Vụ việc chùa Chân Long (Chàng Sơn, Hà Nội):

Không chỉ là “bài học cho Phật giáo Hà Nội”

19/11/2013 05:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 1121
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


GN - Trong thời gian gần đây, cùng với các thông tin dồn dập về cơn bão Hải Yến với sức tàn phá khốc liệt sau khi quét qua Philippines, vượt biển Đông, đổ bộ vào nước ta thì trên các trang mạng cùng một số báo in xôn xao về vụ việc ở chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội), di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận từ năm 1991. 


Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google gõ mấy chữ “chùa Chân Long”, chỉ trong 0,28 giây đã có báo cáo 6 triệu kết quả!

>> Khi di tích bơ vơ giữa dòng
>> HT.Thích Bảo Nghiêm: "Thầy Phượng đã nhiều lần bị nhắc nhở"

Chan Long.jpg
Pho tượng trước khi bị người dân đưa ra khỏi chùa

Một đoạn phim quay cảnh một số người trong vùng có hành vi thiếu kiểm soát, tự ý hạ tượng (Phật hoàng Trần Nhân Tông), bỏ lên xe tự chế đưa ra khỏi chùa, kéo đi quanh chợ và các hình ảnh khiếm nhã khác đối với pho tượng cũng đã gây “bão” trong dư luận. Lý do rất cảm tính, chỉ vì pho tượng có gương mặt “giống” vị sư trụ trì!

HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội đã lên tiếng trả lời các phóng viên bên lề phiên họp của Quốc hội. Nhận định sơ bộ về tính cách của vị trụ trì cũng đã được Hòa thượng phát biểu trước công luận.

Rồi những chuyện liên quan đến vị sư trụ trì, hiện trạng chùa Chân Long không còn nằm im ở một ngôi làng quê yên ả nữa, mà được các trang mạng, báo chí mô tả đến ngóc ngách, hóc hẻm trong chùa, cả biển số xe, loại xe mà vị trụ trì đó đang sử dụng! Thông tin không chỉ dừng ở đó, mà tiếp tục bị khai thác ở nhiều góc độ khác nhau.

Chúng tôi còn nhớ trong Tuần Văn hóa Phật giáo tổ chức tại Nha Trang năm 2009 do Ban Văn hóa T.Ư phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Ban Tổ chức đã mời các kiến trúc sư, chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác bảo tồn cũng như lãnh đạo của Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng gặp gỡ với chư Tăng Ni đứng đầu ngành văn hóa Phật giáo các tỉnh - thành, trụ trì một số tự viện là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận. 

Câu chuyện giữa Luật Di sản, các văn bản pháp quy và thực tiễn cũng như nhận thức đúng về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản… là một câu chuyện rất dài, còn nhiều rối rắm. Bởi các di tích cấp quốc gia hay tỉnh, thành, nếu là tự viện thì nhất định không thể chỉ là một bảo tàng, mà trước hết hàng ngày vẫn phải duy trì nếp sinh hoạt tôn giáo của Tăng (Ni), đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử thập phương, như bao ngôi chùa khác. Thực tế hiện nay, ngoài nỗ lực bước đầu và đơn lẻ của Ban Văn hóa T.Ư trong đợt gặp gỡ và tập huấn năm 2009, chưa thấy lặp lại và đáng tiếc là chưa thấy nội dung này được đưa vào các khóa bồi dưỡng trú trì do các cấp Giáo hội tổ chức lâu nay.

Trở lại sự việc chùa Chân Long, “Đây cũng là bài học cho Phật giáo Hà Nội”, HT.Thích Bảo Nghiêm đã phát biểu như thế trước đại diện các báo đài bên lề phiên họp Quốc hội chiều 7-11 vừa qua. Thiết nghĩ, đây không chỉ là bài học cho Phật giáo Hà Nội mà cho cả Giáo hội, theo đó, Giáo hội cần có những điều chỉnh về nhân sự và đào tạo, tập huấn trụ trì các cơ sở tự viện, nếu không thì sự việc đáng tiếc tương tự sẽ vẫn còn tiếp diễn, để lại nhiều tổn thương cho Phật giáo, mà trách nhiệm của Giáo hội là không thể tránh khỏi!

Hoàng Độ

Nguon: http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2013/11/18/1E4008/


Âm lịch

Ảnh đẹp