Một trong những mục
tiêu như thế là phấn đấu giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, thống nhất của Phật
giáo Việt Nam.
Chúng ta đều biết các tổ
chức của Phật giáo Việt Nam hình thành trong bối cảnh phân phái, khá cục bộ,
manh mún.
Từ đầu thế kỷ XX, chư
liệt vị tổ sư đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng các cố gắng liên tục, xuyên
suốt, không mệt mỏi.
Nhiều vị coi đó là một
mục tiêu hàng đầu của hoạt động Phật sự, có tính chất “chiến lược”, nền tảng,
trong quá trình phát triển, xây dựng tòa nhà chung của Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam đã
trải qua 3 lần thống nhất về mặt tổ chức.
Lần thứ nhất là vào năm
1951 tại chùa Từ Đàm, Huế, thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, nhưng chỉ gồm
Phật giáo Bắc Tông.
Lần thứ hai, tại miền
Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với 11 tổ chức, hệ phái
tham gia, gồm cả Phật giáo Nam tông.
Lần thứ 3, việc thống
nhất được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Lần này, việc thống nhất mở rộng đến
nhiều hệ phái tổ chức Phật giáo hơn nữa, gồm cả các hệ phái Tăng già Khất sĩ,
Ni giới Khất sĩ, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Phật giáo Thiên Thai
Giáo Quán Tông…
Như vậy, việc thống nhất
Phật giáo cơ bản về mặt tổ chức, hành chính đã hoàn thành (trừ một vài trường hợp
đặc biệt, mà có quan điểm coi là tôn giáo khác, như đối với Tịnh độ cư sĩ Phật
hội Việt Nam…).
Tuy hoàn thành thống nhất
về mặt tổ chức hành chính từ năm 1981, nhưng đây chỉ là một trong những bước tiến
đầu tiên của Phật giáo Việt Nam để tiến tới việc thống nhất toàn diện, triệt để
hơn.
Trong thực tế, sự chia
cách giữa các hệ phái vẫn còn, nhiều tăng ni Phật tử chỉ biết đến hệ phái mình.
Trong tiến trình tiến đến
thống nhất, đoàn kết gắn bó một cách triệt để hơn, thì vẫn diễn ra một quá
trình phân ly, cục bộ hóa. Một số hoạt động của các hệ phái hướng đến việc khép
kín theo những đặc trưng riêng.
Do đó, mục tiêu thúc đẩy,
tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Phật giáo Việt Nam luôn luôn là mục
tiêu phấn đấu của những người con Phật chân chính, nhiệt thành vì sự phát triển
bền vững, chắc chắn của Phật giáo Việt Nam, dù trong bối cảnh đã có một giáo hội
chung.
Trang tin Phattuvietnam.net, với tâm nguyện của những
người thực hiện, coi mục tiêu như trên là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Trong tư duy hoạt động
đó, trang tin Phattuvietnam.net luôn
luôn hướng tới việc thể hiện mình như là tiếng nói chung của một đạo Phật Việt
Nam thống nhất, đoàn kết, gồm tất cả, gồm tất cả mọi hệ phái, tông môn…, kể cả
ngoài nước.
Tin, bài hình ảnh trên
trang tin luôn cố gắng thể hiện sự bao quát các tông phái, hệ phái, bảo đảm một
tỷ lệ cân đối, không nghiêng một cách cố ý, hay không chủ tâm, về một hệ phái
nào đó.
Mở rộng cửa của ngôi
nhà Phật giáo Việt Nam đoàn kết, thống nhất, đa dạng, Phattuvietnam.net đón nhận nguồn thông tin từ tất cả các nguồn tin
Phật giáo, từ cả nước và cả hải ngoại, miễn là bảo đảm được sự chính xác, trung
thực của nguồn tin.
Vì vậy, trên Phattuvietnam.net, chúng ta có thể tìm
thấy thông tin đầy đủ, phong phú của các hệ phái, phản ánh diện mạo chung của một
Phật giáo Việt Nam đa dạng.
Tuy nhiên, đó luôn luôn
là một sự đa dạng trong thống nhất.
Các bản tin đều được thể
hiện trong một định hướng hoạt động Phật sự chung là hoằng pháp, phát triển đạo
Phật Việt Nam trong sự thống nhất, kết hợp nhau một cách mật thiết.
Tăng ni Phật tử Việt
Nam ở các hệ phái, tông phái, tông môn, địa phương khác nhau, nếu theo dõi thường
xuyên trang tin Phattuvietnam.net, đều
có thể thấy các thông tin về mình, giáo, giáo lý mang đặc trưng của mình, tiếng
nói của mình.
Thể hiện được sự đa dạng
trong tầm mức cân bằng, hợp lý đã là khó. Tuy nhiên, khẳng định sự đa dạng đó
trong một quan hệ thống nhất lại là điều khó hơn.
Nếu không, đó chỉ là một
bức tranh thông tin lắp ghép rời rạc những gì có liên hệ đến Phật giáo Việt
Nam.
Hết sức chú trọng đến mục
tiêu nói trên, Phattuvietnam.net
trong quá trình thông tin luôn nhấn mạnh đến tâm điểm của sự thống nhất, đoàn kết,
là vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tinh thần hướng về một đạo Phật
Việt Nam chung, thống nhất đoàn kết trong nền tảng, phong phú trong sự thể hiện.
Đây là một mục tiêu, mà
việc thực hiện nó khó hơn nhiều, so với việc trình bày, thể hiện thông tin một
cách đa dạng.
Tuy vậy, nhìn vào Phattuvietnam.net, chúng ta đã thấy mục
tiêu nêu trên đã đạt được những kết quả khích lệ. Những nét lớn của trang tin vẫn
thể hiện những đặc tính chung của Phật giáo Việt Nam, bên cạnh thông tin đa dạng
của các hệ phái, tông phái, tông môn…
Tuy vậy, kết quả đạt được
vẫn còn một số hạn chế cần phải vượt qua.
Đó là âm hưởng chung của
trang tin Phattuvietnam.net còn
nghiêng một cách đáng kể về hoạt động của Phật giáo phía Bắc nói chung.
Phật giáo TPHCM, thành
phố lớn nhất cả nước, nơi có số lượng tín đồ Phật giáo đông đảo, cũng được chú
trọng, tuy chỉ ở mức vừa phải.
Nhưng sinh hoạt Phật
giáo miền Trung, nơi có tỷ lệ số lượng
tín đồ Phật giáo thuần thành rất cao, có hoạt động Phật sự mạnh mẽ, sôi nổi,
thì dường như, chưa được thông tin một cách đầy đủ, xứng tầm, có lẽ vì thiếu cộng
tác viên thường xuyên.
Vì vậy, một bức tranh
thông tin sinh hoạt Phật giáo Việt Nam thống nhất, toàn diện và cần tương xứng
đúng mức vẫn là mục tiêu phía trước của Phattuvietna.net.
Để giải quyết tình trạng
này, Phattuvietnam.net hết sức mong chờ tin, bài ảnh và cả video từ tăng ni Phật
tử các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phản ánh những Phật sự phong phú
của địa phương mình.
Có vậy, bên cạnh thông
tin thể hiện sự đa dạng thống nhất của các hệ phái tông môn, Phattuvietnam.net
mới có điều kiện tốt hơn để thể hiện sự đa dạng thống nhất của Phật giáo các
vùng miền, địa phương trên toàn quốc.
MT