Phần Hai
CHUYỂN HÓA VÀ TRỊ LIỆU
DÒNG SÔNG CẢM THỌ
Cảm thọ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều khiển mọi tư tưởng hoạt động của ta.
Cảm
thọ như một dòng sông, trong đó mỗi một cảm thọ là một giọt nước, giọt
nước này nương vào giọt nước kia để tạo ra một dòng sông. Chúng ta có
thể ngồi trên bờ sông để quan sát và nhận diện từng cảm thọ một khi
chúng xuất hiện, trôi nổi rồi mất hút.
Có ba loại cảm thọ: Cảm thọ dễ chịu, cảm thọ khó chịu và cảm thọ trung tĩnh. Khi
có một cảm thọ khó chịu, ta có khuynh hướng muốn xua đuổi nó. Tốt hơn
hết, ta nên trở về với hơi thở chánh niệm và quan sát một cách lặng lẽ
để thấy rõ nó hơn: "Thở vào, tôi biết có một cảm thọ khó chịu trong tôi.
Thở ra, tôi biết có một cảm thọ khó chịu trong tôi. Gọi đúng tên bản
chất và nguyên do của một cảm thọ, như giận, buồn, vui, hay hạnh phúc,
giúp ta nhận diện nó một cách rõ ràng và sâu sắc."
Ta có thể
dùng hơi thở để tiếp xúc vời những cảm thọ và chấp nhận sự hiện diện của
chúng. Nếu hơi thở ta nhẹ nhàng, êm ái, kết quả của sự thực tập hơi thở
ý thức, thân tâm nhờ đó cũng trở nên nhẹ nhàng, trong sáng, tĩnh lặng
và cảm thọ ta cũng vậy. Ta phải biết quan sát những cảm thọ với óc không
phân biệt: Ta biết là cảm thọ không phải ở ngoài ta mà cảm thọ chính là
ta, ta chính là cảm thọ. Ta không để cảm thọ làm ta chìm đắm hay hốt
hoảng, mà ta cũng không hất hủi nó. Không hất hủi hay bám víu là thái độ
buông xã của người hành thiền.
Nếu biết
săn sóc một cách nhẹ nhàng và ưu ái những cảm thọ khó chịu, ta có thể
chuyển hóa chúng thành những năng lượng lành mạnh, có khả năng nuôi
dưỡng chúng ta. Bằng phương pháp quan sát và nhận diện, ta có thể được
soi sáng bởi những cảm thọ khó chịu, chúng sẽ giúp ta hiểu nhiều về
chính chúng ta và về xã hội ta đang sống.
KHÔNG CẮT BỎ
Y học Âu Tây quá chú trọng về khoa giải phẩu. Bác sĩ muốn cắt bỏ những gì họ cho là không còn dùng được nữa. Khi có một cái gì không ổn trong thân thể, họ thường khuyên chúng ta nên cắt bỏ. Trong
ngành tâm lý trị liệu cũng vậy. Những nhà trị liệu tâm lý cũng muốn ta
vứt bỏ những gì ta không thích và chỉ giữ lại những gì ta thích. Mà cái
được giữ lại, thường thường chẳng là bao. Cho nên nếu cần vứt bỏ cái ta
không thích, thì thường thường chúng ta phải vứt bỏ phần lớn con người
của ta.
Cho nên
thay vì cắt xén, ta học cách chuyển hóa. Ví dụ, ta chuyển hóa cái giận,
làm cho cái giận trở thành một cái gì lành mạnh, như sự hiểu biết. Ta
không cần đến khoa giải phẩu để cắt bỏ cái giận của ta. Nếu ta giận cái
giận của ta, ta sẽ có hai cái giận cùng một lúc. Ta chỉ cần quan sát nó
một cách chăm chú và từ hòa. Nhờ vậy nó sẽ được chuyển hóa và ta không
cần phải chạy trốn nó. Đó là cách làm hòa với nó. Nếu ta có đủ an lạc,
ta sẽ làm hòa rất dể dàng với cái giận. Với buồn lo, chán nản, sợ hãi
hay với bất cứ trạng thái khó chịu nào cũng vậy.
CHUYỂN HÓA NHỮNG CẢM THỌ
Bước đầu tiên là biết nhận diện một cảm thọ khi cảm thọ ấy xuất hiện. Muốn
vậy thì phải có chánh niệm. Khi có một nổi lo sợ chẳng hạn, ta phải
dùng chánh niệm để nhìn rõ nó và nhận diện đó là một nổi lo sợ. Bạn đã
biết là sự sợ hãi phát xuất từ tâm thức bạn thì chánh niệm cũng vậy,
cũng phát xuất từ tâm thức bạn. Chúng đều từ bạn mà ra, cho nên chẳng
phải đánh nhau làm gì mà phải chăm sóc cho nhau.
Bước thứ hai
là trở thành một với cảm thọ. Không nên nói: "Sợ hãi, hãy cút đi. Ta
không ưa nhà ngươi. Nhà ngươi không phải là ta." Tốt hơn nên nói: "Sợ
hãi ơi, xin chào ngươi. Ngươi là một bạn cũ lâu đời". Bạn có thể mời cả
chánh niệm và sự sợ hãi ra bắt tay nhau và làm một với nhau. Làm như vậy
cũng hơi thấy e ngại thật, nhưng bạn biết bạn là một thực thế lớn lao
bao trùm cả sự sợ hãi nên bạn chẳng cần phải e sợ nữa. Khi chánh niệm có
mặt, chánh niệm sẽ trông chừng sự sợ hãi của bạn. Điều căn bản là phải
nuôi dưỡng chánh niệm bằng hơi thở ý thức, luôn luôn giữ gìn chánh niệm
cho mạnh mẽ.
Lúc đầu,
chánh niệm của bạn có thể yếu nhưng nếu bạn biết nuôi dưỡng nó, nó sẽ
trỡ thành mạnh. Bao lâu chánh niệm còn có mặt, bạn sẽ không bị chết chìm
trong sự sợ hãi. Thực vậy, ngay khi bạn nhận diện được sự có mặt của sợ
hãi là nó đã bắt đầu chuyển hóa.
Bước thứ ba
là làm êm dịu cảm thọ. Nhờ có chánh niệm trông chừng nỗi sợ hãi của bạn
nên bạn thấy lòng dịu lại. "Thở vào, tôi làm êm dịu những tâm hành".
Bạn làm êm dịu những tâm hành nhờ bạn có mặt với chúng, như một bà mẹ ôm
đứa con đang khóc vào lòng. Cảm nhận được sự săn sóc của bà mẹ, đứa bé
nín khóc ngay. Bà Mẹ chính là Chánh niệm của bạn, phát xuất từ nơi sâu
thẳm của tâm thức bạn và chánh niệm sẽ chăm sóc cho nổi đau của bạn. Khi
ôm đứa con vào lòng, thì bà mẹ trở thành một với đứa con. Nếu bà mẹ
nghĩ đến điều gì khác, đứa bé sẽ không nín khóc. Bà Mẹ phải dẹp qua một
bên tất cả những thứ khác, chỉ ôm đứa con mà thôi. Cho nên đừng trốn
tránh những cảm xúc của mình. Đừng nói rằng: "Nhà ngươi không quan
trọng. Nhà ngươi chỉ là một cảm xúc". Hãy là một với nó. Hãy tự bão rằng: "Thở vào, tôi làm dịu nỗi sợ hãi".
Bước thứ tư là
buông bỏ cảm thọ, để cảm thọ trôi đi. Nhờ sự trầm tỉnh, dù giữa cơn sợ
hãi. Bạn vẩn cảm thấy dễ chịu bởi vì bạn biết rằng nỗi sợ sẽ không lớn
hơn thêm và sẽ không đến nỗi làm bạn hốt hoảng. Khi bạn biết rằng bạn đủ
khả năng chăm sóc nỗi sợ của mình, Bạn đã giảm thiểu nỗi sợ đến mức tối
thiểu, nó đã trở nên không khó chịu lắm. Bây giờ bạn có thể cười với nó và buông bỏ nó, nhưng hãy khoan dừng lại ở đây. Sự làm dịu và sự buông bỏ chỉ mới đối trị được những triệu chứng. Bây giờ là cơ hội để bạn đi sâu hơn và làm chuyển hoá cội nguồn của cơn sợ.
Bước thứ năm là
nhìn sâu, để thấy rõ nguyên nhân nào đã tạo ra sự bất an trong em bé
hay đã tạo ra nỗi sợ hãi trong bạn, dù nỗi sợ hãi đã tan biến hay dù em
bé đã nín khóc. Bởi vì không phải lúc nào ta cũng có thể ôm ấp em bé vào
lòng cũng như ta không thể để cho sự sợ hãi kéo dài hoặc tái diễn. Ta
phải tập nhìn sâu tận gốc rể mới có thể khám phá những nguyên nhân làm
em bé khóc, nguyên nhân nội tại hay ngoại tại. Có thể là em bé đói,
lạnh, sốt hay đau bụng. Biết được nguyên do rồi, ta chăm sóc cho em bé.
Em bé sẽ nín khóc và tươi tĩnh ngay. Cũng vậy, nhìn sâu vào nỗi sợ hãi,
ta mới có thể thấy rõ ta cần làm gì và không cần làm gì để chuyển hóa
tận gốc rể của nỗi sợ hãi. Lúc đó ta mới có an lạc thật sự.
Nhà tâm lý
trị liệu cũng theo tiến trình này để chữa trị bệnh nhân. Ông ta mời bệnh
nhân nhìn sâu vào bản chất của cơn đau. Thông thường người bệnh đau khổ
là do cách nhìn của họ đối với sự vật và do những tri kiến sẵn có của
họ.
Ông ta mời
người bệnh cùng ông mổ xẻ những cái nhìn này và dần dần giúp họ tháo gỡ
được cái nhà tù mà họ tự giam vào. Nhưng điều quan trọng vẫn là sự nổ
lực của chính người bệnh. Ông thầy chỉ là người khai mở cho học trò mình
thấy được ông thầy ở trong tự thân họ, cũng như nhà tâm lý trị liệu
phải chỉ cho người bệnh thấy chính họ là người chữa trị.
Có như vậy
người bệnh mới biết tự mình chữa trị ngày đêm và kết quả mới xãy đến
nhanh chóng được. Cho nên nhà tâm lý trị liệu không gieo thêm những tín
điều cho bệnh nhân. Ông chỉ giúp họ nhận diện được những nguyên nhân đưa
tới sự đau khổ của họ, thông thường là do những tri giác sai lầm của
họ. Cũng vậy, dưới ánh sáng chánh niệm, ta có thể chuyển hóa những cảm
thọ của ta không mấy khó khăn.
Một khi ta thấy được gốc rễ của những cảm thọ, tự chúng sẽ bắt đầu chuyển hóa.
Ý THỨC VỀ CÁI GIẬN
Giận là một cảm thọ khó chịu. Nó như một ngọn lửa cháy phừng phựt trong lòng và làm tiêu ma cả sự tự chủ của ta. Nó
khiến ta nói và làm những điều mà sau này có thể ta sẽ hối tiếc. Khi
một người nổi giận, ta thấy rõ ràng là người ấy đang ở trong hỏa ngục.
Mà hỏa ngục là do sân hận tạo ra.
Một người không biết giận là một người tươi mát, thánh thiện. Nơi nào không có sân hận, nơi đó có hạnh phúc chân thật, có từ và có bi.
Khi ta dùng
ánh sáng chánh niệm soi vào cơn giận, cơn giận mất dần năng lực. Ta tự
bảo: "Thở vào, tôi biết tôi đang giận. Thở ra tôi biết tôi đang là cơn
giận của tôi". Nếu ta biết theo dõi hơi thở trong khi nhận diện và quan
sát cơn giận, cơn giận sẽ không còn dám tác oai tác quái trên tâm thức
của ta nữa.
Cho nên,
chánh niệm là một người bạn có thể giúp ta khi cơn giận bộc phát. Chánh
niệm đến không phải để đàn áp hay xua đuổi cơn giận. Chánh niệm không
phải là ông quan tòa. Chánh niệm đến như một người chị đến săn sóc, an
ủi và vổ về đứa em. Ta có thể chú tâm vào hơi thở để duy trì chánh niệm
và để hiểu chính ta rõ hơn.
Khi giận,
ta thường có khuynh hướng nghĩ nhiều về người làm ta giận, hơn là trở về
để quan sát chính mình. Ta chỉ nghĩ đến những cái đáng ghét nơi người
ấy, sự cộc cằn, sự thiếu chân thật, sự tàn bạo, sự ranh mãnh v.v.... Càng nghĩ đến người ấy, càng nhìn thấy người ấy, càng nghe người ấy nói, lửa giận trong ta cháy phừng.
Có thể
người ấy có nhiều cái đáng ghét thật, cũng có thể do ta tưởng tượng và
phóng đại lên, nhưng cái chính yếu làm cho ta đau khổ vẫn là cơn giận
của ta. Cho nên điều trươc tiên là ta quay trở về với chính ta để quản
lý cơn giận của ta. Và tốt nhất là đừng nhìn, đừng nghe người mà ta cho
là nguyên nhân của cơn giận. Cũng như người đi chửa lửa, phải tìm cách
tưới nước lên đám lửa cháy chứ không phí thì giờ đi tìm người gây ra đám
cháy. "Thở vào là tôi biết tôi đang giận. Thở ra, tôi phải để hết tâm ý
chăm sóc cơn giận của tôi". Tuyệt đối đừng nghĩ gì về người kia, và
nhất là đừng làm, đừng nói gì hết trong khi đang giận. Nếu ta để hết tâm
ý quan sát cơn giận, ta sẽ tránh được nhiều lầm lỗi mà sau này ta có
thể hối tiếc.
Khi giận, ta chính là cơn giận. Nếu ta đàn áp hay xua đuổi nó, tức là ta đàn áp và xua đuổi chính ta.
Khi vui ta là niềm vui. Do
đó, khi cơn giận xuất hiện, ta nên nhớ rằng giận là một nguồn năng lực
có công năng phá hoại mà ta có thể chuyển hóa thành một nguồn năng lực
khác có lợi hơn. Khi ta có một thùng rác hữu hiệu đang bốc mùi, ta biết
rằng ta có thể biến nó thành phân đất và những bông hoa thơm. Lúc đầu,
ta có thể thấy rác và hoa là hai cái trái chống nhau, nhưng khi nhìn kỹ
và sâu, ta thấy hoa đã có sẵn trong rác và rác đã có sẵn trong hoa. Chỉ
cần một hai tuần là hoa đã biến thành rác. Một nhà làm vườn giỏi, nhìn
vào rác là đã thấy ngay điều đó. Bà ta không cảm thấy buồn chán hay ghê
tởm rác. Trái lại, bà ta thấy được giá trị của rác. Chỉ cần một vài
tháng là rác sẽ biến thành hoa. Ta hãy là người làm vườn giỏi, ta nhìn
vào cơn giận và không còn thấy sợ hãi và muốn xua đuổi nó. Cái giận cũng
như rác có thể biến thành một cái gì khác đẹp hơn.
Ta cần nó như nhà làm vườn cần phân. Khi ta biết chấp nhận nó, ta đã bắt đầu có chút nào an lạc rồi. Từ đó ta dần dần chuyển hóa nó thành hiểu biết và thương yêu.
ĐẬP GỐI ĐỂ TRÚT CÁI GIẬN
Biểu lộ cái
giận không phải luôn luôn là một điều tốt. Khi để nó phát hiện và duy
trì nó là ta càng làm cho hạt giống giận mạnh hơn trong tiềm thức ta.
Biểu lộ sự gận dữ với người làm ta giận có thể gây nhiều đổ vỡ.
Có những
người chọn cách đập gối để trút cái giận ra ngoài. Họ vào phòng, đóng
kín cửa lại và trút tất cả cơn giận dữ vào cái gối bằng cách đập nó túi
bụi. Có người cho rằng làm như vậy là tiếp xúc với cái giận. Tôi thì
không nghĩ như vậy. Làm như vậy cũng không phải là tiếp xúc với cái gối.
Nếu mình hiểu cái gối là gì, mình sẽ không đánh đập nó túi bụi như vậy.
Có điều sau khi đập gối một lúc thì ta mệt đừ và cảm thấy đỡ tức tối
hơn. Nhưng thật ra căn nguyên cái giận vẫn còn nằm y nguyên trong ta.
Sau khi ăn uống no nê, sức lực ta trở lại, và lúc đó nếu có ai tưới tầm
hạt giống giận ấy trong ta, cơn giận sẽ bộc phát lại ngay và ta lại phải
đi tìm cái gối để cho đỡ khổ.
Cho nên
cách đập gối cho đỡ giận chỉ làm ta nguôi ngoai trong chốc lát chứ không
làm ta hết giận thật sự. Ta phải nhìn sâu vào cơn giận, tìm hiểu nó tận
gốc rễ, nếu không, hạt giống của cái giận sẽ mọc trở lại rất nhanh.
Trong đời
sống hằng ngày, nếu ta chuyên tâm gieo trồng cho thật nhiều hạt giống
tốt lành, những hạt giống này sẽ chăm sóc cho hạt giống giận của ta và
dần dần chuyển hóa nó mà ta không cần phải cố gắng nhiều.
Chánh niệm
của ta như mặt trời rọi ánh sáng lên mọi thứ. Mặt trời có vẻ không làm
gì nhiều, thế mà khi cây cối được ánh sáng mặt trời chiếu soi là chuyển
đổi không ngừng. Hoa phù dung thường khép cánh lại khi trời xụp tối, thế
mà chỉ cần có ánh mặt trời chiếu xuyên qua nó trong vài giờ là nó lại
hé mở, không cưỡng lại được.
Chánh niệm
của ta cũng vậy, nếu được nuôi dưỡng thường xuyên, sẽ soi thấu vào lòng
cái giận khiến nó phải mở tung ra để ta thấy rõ bản chất của nó. Khi ta thấy rõ được bộ mặt thật của cái giận, ta sẽ không còn bị nó khống chế nữa, ta sẽ được giải thóat.
ĐI THIỀN HÀNH KHI ĐANG GIẬN
Khi giận ai, ta nên đi thiền hành ngoài trời. Không khí trong lành, cây cối xanh tươi, có thể giúp ta lấy lại sự bình thản. Ta có thể thực tập như sau:
Thở vào, tôi biết tôi đang giận
Thở ra, tôi biết cái giận là tôi
Thở vào, tôi biết cái giận làm tôi khó chịu
Thở ra, tôi biết cái giận rồi sẽ qua
Thở vào, tôi thấy tâm đã tĩnh lặng
Thở ra, tôi thấy tôi đủ mạnh để chăm sóc cái giận
Vừa đi, ta
vừa đọc thầm bài kệ trên, tâm ta theo dõi từng bước chân và từng hơi
thở, ý thức được bàn chân ta chạm trên mặt đất. Thở sâu, bước chậm, vừa
ngắm nhìn cảnh đẹp chung quanh. Tâm ta dần dần lắng lại. Ta thấy ta vững chãi trở lại, lúc ấy ta sẽ nhìn sâu vào cái giận để thấy rõ nó hơn.
LUỘC KHOAI
Nhờ dùng ánh sáng chánh niệm chiếu soi vào cái giận, ta bắt đầu thấy được gốc rễ của nó. Cái giận có nhiều nguyên do, vì hiểu lầm, vì vụng về, vì sự bất công hoặc vì tâm ta chứa nhiều hạt giống sân hận.
Những
nguyên nhân này có thể đã có mặt trong ta và trong người làm ta giận. Ta
phải dùng chánh niệm để quán chiếu mới có thể nhận diện được chúng và
hiểu được bản chất của chúng. Phải thấy và hiểu, ta mới có thể có từ và
bi.
Ta không ăn
được khoai sống, nhưng không phải vì vậy mà ta vứt nó đi. Ta có thể
luộc cho khoai chín. Ta bỏ khoai vào nồi nước và ta đậy nắp lại, bắt lên
lửa. Lửa là chánh niệm, là hơi thở ý thức, là sự quán chiếu cái giận.
Cái nắp là định lực, là sự tập trung vì nó ngăn không cho hơi nóng bay
ra ngoài. Khi ta theo dõi hơi thở và thực tập quán chiếu cái giận, ta
cần phải tập trung tâm ý để giữ vững chánh niệm. Do đó ta không để tâm
chạy tán loạn. Nếu ta đi thiền hành ngoài trời, giữa cỏ cây hoa lá; sự
thực tập càng dễ dàng hơn.
Ngay khi ta
đặt nồi khoai lên lò lửa, sự chuyển đổi đã bắt đầu. Nước bắt đầu nóng.
Mười phút sau thì nước sôi. Nhưng ta không tắt lửa vì ta phải đợi cho
khoai chín. Cũng như vậy, khi ta theo dõi hơi thở và quán chiếu cái
giận, sự chuyển hóa đã bắt đầu. Sau nửa giờ đồng hồ, ta mở nắp ra và ta
ngửi thấy mùi khoai thơm. Bây giờ là lúc ta có thể ăn khoai. Cái giận đã biến thành một năng lực khác, năng lực hiểu biết và thương yêu.
NGUỒN GỐC CỦA CÁI GIẬN
Cái giận
bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về chính con người ta và về những nguyên
nhân xa và gần đưa tới tình trạng nóng bức hiện tại. Ta giận có thể
cũng vì một ham muốn nào đó, vì tự kiêu, vì nghi ngờ hay bực bội. Do đó
nguyên nhân chính của cái giận nằm ở trong ta; hoàn cảnh bên ngoài và
những người chung quanh chỉ đóng vai trò phụ.
Khi một
trận động đất hay lụt lội xảy ra, ta có thể chấp nhận dễ dàng những
thiệt hại to lớn đó. Nhưng khi có sự đỗ vỡ do một người gây ra, ta lại
không đủ kiên nhẩn để chịu đựng. Ta hiểu vì đâu mà có lụt lội hay động
đất. Thế mà ta lại không chịu khó tìm hiểu do đâu mà người đó đã gây ra
cơn dữ của ta.
Ví dụ có
ngươi vừa nói với ta một câu rất khó chịu. Có thể vì anh ta cũng vừa bị
ai đó nói với anh ta như vậy. Cũng có thể khi anh ta còn nhỏ, người cha
nghiện ngập của anh ta đã từng nói với anh ta bằng cái giọng gây gắt đó.
Khi thấy rõ những nguyên nhân này, không thể nào mà ta còn giận cho
được. Nói như vậy là ta không có nghĩa là ta dung dưỡng những con người
độc ác luôn tìm cách hại ta. Điều quan trọng tôi muốn nói là ta phải lo
chăm sóc những hạt giống giận trong con người ta trước nhất. Sau đó, nếu
người đó quả là một con người quá quắt cần phải sửa trị thì ta sẽ sửa
trị nhưng vì lòng thương hơn là vì cái sợ hay ý chí trả thù.
Khi ta thực
sự hiểu được những đau khổ của người khác, ta sẽ tìm cách giúp họ vượt
thoát những đau khổ, và bằng cách giúp họ vượt thoát những đau khổ đó;
và bằng cách ấy ta cũng giúp chính ta. Ta làm cho tâm ta nhẹ nhàng, an lạc, thấm nhuần chất liệu của thương yêu.
NỘI KẾT
Trong đạo Bụt có một cái từ là "kiết sử", hay là nội kết, tức là những gút mắc trong lòng ta.
Khi một sự việc xảy ra, tùy cách ta tiếp nhận nó mà ta tạo ra nội kết hay không. Khi
ai đó nói với ta một câu không đẹp, nếu ta hiểu vì đâu mà họ nói với ta
như vậy, ta không giận thì ta không có nội kết. Trái lại khi ta nghe
nói như vậy, ta không hiểu vì sao, ta thấy giận và như vậy là ta có nội
kết.
Sự thiếu hiểu biết về mình và người khác là nguyên nhân gây ra nội kết. Trong đời sống hằng ngày, nếu ta có chánh niệm, khi nội kết bắt đầu hình thành trong ta, ta biết ngay và lập tức chuyển hóa nó.
Ví dụ có
một thiếu phụ trong bữa tiệc nghe chồng ăn nói có vẻ hơi huênh hoang thì
sanh ra có ý hơi coi thường chồng. Đó là sự phát sinh của một nội kết.
Nếu thiếu phụ đem ý đó ra bày tỏ với chồng và cho chồng cơ hội giải
thích để hai người hiểu nhau hơn, thì nội kết mới thành hình, sẽ được
tháo gỡ dễ dàng. Khi nội kết bắt đầu xuất hiện sẽ được tháo gỡ dễ dàng.
Khi nội kết bắt đầu xuất hiện, ta phải kịp thời nhận diện nó; nếu để lâu
ngày, nó đâm chòi mọc rễ thì việc chuyển hoá sẽ khó khăn hơn.
Ý thức ta
cũng biết rằng những cảm thọ như buồn, giận, lo lắng, hối hận ít được
mọi người chấp nhận. Do đó ý thức thường tìm cách che dấu những cảm thọ
này vào một góc tối tăm nào đó của vô thức, để ta quên bẳng nó đi, và
cho ta cái ảo tưởng là ta không có vấn đề gì cả, ta là một người có hạnh
phúc.
Nhưng những
nội kết này không chịu nằm im lâu. Lúc nào chúng cũng chờ dịp xuất đầu
lộ diện, có khi tràn ra như nước vỡ bờ qua những ý nghĩ, hành động và
lời nói của ta.
Chỉ có thực
tập chánh niệm mới giúp ta tìm ra những giây mơ rể má của những nội kết
ngủ ngầm trong ta. Trong mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động của ta, ta
phải ý thức rõ ràng do đâu mà ta nghĩ, nói và làm như vậy. Ta phải luôn
luôn đặt câu hỏi: "Tại sao ta khó chịu khi nghe anh ta nói câu đó?",
"Tại sao ta nói điều đó với anh ta?", "Tại sao thấy người đàn bà đó ta
nghĩ đến mẹ ta?", "Tại sao nhân vật đó trong phim làm ta ghét cay ghét
đắng?", "Có phải bà ta giống người nào đó mà ta không ưa?" Chỉ cần theo
dõi quan sát tận tường như vậy ta mới có thể đưa được tất cả những gút
mắc trong lòng ta trước ánh sáng của ý thức.
Khi ngồi
thiền, khi các cửa sổ giác quan đã được đóng lại, ta có thể thấy nhữnh
hình ảnh, những cảm giác này nọ bắt đầu phát hiện từ những khối nội kết
bị chôn vùi trong tiềm thức của ta. Ta thấy lo sợ, buồn bã, bực bội mà
nhiều khi ta không hiểu vì sao. Những cảm giác này có khi mạnh đền nổi
làm ta bất an, xao xuyến cực độ, tình trạng này khiến ta vội vã lẩn
tránh không dám đương đầu với chúng nữa.
Do đó mà
nhiều khi ta bỗng dưng e ngại không muốn ngồi thiền nữa, hoặc mỗi khi
ngồi thiền thì thấy buồn ngủ không hứng thú. Theo tâm lý học, đó là một
hình thức đối kháng. Ta sợ ngồi thiền rồi những hình ảnh đó lại xuất
hiện làm cho ta đau khổ. Nhưng nếu ta đủ quyết tâm để tiếp tục tập thở
và cười, sau một thời gian ta sẽ đủ sức để ngồi yên và đối diện với
những cái sợ trong ta. Giữ vững hơi thở và nụ cười, ta nhìn thẳng vào
cái sợ hay cái buồn và nói: "Xin chào em. Em lại lên thăm ta đó hả?"
Có nhiều
người thích ngồi thiền giờ này qua giờ khác trong một ngày nhưng chưa
bao giờ họ thực sự đối diện được với những khổ đau của họ. Họ cho rằng
những đau khổ ấy không quan trọng, họ chỉ thích quán chiếu về những đề
mục siêu hình. Tôi không có ý phê phán về những gì họ quán chiếu. Tôi
nghĩ rằng nếu những gì ta quán chiếu trong khi ngồi thiền lại không dính
dáng gì đến đời sống hàng ngày của ta, đến khổ đau và hạnh phúc của ta,
thì sự hành thiền của ta chẳng giúp ích gì cho ta cả.
Hàng ngày,
nếu sống có chánh niệm trong từng giây phút, ý thức rõ ràng từng cảm thọ
và trí giác của ta, thì không thể nào ta để cho nội kết đóng cục trong
lòng ta được. Nếu ta để tâm theo dõi và quan sát từng ý nghĩ, hành động
và lời nói của ta, ta sẽ khám phá ra những khối nội kết lâu đời trong
ta, và dù chúng có mạnh đến đâu, ta cũng có thể chuyển hóa được một khi
mà ta đã thấy được bộ mặt thật của chúng.
SỐNG CHUNG HÒA HỢP
Khi hai
người sống chung với nhau, muốn giữ cho hạnh phúc được lâu dài, điều
trước tiên là họ phải biết cách tháo gỡ ngay những nội kết mà họ đã tạo
cho nhau.
Hạnh phúc
không còn là vấn đề của một người. Khi người kia không vui thì mình
không tài nào vui được. Cho nên phải thường xuyên tìm hiểu nhau và thực
hành ái ngữ để giúp nhau giữ vững hạnh phúc.
Khi người vợ thấy có điều chi chưa vừa lòng thì phải bày tỏ cho người chồng biết ngay. Người
chồng cũng vậy. Khi thấy có bất hòa là phải tìm cách giải quyết ngay,
không được lơ là. Người vợ có thể nói: "Anh à, em muốn chúng ta cùng
nhìn sâu vào việc này để cùng nhau giải quyết. Đừng để nó trở thành lớn
có thể gây đổ vỡ làm cho cả hai ta phải khổ đau". Điều này cũng cần được
thực tập giữa cha con, mẹ con, anh em và bạn hữu.
Sở dĩ nội kết có mặt là tại vì mình sống thiếu hiểu biết, thiếu chánh niệm. Nếu
chánh niệm lúc nào cũng có mặt, thì khi có nội kết là mình biết ngay và
mình lập tức tìm cách tháo gỡ chúng chẳng có khó khăn gì.
BÀN TAY CỦA BẠN
Tôi có một
người bạn nghệ sĩ. Trước khi rời Việt Nam cách đây bốn mươi năm, mẹ anh
cầm tay anh bảo rằng: "Khi nào con nhớ mẹ, con cứ nhìn vào tay con, con
sẽ thấy mẹ". Câu nói giản dị mà thật sâu sắc.
Trải qua
bao nhiêu năm, người bạn nghệ sĩ đã bao nhiêu lần nhìn bàn tay mình. Sự
hiện diện của mẹ không phải chỉ do huyết thống. Cả con người của Mẹ,
niềm vui, hy vọng và cuộc đời của mẹ cũng đều nằm trong lòng bàn tay
anh. Mà
không phải chỉ có mẹ, mà cả bao nhiêu thế hệ cha ông cũng có mặt trong
lòng bàn tay ấy. Anh có mặt là do bao nhiêu yếu tố trùng trùng duyên
khởi. Cho nên anh bảo tôi anh không bao giờ cảm thấy một mình lẻ loi.
Mùa hè năm
ngoái khi đứa cháu gái của tôi đến thăm tôi, tôi bảo cháu: "Con hãy nhìn
vào bàn tay con," để cháu lấy đó làm đề tài quán chiếu. Tôi cho cháu
biết rằng từng hạt sỏi, từng chiếc lá và từng con bướm đều ở trong lòng
bàn tay của cháu.
CHA MẸ
Khi tôi nghĩ về mẹ là tôi nghĩ tới tình thương vì giọng mẹ dịu dàng và ngọt ngào như tình thương.
Ngày mất mẹ, tôi ghi trong nhật ký "Thảm kịch lớn nhất của đời tôi đã xảy tới". Ngay khi đã lớn khôn và không còn được sống gần mẹ nữa, việc mẹ mất vẫn cho ta cái cảm giác cô đơn.
Ở Tây
Phương, tôi biết có nhiều bạn không nghĩ về cha mẹ mình như vậy. Tôi
nghe kể nhiều cha mẹ đã gây thương tích đau đớn cho con cái mình. Nhưng
tôi tin rằng không cha mẹ nào có ý muốn làm cho con cái mình đau khổ.
Có thể
chính họ đã bị cha mẹ họ gieo trồng những hạt giống đau khổ đó, và cứ
vậy mà những hạt giống đó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ
kia. Phần lớn chúng ta là nạn nhân của một lối sống thiếu chánh niệm, do
đó chỉ có sự thực tập chánh niệm mới giúp ta chấm dứt những đau khổ cứ
bị luân hồi từ đời này sang đời kia. Ta phải quyết tâm phá vỡ cái vòng
lẩn quẩn này để con cháu ta không còn phải đau khổ vì sự truyền trao vô
thức này.
Có một cậu bé mười bốn tuổi đến tu học ở Làng Hồng. Em đã kể câu chuyện như sau.
Khi em mười
một tuổi, em rất giận ba của em. Bởi vì mỗi khi em chạy chơi vô ý bị té
và chảy máu là ba em la lối om sòm : "Đồ ngu! Đi sao mà té hoài vậy!"
Em tự nhủ khi lớn lên em sẽ không làm giống như ba em.
Năm ngoái,
đứa em gái của em chơi với các bạn, ngồi trên xích đu và bị té rớt xuống
đất. Em gái bị rách đầu gối và chảy máu. Cậu anh rất tức giận và đã
muốn la lên: "Đồ ngu! Làm sao mà để té như vậy?" Nhưng em đã kịp thời
dừng lại. Nhờ lâu nay đã thực tập thở có chánh niệm, mà em nhận ra được
là mình đang giận và đã không để cái giận kéo mình đi. Trong
khi người lớn lo săn sóc em bé gái, rửa vết thương và dán băng lại thì
cậu trai bỏ đi thiền hành, vừa tập thở vừa nhận diện cái giận của mình.
Em chợt khám phá ra rằng em cũng đã hành xử giống như ba em. Em bảo tôi:
"Nếu con không tìm cách chuyển hóa cái giận của con, con sẽ lại trao
truyền nó cho con cái của con".
Em còn khám
phá thêm rằng có lẽ ba em cũng là nạn nhân như em. Hạt giống giận của
ba có lẽ đã được ông bà cha mẹ trao truyền lại. Một cậu bé mười bốn tuổi
mà có được nhận xét như vậy thật là quý. Đó là nhờ em đã có thực tập
chánh niệm. Em bảo tôi là em sẽ tiếp tục thực tập chánh niệm để biến cái
giận thành một cái gì khác.
Một vài
tháng sau thì cái giận của em không còn. Em đem thành quả này về cho gia
đình. Em nói với ba em trước đây em rất giận ông ta nhưng bây giờ thì
em đã hiểu. Em mong là ba em cũng sẽ thực tập để chuyển hóa những hạt
giống nóng giận của ba. Thông thường thì cha mẹ dạy dỗ con cái nhưng
nhiều khi chính con cái lại giúp được cả cha mẹ.
Nhìn lại
cha mẹ của chúng ta, chúng ta thấy thương cha mẹ hơn vì cha mẹ không có
may mắn được thực tập chánh niệm để có thể chuyển hóa những đau khổ của
mình. Do đó chúng ta phải biết tha thứ cho cha mẹ mình và đem niềm vui
đến cho cha mẹ. Nếu nhìn sâu và kỹ, ta sẽ thấy rằng không dễ gì mà xóa
hết những vết tích mà cha mẹ đã truyền trao cho chúng ta.
Khi ta tắm,
ta kỳ cọ từng phần thân thể ta và tự hỏi: "Thân thể này là của ai? Ai
cho ta thân thể này? Cái gì đã được cho?"Nếu ta quán chiếu như vậy ta sẽ
thấy có ba phần: người cho, người nhận và vật được cho. Người cho là
ông bà cha mẹ, người nhận chính là chúng ta và vật cho là thân thể này.
Tiếp tục quán chiếu thì ta thấy rõ ràng rằng người cho, người nhận và
vật cho đều là một và đều có mặt trong thân thể ta. Thân thể ta chứa
đựng ông bà cha mẹ của bao nhiêu thế hệ đã qua và cả những thế hệ sẽ
tới. Thấy như vậy là ta hiểu ngay ta phải làm gì và không nên làm gì để
giữ gìn chính ta, giữ gìn ông bà, cha mẹ và con cháu của chúng ta.
GIỮ GÌN VÀ NUÔI DƯỠNG NHỮNG HẠT GIỐNG TỐT
Tâm ta có hai phần: phần tàng thức là nơi cất giữ những hạt giống, và phần ý thức là nơi mà các hạt giống biểu hiện. Ví
dụ trong tàng thức ta có một hạt giống của cái giận. Khi nhân duyên đầy
đủ thì hạt giống đó phát hiện thành một năng lực gọi là cơn giận. Nó
đốt cháy ta và làm ta đau đớn. Ta không còn vui khi hạt giống đó phát
hiện trên phần ý thức ta.
Mỗi khi
xuất hiện, cái giận lại nuôi dưỡng thêm những hạt giống giận hờn trong
tàng thức của ta. Nếu cái giận kéo dài trong năm phút thì biết bao nhiêu
hạt giống chứa đựng cái giận lại được sinh sôi trong suốt thời gian năm
phút đó.
Vì vậy ta
phải hết sức cẩn thận để lựa chọn lối sống cũng như những cảm xúc của
ta. Khi ta nở một nụ cười thì hạt giống hạnh phúc được biểu lộ. Khi biểu
lộ, nó gieo thêm những hạt giống tươi vui xuống tàng thức. Nếu ta không
thực tập cười trong nhiều năm, hạt giống đó sẽ yếu đi và ta sẽ không
còn có khả năng để cười được nữa.
Tàng thức
ta chứa đựng mọi hạt giống, tốt cũng như xấu. Một số do ta gieo trồng
trong đời sống hằng ngày, một số do ông bà cha mẹ và xã hội trao truyền.
Một hạt lúa nhỏ xíu chứa đựng cái biết của bao nhiêu thế hệ cây lúa về
cách thức đâm chồi, trổ lá, ra hoa và hình thành bông lúa. Thân thể và
tâm thức ta cũng vậy, được trao truyền cho ta từ bao nhiêu thế hệ, ông
bà cha mẹ đã gieo trồng trong ta biết bao hạt giống an vui, hạnh phúc và
cả những hạt giống khổ đau, buồn giận.
Mỗi khi ta thực tập chánh niệm là ta gieo trồng và củng cố những hạt giống lành mạnh đã có sẵn trong ta. Những
hạt giống này cũng như những kháng thể. Khi có một con vi khuẩn chạy
vào máu ta, lập tức thân thể ta có phản ứng, những kháng thể chạy tới
bao quanh con vi khuẩn bắt nó phải biến dạng.
Cũng vậy,
nếu trong ta có những hạt giống tươi mát lành mạnh, những hạt giống này
sẽ biết cách đối phó với những hạt giống không tốt mà không cần đợi ta
ra lệnh. Do đó, điều ta cần làm là dự trữ cho thật nhiều những hạt giống
tốt.
Một ngày
nọ, chúng tôi được tin ông bạn láng giềng của chúng tôi, ông Mounet, qua
đời. Ông là người Pháp và sống ở cạnh Làng Hồng. Ông là một người rất
hiền hòa, dễ mến, ông đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc xây dựng
Làng. Ông chết trong đêm vì bệnh tim, và sáng hôm sau chúng tôi mới được
tin. Nghe qua chúng tôi rất bàng hoàng, vừa cảm thấy hối hận đã không
để nhiều thì giờ tiếp xúc và sinh hoạt với ông.
Tối hôm đó
tôi khó ngủ. Mất một người bạn như ông là một điều đau đớn. Sáng hôm sau
tôi phải nói pháp thoại nên đêm đó tôi cố gắng dỗ giấc ngũ bằng cách
niệm hơi thở. Trời mùa đông rất lạnh. Nằm trong chăn ấm, tôi nghĩ đến ba
cây tùng loại Hy Mã Lạp Sơn tôi trồng trong sân của sơn cốc cách đó đã
tám năm.
Bây giờ cả
ba cây đều lớn và rất đẹp. Mỗi khi đi thiền hành tôi đều dừng lại để vừa
ôm cây vừa theo dõi hơi thở. Tôi tin rằng mấy cái cây cũng đáp ứng lại
cái ôm của tôi. Nằm trong chăn, tôi tập thở và thấy mình vừa là ba cây
tùng vừa là hơi thở. Tôi thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn chưa ngủ được. Cuối
cùng tôi nghĩ đến bé Trúc. Bé đến làng lúc hai tuổi, bé rất kháo khỉnh
nên ai cũng muốn bồng, muốn ẵm, nhất là các em nhỏ. Bây giờ bé đã sáu
tuổi. Ẳm bé trên tay ai cũng thấy mình tươi mát như bé. Cho nên tôi đã
mời em hiện lên trong ý thức của tôi. Tôi thở và mỉm cười với bé. Một lúc sau thì tôi thiếp đi.
Mỗi người
chúng ta nên có một kho dự trữ những hạt giống lành, đẹp và mạnh để khi
ta gặp khó khăn, chúng có thể giúp ta. Đôi khi niềm đau quá lớn nên dù
có bông hoa trước mắt ta cũng không thưởng thức được. Nhưng nếu ta có
một cái kho dự trữ những hạt giống lành mạnh, ta có thể mời chúng đến
giúp ta. Cũng như khi mình có một người bạn thân biết, hiểu và thương
mình, được ngồi gần người đó, dù không nói tiếng nào, mình vẫn cảm thấy
khỏe khoắn. Và những lúc khó khăn mình thường nghĩ về người đó để " cả hai " cùng im lặng thở và mình thấy dễ chịu hơn.
Nếu lâu
ngày ta không gặp người bạn kia thì hình ảnh về người ấy có thể phai mờ.
Mà nếu người ấy là người duy nhất có thể giúp ta thì ta chỉ còn cách
mua vé xe lửa đến gặp người ấy. Người
ấy sẽ hiện ra bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ là một hạt giống
trong tiềm thức. Thời gian được ở gần người ấy, ta phải biết sống cho
tỉnh thức, đừng để phí một giây phút nào, bởi ta đâu có được ở lâu với
người ấy, lý do là ta còn phải về nhà. Người ấy giúp ta lấy lại sự quân
bình nhưng chính ta cũng phải tạo cho ta sự vững chãi bên trong, nếu
không thì lúc trở về một mình, ta lại cảm thấy chới với. Cho nên lúc gần
gũi người đó ta đừng nên kể lể than vãn nhiều, hãy chia sẽ niềm vui
được có nhau, được ngồi bên nhau, hãy đi dạo với nhau. Để khi trở về
nhà, ta sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều hạt giống tươi mát tốt lành, để
khi hữu sự, gặp chuyện buồn phiền, chúng có thể giúp ta vượt qua những
khó khăn.
TIẾP XÚC VỚI NHỮNG GÌ MẦU NHIỆM
Chúng ta có
khuynh hướng nghĩ tới chuyện buồn đau, chú ý tới mặt buồn đau. Làm như
vậy là mời những hạt giống buồn đau lên, tưới tấm những hạt giống buồn
đau, thất vọng và gieo thêm những hạt giống buồn đau mới.
Tại sao ta không thực tập tiếp xúc với những gì tươi mát, tốt lành trong ta và ngoài ta? Những
cái đẹp, lành và tươi mát lúc nào cũng có mặt khắp nơi, nhưng tại vì ta
cứ hay giam mình trong cái nhà tù buồn bã của ta nên ta không có cơ hội
tiếp xúc với những mầu nhiệm đó.
Cuộc sống
chung quanh ta đầy những mầu nhiệm, bầu trời xanh, ánh nắng trong và nụ
cười hồn nhiên của em bé có thể cho ta biết bao niềm vui. Hơi thở của
cũng rất tuyệt diệu, nó cho ta sự sống mỗi ngày. Thế mà có người đợi khi bị suyển hay bị nghẹt mũi rồi mới thấy hơi thở là quý. Sống có chánh niệm là biết trân quý từng phút giây của hạnh phúc.
Hạnh phúc
lúc nào cũng có mặt trong ta và ngoài ta, chỉ cần có chánh niệm là ta
nhận diện được nó dễ dàng. Và khi ta nhận diện được nó thì những hạt
giống an vui, tươi mát, lành mạnh càng phát triển mạnh mẻ trong ta. Dù ở
đâu, bất cứ nơi nào, ta cũng có thể thưởng thức được một tia nắng ấm,
một hơi thở ngọt ngào hay sự hiện diện của một người thương. Ta đâu cần
phải đi đâu xa, ta chỉ cần có chánh niệm là hạnh phúc có thể có mặt
trong tầm tay.
TRÁCH MÓC KHÔNG GIÚP ĐƯỢC GÌ
Nếu ta trồng cải xà lách, mà cải xà lách mọc không tốt, thì ta đâu có trách móc cải xà lách đâu.
Bởi
vì ta có thể tìm biết nguyên do từ đâu cải xà lách không mọc tốt: có
thể nó thiếu nước, có thể nó cần thêm phân, có thể vì nắng nhiều quá. Ta
hiểu vậy nên ta không trách móc cây cải xà lách.
Thế mà khi
ta có vấn đề với gia đình hay với bạn bè, ta lại hay trách móc đổ lỗi
cho nhau. Nếu chúng ta không chăm sóc nhau kỹ lưỡng thì chúng ta cũng
không mọc lên được tốt tươi như những cây xà lách vậy. Cho nên trách móc
qua lại không có lợi ích gì hết. Chỉ cần hiểu là đủ, không cần lý luận
phân trần. Khi bạn chứng tỏ mình hiểu được và mình thương được là tình thể thay đổi ngay tức khắc.
Trong một
khóa tu ở Paris, một hôm tôi nói pháp thoại về cây cải xà lách. Sau khi
pháp thoại tôi đi thiền hành một mình. Khi đi ngang qua một góc vườn,
tôi nghe một em bé gái tám tuổi nói với mẹ: "Mẹ ơi, con là cây cải xà
lách của mẹ đó nhé. Mẹ nhớ tưới nước cho con nhé!" Tôi rất vui khi thấy
em bé hiểu tường tận ý của tôi. Sau đó tôi nghe bà mẹ trả lời: "Đúng rồi
mẹ sẽ nhớ nhưng con cũng đừng quên rằng mẹ cũng là cây xà lách của con
đó nghe. Vậy con cũng phải nhớ tưới cho nó nhé!"
Thật đẹp thay khi cả mẹ và con đều cùng thực tập.
HIỂU VÀ THƯƠNG
Hiểu và thương tuy hai chữ mà một ý. Một
buổi sáng kia, cậu con trai của bạn thức dậy thì thấy đã gần giờ đi
học. Cậu liền đến đánh thức em gái của mình còn đang ngủ, để hai anh em
có thể kịp ăn sáng trước khi đến trường. Em bé ấy thay vì cám ơn lại gắt lên: " Đi đi! Kệ tôi!"
Cậu bé có thể đã nổi giận vì thái độ không dễ thương của em và có thể đi vào bếp để mách lại với bạn điều đó. Nhưng
cậu bé chợt nhớ rằng tối hôm qua em bé đã ho nhiều, chắc em đã bị sốt,
không ngủ được, nên sáng nay mới khó chịu như vậy. Khi hiểu được điều
đó, cậu bé không còn thấy giận em gái nữa.
Khi bạn đã hiểu, không thể nào mà bạn không thương. Và khó mà bạn có thể tiếp tục giận được.
Khi
bạn đã hiểu thì bạn biết phải làm gì để người kia bớt đau khổ, bạn làm
chuyện ấy rất tự nhiên không thấy cần phải cố gắng nhiều. Cho nên muốn
hiểu sâu, ta nên tập nhìn mọi loài với con mắt từ bi.
TÌNH THƯƠNG CHÂN THẬT
Muốn thương ai, ta phải hiểu người đó. Nếu
chỉ muốn chiếm hữu người đó làm của riêng thì đó chưa phải là
thương. Ta không thể gọi đó là thương nếu ta chỉ biết lo cho ta, cho
những nhu cầu của riêng ta còn những nhu cầu của người đó thì ta không
hề để ý đến. Tình thương chân thật chỉ có khi ta thấy được những gì
người thương ta cần hay không cần.
Khi ta hiểu rõ ai, không thể nào mà ta không thương cho được. Lâu
lâu ta nên ngồi sát cạnh người thương của ta, cầm tay người ấy và khẽ
nói: "Này em của anh, em có nghĩ là anh đã hiểu em chưa? Hay anh vẫn còn
vụng về và làm cho em đau khổ? Hãy nói cho anh biết, bởi anh muốn
thương em thật lòng!" Nếu ta thực tâm muốn tìm hiểu người thương thì
giọng nói của ta sẽ biểu lộ sự quan tâm và người ấy sẽ mũi lòng.
Cánh cửa cảm thông đã mở, chuyện gì mà ta làm chẳng được. Người
ta đôi khi không có thì giờ hoặc không đủ cam đảm để hỏi con trai của
mình những câu hỏi tương tự: " Con của ba, ba thương con, nhưng không
biết ba đã hiểu được con chưa? " Ta phải có cam đảm đặt câu hỏi đó với
con cái ta, nếu thương mà không hiểu, thì tình thương đó chưa đúng cách,
trái lại càng thương ta càng làm cho người ta thương "bị thương". Phải
có hiểu mới có thương thật sự. Khi được hiểu, người được thương sẽ nở
như một bông hoa.
TỪ BI QUÁN
Từ là đem
niềm vui đến cho người, bi là lấy nỗi khổ của người ra. Chúng ta ai cũng
có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán chiếu " thương người như thể
thương thân " ta triển khai những hạt giống này thành những nguồn năng
lực dồi dào. Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị vướng mắc nên không gây khổ đau phiền não.
Chất liệu
của từ bi là sự hiểu biết, khả năng đi vào da thịt của người kia, làm
một với họ, với mọi niềm đau nổi khổ của họ. Bi có nghĩa là thông cảm
với cái khổ của người và có năng lực chuyển hóa cái khổ đó.
Chúng ta có
thể bắt đầu tập quán chiếu về những người đau khổ về thể chất, những
người yếu đuối bịnh hoạn, những người cùng cực bơ vơ không có ai nương
tựa. Những người này ở đâu cũng có, rất dễ thấy. Có những trường hợp vi
tế hơn. Có những người có vẻ không có gì là đau khổ, họ rất kín đáo,
nhưng nếu quan sát kỹ, ta cũng thấy được những dấu hiệu chứng tỏ họ cũng
có những niềm đau. Cả những người sống trên nhung lụa cũng có những đau
khổ của họ.
Khi ta quán
chiếu về những người này, lấy họ làm đối tượng cho sự thực tập để quán
chiếu về từ bi, ta phải nhìn cho sâu và cho lâu vào nỗi đau của họ, dù
khi đang ngồi thiền hay thực sự tiếp xúc với họ, ta phải nhìn cho kỹ để
thấu triệt nỗi đau của họ đến khi ta cảm thấy niềm xót thương trào dâng
trong lòng.
Nhờ quán
chiếu sâu sắc như vậy mà xúc cảm của ta biến thành hành động. Ta thấy
câu nói " tôi thương anh vô cùng" chưa đủ mà ta tìm mọi cách để làm vơi
nỗi khổ của người kia. Từ bi có mặt khi ta thực sự làm người kia bớt
khổ. Cho nên ta phải làm nẩy nở và nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Khi
ta tiếp xúc với người kia, ý nghĩ, lời nói và hành động của ta phải thể
hiện được lòng từ, dù thân khẩu của người kia chưa thanh tịnh cũng vậy.
Ta phải
thực tập như thế nào mà lòng từ bi của ta lúc nào cũng có mặt, chứ không
phải chỉ có mặt khi người kia dễ thương. Tình thương của ta như vậy mới
đích thực và vững chắc. Ta có nhiều an lạc hơn và người kia cũng được
an lạc theo. Niềm đau của họ sẽ từ từ giảm thiểu và đời sống của họ dần dần sáng sủa và tươi mát hơn.
Ta cũng có thể quán chiếu về những người làm ta đau khổ vì chính họ cũng đang đau khổ. Đó là điều chắc chắn. Chỉ
cần tập theo dõi hơi thở và quán chiếu là ta có thể thấy được niềm vui
của họ. Một phần những nỗi đau khổ và khó khăn của họ là do cha mẹ họ
trao truyền từ khi họ còn nhỏ. Mà cha mẹ họ cũng có thể là nạn nhân của
ông bà tổ tiên họ. Những hạt giống xấu cứ như vậy được truyền trao đời
này sang đời kia.
Nếu thấy rõ
điều đó, ta sẽ không còn trách cứ hay giận hờn họ nữa. Ta đã hiểu được
lý do vì sao họ đối xử không đẹp với ta. Ta không giận mà trái lại ta
cầu mong sao cho họ bớt khổ đau. Ta không cần phải tìm đến họ để hòa
giải. Khi ta biết nhìn sâu, ta đã hòa giải với chính ta rồi.
Mọi vấn đề
đã được giải quyết. Lòng ta nhẹ nhàng và môi ta nở nụ cười tươi. Sớm
muộn gì người kia cũng thấy được thái độ hòa ái của ta và cũng sẽ trở
nên tươi mát như ta.
Cho nên có từ bi, ta có an lạc hạnh phúc mà người khác cũng có được an lạc hạnh phúc. Chánh
niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát
hương thơm. Từ bi không phải là một ý tưởng chỉ nằm trong đầu ta. Không
phải chỉ cần ngồi yên một chổ và quán tưởng về từ bi là ta có thể gieo
rắc tình thương đến mọi nơi như gửi đi những luồng âm thanh hay ánh
sáng. Từ bi phải được thể hiện cụ thể hơn qua cách ta ăn ở đối xử với mọi người chung quanh.
Tình thương
là một nguồn suối dạt dào nằm sâu trong lòng ta, chỉ cần ý thức được
điều đó là ta đã có thể ban phát niềm vui đến cho bao người. Một câu nói
hiểu biết dễ thương cũng đủ làm vơi bớt nỗi khổ, đánh tan mọi nghi kỵ
hiểu lầm, đem lại tin yêu và tự do. Một hành động đúng lúc có thể cứu sống một mạng người. Mà hành động và lời nói ta chân chánh là nhờ ý nghĩ ta chân chánh.
Khi có tình thương chân thật thì tất cả những gì ta nghĩ, nói và làm đều trở nên phép lạ và đem lại nhiều lợi lạc.
THIỀN ÔM
Ôm là một tập quán đẹp của người Tây Phương. Chúng ta có thể đóng góp phần hơi thở ý thức vào việc này. Khi
ôm một em bé trên tay, ôm mẹ, ôm con hay ôm một người thân, nếu ta biết
theo dõi hơi thở, ta sẽ thấy hạnh phúc bội phần. Bởi nếu trong lúc ôm
mà ta nghĩ đến chuyện khác, có khác gì ta ôm một người nộm, ta không
tiếp xúc thật sự với người ấy, ta làm một cách máy móc, do đó cái ôm
không có ý nghĩa.
Tại một
khoá tu dành cho các nhà tâm lý trị liệu ở Colorado, một thiền sinh, sau
khi được thực tập thiền ôm, khi trở về nhà đã ôm vợ mình thật cẩn trọng
và sâu sắc như chưa bao giờ được ôm vợ, làm bà vợ rất ngạc nhiên và hết
sức cảm động. Nhờ vậy bà vợ đã điện thoại xin tham dự khóa tu ở
Chicago.
Phải thực tập nhiều mới thấy thoải mái trong khi thiền ôm. Có người vừa ôm vừa vỗ vào lưng bạn như để chứng tỏ rằng ta đang có mặt. Bạn chỉ cần theo dõi hơi thở là bạn thấy mình đang có mặt thật sự với người kia. Hai người đang thật sự có mặt với nhau trong giờ phút hiện tại, và đó có thể là giây phút đẹp nhất trong cuộc đời bạn.
Nếu cháu bé
cưng của bạn đang đến với bạn mà bạn lại đang lo nghĩ về quá khứ, suy
tính về tương lai hay đang giận dữ thì tuy cháu đứng đó mà bạn đâu thấy
nó. Nó chỉ như một bóng ma vì chính bạn cũng đang là một bóng ma. Muốn
thấy rõ con, tiếp xúc được với con, bạn phải tiếp xúc được với chính
mình, phải làm mình có mặt trong giây phút hiện tại. Trở về với hơi thở
là trở về với con người thực của mình để thấy sự hiện diện của những
người thân là một thực tại nhiệm mầu.
Thiền ôm
được thiết lập trước hết cho những người trong cùng một gia tộc. Đã có
những người cha và người con hòa giải được với nhau nhờ ôm nhau trong ý
thức. Trong im lặng hai cha con ôm nhau, tuy không nói, nhưng đã xóa bỏ
mọi hờn oán và nguyện làm mới trở lại tình thương giữa hai người. Hai mẹ
con cũng vậy.
Vào ngày cúng giỗ tổ tiên hay cúng giỗ đầu năm, sau khi lạy ông bà, anh em nên quay lại ôm nhau trong chánh niệm. Phải ôm cho sâu sắc và thành kính. Chắp tay xá nhau thật sâu trước khi ôm và sau khi ôm. Thiền ôm là một nghi lễ. Nếu không có một cung kính tột độ, đó không phải là thiền ôm. Đó có thể là phá hoại thiền ôm. Lạy
ông bà và tổ tiên sẽ không có ý nghĩ gì nếu con cháu không chịu hòa
giải với nhau. Chúng ta nên thiết lập truyền thống đẹp đẽ này trong
truyền thống gia đình.
ĐẦU TƯ VÀO TĂNG THÂN
Dù có bao nhiêu tiền trong nhà đi nữa, mình vẫn có thể chết dể dàng vì nỗi quạnh hiu và những khổ đau của mình. Cho
nên nếu có được một người bạn tốt, xây dựng được một tăng thân tốt gồm
những người bạn chân thật biết nâng đỡ và bảo bọc ta trong lúc khó khăn,
đó là một nguồn đầu tư lớn. Những
người bạn này giúp ta tiếp xúc với những yếu tố tươi mát và lành mạnh
trong con người ta và chung quanh ta, nhờ đó ta trở nên một thành phần
vững chãi của tăng thân, đem niềm vui và sự hiểu biết đến cho mọi người,
cùng giúp nhau tiến tu trên con đường giải thoát.
CHÁU CHẮT LÀ NIỀM VUI CỦA ÔNG BÀ
Người già rất thích được sống gần con cháu. Mà ở Tây Phương con cháu thường gửi ông bà vào nhà dưỡng lão. Cho nên người già ở Tây Phương thật là tội nghiệp. Họ
không được sống gần con cháu. Trong nhà dưỡng lão, họ chỉ tiếp xúc với
những người già. Cuối tuần con cháu mới đến thăm được một vài giờ và sau
khi con cháu ra về, họ càng cảm thấy lẽ loi cô độc.
Ở Việt Nam,
ông bà lúc nào cũng sống với con cháu, kể chuyện đời xưa cho con cháu
nghe. Ta phải giữ gìn truyền thống này để người già luôn được gần gũi
người trẻ, để người trẻ học được những cái hay của ông bà và để ông bà
có niềm vui được nâng niu các cháu và ôm các cháu vào lòng.
TĂNG THÂN TU HỌC
Xây dựng một tăng thân là điều cần thiết để cùng nhau sinh hoạt trong thương yêu và hiểu biết. Ở
Làng Hồng, trẻ em là mối lưu tâm đặc biệt của người lớn. Mỗi người có
trách nhiệm giúp đỡ các em, làm cho các em sung sướng hạnh phúc vì nếu
các em có sung sướng hạnh phúc thì người lớn mới có thể có niềm vui.
Ngày xưa
gia đình ở Việt Nam là một mái nhà lớn qui tụ ông bà, cha mẹ, cô dì, chú
bác, anh chị em, bà con, mọi người cùng sống với nhau dưới một mái nhà
rất êm vui và ấm áp. Xung quanh nhà là vườn cây xum xê bóng mát, ta có
thể bắt võng đu đưa vào những buổi trưa hè. Có những buổi tối quây quần
ăn cơm ngoài sân, hàn huyên chuyện trò và nhìn ngắm trăng lên. Vào thời
ấy trong gia đình ít có những vấn đề trầm trọng như ngày nay.
Ngày nay
một gia đình thường chỉ có cha mẹ và một hai đứa con. Khi cha mẹ lục đục
cãi vã nhau là các con lãnh đủ, không biết cầu cứu ai và núp trốn ở
đâu. Vì nhà thường chỉ có dăm ba phòng, có chạy vào cầu tiêu trốn vẫn
nghe ba mẹ cãi vã om sòm, và không khí ngột ngạt không có chỗ để thoát
ra vì nhà lúc nào cửa cũng đóng kín mít.
Thế nên
chúng ta cần thiết lập những trung tâm tu học thay thế những đại gia
đình ngày xưa, xây dựng một nơi mà ở đó mọi người đều biết sống trong
chánh niệm và mỗi người có thể đóng vai chú bác, cô hay dì cho mọi người
nương nhờ. Chúng ta ai cũng cần thuộc về một nơi nào đó, nơi mà mọi sự
mọi vật đều nhắc nhở ta một đời sống hiền hòa an lạc, từ tiếng chuông
ngân êm ả, đến vườn trúc xanh mượt, đến nét cong dịu dàng của mái chùa
cổ kính đơn sơ.
Những người sống ở đó toát ra một vẻ tươi mát thanh thản nhờ ở sự thực tập tỉnh thức. Họ như những cây đại thụ và khách nhàn du muốn đến ngồi nghỉ mát dưới tàng cây. Đôi khi chỉ cần nghĩ đến họ thôi mình cũng đã thấy tâm hồn an tỉnh trở lại và mình có thể mỉm cười.
Ta cũng có
thể biến gia đình chúng ta thành một nơi tu học, mọi người trong gia
đình cùng thực tập, sống hòa hợp tỉnh thức. Cha mẹ con cái đều tập thở,
tập mỉm cười, tập ngồi thiền, ăn cơm, uống trà trong chánh niệm.
Nếu có chuông thì cái chuông cũng là một thành phần của gia đình vì chuông giúp ta tu học. Gối
ngồi thiền cũng vậy. Không khí trong lành cũng là một người bạn tu của
ta. Gần nhà nếu có công viên thì ta đi thiền hành trong công viên. Do đó
ta có đủ điều kiện để xây dựng một tăng thân tu học tại nhà. Lâu lâu ta
mời một vài người bạn tới tham gia một ngày quán niệm với ta. Việc tu học sẽ dễ dàng và mau có tiến bộ nếu ta xây dựng được một tăng thân.
ĐẠO PHẬT ĐI VÀO CUỘC ĐỜI
Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều xóm làng bị bom đạn tàn phá. Đồng bào khắp nơi rên siết quằn quại. Cùng
với các thầy, các sư cô sư chú trong chùa, sau nhiều băn khoăn suy
nghĩ, chúng tôi quyết định rời thiền viện để ra cứu giúp đồng bào. Đạo Phật bắt đầu đi vào cuộc đời từ lúc đó. Bởi vì thấy và hiểu để làm gì nếu ta không hành động?
Chúng ta
phải ý thức được thực trạng của thế giới để biết rõ cần phải làm
gì. Giữa những khó khăn nguy hiểm, nếu ta vẫn giữ được nụ cười và hơi
thở chánh niệm, thì mọi người, mọi loài quanh ta sẽ hưởng được nhiều lợi
lạc. Khi bước chân đi ta có tiếp xúc được một cách ngọt ngào với trái
đất không? Trái đất như một bà mẹ hiền, ta muốn thương yêu vỗ về với từng bước chân an vui tỉnh thức. Từng bước chân an lạc tỉnh thức, đó là điều ta phải thực tập mỗi ngày nếu ta muốn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài.
-ooOoo-