12/07/2012 20:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 70795
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khoảng mươi năm trở lại đây, làng An Viên - Bắc Ninh có thêm một “ nghề phụ” mới hái ra tiền. Đó là nghề đóng giả các nhà tu hành để nhân danh chùa này đền nọ đi khắp các làng quê, đô thị miền Bắc quyên công đức, bán hương, nến, lộc phật với giá cao ngất ngưởng thu lời bất chính.

Hai kẻ h� nh nghề giả sư bị bắt

Để biết thêm tình hình, vào vai một người nhàn tản, tôi phóng xe máy đi chơi đây đó. Chỉ mươi phút ngồi ở quán nước đầu làng An Viên, tôi đã tận mắt thấy hơn chục chiếc xe máy do các "tăng ni" điều khiển từ trong chùa đi ra. “Làng mình chắc có chùa to lắm, bà nhỉ? Bao nhiêu là sư qua lại…”.

Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi chủ quán. Bà bán hàng nước tóc đã điểm bạc, dáng vẻ chân chất thở dài ngán ngẩm: “Sư sãi gì đâu ông. Họ chỉ là nông dân đóng giả thành sư nam sư nữ đi các nơi để xin công đức và bán hương nến đó…”. “Đông đến vậy cơ à?”. “Đông chứ. Nghề kiếm được mà. Cả làng này đóng giả sư nam sư nữ có cả trăm người. Chẳng vậy mà dân trong vùng gọi làng tôi là “ làng giả sư” đấy ông ạ…” Bà phân trần, nét mặt đượm buồn.

Tôi lần dò vào làng chơi. Theo trí nhớ của ông Q, nguyên trưởng thôn thì cuối những năm 90 của thế kỷ trước có mấy chị mấy cô người làng vào Nam sinh sống lấy chồng rồi lập nghiệp trong đó đã phát hiện ra nghề giả sư để đi bán hương, nến, làm từ thiện kiếm được khối tiền nên khi về quê đã truyền lại mánh lới làm ăn này cho dân làng mình. Nghe bùi tai, mới đầu có vài người đi thử sau thấy cách làm này kiếm tiền được người nọ bèn rủ người kia rồi cả làng kéo nhau đi làm sư giả. Có gia đình đi 2 – 3 người cả mấy anh chị em ruột, cả bố mẹ cũng tham gia.

Họ may quần nhuộm nâu, áo cà sa mặc vào, cổ cũng mang chuỗi tràng hạt dài để đóng giả sư đi hành nghề. “Sư” ở đây được chia thành hai loại: loại đi quanh năm và loại sư mùa vụ. Sư đi quanh năm là bỏ hẳn cầy cuốc còn sư mùa vụ chỉ đi lúc nông nhàn; tháng ba ngày tám là thu xếp đồ nghề, hương nến lên đường. Mà hầu hết các “ sư” đều đi xe máy để vươn tới được các huyện, các tỉnh xa chứ đi bộ khất thực loanh quanh mấy xã gần kiểu “ gà quê ăn quẩn cối xay” dân đã quen mặt dễ bị lật tẩy, bị chửi rủa đuổi đánh là cái chắc. 

Mỗi vị khi đi hành nghề đều có thẻ nhà Phật đeo trước áo cà sa ghi rõ họ tên, trụ trì ở những ngôi chùa to, có tiếng nào đó cấp. Còn ai cấp thẻ này cho họ thì ngay những người trong làng cũng không được biết. Chỉ biết mười mươi đó là thẻ dởm. Trong vai nhà chùa, họ làm đủ mọi mánh khóe để moi tiền như khất thực, xin quyên góp công đức để hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa này, dựng tượng nọ…

Họ bán hương nến với giá cao gấp từ 10 đến 15 lần giá thị trường. Người Việt Nam vốn quí trong đạo Phật từ bi bác ái, vốn kính nể các tăng ni nên rất nhiều người đã bị lừa. Có sư giả còn kiếm luôn nghề bói toán xóc thẻ, xem phong thủy, địa lý đất đai mồ mả rồi phán xằng nói bậy thế mà vẫn không ít người tin sái cổ, thù lao cho họ rất hậu hĩnh. Một ngày hành nghề như vậy mỗi sư giả chịu khó lang thang vào các làng quê, ngõ ngách thị xã, thị trấn, thành phố cũng kiếm được từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.

Nhiều ni cô giả như Hà Thị Đ., Phan Thị H. mới đi vài năm đã có tiền xây được nhà mái bằng, nhà cao tầng kiên cố khang trang, có của ăn của để. Tuy nhiên nghề giả sư này cũng mang lại không ít tai tiếng xấu và hệ lụy buồn. Nguyễn Thị Thoa 27 tuổi đã bị công an Hải Phòng bắt quả tang khi vừa đút túi được hai triệu đồng tiền quyên góp trái phép ở quận Lê Chân. Ở chợ Ninh Hiệp – Đông Anh, Hà Nội, 2 sư giả khác của làng An Viên, là Phan Thành Chung và Nguyễn Thị Hòa cũng bị bà con bắt tại chỗ giao cho chính quyền xử lý vì tội lừa đảo...

Rõ ràng đây không thể gọi là "nghề phụ" như một số người trong làng ngộ nhận. Vì nghề phụ phải là nghề chân chính, dùng sức lao động của con người làm ra sản phẩm của cải vật chất cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế. Chứ còn “ nghề giả sư” này chỉ là hành vi, mánh khóe kiếm tiền một cách gian manh chụp giật, phạm pháp cần phải xử lý bằng pháp luật để trả lại sự yên bình lành mạnh hiền hòa trong sạch vốn có của làng quê Việt Nam.


Thế Trường

Theo phapluatvn


Âm lịch

Ảnh đẹp