22/10/2013 17:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 2016
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật tử Chánh Phước Đức (thế danh Huỳnh Thanh Nhựt) là đệ tử HT Thích Nhật Quang – trụ trì thiền viện Thường Chiếu – Long Thành Đồng Nai. Anh Chánh Phước Đức có tâm nguyện muốn tạo tác Pháp tướng của sư ông viện chủ Trúc Lâm là đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ để hàng hậu học chiêm ngưỡng noi theo gương hạnh của ngài mà tu tập.


Từ đó quyết tâm thực hiện Pháp tướng của sư ông Thanh Từ bằng sáp và được nhà sư trụ trì chùa Hoàng gia Thái Lan ở Bồ Đề Đạo tràng giới thiệu tại xưởng chế tác tượng sáp ở Bangkok.

Sau 4 tháng thực hiện, ngày nay tôn tượng Pháp tướng sư ông Thanh Từ đã thành tựu viên mãn và được đưa về Việt Nam vào ngày 16/10/2013 để tôn trí tại thiền viện Thường Chiếu – Long Thành – Đồng Nai.

Được biết toàn bộ kinh phí tạo tác tôn tượng pháp tướng của sư ông Thanh Từ do Phật tử Chánh Phước Đức phát tâm phụng cúng dưới sự chứng minh của HT Thích Nhật Quang – trụ trì thiền viện Thường Chiếu.

Sơ lược về tiểu sử Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ húy là Trần Hữu Phước, sau đổi thành Trần Thanh Từ, sanh ngày 24 tháng 7 năm Giáp Tý, 1924 tại Ấp Tích Khánh, Xã Thuận Mỹ, Huyện Trà Ôn, Tỉnh Vĩnh Long.

Thân phụ của Hòa Thượng húy Trần Văn Mão, thân mẫu húy Nguyễn Thị Đủ. Gia đình sống thanh bần, chăm lo tích phước hành thiện. Hòa Thượng sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, nên từ thời niên thiếu đã phải làm lụng vất vả.

Ngay lúc còn thơ ấu đã có tư chất trầm mặc, ít nói, thích đọc sách. Người rất mực hiếu thảo với cha mẹ và đã sớm phát lộ chí nguyện xuất trần. Sớm chìm nổi trong dòng đời cơ cực giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc, Hòa Thượng càng thấm thía nỗi đau xót thống khổ của con người, hằng ôm ấp tâm niệm: “Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sanh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ.”

Nhân duyên chín muồi, từ đó cuộc đời Hòa Thượng rẽ sang con đường sáng như chí nguyện. Ngày 15 tháng 7 năm Kỷ Sửu, 1949, sau ba tháng công quả tại chùa Phật Quang, xứ Bang Chang, Trà Ôn, Hòa Thượng được tổ Thiện Hoa thế phát xuất gia, pháp danh là Thích Thanh Từ.

Từ đây người siêng năng cần mẫn theo tổ công phu bái sám, dốc chí học Phật với một bản hoài được xác lập ngay từ lúc bước chân vào đời Tăng lữ: học hiểu Phật Pháp, tu đến nơi đến chốn, giúp người khác cùng tu. Năm 1949-1950 Hòa Thượng theo học năm thứ 3 lớp Sơ Đẳng Phật Học tại Phật Học Đường Phật Quang.

Năm 1951 Hòa Thượng học lên Trung Đẳng cũng tại chùa Phật Quang, sau dời lên chùa Phước Hậu. Tại đây Hòa Thượng thọ giới Sa Di do tổ Khánh Anh làm Hòa Thượng Đàn Đầu. Năm 1953, hòa Thượng theo Tổ Thiện Hoa lên Sài Gòn tiếp tục học Trung Đẳng tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang và thọ giới Cụ túc tại chùa Ấn Quang do tổ Huệ Quang làm Hòa Thượng.

Từ năm 1954-1958 Hòa Thượng học Cao Đẳng Phật Học tại Phật Học Đường Nam Việt. Như vậy, Hòa Thượng đã trải qua 10 năm học Phật, bắt đầu từ Phật Học Đường Phật Quang, Trà Ôn, kết thúc tại Phật Học Đường Nam Việt, Sài Gòn. Từ đây bước sang thời kỳ hóa đạo.

Hòa Thượng là một trong các vị Giảng Sư Ban Hoằng Pháp có uy tín lớn, được Tăng Ni Và Phật Tử xa gần mến mộ. Từ năm 1960-1966 Hòa Thượng đã giữ các chức vụ trong Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

• Phó vụ trưởng Phật học vụ.
• Vụ trưởng Phật học vụ.
• Quản viện kiêm giáo sư Phật Học Viện Huệ Nghiêm.
• Giảng sư các phật học đường Dược Sư, Từ Nghiêm.
• Giảng sư Đại Học Vạn Hạnh.

Cuối năm 1966, sau khi bế giảng khóa trung đẳng chuyên khoa tại Phật học Viện Huệ Nghiêm, Hòa Thượng xin phép Bổn Sư và Giáo Hội xin nghỉ việc để tìm chỗ ẩn tu. Chí đã quyết, người lên núi Tương Kỳ tại Vũng Tàu, dựng Pháp Lạc Thất dốc chí tu hành cho đến sáng đạo. Tháng tư năm Mậu Thân 1968, Hòa Thượng tuyên bố nhập thất vô hạn định với lời kiên quyết: “Nếu không sáng đạo, thề không ra thất.”

Đến tháng 7 nhuần năm ấy, Hòa Thượng đã đạt lý Sắc Không, thấu suốt Thật Tướng Bát Nhã. Từ đây giáo lý Đại Thừa và thâm ý Thiền được ngài khám phá tường tận.

Mùng 8 tháng chạp năm Mậu Thân, Hòa Thượng ra thất với niềm hân hoan của Tăng Ni Phật Tử xa gần. Người tuyên bố “đã đến lúc làm Phật sự”.

Từ đây, nước cam lồ rưới khắp, suối Từ Bi tuôn chảy nơi nơi. Pháp Lạc Thất xứng đáng là linh hồn của dòng Thiền Chơn Không. Nơi đây, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời tu của Hòa Thượng, mở ra một giai đoạn mới cho Phật Giáo Việt Nam và Thiền Tông Việt Nam đã viết nên trang sử mới, rực rỡ huy hoàng cuối thế kỷ 20.

Năm 1970. Hòa Thượng thành lập Tu Viện Chơn Không trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu, mở khóa tu Thiền đầu tiên với 10 thiền sinh. Năm 1974, cùng với Tu Viện Chơn Không, lập thêm 2 Thiền Viện Bát Nhã và Linh Quang cũng tại Vũng Tàu, mở khóa 2 với hàng trăm Tăng Ni tu học và hàng trăm Phật Tử thính pháp.

Từ đây Hòa Thượng khởi đầu thực hiện hoài bão khôi phục Thiền Tông Việt Nam, lấy tinh thần Phật Giáo Thiền Tông đời Trần làm kim chỉ nam cho mọi công trình giáo dục Tăng Ni, hoằng dương Phật Pháp.

Từ sau năm 1975 bắt đầu giai đoạn chuyển mình trong sự nghiệp phục hưng và hoằng hóa Thiền Tông Việt Nam của Hòa Thượng. Đầu tiên, các Tu Viện, Thiền Viện trong khu vực núi Lớn, Vũng Tàu dời về Long Thành, Bà Rịa, phát triển thành các Thiền Viện mang tên CHIẾU: Thường Chiếu (1974), Viên Chiếu (1975), Huệ Chiếu (1979), Linh Chiếu (1980), Phổ Chiếu (1980), Tịch Chiếu (1987), Liễu Đức (1986). Năm 1993 thành lập Thiền Viện Trúc Lâm Phụng Hoàng trên núi Phụng Hoàng, Đà Lạt.

Từ đây dựng lập tông phong, đẩy mạnh công cuộc phục hưng và hoằng hóa Thiền Tông Việt Nam, khởi đầu công cuộc phục hưng Thiền Tông đời Trần. Bước sang thế kỷ 21, hoa Thiền nở rộ trên đất nước Việt Nam và các nước thuộc các châu lục trên thế giới. Năm 2002, khởi đầu là công trình tái thiết Chùa Lân, lập thành thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, khơi dậy mạch nguồn Thiền chốn Tổ.

Đến năm 2005, dựng lập Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, khơi dậy mạnh nguồn Thiền nơi chiếc nôi của Phật Giáo Thiền Tông Việt Nam. Nguồn nước Phật Pháp từ đây tuôn chảy khắp miền đất nước.

Cho đến nay đã có trên 60 Thiền Viện, Thiền Tự được thành lập và trên 100 đạo tràng học Phật tu Thiền theo thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Đặc biệt trang sử Phật Giáo Thiền Tông Việt Nam thế kỷ 21 đã ghi một nét son sáng chói sau gần 20 thế kỷ hoằng truyền trên đất nước Việt Nam. Đó là Thiền Tông Việt Nam, đã truyền sang các nước từ Châu Âu, Bắc Mỹ châu sang Úc Châu.

• Tại Hoa Kỳ : thành lập trên 10 Thiền Viện, Thiền Tự.

• Tại Canada : thành lập 2 Thiền Viện.

• Tại Pháp : thành lập 1 Thiền tự.

• Tại Úc : thành lập 5 Thiền Tự.

Hòa Thượng cũng đã góp sức trùng tu 2 tổ đình Phật Quang và Phước Hậu tại Trà Ôn, Vĩnh Long và trùng tu chùa Lưỡng Xuyên (Phật Học Đường Lưỡng Xuyên) tại Trà Vinh. Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ cũng đã đi du hóa và thăm viếng các nước: Campuchia (1950), Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản (1965), Trung Quốc (1993), Pháp (1994, 2002), Thụy Sỹ (1994), Canada (1994, 2002), Indonesia (1996), Hoa Kỳ (1994, 2000, 2001, 2002), Úc Châu (1996, 2002). Tổng số Phật Tử đã quy y với Hòa Thượng (từ 1970-2003) tại Việt Nam: 75260 Phật Tử, tại các nước ngoài: 9600 Phật Tử. Tổng số lên đến: 84860.

Hòa Thượng Trúc Lâm đã thắp sáng ngọn đèn Thiền sau ngót 100 năm thiền Tông Việt Nam đã lụi tàn và mất dấu. Sự hồi sinh của Thiền Tông trên đất nước Việt Nam đã mang lại cho người con Phật Việt Nam niềm tin Chánh Pháp của đức Phật Tổ Thế Tôn, hiểu rõ và trân quý truyền thống tổ tiên đã dày công dựng lập ngôi nhà Phật Giáo Thiền Tông Việt Nam phù hợp với văn hóa dân tộc. Sự hồi sinh này đem Phật Pháp làm lợi lạc quần sanh và nhất là thức động cho bao người con Phật lòng khát khao Giác Ngộ và Giải Thoát như đức Phật đã hành trì và chỉ dạy từ hơn 2500 năm trước, cho đến ngày nay vẫn là ánh từ quang soi tỏ lối về cho bất cứ ai đang thao thức tìm lại chính mình.

Xin giới thiệu những hình ảnh về pháp tướng của sư ông Thanh Từ tại xưởng đúc tượng sáp ở Bangkok – Thái Lan.

TTT.jpgTTT (1).jpgTTT (2).jpgTTT (3).jpgTTT (4).jpgTTT (5).jpgTTT (6).jpg

Theo Hoa Thiền- PTVN

Posted by: Pháp Nghĩa

http://phathoc.net/thoi-su/phat-giao-trong-nuoc/5FE05A_tuong_sap_ht_thich_thanh_tu_da_ve_viet_nam.aspx


Âm lịch

Ảnh đẹp