Áp lực đối với nghề báo bao gồm
gián tiếp và trực tiếp. Đôi khi nó không nằm ngoài xã hội mà lại diễn ra ngay
trong tòa soạn, trong Ban Biên tập khi bài báo đụng đến những vấn đề nhạy cảm
mà lãnh đạo BBT ngại va chạm không muốn đăng cũng như những lý do tế nhị. Về
phía bên ngoài, một khi có những sự kiện được khai thác liên quan đến tiêu cực,
nhà báo là người chịu áp lực từ nhiều phía bao gồm chủ thể của sự việc, những
giềng mối liên quan chung quanh và dư luận xã hội. Việc khai thác thông tin về
vật chứng, nhân chứng, số liệu minh họa cho chủ thể tiêu cực có thể (có thể
thôi) rất khó khăn, đôi lúc bị bưng bít, và việc từ chối cung cấp thông tin đã
trở thành áp lực vô hình ảnh hưởng đến việc kết thúc bài báo trước khi đăng
tải.
Bàn về vấn đề áp lực của nghề báo, để chúng ta thấy
hết nỗi gian truân của những loạt bài phóng sự, điều tra những sự việc tiêu cực
có liên quan đến tham nhũng, quan liêu qua nhiều lĩnh vực quản lý kinh tế. Tuy
vậy, những gian truân của các bài báo phóng sự, điều tra đã được đền đáp xứng
đáng với sự đồng tình và hậu thuẫn của Ban Biên tập, công chúng và độc giả.
Thấy rõ nhất là việc đưa ra ánh sáng công luận vụ án Tiên Lãng ở Hải Phòng; vụ
Văn Giang về quy hoạch và đền bù bất công, tại đây cũng đã xảy ra 2 nhà báo bị
hành hung khi tác nghiệp. Và mới nhất là vụ tham nhũng lớn tại Vinalines (Tổng
Công ty Hàng hải Việt Nam)
mà một Cục trưởng Cục Hàng hải đang bị truy nã. Trước đó cũng qua báo chí phanh
phui, vụ việc tiêu cực của Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam)
cũng đã được phơi bày. Dù tài liệu đã được công bố ban đầu, nhưng hiện tại báo
chí đã và đang tìm hiểu đằng sau các hành vi tham nhũng và những gì có liên
quan thuộc về cơ chế, chính sách quản lý của ngành chủ quản đã tạo ra hậu quả
nghiêm trọng như vậy, đây mới là áp lực và là sự thử thách của những người thực
hiện.
So với làng báo giới thành phố và cả nước, Báo Giác
Ngộ của Thành hội PG TP ít chịu sự cạnh tranh cũng như áp lực trong tác nghiệp
và thể hiện bài báo. Vì hầu hết đối tượng của báo Giác Ngộ trong thông tin đa
phần là Tăng Ni, Phật tử, các hoạt động của GH PGVN. Vì là tờ báo Phật giáo
duy nhất, nên Giác Ngộ có ưu thế thông tin Phật sự mang tính độc quyền.
Bên cạnh tờ báo Giác Ngộ, hiện nay có nhiều tạp chí
Phật giáo được ấn hành chính thức như: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo,
Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tạp chí Khuông Việt, Tạp chí Phật
giáo Nguyên thủy (Nam tông); Tạp chí Đuốc Sen (PG Khất sĩ VN). Ngoài
ra, về báo mạng ngoài Giác Ngộ Online còn có một số trang web Phật giáo như: Giáo
hội Phật giáo Việt Nam, PG Nguyên thủy,
Liễu Quán Huế, Văn Hóa PG, Đạo Phật Ngày Nay, Phật tử Việt Nam, Thiền tông Việt
Nam, Gia đình Phật tử Việt Nam…
Đa số các tạp chí PG và trang web Phật giáo có đường
lối, tôn chỉ hoạt động riêng theo chuyên ngành hoặc hệ phái biệt truyền, truyền
bá Phật pháp và thông tin hoạt động nội bộ, đã làm cho khu vườn báo chí Phật
giáo nhiều màu sắc phong phú, đáp ứng được nhu cầu tu học, nghiên cứu cho nhiều
tầng lớp độc giả khác nhau. Hoàn toàn ở đây không có áp lực trong xu hướng
truyền thông của những người thực hiện.
Áp lực có chăng đối với báo Giác Ngộ là điều tra, phản
biện những thông tin, hình ảnh, các hoạt động không minh bạch, lợi dụng Phật
giáo để làm chuyện tà giáo, trục lợi cá nhân qua sự tố giác, phát hiện của bạn
đọc. Bên cạnh đó, là những khiếu kiện của Tăng Ni Phật tử khi tài sản nhà chùa
bị xâm hại, bị tranh chấp bất hợp lý mà qua nhiều lý do khách quan, báo Giác Ngộ
vẫn chưa đáp ứng được những nguyện vọng thiết thực này.
Áp lực trong nghề báo và tai nạn nghề nghiệp luôn bên
cạnh nhau, rất mong manh. Trong đào tạo phóng viên báo chí, ngành báo chí -
truyền thông không có những đề án về kỹ năng trui rèn và bản lĩnh nghề nghiệp
cho sinh viên trước những áp lực đặc thù của loại hình báo chí. Thực tế trải
nghiệm luôn là bài học lớn quý giá, song nếu chúng ta đúc kết được những kinh
nghiệm từ những bối cảnh đã và đang trải qua, từ những bài báo thành công mà
phải chịu nhiều áp lực, thì cũng có thể chúng ta sẽ có những tài liệu hướng dẫn
tiệm cận để sau khi được đào tạo, phóng viên tiếp cận thực tế và đón nhận, giải
quyết nó trong một tư thế ít rủi ro và bất trắc hơn. Đó là quan điểm về bảo vệ
nhà báo của SPJ, Hiệp hội Các nhà báo chuyên nghiệp. Nhà báo Trần Ngọc Châu -
Giám đốc Kênh Truyền hình Kinh tế Tài chính FBCN đã kết luận: “Nếu không có
áp lực thì đó không phải là nghề báo”.