04/08/2011 05:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 72023
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vật vã những "bộ xương" sống

Thứ Năm, 28/07/2011 10:24

(NLĐO)- Liên Hiệp Quốc hôm 27-7 đã tuyên bố nạn đói trên 2 khu vực ở miền nam Somalia và cảnh báo vấn nạn này có thể lan rộng hơn nhiều trong vòng 2 tháng nữa ở quốc gia vùng Sừng Châu Phi này nếu các nhà tài trợ trên thế giới không ra tay kịp thời.


Somalia đang vật vã trong nạn đói, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm người chết đói và cái khiến người ta ám ảnh hơn cả ở nơi này chính là đôi mắt của những đứa trẻ - mà phần lớn hình hài giờ đây không khác gì một “bộ xương” mà cơ hội sống sót quá mong manh.
 
Bé 7 tháng tuổi Mihag Gedi Farah, người Somalia chỉ còn da bọc xương vì nạn đói. Cân nặng của cậu bé chỉ bằng một đứa trẻ sơ sinh.
Ánh mắt Mihag khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi day dứt
 
Khi tới “bệnh viện dã chiến” của Ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC) tại một trại tị nạn ở Dadaab, Kenya cùng người mẹ dường như đã kiệt sức sau chuyến đi bộ kéo dài cả một tuần ròng, Mihag đã ở trong tình trạng nguy kịch, cơ hội sống chỉ còn 50%.

Mihag chỉ là một trường hợp điển hình của 800.000 đứa trẻ mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo có thể chết ở khu vực Sừng Châu Phi trong nạn hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ qua.
Trẻ em cầu cứu!
 
Các nhân viên cứu trợ đang khẩn trương đưa cứ trợ tới các khu vực nguy hiểm và trước đó chưa được tiếp cận của Somalia, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 qua.

Theo báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nạn đói là Bakool và Lower Shabelle ở miền Nam Somalia.

Ông Mark Bowden - Điều phối viên nhân đạo cho Somalia của LHQ cho biết, tình trạng khẩn cấp có thể sẽ lan rộng đến 6 khu vực khác nữa tại miền Nam Somalia nếu như việc viện trợ vẫn bị trì hoãn.
 
Người ta ra đi vì tuyệt vọng

Tuyệt vọng vì cơn đói, mỗi ngày hơn 3.000 người tuyệt vọng phải vượt biên sang các nước láng giềng là Ethiopia và Kenya để đi tìm lương thực. Trong số những người chạy nạn, có hơn 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Kết quả là họ bị hồi nhét vào các trại tị nạn như Dadaab ở phía bắc Kenya. Hàng chục ngàn người lại tìm đường tới thủ đô Mogadishu của Somalia xếp hàng dài đợi Chính phủ ban phát chút thức ăn để cầm hơi.
 
Nhiều phụ nữ xếp hàng bên ngoài trại cứu trợ gần thủ đô Mogadishu của Somalia nhận đồ cứu trợ

Còn nhiều người đói ở đất nước “đau khổ” vẫn còn ở rất xa nguồn thức ăn cứu trợ và không được tiếp cận với các bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến ở trại tị nạn ở Kenya và Ethiopia.

Ánh mắt ám ảnh của những đứa trẻ đói, những hình hài chỉ còn da bọc xương, những khuôn mặt choắt lại vì cái đói… có thể bắt gặp nhan nhản ở đất nước này.
 
Sirat Amine, một chuyên gia dinh dưỡng tại IRC, cho hay cơ hội sống sót trường hợp cậu bé Mihag Farah là 50/50. Bé chỉ nặng 3,4kg, trong khi một đứa trẻ 7 tháng tuổi phải nặng gấp 3 lần số cân đó.

Một y tá cho biết: “Mihag Farah bị suy dinh dưỡng cực kì nghiêm trọng”.
 
“Tất nhiên chúng tôi không nói với bà mẹ rằng cậu bé có thể không qua khỏi. Chúng tôi cố gắng không để họ mất hết hi vọng”, Amine nói.

Mẹ của bé Mihag Farah, chị Asiah Dagane vô cùng đau lòng trước tình cảnh của con trai, chính chị cũng thê thảm không kém. Chị chia sẻ rằng chị thấy đau đớn trong lòng và cả trong tâm trí nữa.

Mihag là cậu út trong gia đình có 7 người con. Mẹ Asiah Dagane đã đưa cậu cùng 4 người anh chị em khác từ Kismayo, Somalia tới phía bắc Kenya sau khi toàn bộ đàn cừu và gia súc của gia đình bị chết vì hạn hán. Hành trình của họ kéo dài 1 tuần.

Đợt hạn hán kéo dài của Somalia trở thành nạn đói bởi vì chính phủ Somalia và nhiều tổ chức cứu trợ không thể triển khai hoạt động ở những khu vực do các phiến quân al-Shabab – chi nhánh Somalia của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Các tổ chức cứu trợ trong đó có WFP đã không thể tiếp cận với những khu vực đang dưới quyền kiểm soát của phiến quân al-Shabab. Nhiều cán bộ cứu trợ nhân đạo của WFP đã bị al-Shabab giết một cách dã man.

LHQ tuyên bố sẽ chuyển khẩn cấp bằng hàng không hàng cứu trợ vào cuối tuần này cố gắng tiếp cận ít nhất 175.000 trong tổng số 2,2 triệu người Somalia vẫn chưa được trợ giúp.

Chiến dịch cứu trợ 4 quận ở miền nam có thể bắt đầu ngày 28-7, nhưng vận chuyển hiện đang là một vấn đề lớn bởi đường xá tới đây rất khó khăn.

Được biết LHQ đã kêu gọi 3 “đại gia” của thế giới là Pháp, Ý và Đan Mạch đóng góp 1 tỉ USD để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại vùng Sừng châu Phi, nhưng các nước này chỉ đóng góp 200 triệu USD. LHQ cho biết cần 1,6 tỉ USD trong vòng 12 tháng tới để duy trì công tác cứu trợ tại vùng Sừng Châu Phi, với 300 triệu USD trong số đó cho 3 tháng tới.
Thu Hằng (Theo Daily Mail)


Âm lịch

Ảnh đẹp