở Xá vệ chế giới. Tỳ kheo ni Ủ y thứ phạm tội bị chúng tăng quở trách chưa hành sám mà Thâu la nan đà vì tình riêng, đưa ra ngoại giới làm phép giải tội cho cô này.

7. PHẠM VÀO BỐN SỰ:

Phật ở Xá vệ chế giới. Hai Tỳ kheo là Thâu la nan đà và Sai ma thường phạm bốn việc là một mình qua sông, một mình vào xóm, một mình ngủ lại và một mình đi sau, khi được hỏi lý do thì các cô bảo "để gặp nam tử". Các Tỳ kheo ni thiểu dục quở trách và trình lên. Phật chế giới Tỳ kheo ni không được làm bốn việc một mình ấy, để đề phòng chỉ trích và hỗ trợ phạm hạnh.

8. NHIỄM TÂM THỌ THỰC:

Phật ở Xá vệ chế giới. Ni cô tên Đề xá nan đà có nhan sắc, thường tới nhà một ông trưởng giả để khất thực. Ông này cúng cho cô nhiều thực phẩm hảo hạng trong một thời gian dài, cuối cùng một hôm nọ khi vào khất thực, cô bị ông ta ôm chầm lấy. Ni cô la làng. Khi mọi người kéo tới, ông trưởng giả phân bua: "Tôi có ý muốn mua cô này về làm vợ bé đã lâu, nên cúng dường trọng hậu. Số tiền tôi bỏ ra bấy lâu cho cô đã đủ mua một nàng hầu".

Mọi người hỏi ni cô: "Ni cô có biết ông này có tình ý với cô hay không?".

Đề xà đáp "Biết".

Mọi người bĩu môi chê trách: "Biết sao còn nhận đồ cúng của ông ta? Biết sao còn rộng họng la lớn thế".

Ông trưởng giả sai người trói ni cô lại, chừng nào có tiền đem hoàn đủ số mới thả về. Cô khóc lóc thảm thiết. Chợt có một nhóm thương gia ở đâu tình cờ đi qua, trông thấy ni cô bị hành hạ, bèn bảo ông trưởng giả: "Chớ đụng vào những của nợ ấy. Đấy là những đệ tử của Đức Thế Tôn mà tất cả vua, đại thần đều kính trọng, ai khôn hồn thì đừng dây dưa tới họ, coi chừng mang hoạ".

Tất cả mọi người đều tin lời thương gia vì năng đi đây đi đó biết nhiều hiểu rộng, bèn cởi trói thả cho Đề xá ra về, còn hăm he: "Liệu hồn, sau đừng dẫn xác tới đây nữa".

9. KHUYÊN NHẬN NHIỄM THỰC:

Phật ở Xá vệ chế giới. Một Tỳ kheo ni lớn tuổi có một đệ tử nhan sắc mỹ miều thường đem đồ khất thực ngon về cho bà dùng. Trải qua một thời gian dài, bà chuyên được thực phẩm hảo hạng do ni cô khất thực về dâng. Nhưng sau đó, thực phẩm ni cô đem về càng ngày càng tệ; bà thầy nuốt không xuống (vì đã quen ăn ngon) bèn hỏi ni cô: "Trước đây ngươi thường xin được toàn đồ ngon không, tại sao sau này ngươi đem về tinh ròng những thứ ma chê quỷ hờn thế?".

Ni cô thực tình kể: "Bấy lâu có một ông nhà giàu thường cúng cho con toàn thực phẩm hảo hạng. Một hôm cúng xong ông ta hỏi, cô có biết tại sao tôi cúng dường cho cô không? Con trả lời, thí chủ cho tôi là vì muốn cầu phước chứ còn vì sao nữa. Ông trưởng giả nói không phải, vì tôi yêu ni cô đấy thôi. Chính vì ông trưởng giả nói như vậy, nên từ đấy con không tới nhà ông ta để khất thực nữa, vì Phật đã chế giới không được nhiễm tâm nhận đồ ăn".

Bà thầy nghe xong nói: "Người kia có nhiễm tâm hay không mặc kệ, miễn sao ngươi không có nhiễm tâm là được rồi, sợ nỗi gì. Họ đã cho đồ ăn thì cứ tới mà nhận đi chứ".

Cô đệ tử cãi lại: "Phật đã chế giới xuất gia phải thiểu dục tri túc, sao thầy đã không khuyên con những điều tốt đẹp, lại còn vì thức ăn mà xúi con làm bậy?".

- "Có gì là bậy? Ta có xúi ngươi phạm giới đâu cà?".

Hai thầy trò cãi nhau càng lúc càng hăng, đến tai những vị khác, cuối cùng trình lên Phật. Phật xử cho ni cô đệ tử nói có lý, và quở trách bà thầy tham xơi ngon xúi bậy.

Câu chuyện này chứng tỏ tinh thần bình đẳng trong Phật giáo. Liên hệ thầy trò trong giáo lý Phật thường được đề cao hết mực, bậc thầy đôi khi còn quan trọng hơn tam bảo, vì nhờ thầy mà ta biết đến tam bảo. Nhưng không phải vì thế mà người đệ tử trở thành mù quáng vô trách nhiệm đối với bản thân, mọi sự đều nhất nghe theo thầy. Vì ngoài bậc thầy còn có Chánh pháp và lương tâm của mình là những tiêu chuẩn để phân biệt phải quấy; nếu thầy nói những lời mà mình xét không thích hợp với chánh pháp hoặc với lương tâm, thì có thể trình bày lý do bất tuân mà không sợ phạm tội hỗn láo hay phản thầy.

10. PHÁ TĂNG HÒA HỢP:

Phật ở Xá vệ, Đề bà đạt đa (Devadatta) phạm đầu tiên. Đề bà đạt đa ganh tị với uy thế của Phật, cố dựa thế lực của chính quyền vu A xà thế để tự xưng Phật và lập riêng một tăng đoàn có quy luật khắc khe hơn giới luật Phật chế, như phải khất thực suốt đời không được nhận lời mời ăn tại nhà cư sĩ, phải suốt đời mặc y phấn tảo (lượm vảo bỏ đống rác mà mặc) vân vân. Một số tăng khoái khổ hạnh quá khích đi theo Đề bà đạt đa.

11. HỖ TRỢ PHÁ TĂNG:

Phật ở Xá vệ chế giới, nhóm đi theo Đề bà đạt đa phạm tội này.

12. HOEN Ố TÍN ĐỒ:

Phật ở Xá vệ chế giới. Hai Tỳ kheo Mã túc và Mãn túc ở chung tại một thôn xóm giao du với cư sĩ, làm nhiều việc phi pháp, không có uy nghi, tiếng đồn đến tận vườn Cấp cô độc. Phật sai Xá lợi phất và Mục kiền liên đến nơi cử tội hai Tỳ kheo làm hoen ố tín đồ. Vì chưa bao giờ trông thấy vị Tỳ kheo nào khác ngoài hai ông ấy, nên khi Xá lợi phất Mục kiền kiên đến, cư dân trong vùng bảo nhau: "Hai ông này không nhanh nhẩu hoạt bát gì cả, cũng không thân mật vui vẻ với mình, khác xa hai vị ta thường cúng. Người gì đâu mà đi khất thực thì cứ lầm lì chằm bẵm không cười không nói, chán thấy mồ". Làm cho người ta có một hình ảnh sai lạc về Phật Pháp Tăng như vậy, gọi là hoen ố tín đồ hay làm dơ nhà người, "ô tha gia".

13. ÁC TÁNH CHỐNG CAN:

Phật ở Xá vệ chế giới. Tỳ kheo Xa nặc (Channa, có chỗ dịch âm là Xiển đà) một trong Lục quần, ỷ dòng họ cao sang, không nghe lời chúng tăng can gián, còn bảo: "Đáng lẽ tôi dạy các vị mới phải chứ, sao các vị lại dạy tôi. Tại sao? Chư vị thuộc đủ các giai cấp, thuộc nhiều dòng họ (bạch tánh) tụ họp lại đây, trong khi đó dòng họ của tôi thì thù thắng hơn tất cả chư vị. Vậy, các vị chẳng nên đem lời khuyên can tôi, tôi cũng không khuyên can gì các vị". Các Tỳ kheo đến bạch Phật, Phật quở trách Xiển đà rồi chế giới.

14. THÂN NHAU GIẤU TỘI:

Phật ở Xá vệ, hai Tỳ kheo ni Tô ma và Bà phả đi ở chung trong một thôn xóm, thân nhau, sinh hoạt không khác gì người thế tục, bị đời chê bai phỉ báng đến tai Phật.

15. XÚI ĐỪNG Ở RIÊNG:

Phật ở Xá vệ, Tỳ kheo ni Thâu la nan đà xúi Tô ma, Bà Phả di đừng nghe lời chúng tăng mà ở riêng.

16. GIẬN BỎ TAM BẢO:

Phật ở Xá vệ chế giới.Nhóm 6 ni phạm đầu tiên.

17. KHÁNG CỰ KHÔNG PHỤC:

Phật ở Xá vệ chế giới. Nhóm 6 Tỳ kheo phạm lỗi, tăng chúng quở trách thì chống cự không phục tùng.

Phật nhân đấy để chuyện về mục đồng tên Hoan hỉ thường đến nghe pháp. Vào thời Phật Ca Diếp, mục đồng ấy đã làm một vị Tỳ kheo tinh thông ba tạng,có tài phân xử. Một hôm có hai Tỳ kheo đền nhờ ông xử đoán một việc tranh chấp, ông vận việc nên giới thiệu họ đến nhờ chúng tăng phân xử. Khi xong việc trở về, nghe thuật lại cách phân xử của tăng, ông bèn chê: "Chúng tăng xử đoán việc như thế không khác gì lối xử của bọn chăn trâu". Do lời nhục mạ ấy mà ông phải làm kẻ chăn trâu nhiều đời kiếp.

---*---

Phần ba

BA MƯƠI PHÁP XẢ ĐỌA
(NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỀ)

Tóm tắt

1. Hạn giữ y dư (10 ngày)
2. Lìa y mà ngủ
3. Hạn cất vải dư (1 tháng)
4. Xin y không thân
5. Nhận vải quá phần
6. Xin thêm tiền y
7. Khuyên chung tiền lại
8. Đòi quá 6 lần
9. Cầm giữ tiền của
10. Mua bán bảo vật
11. Bán mua đổi chác
12. Xin bát quá phần
13. Không thân xin nhờ
14. Bảo thợ dệt thêm
15. Cho rồi đoạt lại
16. Cất chứa nhiều đồ
17. Giữ y cúng gấp
18. Xoay nhiều về một
19. Đòi vầy đòi khác
20. Pháp đường thành y
21. Xoay một về nhiều
22. Cúng vầy xoay khác
23. Xin vầy xoay khác
24. Chứa nhiều bát tốt
25. Chứa nhiều đồ đẹp
26. Không cho bệnh y
27. Dùng y phi thời
28. Đổi rồi đòi lại
29. Áo dày quá giá
30. Áo mỏng quá giá

1. GIỮ Y QUÁ HẠN:

Phật ở Xá vệ chế giới tỷ kheo không được giữ quá 3 y. Vào một mùa an cư, tôn giả A nan được cúng dường một tấm y ca sa đẹp. Ngài đã có đủ y, nhưng muốn giữ cái y này để dành cúng tôn giả Ca diếp đang an cư xa chưa về, mà lại sợ phạm giới bèn đến bạch Phật. Phật hỏi: "Ca diếp chừng nào về đến?"

A nan thưa: "Bạch Đức Thế Tôn, khoảng mười ngày nữa".

Phật bèn chế giới hạn cho phép chứa y dư là trong vòng 10 ngày, quá hạn ấy phải bạch tăng để làm phép "tịnh thí". Tịnh thí có hai loại, là "chân thật tịnh khí" và "triển chuyển tịnh thí". Loại một là cho đứt một người nào chưa đủ ba y. Loại hai là sau khi bạch chúng để xả y dư, đương sự nói lên tên người mình muốn cho, rồi mỗi khi cần dùng những y ấy, thì phải mượn. (Theo HT Trí Quang).

Theo Ni sư Phật Oanh thì trong pháp "chân thật tịnh thí" đương sự phải hỏi chủ mới được mặc, còn "triển chuyển" thì khỏi cần hỏi cũng mặc được, không phạm.

Chân thật tịnh thí thì ở giữa chúng, đương sự tác bạch với một vị như sau: "Bạch đại đức, tôi có y dư này chưa làm pháp tịnh thí, nay muốn thanh tịnh nên xả cho đại đức".

Triển chuyển tịnh thí thì bạch:

"Bạch đại đức, tôi có y dư chưa làm pháp tịnh thí, nay muốn thanh tịnh nên xả cho đại đức. Xin đại đức triển chuyển tịnh thí giùm tôi".

Vị thọ tịnh trong trường hợp này nên nói:

"Đại đức, xin nghe cho. Đại đức có y dư, chưa tác tịnh, vì muốn thanh tịnh nên cho tôi, tôi sẽ nhận".

Nhận xong lại hỏi:

"Nay đại đức muốn tôi chuyển cho ai?". Đương sự đáp: "Cho vị tên Cột".

Vị thọ tịnh nên nói:

"Đại đức, xin nghe cho. Y dư của đại đức chưa tác tịnh, vì muốn thanh tịnh nên cho tôi. Nay tôi nhận để cho vị tên Cột. Nhưng vị tên Cột đã có đủ y, vậy đại đức nên vì Cột mà giữ gìn y ấy, khi cần thì cứ lấy mà mặc".

2. LÌA Y MÀ NGỦ:

Phật ở Xá vệ chế giới. Nhóm 6 Tỳ kheo phạm. Một Tỳ kheo trong chùa ngày nào cũng đem nhiều y ra phơi cho khỏi hư mục. Các Tỳ kheo hỏi sao có nhiều y dư không bạch, vị ấy đáp đấy là của Lục quần Tỳ kheo nhờ giữ hộ để du hành. Phật nhân đấy nhóm tăng chế giới không được rời y ngủ cách đêm.

3. CHỨA VẢI QUÁ HẠN:

Phật ở Xá vệ chế giới. Sau khi Phật cấm chứa vải (y) dư, một Tỳ kheo có y tăng già lê bị rách, muốn sắm y khác nhưng chưa có đủ vải, mà không dám giữ những mảnh vải hiện có vì sợ phạm. Phật bèn cho phép nếu có hi vọng được thêm vải để may y, thì cho phép giữ vãi vụn chờ được thêm cho đủ. Lục quần Tỳ kheo nhân đấy đi xin nhiều vải ra phơi, các Tỳ kheo biết chuyện bạch Phật. Phật bèn chế giới cho giữ vải vụn trong vòng một tháng phải may thành y, quá hạn ấy mà còn giữ bo bo thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề.

4. XIN Y KHÔNG THÂN:

Phật ở Xá vệ chế giới này. Tỳ kheo Bạt nan đà có tài ăn nói lưu loát, biết nhiều hiểu rộng, một buổi sáng sớm tình cờ gặp một ông trưởng giả mặc áp lông cừu sang trọng đi vào vườn Cấp cô độc vãn cảnh. Nghe Tỳ kheo nói chuyện quá hay, ông ta phát tâm muốn cúng dường: "Tôi muốn cúng dường đại đức, đại đức cần gì xin nói cho tôi biết?".

Bạt nan đà muốn trêu ông ta bèn nói: "Điều mà tôi cần, ông không thể nào cho được, nói ra cũng vô ích mà thôi".

Trưởng giả năn nỉ: "Không hề gì, xin đại đức cứ nói đi. Tôi sẽ đá ứng".

- "Thật không?".

- "Thật".

Bạt nan đà nói: "Tôi cần cái áo lông cừu trên người ông đang mặc".

Ông trưởng giả nói: "Cũng được, nhưng xin hãy để đến mai, tôi sẽ cho người mang đến. Vì hôm nay đi dạo sớm, tôi chỉ khoác một cái áo này ra ngoài cho mau".

Bạt nan đà bèn bảo: "Thấy chưa? Tôi đã nói là điều tôi xin, ông không thể nào đáp ứng, thì nay quả nhiên như vậy".

- "Không phải là tôi không thể cúng cho đại đức cái áo này, tôi chỉ nói là hãy để đến mai".

- "Tôi không cần nó ngày mai, tôi cần ngay bây giờ. Ông tiếc của thì cứ nói phứt đi, đừng bày đặt nói loanh quanh để từ chối".

Bị chạm tự ái, ông trưởng giả bèn cởi phăng cái y đưa cho tôn giả rồi hằm hằm ra về. Thấy ông mang giày da sang trọng, vận quần xa tanh dài láng bóng, nhưng mình lại ở trần trùng trục mà tản bộ giữa đường, không ai không ngạc nhiên. Về đến cổng, gia nhân ra chào đón thấy vậy thất kinh hỏi dồn: "Thưa chủ nhân, cái áo cừu đẹp của chủ đâu rồi? Phải chăng chủ đã bị bọn cướp đường trấn lột?".

- "Phải, ta đã bị Sa môn Thích tử trấn lột mất cái áo cừu". Thiên hạ bu tới biết chuyện, chê bai Tỳ kheo tham cầu không biết chán; dù người ta có cho cũng không nên nhận những vật đắt giá, huống hồ cưỡng bức mà xin. Khi câu chuyện này đến tai Phật, ngài bèn họp tăng chế giới: "Với người cư sĩ không thân, không được xin y".

5. NHẬN VẢI QUÁ PHẦN:

Phật ở Xá vệ chế giới này. Khi các Tỳ kheo bị cướp sạch hết y phục được phép đi xin y, các cư sĩ thấy tội nghiệp bè đua nhau cúng y cho họ. Lục quần Tỳ kheo xúi những vị này nên thừa dịp ấy cứ nhận thật nhiều rồi về cho bớt anh em. Phật bèn chế giới không được nhận quá phần y mình được giữ.

6. XIN THÊM TIỀN Y:

Phật ở Xá vệ, Bạt Nan Đà phạm đầu tiên. Các Tỳ kheo đi khất thức nghe một nhà cư sĩ nọ đang bàn tính chuyện may y cúng cho Tỳ kheo Bạt Na Đà, bèn về mách lại. Bạt Nan Đà thân hành đi đến nhà ấy, nói: "Lành thay, nghe nói cư sĩ muốn cúng cho tôi, vậy hãy cúng một tấm y như vậy như vậy...". Thái độ của Bạt Nan Đà làm cư sĩ bất mãn, nhất là ông đòi một cái y đắt tiền hơn cái giá tiền y mà họ muốn cúng.

7. KHUYÊN CHUNG TIỀN LẠI:

Cũng như trên, người phạm là Bạt Nan Đà. Ông nghe lỏm biết có hai nhà cư sĩ cùng muốn cúng y, sợ họ cúng hai cái y xấu (mà ông có thể phải xả bớt một), ông bèn đến điều đình hai nhà nên chung tiền sắm một cái cho tốt. Cư sĩ chê bai, Phật chế giới.

8. ĐÒI QUÁ 6 LẦN:

Phật ở Xá vệ chế giới. Bạt Nan Đà được cúng tiền y, giao cho một cư sĩ giữ. Đến khi cần, ông đi đến cư sĩ gặp lúc ông này đang bận túi bụi công việc, sắp phải dự một phiên họp hàng năm của các thương gia, ai đi trễ bị phạt năm trăm quan tiền. Cư sĩ giữ tiền của Bạt Nan Đà năn nỉ ông ta chờ đến khi đi họp về sẽ giao tiền may y, nhưng Bạt Nan Đà nhất quyết đòi cho được, cuối cùng ông ta phải về nhà lấy, và do vậy trễ cuộc họp, phải bị phạt. Cư sĩ chê bai: "Tỳ kheo gì mà lại làm cho người ta sạt nghiệp".

9. CẦM GIỮ TIỀN CỦA:

Phật ở Xá vệ, Bạt Nan Đà phạm. Nhân Bạt Nan Đà có vàng do bà vợ một ông đại thần cúng, ông đem vào chợ gửi cho cư sĩ giữ, bị chê bai. Phật khiển trách và chế giới.

10. MUA BÁN BÁO VẬT:

Phật ở Xá vệ. Bạt Nan Đà đem vật xin được chỗ này đến chỗ kia trong chợ mà đổi chác. Khi Xá Lợi Phất đi khất thực đến những nơi đã từng đổi chác với bcn, họ bèn hỏi: "Ông có gì đổi không? Trước đây một tỳ kheo luôn luôn có thứ này thứ khác để đổi với chúng tôi, nay ông đến tay không thì sao được?" Xá Lợi Phất về bạch Phật, Phật chế giới.

12. XIN BÁT QUÁ PHẦN:

Phật ở Xá vệ. Bạt Nan Đà làm bể bình bát, bèn đến các nhà cư sĩ xin. Nhà nào ông cũng khai rằng bát bể, hãy cho tôi một cái mới. Các cư sĩ ai cũng hoan hỉ cúng dường. Cúng xong gặp nhau họ khoe: "Hôm nay tôi làm được việc phước đức lớn".

- "Việc gì?"

- "Cúng bát cho Tỳ kheo".

- "Cúng cho ai?"

- "Đại đức Bạt Nan Đà Thích tử!".

- "Thì tôi cũng vậy". Khi ấy họ vỡ lẽ Bạt Nan Đà đến nhà ai cũng xin bát, lấy làm bất mãn, chê bai tới tai chúng tăng.

13. KHÔNG THÂN XIN NHỜ:

Phật ở Xá vệ. Bạt Nan Đà đi đến các nhà cư sĩ xin chỉ để dệt y tăng già lê (đại y). Sau khi xin được thật nhiều chỉ có thể may đến ba cái y, ông đem tới một người thợ dệt không thân nhờ dệt giúp. Thợ dệt trông thấy Tỳ kheo xin quá nhiều chỉ, bèn chê vị ấy tham cầu không chán.

14. BẢO THỢ DỆT THÊM:
Phật ở Xá vệ chế giới. Bạt nan đà nghe lỏm có cư sĩ đang gửi chỉ nơi một thợ dệt để dệt y cho mình bèn tức tốc đến nơi thợ dệt ấy mà hỏi thực hư. Thợ dệt xác nhận, và đưa chỉ người kia cúng cho ông ta xem. Bạt nan đà bảo, cứ dệt cho dày, tốt, rồi tôi sẽ trả thêm tiền công cho. Thợ dệt nói bấy nhiêu chỉ thì dày, tốt gì nổi, phải thêm vào mới đủ. Bạt nan đa bèn tới nhà cư sĩ nọ, nói cái y dệt cúng cho tôi còn thiếu chỉ. Gặp lúc cư sĩ vắng nhà, bà vợ đưa chỉ tốt cho tỳ kheo đem đi. Khi thợ dệt giao hàng đến nhà, cư sĩ thấy cái y có hai thứ chỉ, không như ý mình muốn cúng ban đầu, bèn hỏi vợ mới biết tỳ kheo đã đến nhà lấy thêm chỉ tốt hơn để giao cho thợ dệt. Cư sĩ nổi giận chê bai phỉ báng.

15. CHO RỒI ĐOẠT LẠI:
Phật ở Xá Vệ chế giới. Trong vườn Cấp cô độc bấy giờ có một tỳ kheo trẻ tuổi giỏi đi khuyến hóa, thường được cúng nhiều Bạt nan đà tặng cho ông này một tấm y để dụ ông ta cùng đi với mình. Sau đó, có nhiều tỳ kheo khác nói cho tỳ kheo trẻ biết hoặc Nan đà thiếu tư cách, thường bị Phật quở, và khuyên ông ta đừng đi chung. Tỳ kheo trẻ nghe lời, đổi ý không chịu đi theo Bạt nan đà nữa. Bạt nan đà giận đòi y lại, ông kia nói: "Đại đức đã cho con rồi, sau bây giờ đòi lại?"

- "Ta cho ngươi vì nghĩ rằng ngươi sẽ theo ta. Bây giờ ngươi đổi ý thì hãy trả y lại."
Tỳ kheo trẻ không trả, Bạt nan đà dùng vũ lực cưỡng đoạt y lại, bị chúng tăng chê rồi bạch lên Thế Tôn. Phật chế giới đã cho rồi không được đòi lại.

16. CẤT CHỨA NHIỀU ĐỒ:
Phật ở Xá vệ chế giới này. Tỳ kheo Tất lăng già bà sa và chúng đệ tử của ông xin được nhiều vật thực, đem về chất đầy một nhà gồm những đồ chứa đủ cỡ, đựng sữa tươi, đường phèn, dầu, bơ… để ruồi bu, kiến đậu. Cư sĩ vào chùa trông thấy chê bai.

17. GIỮ Y CÚNG GẤP:
Phật ở Tỳ lan nhã, nhân lục quần tỳ kheo và Bạt nan đà mà chế giới. Thể theo lời cầu thỉnh của một Bà la môn giàu có, Phật cùng chúng tăng đến thôn ấp của ông mà an cư ba tháng mùa mưa. Sau đó, Bà la môn bị ma ám nên không nhớ gì đến chuyện đã thỉnh Phật. Suốt mùa an cư ấy Phật và chư tăng phải tạm dùng lúa ngựa để sống qua ngày. Khi sách mãn hạ an cư, Bà la môn mới nhớ tới chuyện cúng dường, bèn đến sám hối và thỉnh Phật cùng chư tăng lưu lại ba tháng nữa, nhưng Phật từ chối. Bà la môn năn nỉ xin được có một ngày cúng dường Phật và chúng tăng y thực. Phật im lặng nhận lời. Bà la môn bèn mang thật nhiều y thực thượng hạng đủ dùng cả ba tháng mà cúng dường Phật và chúng tăng trong ngày hôm đó để bù lại việc khinh suất của mình vừa qua. Lục quần tỳ kheo thấy Phật cho phép nhận y trong mùa an cư, và cấm nhận y khi an cư chưa xong, phải đợi cho đến ngày Tự tứ.

Về sau, có hai viên quan chưa đến mùa Vu lan (còn những mười ngày nữa) đã đến Tinh xá Kỳ viên xin cúng dường y gấp để đi đánh giặc, vì không kịp chờ đến ngày Tự tứ. Các tỳ kheo không dám nhận, bạch Phật, Phật nhân đấy chế giới này lần thứ hai, cho phép nhận y cúng gấp trước Tự tứ mười ngày. Quá mười ngày phải bạch trước chúng tăng để làm phép "chứa y dư", nếu không bạch thì cái y ấy gọi là y phi thời, nghĩa là nhận không đúng lúc. Y nhận đúng lúc, được phép mặc gọi là "thời y" nghĩa là y nhận từ rằm tháng bảy đến rằm tháng chạp (nếu có thọ y công đức).

18. XOAY NHIỀU VỀ MỘT:

Phật ở Xá vệ chế giới này. Bạt Nan Đà biết một cư sĩ đang sắm sửa y thực để cúng cho chư tăng ở Kỳ viên tinh xá, bèn tới nhà nói: "Phật và chúng tăng đã được vua và đại thần cúng nhiều y sang quý tốt đẹp, chỉ có tôi còn thiếu. Ông cúng chư tăng thực phẩm là đủ rồi, khỏi cần cúng vải vóc làm gì". Cư sĩ làm theo lời, chỉ cúng thức ăn. Các Tỳ kheo biết chuyện, bạch Phật. Phật chế giới "không được xoay vậy người ta định cúng chư tăng về cho một mình mình".

19. ĐÒI VẦY ĐÒI KHÁC:

Phật ở Xá vệ chế giới. Tỳ kheo ni Thâu La Nan Đà dung mạo xinh đẹp, được sĩ khoái nên cô đòi gì được nấy. Vì quen được chiều chuộng nên cô yêu sách đủ điều, xin thứ này được cư sĩ đáp ứng xong cô lại đổi ý trả lại, đòi thứ khác. Nhiều lần như vậy, cư sĩ đâm chán, chê bai đồn đến tai chúng tăng.

20. PHÁP ĐƯỜNG THÀNH Y:

Phật ở Xá vệ chế giới này. Nhân thấy một chúng Tỳ kheo ni ngồi giữa trời mà bố tát thuyết giới, cư sĩ chung nhau tiền đem đến cúng cho ni để làm một pháp đường (nhà để chư tăng thuyết giới bố tát hay giảng Kinh Luật Luận). Chư ni nhóm họ bàn rằng, làm nhà thuyết giới thì phải trông coi thợ nề thợ một, vật liệu... quá phiền phức, mà mỗi tháng chỉ có hai lần bố tát là cần dùng đến nhà ấy. Còn y phục thì xin kiếm khó khăn, vậy ta nên đem tiền làm pháp đường mà chia cho chúng may y. về sau, cư sĩ lại thấy chư ni ngồi bố tát giữa trời, hỏi ra mới biết tiền họ cúng làm nhà giảng đã được phân manh mún chia nhau. Cư sĩ chê bai: "Ai chả biết y phục khó kiếm? Chính vì nghe Phật dạy làm pháp đường cúng cho tứ phương tăng hành đạo thì được phước vô lượng, chúng ta mới đem tiền đến cúng làm pháp đường chứ". Giới này bao hàm sự "xoay vật cúng cho tứ phương tăng thành ra hiện tiền tăng trong chùa".

21. XOAY MỘT VỀ NHIỀU:

Phật ở Xá vệ chế giới. Bấy giờ các tỳ kheo ni ở Xá vệ nghe nói ni sư An Ổn sắp đến, họ bèn đi khắp thành phố xin tứ sự cho ni sư. An Ổn là một ni sư có danh tiếng thời bấy giờ, nên nghe nói duyên cho ni sư An Ổn thì phật tử mộ đạo ai cũng hoan hỉ cúng dường trọng hậu đủ thứ cần dùng. Nhưng rốt cuộc chờ cả tháng ni sư không đến, chư ni bèn đem phân chia cho chúng tất cả những gì đã quyên cho bà An Ổn. Chia xong thì An Ổn là dò đến, không có vật dụng bà ôm y bát vào thành để khất. Các cư sĩ thấy, bèn tới chùa hỏi: "Những vật thực và đồ dùng chúng tôi cúng cho ni sư ấy đi đâu cả rồi?". Các Tỳ kheo ni cứ thật trình bày, cư sĩ chê bai đủ điều, tới tai chúng tăng, tăng bạch Phật. Phật chế giới "hồi tác dư dụng" này, bao hàm sự "xoay đồ cúng cho một người về cho nhiều người" hay cả chúng, nghĩa là lợi dụng danh nghĩa một vị có tên tuổi để đi xin, rồi mang về phân chia cho nhiều người khác.

22. CÚNG VẦY XOAY KHÁC:

Phật ở Xá vệ, nhân ni An Ổn phạm mà chế giới. Bà đi khất thực, khi được các cư sĩ hỏi thăm về chỗ ở, bà than phiền là chật chội, ồn ào, đủ thứ. Cư sĩ chung tiền cúng cho bà làm một phòng riêng mà ở cho thanh tịnh. Sau đó, ni An Ổn đem tiền ấy sắm y để mặc, gặp cư sĩ hỏi bà vẫn kêu rêu như trước. Họ hỏi, thế thì bà chưa làm phòng riêng sao. Bà nói, tiền các vị cúng cho tôi làm phòng đã được đem may y hết rồi. Cư sĩ chê bai. Phật chế giới này, cấm cái sự "người ta cho mình tiền để làm việc này, mình lại đem làm việc khác".

23. XIN VẦY XOAY KHÁC:

Phật ở Xá vệ, Lục quần Tỳ kheo ni đi khắp nơi quyên tiền về làm nhà cho tăng chúng ở, khi được tiền về, lại không làm nhà mà đem chia nhau để may y, bị cư sĩ chê bai. Phật chế giới này, cấm cái sự "nhân danh một việc để xin, khi được tiền lại dùng vào việc khác".

24. CHỨA NHIỀU BÁT TỐT:

Phật ở Xá vệ chế giới. Lục quần Tỳ kheo chứa nhiều bát đẹp, dùng mỗi ngày một cái không rửa, để chất từng đống. Cư sĩ vào chùa trông thấy, chê bai Tỳ kheo ở dơ và không biết tàm quý, xin bát thật đẹp về mà vứt bừa bãi như gạch vụn.

25. CHỨA NHIỀU ĐỒ ĐẸP:

Phật ở Xá vệ, Lục quần Tỳ kheo chứa nhiều đồ dùng màu sắc đẹp đẽ, cư sĩ trông thấy chê bai, nói giống hàng tạp hóa.

Phụ:

Kinh Phước Cái Chánh Hạnh sở tập quyển 6 nói: "Khi Phật ở thành Vương Xá, trong vườn trúc Ca Lan Đà có con trai trưởng giả sau khi nghe Pháp, xin Phật xuất gia. Người mẹ anh ta chỉ có một con nên không muốn rời, bảo con muốn xuất gia thì hãy đợi mẹ chết đã. Người con tuân lời dạy, siêng năng làm lụng được bao nhiêu tài vật đều đem dâng mẹ, lại thường khuyên bà bố thí tu phước. Người mẹ được tài vật thì cất giữ chôn giấu, tiếc không nỡ đem cho. Nếu có Sa môn đến nhà khất thực thì mắng nhiếc nói rằng quỷ tới. Người con biết chuyện không vui càng khuyên can mẹ, người mẹ lại nói dối đã cho. Không lâu bà mẹ chết, người con mở hội bố thí rộng rãi để hồi hướng cho mẹ rồi xuất gia, tinh tấn tu hành đắc quả A La Hán. Bên bờ sông Hằng vị ấy tu thiền định trong một am cỏ, một hôm có con quỷ đến đứng trước mặt hình thể đen xấu như khúc gỗ cháy, đầu tóc lòa xòa cổ nhỏ bụng lớn, tay chân bốc lửa, kêu la gào thét. Tôn giả hỏi: "Ông là ai?".

Quỷ nói: "Tôi là mẹ ông, chết đã 25 năm, đọa vào ngạ quỷ, chịu đói khát vô cùng, không nghe đến cái tên ăn uống và nước. Có khi tôi vừa trông thấy con sông lớn, thì bỗng nó khô cạn, trông xa thấy có rừng trái cây, tới gần lại không có gì. Tôi không được lúc nào an vui. Xin tôn giả cứu vớt. Cho tôi xin chút nước uống".

Tôn giả nghe xong buồn khóc nghĩa: "Sống không tu, chết đoạ ác đạo". Bèn khuyên mẹ phát tâm hối lỗi. Quỷ cho biết chỗ chôn tài vật lúc sống, nhờ tôn giả đem tài sản ấy thết trai cúng dường và xin những sa môn thọ thực chú nguyện cho bà được thoát khổ. Tôn giả liền triệu tập thân quyến về nhà đào của cải lên, đem cúng dường tam bảo và bố thí cho kẻ ăn xin, lớn tiếng gọi tên mẹ. Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng sức oai thần gia trì và thuyết pháp, 5000 chúng sanh nghe pháp được ngộ, quỷ tháot khổ, chết ngay. Tôn giả lại nhập định quán sát, thấy mẹ sanh vào loài quỷ giàu có, bèn thuyết pháp cho bà nghe về quả báo của tham lam, khuyên bố thí. Bà quỷ phát tâm cúng dường chư tăng hai cuộn vải, nhưng tăng chưa kịp chia thì quỷ tiếc, ban đêm đến lấy trộm. Tôn giả đến nơi quỷ đòi lại. Quỷ ăn trộm lại ba lần như thế, chúng tăng cắt ra cho mỗi người một mảnh để vá áo. Quỷ cũng tới ăn trộm cái áo đi. Phật dạy, nên biết tâm bỏn xẻn thật tai hại, bị nó trói buộc vĩnh viễn đọa vào cõi xấu.

26. KHÔNG CHO BỆNH Y:

Phật ở Xá vệ chế giới. Sau khi Phật chế ba y cho Tỳ kheo và năm y cho Tỳ kheo ni, có những Tỳ kheo ni có kinh nguyệt ra nhiều, sợ phạm giới không dám giữ vải vụn nên không đủ để lót, làm dơ bẩn giường ghế. Do đó, Phật cho phép ni được mặc thêm vải (y) lót bên trong lúc bật tịnh, ngoài mặc nê hoàn tăng (quần), khi cần phải trải thêm đồ lót ghế, giường để khỏi vấy bẩn.

Ni Chiên đàn thâu na mới vừa dứt kinh nguyệt, liền khoe mình không có tư tưởng dâm dục nên không còn bất tịnh, từ nay ai cần cô sẽ cho mượn "bệnh y" tức đồ vệ sinh phụ nữ. Sau đó một Tỳ kheo ni khác cần, đến mượn thì ni cô này không cho, chính vì cô cũng đang bất tịnh, nhưng đã lỡ lời khoe khoang nên không nói lý do tại sao không thể cho mượn. Cô kia bạch chúng tăng.

27. DÙNG Y PHI THỜI: (làm y phải thời):

Phật ở Xá vệ chế giới, Lục quần ni phạm.

Y phải thời là y cúng và thọ nhận trong thời gian 5 tháng thọ y công đức, từ rằm tháng bảy đến rằm tháng chạp; ngoài thời gian ấy ra mà nhận thì gọi là y phi thời, phải "thuyết tịnh" nghĩa là đem ra giữa tăng mà xả bằng pháp tịnh thí chân thật hay triển chuyển đã nói ở giới số 1 Xả đọa ở trên.

"Thọ y công đức" là một cách Phật tưởng thưởng, cho phép chúng tăng xả hơi sau ba tháng an cư thanh tịnh. Trong thời gian thọ y công đức, có năm sự được phóng xả như sau: Một là được chứa y dư; hai lìa y ngủ; ba ăn biệt chúng; bốn ăn nhiều lần; năm đi ra khỏi dặn, vào bữa ăn sáng (tiền thực) hoặc bữa ăn trưa (hậu thực).

Nếu không có thọ y công đức thì năm việc nói trên chỉ được một tháng phóng xả từ rằm tháng bảy tới rằm tháng tám.

28. ĐỔI RỒI ĐÒI LẠI:

Phật ở Xá vệ chế giới, ni Thâu la nan đà đổi y với một cô khác, sau giận không muốn đổi, đòi lại.

29. ÁO DÀY QUÁ GIÁ:

Phật ở thành Tỳ xá ly, trong giảng đường lầu các bên sông Di hầu. Khi Tỳ kheo Ca La đến khất thực tại nhà một cư sĩ quen biết, gặp một người dòng họ Ly xa (Licchavi); ông ta phát tâm muốn cúng dường cho cô một món gì, yêu cầu cô nói ra vật dụng cô cần. Ni cô nói đã có đủ, không cần gì cả. Người Ly xa năn nỉ, cô bèn đòi một cái y quý, giá thật đắt. Người Ly xa đã không cho, lại còn rêu rao là ni tham cầu không chán, đáng lẽ dù được cho áo đẹp đắt giá cũng không nên nhận, huống hồ đi xin. (Xem chuyện số 4 ở chương này).

30. ÁO MỎNG QUÁ GIÁ:

Phật ở Tỳ xá ly, như trên. Tỳ kheo ni Bạt đà Ca tỳ la đến nhà cư sĩ mà xin một tấm y mỏng trị giá 500 tấm vải mịn (trương điệp), bị cư sĩ chê bai ham hố. Phật chế giới.

Phụ: Tỳ kheo Tất lăng dà ba sa được cúng một cái áo lông cừu đắt giá, ông mặc đi vào rừng. Bọn cướp trông thấy, đi theo ngài bén gót. Nửa đêm hôm ấy, bọn cướp đến gõ cửa chòi. Ngài nói:

- "Các ngươi muốn gì?".

- "Muốn cái áo lông cừu. Hãy đưa ra đây".

- "Được. Hãy thò tay vào song cửa sổ, ta sẽ đưa ra cho".

Tôn giả gia trì thần lực vào cái y, khiến cho bọn cướp đưa tay vào mà không tài nào lôi ra được, thất kinh kêu cứu. Tôn giả thu nhiếp thần lực, chúng bèn bỏ chạy một nước không còn dám bén mảng. Sau tôn giả về thuật lại câu chuyện, các Tỳ kheo bạch Phật. Phật lo sợ cho các Tỳ kheo đời mạt pháp không có được thần thông như tôn giả, nếu mặc y quý giá mà ở rừng thì có thể nguy đến tánh mạng. Do đó ngài chế giới này, một phần để Tỳ kheo giữ hạnh thiểu dục tri túc, trừ thói kiêu mạn (khi thân cận giới nhà giàu mà được đồ tốt), thói ràng buộc (được đồ tốt thì dễ bị ràng buộc thân tình với người cho), và nhất là thói giữ của, luôn luôn lo sợ mất mát và hiểm nguy.

-ooOoo-


Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp