Kiểm lâm và lâm tặc


Tác giả: Khánh Linh
18/12/2011 20:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 48302
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có hay không những kiểm lâm thông đồng tiếp tay cho tặc lâm, là bạn bè chiến hữu của tặc lâm, ăn chung ngủ chung và có lợi ích chung với tặc lâm.


Tôi hỏi ông bạn nối khố làm bên lâm nghiệp kiểm lâm là gìtặc lâm là gì. Bị bất ngờ nên ông bạn có vẻ ngắc ngứ, đưa cả chuyện chữ nghĩa bên Hán bên Tàu ra giải thích, lòng vòng mà khó nhớ quá. Tức khí, tôi mới nói ông cứ hiểu đơn giản kiểm lâm là kiểm rừng, giữ rừng, phàm là chuyện kiểm tra kiểm soát không để cho của cải trên rừng thất thoát là việc của ông. Còn tặc lâm là nói ngược của thằng lâm tặc, thằng đi phá rừng, ăn trộm rừng. Việc của nó là đối lập với việc của ông, cho nên ông với nó không phải là bạn, không thể ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, thế thôi.

Ông bạn tôi trố mắt giữ được rừng đâu phải dễ như ông ngồi làm báo. Rồi cứ thế, bao nhiêu là chuyện kiểm lâm và tặc lâm cứ tuồn ra. Nhờ lan man vậy mà tôi hiểu thêm rừng Nghệ An nhiều khủng khiếp, nhiều đến mức toàn tỉnh Bắc Ninh phải to lên gần 11 lần nữa thì mới bằng đất rừng Nghệ An. Ông bạn tôi còn than thở mỗi tháng để nhận được gần 3 triệu đồng tiền lương thì tôi phải giữ 1.700 ha rừng. Tôi nghe dư luận nói làm kiểm lâm có miếng ăn lắm. Lại được trả lời rằng thì cũng có mấy ghế thơm và một số làm tầm bậy là tươi thôi, còn lại có trong cuộc mới thấy bạc bẽo và gian nan lắm.

Tôi về lục trong tài liệu mới thấy chuyện về rừng của Nghệ An gần như chưa có khi nào nguội. Trước đây việc kiểm rừng giữ rừng đã khó, nay lại càng khó gấp bội phần. Thứ thì rừng rộng người thưa, thứ thì sức cám dỗ lợi ích từ tài nguyên rừng quá lớn, rồi món tặc lâm công khai lộng hành. Không phải cực đoan nhưng tôi nghĩ rằng đã có rừng là có tặc lâm, đó là điều khó chấp nhận nhưng lại là một thực tế. Cho nên tuy kiểm lâm đã phải gồng mình lên nhưng chuyện 360 ha rừng đặc dụng và phòng hộ của Nghệ An đang bị đe dọa, chuyện tặc lâm ngang nhiên vác dao chém sả tay kiểm lâm, chặt phá rừng và vận chuyển gỗ ngày càng nhiều cũng không phải là lạ đối với dư luận xã hội.

Cảnh phá rừng ồ ạt tại Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Dân trí

Câu hỏi cần đặt ra và phải có câu trả lời là tại sao máu rừng vẫn chảy, tại sao chủ rừng lại sợ kẻ ăn trộm rừng, tại sao tặc lâm lại qua mặt được kiểm lâm dễ dàng đến vậy.

Một lần trà dư tửu hậu, ông bạn kiểm lâm thổ lộ kiểm lâm hiện nay chỉ là thứ miệng hùm sức sứa thôi. Mang tiếng là bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, rồi lại có quyền khởi tố điều tra hình sự các hành vi phá rừng nhưng địa hình rừng thì vô cùng hiểm trở, cơ chế quản lý lại rất thông thoáng và đời sống của dân đang chủ yếu dựa vào rừng. Cả cánh rừng hút tầm mắt với hàng ngàn ha nhưng chỉ dăm sáu nhân viên, sức người lội suốt ngày cũng không hết đèo cao dốc đứng, súng ống thì chủ yếu để dọa oai chứ không dễ mà được bắn. Chuyện đó bọn tặc lâm biết hết, thậm chí tặc lâm còn có thêm món võ liều, bất chấp, khi cần là đối mặt đổ máu bằng gậy gộc dao kiếm. Thế thì chả trách chủ rừng phải kiềng mặt với kẻ trộm rừng.

Nhưng ngành kiểm lâm cũng phải tự kiểm lại mình. Có hay không mỗi năm hàng ngàn m3 gỗ vẫn nhẹ nhàng trôi qua các trạm kiểm lâm, tặc lâm xẻ gỗ ngay trên đường tuần tra biên giới và ngạo nghễ ngồi chờ kiểm lâm mở sào chắn để qua trạm; có hay không những kiểm lâm thông đồng tiếp tay cho tặc lâm, là bạn bè chiến hữu của tặc lâm, ăn chung ngủ chung và có lợi ích chung với tặc lâm. Những chuyện đó chắc chắn kiểm lâm phải biết rõ. Chưa qua 9 tháng của năm 2011 mà Chi cục kiểm lâm Nghệ An đã phải kỷ luật 1 hạt trưởng và 4 kiểm lâm viên, bắt giữ xử lý đến 1.081 vụ vi phạm và tịch thu hơn 2,4 ngàn m3 gỗ. Con số đó so với thực tế còn là một khoảng cách xa vời nhưng cũng đã cho thấy câu chuyện về kiểm lâm và tặc lâm đã nóng lên nhiều lắm. Bây giờ nhiều người nói tội ăn trộm tài nguyên rừng đang kỳ náo nhiệt. Có tờ báo còn viết chuyện đi phá rừng đông vui không khác trẩy hội, các dịch vụ ăn theo như lắp ráp sửa chữa xe máy 4 giảm xóc (để chở gỗ) hay sửa chữa cưa xăng đã nâng tầm thành chuyên nghiệp hóa. Đến độ này thì máu rừng không chảy mới là chuyện lạ.

Tài nguyên rừng là vàng ròng của đất nước. Rừng thân thiện với người nhưng rừng cũng đầy bí ẩn, khi bị tàn phá quá mức thì rừng sẽ gây ra không biết bao nhiêu là hậu quả về biến đổi môi trường sinh thái, tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của cộng đồng. Quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội nhưng chủ yếu vẫn là của kiểm lâm. Câu chuyện về tặc lâm sẽ còn rất dài kỳ. Do vậy kiểm lâm phải luôn tự chủ động xác định mình là chủ rừng, bảo vệ rừng, không thể và không bao giờ đi làm sân sau nối giáo cho tặc lâm phá rừng và ăn trộm tài nguyên rừng.

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-16-kiem-lam-va-lam-tac


Âm lịch

Ảnh đẹp