18/10/2013 10:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 2454
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng




Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc mang tầm nhìn hướng biển.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc mang tầm nhìn hướng ra biển 
- Ảnh tư liệu

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tầm nhìn hướng biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn nguyên lịch sử văn hóa của nó. Cụ sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hết sức đặc biệt. Quảng Bình là nơi về mặt thời tiết khí hậu nhiều mặt rất dữ dằn. Ở đó người dân sẽ không đủ sống nếu chỉ bằng nông nghiệp trồng lúa nước. Quảng Bình - Quảng Trị là chỗ hẹp nhất của Việt Nam, trên là núi rừng, đồng bằng không đáng kể nên dân ở đó nếu chỉ chăm lo cày cuốc, sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước thì không tồn tại được.

Quảng Bình có nhiều biến động bất thường của thiên nhiên nên người ở đó phải tính đến chuyện tìm các nguồn sống khác. Một trong những cái quan trọng nhất là không tiến ra biển thì không tồn tại được, không sống lâu dài được. Nên người Quảng Bình là người chinh phục biển đảo mạnh nhất Việt Nam.

Dọc dải đất Việt Nam chỗ nào cũng có Cảnh Dương. Đi vào cù lao Thu cũng có Cảnh Dương, Phú Quý cũng có Cảnh Dương, ra tận Thổ Chu cũng là Cảnh Dương. Trong số đó, Cảnh Dương ở Quảng Bình vươn ra biển mạnh nhất. Cảnh Dương nghĩa là “làng ở cửa biển” - cũng là chỗ mà sắp tới là nơi cụ yên nghỉ.

Người Quảng Bình phải vươn ra biển thì mới phát triển được nên không phải ngẫu nhiên người anh hùng mở cõi Nam Bộ rất nổi tiếng Nguyễn Hữu Cảnh chính là người Quảng Bình. Năm 1698, năm Nguyễn Hữu Cảnh được vua giao cho đi kinh lý, lập ra vùng Gia Định. Đó là lần đầu tiên người Việt mở nền hành chính ở Nam Bộ. Đấy là người anh hùng mở cõi vĩ đại.


Nơi sắp tới là chỗ an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là Cảnh Dương 
- “làng ở cửa biển” - Ảnh: Trương Quang Nam

Cụ Võ Nguyên Giáp sinh ra trên vùng đất đó, trong bối cảnh như vậy, lại là người tài ba lỗi lạc cho nên cái nhìn hướng biển của cụ là có căn nguyên, sau này thể hiện rất rõ. Khi trưởng thành, đi học, cụ lại là người giỏi lịch sử và địa lý. Những yếu tố đó hòa quyện tạo thành cái nhìn, thế đứng, tư cách vĩ đại Võ Nguyên Giáp.

Quảng Bình lại là nơi sức mạnh của người dân dễ được huy động đến mức cao nhất cho những sự nghiệp lớn. Không phải ngẫu nhiên đó cũng là nơi phát sinh ra câu mà sau này cụ Hồ nói lại là “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu đấy là xuất phát từ Quảng Bình.

Bám đất, dựa dân, vươn ra biển

Lúc tôi nghiên cứu chiến thắng Bạch Đằng năm 938, thấy rất rõ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu về chiến tranh nhân dân trên biển. Bạch Đằng là chiến công kỳ diệu đầu tiên của dân tộc mà lại là chiến thắng ở địa đầu sông nước. Bằng sức mạnh toàn dân, chỉ trong vòng một ngày đã nhấn chìm toàn bộ đạo quân xâm lược. Trận đánh trên biển, ở cửa sông này đạt tới trình độ cao của nghệ thuật quân sự. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nêu ra một nguyên tắc: Chúng ta phải bám chắc lấy đất liền, phải dựa hẳn vào dân thì mới vươn ra ngoài biển được. Theo đó, chiến tranh nhân dân trên biển phải bám chặt lấy đất liền, phải dựa vào dân, trên cơ sở khai thác, huy động tối đa sức mạnh của dân thì mới làm chủ chiến trường sông biển.

Sau này tôi đọc luật Biển mới thấy, hóa ra luật trên thế giới cùng dựa trên nguyên tắc đất khống chế biển. Như vậy, cụ đã có tổng kết ở trình độ cao. Nếu nói biển mà chỉ hình dung biển chỉ có đảo, chỉ có nước mà không có người thì biển đó vô nghĩa. Biển muốn thành nguồn lực phát triển của đất nước, dân tộc thì người dân ven biển phải vươn ra chiếm lĩnh biển khơi.

Thoạt tiên, tôi chỉ cảm nhận Võ Nguyên Giáp nghiên cứu về quân sự để nói chuyện đó. Nhưng sau này khi cụ trở thành Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật kinh tế tôi mới thấy tư tưởng vươn ra biển, chiếm lĩnh biển là tư tưởng có tính chiến lược tổng hợp của cụ. Chiến lược biển ở Việt Nam ta, người đầu tiên phát triển một cách có lớp lang chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khẳng định chủ quyền trên biển Đông

Đại tướng là người đầu tiên nghĩ đến phải đồng thời giải phóng Trường Sa khi giải phóng Sài Gòn. Khi chiến trường Tây nguyên mở ra, đánh Buôn Ma Thuột, cụ đã đặt vấn đề hải quân cần giải phóng tất cả các đảo khi ấy do chế độ Sài Gòn nắm giữ.

Cụ nói phải chiếm lại ngay, kẻo chậm thì người khác sẽ chiếm mất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ra lệnh giải phóng các đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa. Nên nhớ, lúc đó còn chưa đánh Sài Gòn mà mới chỉ thắng ở cao nguyên Buôn Ma Thuột. Khi đó hải quân của ta còn yếu, phải kéo quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng ra biển, chiếm một loạt đảo..

Đặt trong hoàn cảnh dồn sức giải phóng miền Nam, ít người nghĩ chuyện giải phóng đảo, càng thấy đó là quyết định vĩ đại.

Nếu Đại tướng không làm vậy, nước khác sẽ lấy các đảo trên, còn chúng ta khó có thể giành lại được. Chưa kể, nếu ra chiếm đảo của Việt Nam Cộng hòa tức là ta tiếp quản chính quyền theo đúng luật pháp quốc tế.

Nguồn lợi biển

Thời kỳ làm Phó thủ tướng, Võ Nguyên Giáp nói nhiều về biển đảo. Trong đó có những câu như: “Chúng ta phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả để thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển sẽ đem lại cho đất nước ta”.

Cụ thấy rõ, chúng ta có truyền thống hướng biển nhưng cũng nhiều khi xao lãng nó. Đã có những khi ta nghĩ ta chỉ cần loanh quanh ở những “cánh đồng năm tấn”, hay làm muối, làm mắm.

Đại tướng cũng nói về việc khai thác dầu khí ở biển Việt Nam. Theo ông, việc khai thác năng lượng thủy triều cũng là việc phải đặt ra rồi. “Có thể có những máy điện thủy triều được không, các đồng chí nghiên cứu vật lý phải xem kỹ. Ngành cơ khí phải đi trước một bước”, ông nói như vậy. Ông cũng nhắc ngành sinh học biển phải đi sâu khai thác xu hướng kinh tế này, thủy động lực, khí hậu thế nào để kết luận vùng nào nuôi loài cá nào thích hợp nhất.

Tôi nhớ ông cũng đã xây dựng cơ sở quan trọng, hình thành một chương trình rất lớn của đất nước. Đó là chương trình nghiên cứu biển Đông - hải đảo. Có một số đề tài nhà nước đến năm 1993 mới nghiên cứu, nhưng đã được chuẩn bị từ trước.

Chẳng hạn, năm năm 1993, Đại học Tổng hợp Hà Nội có một đề tài nhà nước nằm trong chương trình hải đảo. Tôi làm chủ nhiệm đề tài chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa. Trước đó, còn có các nghiên cứu kinh tế, tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là nghiên cứu quốc phòng. Lúc đó cũng đã thành lập viện nghiên cứu biển ở Hải Phòng, mà thực tế là nghiên cứu về khoáng sản. Nhờ tầm nhìn của ông, chúng ta đã triển khai nghiên cứu biển khá sớm.

Có thể nói, ông là một người anh hùng dân tộc có tầm nhìn hướng biển.

GS Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển
Trinh Nguyễn (ghi)

Source : http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131011/tam-nhin-huong-bien-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap.aspx

Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=7931
 


Âm lịch

Ảnh đẹp