20/08/2013 08:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 904
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Gần đây, với thông tin về facebook giả của các vị tôn đức tăng ni, đã có ý kiến nói về sự “hỗn loạn” thông tin mạng xã hội.




Nhận xét như vậy là thiếu hiểu biết về truyền thông, cũng như không có bản lĩnh đối với truyền thông.

Thực ra, các mạng xã hội có thể hiểu là facebook, twitter…, hay rộng hơn, toàn mạng internet, với web, blog, email… không hề hỗn loạn, mà nó đang vận động theo những cơ chế, những quy luật riêng của nó, với những đặc điểm riêng, “trật tự” riêng và kéo theo đó là những hệ quả, tất nhiên cũng đặc thù.

Con người từ trước đến giờ vẫn truyền thông với nhau. Trước khi có internet, người ta gặp nhau để trao đổi ý kiến, bàn luận, viết thư giấy cho nhau, điện thoại cho nhau… Có thể đó là những lời chân thật, những thông tin xác đáng, bổ ích. Có khi đó cũng là những lời gian dối, bịa đặt, xoi mói đời tư, lường gạt, nhảm nhí, vô bổ…

Trước đây khoảng 20 năm, những buổi tối cúp điện, người ta kéo nhau ra đường, tụm thành từng nhóm lan truyền đủ thứ chuyện, xấu, tốt, lợi, hại lẫn lộn…

Bây giờ, người ta dùng điện thoại cầm tay, máy tính bảng, dùng email, facebook, cũng giao tiếp với nhau những nội dung như vậy. Cũng chuyện thật giả, thiệt hơn, hay dở, khen chê…, ở đủ mọi lãnh vực.

Vẫn là câu chuyện muôn thuở của con người. Con người vẫn truyền thông với nhau, chỉ có cách thức là khác.

Quan trọng là cái cách thức đó. Mà đừng quan trọng chuyện chơn ngụy, hiền dữ, thẳng cong, yêu ghét. Điều đó tất nhiên là phải có. Không có gì hỗn loạn. lộn xộn cả.

Con người có những phương tiện mới: web, blog, email, facebook, twitter…, nên người ta nói bằng những cách thức mới. Nhưng bản chất của con người không khác. Cách thức mới nên hiệu quả cũng khác, cho nên có lúc chúng ta tưởng rằng nó khác. Thực ra, vẫn là con người giao tiếp với những đặc tính cố hữu của nó, trong những “trật tự” đã có từ lâu.

Internet, với những ứng dụng cụ thể của nó, tuy là một thứ media, nhưng so với báo chí, hay phát thanh truyền hình, thì internet mở ra cơ hội sử dụng cho tất cả mọi người. Từ đó, nó mới trở thành con dao hai lưỡi. Dùng theo cách nào thì tùy ở người sử dụng.

Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là internet hay facebook ra sao, mà là phải sử dụng nó như thế nào. Đó là vấn đề đặt ra đối với Phật giáo hiện nay.

Internet, với web, blog, facebook cũng như tờ giấy và cây viết. Nếu người ta dùng nó để viết, để nói, để lan truyền những điều có hại cho đạo Phật, thì ngược lại phía Phật giáo cũng có thể dùng nó để hoằng dương chánh pháp, nói, viết lời chánh ngữ.

Chúng ta thấy internet hay facebook “hỗn loạn” khi chúng ta không làm chủ được nó, không giữ được thế thượng phong trong hoạt động, không ở vị thế tích cực đối với nó.

Không có sự “hỗn loạn” trong truyền thông nói chung đối với Phật giáo, mà chỉ có vị trí của Phật giáo trong truyền thông. Nếu Phật giáo rơi vào thế bị động, bất lợi thì ắt cái nhìn lúc đó là hỗn loạn. Còn ngược lại, nếu Phật giáo đạt được thế chủ động, thì truyền thông, hay cụ thể là web, blog, hay facebook sẽ có trật tự riêng của nó.

Hiện nay, có ý kiến từ Phật giáo xem truyền thông mạng là “hỗn loạn”, thì điều đó nói lên PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐANG BỊ ĐỘNG TRƯỚC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG MẠNG.

Trong tình trạng này, truyền thông mạng là bất lợi cho Phật giáo.

Có ý kiến nêu trách nhiệm Ban Truyền thông. Thực ra đây là vấn đề đối với Phật giáo nói chung, vì vậy, để giải quyết, cần phải có sự nỗ lực chung của Phật giáo. Hơn nữa, cụm từ mạng xã hội cho thấy mối liên hệ của nó đối với tất cả mọi người liên hệ, không dừng lại ở một giới hạn nào, không là trách nhiệm của một đơn vị nào. Truyền thông mạng xã hội Phật giáo là tổng số thành hoạt động của tăng ni Phật tử.

Để giải quyết “hỗn loạn” thông tin mạng xã hội, chỉ thấy sự “hỗn loạn” mà không thấy trật tự của nó thì sẽ không có cách lập lại trật tự tự thân của nó. Chỉ có thể giải quyết bằng cách đẩy mạnh truyền thông Phật giáo, nâng cao vị thế, tác động của truyền thông Phật giáo, giữ quyền chủ động truyền thông.

Khi Phật giáo Việt Nam đã giữ vai trò chủ động trong hoạt động truyền thông, thì tự khắc, đối với Phật giáo, truyền thông không còn “hỗn loạn”, dù đó là web, blog hay face book, twitter…

MT

 


Âm lịch

Ảnh đẹp