03/10/2013 15:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 1127
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với TT.Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư...




GN - Vừa qua, phái đoàn GHPGVN do HT.Thích Thiện Nhơn, Q.Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị các thành viên sáng lập lần thứ nhất của Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC), từ ngày 9 đến 14-9-2013 tại Ấn Độ.

Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với TT.Thích Nhật Từ (ảnh), Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư về tổ chức này và một số vấn đề trong chính sách đối ngoại của GHPGVN.

Anh 1, PGTT 708.jpg

Được biết Thượng tọa là người từng tháp tùng HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư tham dự các hội nghị trước đây bàn về việc hình thành IBC, Thượng tọa có thể giới thiệu tóm tắt về lịch sử hình thành và ý nghĩa của tổ chức này trong bối cảnh hiện nay?

- Liên minh Phật giáo Thế giới (International Buddhist Confederation, viết tắt là IBC) chính thức thành lập vào ngày 27-11-2011, từ sáng kiến của Hội Truyền giáo A-dục (Asoka Mission), thủ đô Delhi, Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của ngài Gaden Tripa Rizong Setrul Rinpoche đời thứ 102 của dòng truyền thừa Delukpa và trực tiếp điều hành của HT.Lama Lobzang. Vào ngày 27, 28-8 năm 2011, Hội nghị trù bị gồm khoảng 30 thành viên sáng lập, trong đó có HT.Thích Trí Quảng và tôi, đã nhóm họp tại New Delhi để phác thảo Hiến chương, kế hoạch hoạt động của Liên minh.

Mục đích ra đời của Liên minh này là nhằm tạo ra một diễn đàn quốc tế mang tính thiết chế, dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc, nhằm giúp các truyền thống và tổ chức Phật giáo có thể chia sẻ kinh nghiệm phục vụ nhân sinh, trước những cơ hội và thách thức của thời đại toàn cầu hóa.

Liên minh này là nơi mà các truyền thống và tổ chức Phật giáo trên toàn cầu có thể chia sẻ tiếng nói thống nhất về các vấn đề và vấn nạn mà thế giới đang quan tâm, trong tinh thần tôn trọng tính đa dạng, hòa hợp vì các mục đích phát triển Phật giáo và phục vụ nhân sinh hiệu quả hơn.

Liên minh nỗ lực duy trì tính thống nhất Phật giáo, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo tại Ấn Độ, Nepal và các nước; khám phá các giá trị văn hóa tâm linh Phật giáo; đồng thời, khích lệ các dấn thân về đối thoại liên tôn giáo, đối thoại liên triết học, đối thoại với khoa học... nhằm làm nổi bật nền minh triết Phật giáo như giải pháp hữu hiệu đối với các vấn nạn và khủng hoảng mà con người đang đối diện.

Ngoài ra, Liên minh còn khích lệ và giúp đỡ các tổ chức thành viên tham gia các trao đổi giáo dục giữa các trường Phật học trên thế giới, cùng tổ chức các hội thảo quốc tế, xuất bản tạp chí và sách Phật học nhằm đáp ứng các nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng Phật học của quảng đại quần chúng.

Với các mục đích vừa nêu, Hội nghị các thành viên sáng lập lần thứ nhất của IBC có ý nghĩa rất lớn trong việc thiết chế hóa tổ chức Phật giáo mang tính nhất quán, tính hệ thống, tính cộng thông, tính hợp tác, tính hồi đáp... nhằm giúp các tổ chức Phật giáo làm Phật sự phục vụ nhân sinh một cách có hiệu quả hơn, mang lại nhiều phúc lợi và an vui hơn.

Là một trong những thành viên tham gia biên soạn Hiến chương của Liên minh, Thượng tọa cho biết cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Liên minh ra sao?

- Vào năm 2011, ngay sau khi ra mắt, Liên minh Phật giáo toàn cầu đã chính thức đăng ký theo luật Hội đoàn Ấn Độ năm 1860 với 10 thành viên Ban Quản trị mang quốc tịch Ấn Độ.

Lien minh 1.JPG

GHPGVN với đại diện là HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, 
Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư - là thành biên sáng lập Liên minh Phật giáo Thế giới - Ảnh: H.Độ

Toàn bộ hoạt động của Liên minh được quy định trong Hiến chương. Thành viên của Liên minh bao gồm: (i) Liên đoàn Phật giáo quốc gia, (ii) Tổ chức Giáo hội Phật giáo, (iii) Các hội đoàn Phật giáo, (iv) Các trường, viện và tự viện Phật giáo, (v) Các thành viên cá nhân và (vi) Các thành viên danh dự.

Liên minh gồm có các hội đồng và ủy ban điều hành như sau: (i) Hội đồng Chứng minh gồm 11 Tăng thống, Pháp chủ và các cao tăng Tây Tạng tái sinh, trong đó có Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, (ii) Hội đồng Chánh pháp tối cao gồm 18 vị, trong đó có HT.Thích Thiện Nhơn (Q.Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS) và HT.Thích Thiện Tâm (Phó Chủ tịch HĐTS), (iii) Các vị đồng Chủ tịch gồm có 8 vị, trong đó có HT.Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư), (iv) Các vị Phó Chủ tịch gồm 11 vị, (v) 1 Tổng Thư ký, 5 vị Phó Tổng Thư ký và 5 vị Tổng Thư ký danh dự, (vi) Ủy ban Thường trực gồm có (a) Ủy ban Bầu cử 5 vị, (b) Ủy ban  Bảo tồn và Phát triển di sản 14 vị và (c) Ủy ban Điều hành gồm 22 vị, trong đó, tôi là một thành viên.

Liên minh hoạt động theo tinh thần tập thể, dân chủ, tôn trọng tính truyền thống và các dị biệt giữa các Giáo hội và hội đoàn Phật giáo trên thế giới.

Là người từng tham gia nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế trong thập niên qua, với tư cách cá nhân cũng như đại biểu chính thức của GHPGVN, Thượng tọa nhận xét như thế nào về Hội nghị lần thứ nhất của IBC?

- Mỗi tổ chức Phật giáo quốc tế đều có thế mạnh riêng. Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists) do Thái Lan lãnh đạo, là diễn đàn quốc tế mà tứ chúng có thể tham dự và đóng góp. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới (World Buddhist Summit) do Nhật Bản lãnh đạo, nhấn mạnh tính thống nhất của lãnh tụ Phật giáo của 33 nước thành viên. Hội đồng Tăng-già Phật giáo thế giới (World Buddhist Sangha Council) do Đài Loan lãnh đạo, là nhịp cầu giao lưu của Tăng đoàn Phật giáo. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (United Nations Day of Vesak) do Thái Lan lãnh đạo, là diễn đàn giao lưu học thuật và văn hóa Phật giáo. Diễn đàn Phật giáo Thế giới (International Buddhist Forum) do Trung Quốc lãnh đạo, là nhịp cầu Phật giáo hòa hợp hướng về tương lai. Hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới (Sakyadhita International Association of Buddhist Women) là diễn đàn của nữ giới Phật giáo. Liên minh Thế giới về giao lưu văn hóa Phật giáo (World Alliance for the Buddhist Culture Exchange) do Hong Kong lãnh đạo, như tên gọi, nhấn mạnh các hoạt động văn hóa Phật giáo...

Hội nghị các thành viên sáng lập lần thứ nhất của Liên minh Phật giáo toàn cầu có phạm vi hoạt động rất đa dạng, bao gồm các hoạt động vừa nêu, theo tinh thần thiết chế hóa và dân chủ. Ngày đầu, ngoài các thông điệp của Pháp chủ, Tăng thống, tổ chức bầu cử nhiệm kỳ 2013-2016 v.v... còn có diễn đàn đối thoại liên tôn, diễn đàn nghệ thuật Phật giáo. Ngày thứ hai thảo luận về chuyên đề “Bảo tồn, truyền bá và sự tiếp nối hành trì của các truyền thống Phật giáo Pali và Sanskrit” gồm 3 diễn đàn: “Trí tuệ tập thể”, “Tương lai Phật giáo Ấn Độ”, “Ủng hộ và phát triển di sản Phật giáo sống động” và “Di sản tập thể của chúng ta”.

Ngày thứ ba thảo luận về chuyên đề “Xá-lợi, Thánh tích và hành hương”, diễn đàn “Phật giáo trong thế kỷ XXI” và lễ ra mắt các quyển sách mới về Phật giáo của các nhà xuất bản lớn tại Delhi. Ngày thứ tư, lãnh đạo IBC được bầu cho nhiệm kỳ mới thảo luận kế hoạch hoạt động, tài chính, ngân quỹ, nước đăng cai và các hoạt động ứng dụng của IBC.

Nhìn chung, các diễn đàn đều mang tính học thuật cao, ứng dụng rộng, mở cửa cho các đóng góp của mọi thành phần, bất luận thánh phàm, Tăng Ni, Phật tử, học giả, tuổi tác. Sau những ngày hội thảo, các thành viên của Liên minh chiêm bái xá-lợi Phật tại Bảo tàng Quốc gia Delhi, tham quan Công viên Chánh niệm Phật (Patna), Bồ Đề Đạo Tràng, cầu nguyện hòa bình thế giới và ký hiệp ước với Thống đốc bang Bihar, nơi mà phần lớn các Phật tích có mặt. Các nội dung đa dạng vừa nêu làm cho IBC trở nên khác biệt với các tổ chức Phật giáo quốc tế.

Thượng tọa có thể nói về sự đóng góp và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tổ chức quốc tế này là thế nào?

- Không chỉ là thành viên sáng lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tham gia vào các Hội đồng của IBC. Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ được suy tôn trong Hội đồng Chứng minh, cùng với Đức Dalai Lama 14, các Tăng vương Thái Lan, Tích Lan, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Bangladesh, Liên bang Nga v.v... HT.Thích Thiện Nhơn và HT.Thích Thiện Tâm được thỉnh cử vào Hội đồng Chánh pháp tối thượng cùng với 16 vị tôn đức của quốc gia khác. HT.Thích Trí Quảng, thành viên sáng lập, được bầu vào vai trò đồng Chủ tịch Liên minh cùng với 7 vị lãnh đạo Phật giáo thế giới khác. Và tôi được bầu vào Ủy ban Thường trực của IBC.

Nói cách khác, trong các Hội đồng của IBC, GHPGVN đều tham gia để đóng góp cho sự lớn mạnh của IBC. Điều này cho thấy IBC tin tưởng vào vị thế và năng lực đóng góp to lớn của GHPGVN.

Lien minh 2.JPG

TT.Thích Nhật Từ (phải) cùng chư tôn Hòa thượng đại diện phái đoàn GHPGVN
tham dự Hội nghị Liên minh Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ vừa qua - Ảnh: H.Độ

Quan sát các diễn đàn thảo luận, dường như thông tin về Phật giáo Việt Nam hầu như không được đề cập trong các truyền thống Phật giáo các nước (trong khi đó, Phật giáo các nước láng giềng với Việt Nam như Lào, Thái Lan... lại được nhắc đến). Các diễn giả dường như không quan tâm hoặc không có thông tin gì về lịch sử cũng như các truyền thống Phật giáo tại VN với chiều dài hai ngàn năm cũng như tổ chức GHPGVN. Thượng tọa có suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Có ba lý do chính. Thứ nhất, các chủ đề trong các diễn đàn của IBC không trực tiếp liên hệ đến Phật giáo Việt Nam nói chung và GHPGVN nói riêng. Thứ hai, các thư tịch và tài liệu về Phật giáo Việt Nam xuất bản bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ quốc tế hiện có là quá khiêm tốn, nếu không nói không là gì và do vậy không thể cung cấp các thông tin cần thiết để cộng đồng Phật giáo thế giới có thể hiểu tổng quát về Phật giáo Việt Nam. Thứ ba, các cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài và các học giả Phật giáo trong nước hiếm khi tham dự các diễn đàn này nên ít có cơ hội giới thiệu Phật giáo Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Theo tôi, nếu khéo khắc phục hai lý do sau, truyền thống tâm linh lâu đời của Phật giáo Việt Nam sẽ được nhiều tổ chức Phật giáo thế giới biết đến hơn. Ngoài ra, cũng cần xuất bản các tác phẩm giới thiệu chuẩn về lịch sử Phật giáo Việt Nam và về GHPGVN để các nước Phật giáo bạn có thể hiểu Phật giáo Việt Nam ta nhiều hơn. Đây là công việc đòi hỏi đến sự đóng góp của nhiều người.

Thượng tọa có đề xuất gì đối với GHPGVN về các hoạt động quốc tế trong tương lai?

- Để các hoạt động Phật giáo quốc tế của GHPGVN có nhiều đóng góp ấn tượng tại các diễn đàn Phật giáo thế giới, chúng ta cần lưu tâm một số vấn đề sau đây. Thứ nhất, tùy theo bản chất của từng diễn đàn, hội nghị/ hội thảo quốc tế, Giáo hội nên thỉnh cử những vị có năng lực chuyên môn, để có thể tham gia đóng góp. Thứ hai, không nhất thiết diễn đàn nào, lãnh đạo cao nhất của Giáo hội cũng tham dự, thậm chí tham dự quá nhiều mà chỉ mang tính ngoại giao tiêu biểu.

Thứ ba, vì là một tổ chức Giáo hội lớn, thống nhất nhiều giáo phái Phật giáo, mà phần lớn thế giới ít biết đến, số ghế đại diện của GHPGVN ta cũng chỉ bằng các tổ chức, hội đoàn Phật giáo nhỏ. Theo cách này, các cơ quan nhỏ trực thuộc Giáo hội không có cơ hội được phát biểu trong các diễn đàn. Đó là sự thiệt thòi lớn cho các thành viên tham dự. Nếu được phép kiến nghị đến lãnh đạo Giáo hội, tôi nghĩ rằng lãnh đạo Giáo hội nên tham dự với tư cách đại diện Giáo hội, các Học viện Phật giáo, Viện Nghiên cứu và các tổ chức con của Giáo hội gồm các ban ngành nên được tham dự với tư cách độc lập, để có cơ hội được biểu quyết, thuyết trình, đóng góp v.v...

Về mặt ngoại giao, khi các đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm, không nhất thiết đoàn nào lãnh đạo cao nhất của Giáo hội cũng tiếp đón. “Cử người đồng cấp tiếp khách đồng cấp” là nguyên tắc ngoại giao thích hợp. Không nên để Tăng Ni và Phật tử tự tiện “phong Thánh”, phong “Phật sống” cho một số nhân vật trong các phái đoàn Phật giáo Mật tông có nguồn gốc nước ngoài. Cũng cần nhắc nhở Tăng Ni và Phật tử không nên mặc cảm về Phật giáo nước nhà mà có các hành động đề cao thái quá một số đoàn Phật giáo Tạng truyền với các danh xưng “pháp vương”, “nhiếp chính vương”, “Phật sống”, “Thánh sống” v.v... như trong thời gian qua, vừa trái với Phật pháp, vừa dẫn đến tình trạng sính ngoại, mà lơ là tu học giáo pháp truyền thống của Phật.

Ngoài ra, Giáo hội ta nên chủ động giao lưu, tổ chức các hội thảo quốc tế với tư cách là đơn vị đăng cai, để giới thiệu đạo Phật Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam đối với cộng đồng và Phật giáo thế giới, thay vì bị động như hiện nay, khi được tổ chức nước ngoài thỉnh mời thì mới cử người tham dự.

Xin cảm ơn Thượng tọa.
www.giacngo.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp