Con về còn trọn niềm tin (Tập hai)


Tác giả: Thích Giác Tâm
15/07/2013 20:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 105859
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 2



Một năm trôi qua với nhiều áp lực trong cuộc sống, ba ngày  tết cần phải nghỉ ngơi, cần phải thư giản.

Nếu là Cư Sĩ thì  đưa con cháu về chùa lễ Phật, thăm xuân chúc tụng nhau. Vậy mà vẫn có những người đau đáu trong lòng, ưu tư đến nỗi vầng trán sớm nhăn, về vận nước, về mạng mạch Phật giáo. Các vị đó là Tăng là Ni là Cư Sĩ, mà quý nhất là Cư Sĩ. Bởi họ là người đang sinh hoạt trong guồng máy thế gian, xã hội, phải lo cho vợ, cho con, cho cháu….Vậy mà tâm lúc nào cũng nghĩ đến Đạo Pháp, lo ngay ngáy ngày đêm sợ Đạo suy, sợ Đạo biến mất, sợ Đạo trở thành món đồ cổ, cho người nhìn ngắm cho vui.

clip.jpg

Số lượng Cư Sĩ mang tâm tình chấn hưng Phật giáo như thế hiện còn không nhiều lắm, hầu hết đều trên sáu mươi, ngoài bảy mươi. Các vị có học vị, học rộng, có trải qua dâu bể cuộc đời, có cái thấy mình thấy người, nhìn xa rộng, biết tu tập thiền quán, biết tổng hợp tin rồi dự báo. Rất nhiều lần dự báo chính xác.

Nỗi lo nhất cho Phật giáo chúng ta là số lượng Cư Sĩ như thế rất hiếm hoi. Với lứa tuổi của họ như đã nêu những ngày ở trần gian không còn nhiều. Những dự báo tiên lượng của họ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, họ đang ở xa (hải ngoại) vẫn chưa nối kết được nhiều với chư vị Tăng Ni và hàng Cư Sĩ hữu tâm trong nước, do vậy những đề nghị chấn hưng PG trong nước của họ cũng chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên chuông đã gióng lên nhiều lần và hiện nay số lượng Tăng Ni, Cư Sĩ, Phật tử trong và ngoài nước đã bắt đầu thấy được hiểm họa. Đã quên đi những dị biệt bất đồng về tông phái, trong ngoài, trước sau, cũ mới, và AI cũng đều nhận thức rằng cái TẤT CẢ mà suy, thì cái MỘT có thịnh cũng chỉ là thịnh ảo nhất thời, rồi cũng suy tàn theo thôi.

Sáng mồng hai tết năm Tân Mão chúng con mở hộp thư điện tử (email) thấy có thư mới của các Cư Sĩ hữu tâm gởi với nội dung  mời: “ hợp tác biên soạn Tủ Sách Tôn Giáo để hổ trợ cho việc tu học của Phật tử tại gia”.

Thực ra cốt lõi của việc chấn hưng Phật giáo là làm sao cho tín đồ hiểu lời Phật dạy, hiểu giáo lý Đạo mình đang theo, thêm một bước nữa là biết so sánh giáo lý của Đạo mình với giáo lý của Đạo khác. Biết so sánh, biết nhận diện Ta và Người, có niềm tin sâu sắc thì sợ gì việc cải đạo. Có chuyện cải đạo là bởi trong lòng trong suy nghĩ của số đông bà con theo Phật đều có quan niệm rất hiền lành, rất dễ thương: “ Là Đạo nào cũng tốt, cũng dạy con người ta ăn hiền ở lành”. Chứ không có kiến giải, có tầm nhìn xa rộng như các bậc thức giả rằng tôn giáo nào có khả năng nối kết  tín đồ, tín đồ chỉ biết cúc cung vâng phục, thì sẽ có một lúc nào đó, tôn giáo đó mạnh, dẫn đến  đất nước ly cách, thống thuộc bên ngoài. Trường hợp đó đã xảy ra cho một số nước trên thế giới.

Mười điều gợi ý của quý Cư Sĩ hữu tâm cho Tủ sách Tôn giáo, nếu được Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Cư Sĩ hữu tâm, quý Thiện hữu tri thức, các bậc Thức giả, cùng quý Phật tử trong và ngoài nước hưởng ứng cùng đóng góp thành tựu, và phân phối cho từng chùa, từng tự viện , tịnh xá, niệm Phật đường trong nước làm tài liệu, các vị Trụ Trì, và các vị lãnh đạo các cơ sở hạ tầng của PG triển khai cho công cuộc chấn hưng Đạo trong giai đoạn mới thì rất  hiệu quả cho chuyện chống cải đạo.

Năm sáu năm về trước, Phật giáo trong nước có vận động Phật tử cúng dường Tủ sách Phật học cho các chùa vùng sâu vùng xa. Quý nhất là bộ sách Phật học phổ thông của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, còn lại là Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Đại Bảo Tích, và các kinh bộ lớn khác. Khi phân phối cho các chùa, hầu hết chỉ để trong tủ mà thờ cho có phước, không làm tài liệu thiết thực, ứng dụng tu học cho Phật tử được, rốt cuộc hiệu quả đem lại cũng không cao mấy.

Kinh, Sách, tài liệu hướng dẫn tu học, giữ đạo, khi in ấn không nên dày lắm, nội dung trong sáng dễ hiểu, đừng quá lạm dụng danh từ Hán Việt khó hiểu để cho quần chúng bình dân có thể hiểu được. Và hơn hết là khi phân phối phải có con người chịu khó, chịu đi xa, chịu đến những vùng khó đến, phân chia Kinh Sách, tài liệu……đúng nơi đúng người. Còn chỉ đưa đến văn phòng Ban Trị Sự của từng tỉnh rồi phân chia lại, cũng sẽ không hiệu quả. Bởi người viết đã từng chứng kiến tại một số văn phòng BTS thì không thiếu một loại kinh sách gì, còn các nơi cần thì không có.

Công việc hoằng dương Phật pháp, chống cải đạo, giữ gìn tín đồ….là công việc chung của bốn chúng đệ tử Phật, không của riêng ai. Tất cả cùng có trách nhiệm, cùng xắn tay áo lên hành động thì đạo pháp sẽ sáng rỡ. Tổ quốc sẽ hưng thịnh, bình yên trường tồn.

Có chút duyên với nhau nên các Cư Sĩ ưu tư đạo pháp gởi bài, chúng con cung kính dâng lên Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Cư Sĩ, Phật tử, qúy thiện hữu tri thức, các bậc Thức giả, quý Ban Biên Tập trong và ngoài nước Thư Ngỏ : Vận động biên soạn Tủ sách chấn hưng Phật giáo, xin mời Chư Tôn Đức Tăng Ni, cùng liệt quý vị đọc và cùng giới thiệu rộng rãi cho mọi người con Phật cùng nhau chung lo xây dựng bồi đắp cho ngôi nhà chung Phật giáo.

Nam Mô Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật.

 

Thích Giác Tâm


Âm lịch

Ảnh đẹp