23/08/2012 22:32 (GMT+7)
Số lượt xem: 83023
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Đã có rất nhiều bài viết phản ánh về nạn giả sư, nhưng chẳng hiểu vì sao Giáo hội Phật giáo VN, Tăng Ni, Phật tử địa phương cũng như các cấp chính quyền vẫn… làm ngơ. Hay người ta cho rằng, những cái đã trở nên “quen thuộc” thì cứ “mặc nhiên” cho nó tồn tại. Nên… những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Lễ Vu lan và tháng… củ mật

Đã thành thông lệ, vào những ngày lễ Vu lan này, nhà nhà làm phúc, người người làm phúc. Trên thì cúng dường, dưới thì bố thí… nhưng bằng cách này hay cách khác thì tất cả đều mong những người thân của mình ở hiện tại (đặc biệt là cha mẹ) được bình an, được sống lâu trăm tuổi. Còn đối với những ai đã cài lên ngực mình bông hoa hồng màu trắng thì cũng mong cha mẹ ở nhiều đời nhiều kiếp được siêu sinh về miền tịnh lạc.

Có lẽ đây cũng là “khởi nguồn” của việc những phần tử bất hảo, lười lao động, sống bằng nghề giả sư nhân cơ hội để trục lợi. Phần vì, các chùa ở hiện tại, các nhà sư bây giờ việc làm thế nào để người ta biết đến “danh tiếng” của mình thông qua tổ chức đại lễ này, khóa tu kia mới là nhất thời, còn lại chẳng ai ngó ngàng đến việc họ đang bị những kẻ giả sư làm mất đi hình ảnh thanh tịnh, trang nghiêm mà ba đời chư Phật đã gầy dựng.

Cụ thể, những ngày này, trên đường chạy từ nhà đến chỗ làm, ngang qua khúc Lý Tự Trọng cắt Thủ Khoa Huân (Q.1, TP.HCM), tôi đã cố ngăn một cô bé phát tờ rơi đặt niềm kính ngưỡng không đúng chỗ (do cô bé không biết) cho một đối tượng… giả sư nhưng không được. Khi mà tôi kịp giải thích với em thì chuyện đã rồi.

sư giả.jpg

Sư giả trên phố Sài Gòn - Ảnh: Đinh Anh Tuấn

Ở thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện tại, chuyện kiếm được đồng tiền đôi khi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Ấy vậy mà vẫn có một "công việc" nhẹ nhàng, nhởn nhơ, không trầy da tróc vảy, không đổ mồ hôi, không sôi nước mắt mà vẫn kiếm bộn tiền.

Chuyện chẳng của riêng ai

Việc truyền bá Chánh pháp đến với Phật tử là trách nhiệm, là bổn phận của những người “ăn cơm tín thí”, thế nhưng chuyện đưa giáo lý Phật vào cuộc sống đã trở nên rối rắm, màu mè, đôi khi còn có cả việc… trá hình. Con sâu làm rầu nồi canh, qua những phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có thể thấy những câu chuyện về các “nhà sư” luôn là đề tài để thiên hạ bàn tán, dèm pha… Không có lửa hỏi sao có khói, cũng bởi hệ thống quản lý của T.Ư Giáo hội còn quá lỏng lẻo. Các thầy thì bận trăm công ngàn việc, không có thời gian để mắt đến đệ tử của mình. Cũng từ khoảng trống này, mà nhiều thầy tu trẻ đã “tự tung tự tác” để tìm cách thể hiện bản thân, để khẳng định cái tôi của mình. Tuổi đời, cộng với kinh nghiệm sống, kinh nghiệm từng trải chẳng được là bao, để rồi bất cứ lúc nào cũng có thể trượt dài trong cái mà Phật gọi là … đời ngũ trược.

Trở lại tháng… củ mật, tinh thần của ngày lễ Vu lan ngày càng bị lung lạc, người Phật tử đôi khi cũng chẳng biết thế nào là đúng sai khi mà các thầy mạnh ai nấy nói, nấy giữ. Còn những người có niềm tôn kính Phật, tin vào giáo lý của Ngài mà chưa có cơ hội để trở thành Phật tử thì… mênh mang tiền lộ. Họ ít có thời gian để đến chùa, vì vậy không được tiếp xúc với nguồn giáo lý thậm thâm, không biết được nền tảng của tư tưởng Phật giáo… Thậm chí, đối với những Phật tử thuần thành, từng ngày, từng giờ siêng năng đến chùa, thử hỏi đã bao giờ họ được quý thầy dạy cho cách phân biệt đâu là… sư thật và đâu là… giả sư? Hoặc đơn giản là việc cúng dường, nên cúng ở trong chùa hay ở ngoài đường, và những kẻ khoác áo màu vàng, vai mang chiếc túi, cầm cái bình trên tay mà mắt cứ nhớn nhác… thì có nên cung kính không? 

Cứ như vậy, chuyện giả sư vào tháng “củ mật” cứ mặc nhiên tồn tại, và tồn tại trong nỗi đau dai dẳng, tận cùng của những người con Phật.

Làm gì để thay đổi?

Ngoài kia, khi mà một mùa Vu lan nữa lại về, điều đó cũng bắt đầu cho một mùa… giả sư với những vụ làm ăn không cần đầu tư, thì trong này tôi lại ngồi và suy ngẫm, rồi đặt cho mình những câu hỏi đại loại như… làm gì để thay đổi?

Tôi dám chắc chắn rằng, thay đổi “tệ nạn” này không phải chuyện một sớm một chiều, mà là chuyện… đường dài, nếu như T.Ư Giáo hội không có sự mạnh mẽ và quyết đoán, nếu như quý Tăng Ni vẫn bàng quan với những chuyện mắt thấy tai nghe… và nếu như chuyện giả sư vẫn không được gióng lên một hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng dân cư. 

Những bài báo viết, những hình ảnh sư giả trên internet chẳng thấm vào đâu so với một đất nước hơn 80 triệu dân như ở Việt Nam.

Một phóng sự về nạn giả sư được phát sóng nhiều lần trên các kênh truyền hình vào giờ cao điểm như: VTV, HTV… có phải là điều khó thực hiện? Rồi từ Trung ương đến địa phương, các cấp Giáo hội lập hẳn kế hoạch “đập tan nạn giả sư” có sự kết hợp với các cấp chính quyền sở tại, lập hẳn một đường dây nóng để người dân có thể phát giác… Đó là quyền, là bổn phận, là trách nhiệm của Tăng Ni, Phật tử và những người kính ngưỡng đạo Phật, để từ đó, mỗi khi ra đường, màu áo vàng của những kẻ giả sư sẽ không còn xuất hiện, việc trục lợi từ việc… mượn danh nhà Phật sẽ không còn cơ hội để manh nha, để tồn tại. Đó cũng là ngăn ngừa người ta tạo tác tội ác làm hủy phạm Tam bảo phải đọa đày muôn ngàn kiếp vậy! 
Đinh Anh Tuấn

http://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2012/08/23/1BD411/


Âm lịch

Ảnh đẹp