28/02/2014 14:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 1529
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Chiều qua, 27-2, tại tòa soạn Báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiều, P.6, Q.3, TP.HCM), Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân và ra mắt ấn phẩmLiễu Quán số đầu tiên.



Mở đầu buổi gặp mặt HT.Thích Hải Ấn, chủ biên ấn phẩm Liễu Quán chào mừng và gửi lời tri ấn đến tất cả các chư tôn đức và thân hữu trí thức. 

>> Ra mắt ấn phẩm Liễu Quán số 1 - Xuân Giáp Ngọ

H (2).jpg
Buổi gặp mặt đầu xuân, ấn phẩm Liễu Quán lắng nghe nhiều chia sẻ, góp ý chân thành

“Ấn phẩm văn hóa mang tên Liễu Quán, trước đây cũng đã được hình thành nhưng chỉ phát hành nội bộ. Hôm nay mới đủ duyên để ra mắt chư tôn thiền đức và thiện hữu tri thức, đó là một điều khích lệ chúng tôi trong công tác văn hóa này. Chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn của chư tôn thiền đức cũng như quý thiện hữu tri thức xa gần, đã chào đón và hỗ trợ rất thiết thực về nội dung, cũng như nhiều lĩnh vực khác”.

Về hướng đi của ấn phẩm Liễu Quán, ĐĐ.Thích Không Nhiên, phó chủ biên kiêm thư ký ấn phẩm cho biết: “Liễu Quán sẽ tập trung khai thác chủ yếu các di sản tư liệu của văn hóa Phật giáo Huế và vùng phụ cận. Trước hết là những di sản về thư tịch văn bản có khả năng trong thời gian tới sẽ bị thất thoát. Do đó quyết định ra đời ấn phẩm này để giới thiệu và lưu trữ duy trì được cho mai sau.

Trong ấn phẩm sẽ có nhiều chuyên mục, mỗi số sẽ có một chuyên đề đi sâu vào một vấn đề nội dung di sản của Phật giáo Huế, còn những chuyên đề khác như Văn hóa, Phật học, Văn học nghệ thuật… là những chuyên đề mở, nên rất mong sự cộng tác từ các tác giả khắp nơi. Liễu Quán mỗi năm sẽ ra 3 số bao gồm ấn phẩm mùa Xuân, mùa Hạ và Thu Đông”.

H (8).jpg
HT.Thích Hải Ấn phát biểu chào mừng

H (11).jpg
ĐĐ.Thích Không Nhiên giới thiệu về ấn phẩm Liễu Quán

Chư tôn thiền đức các vị thiện hữu tri thức đều bày tỏ cảm xúc rất vui mừng và xúc động khi nhận được ấn phẩm Liễu Quán, có nhiều ý kiến chia sẻ đóng góp cho ấn phẩm trong buổi gặp mặt đầu xuân.

HT.Thích Huệ Cảnh, UV BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai chia sẻ mong muốn, “Chúng tôi mong rằng ấn phẩm này nói lên tinh thần của Phật giáo ở miền Trung đặc biệt xứ Huế chúng ta, mong sự đóng góp của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các vị trí thức để tiếng nói của Phật giáo được lan xa hơn”.

Phát biểu về ấn phẩm Liễu Quán, GS.Cao Huy Thuần cho biết, “Tôi không có quan niệm đây là sản phẩm của Huế, tôi nghĩ đây là sản phẩm tinh thần của tất cả quý vị, của tinh hoa văn hóa Phật giáo. Huế có một vị trí đặc biệt trong lòng dân tộc. Vì thế tôi rất mong sự góp sức của tất cả các vị ở khắp mọi miền cho Liễu Quán”.

Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn, Phó tổng biên tập thường trực kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn hóa Phật giáo, bày tỏ: “Để ủng hộ ấn phẩm Liễu Quán thì không có gì hơn chúng tôi đã giới thiệu trên Văn hóa Phật giáo và cũng sẽ đăng lại bài viết của anh Vĩnh Ba về các văn bản chữ Hán trên khu tháp Tổ sư Liễu Quán trong số ra sắp tới. Mong chư vị ghi nhận cho tấm lòng của chúng tôi, chúng tôi sẽ kêu gọi bạn bè thân hữu viết bài đều để đóng góp về nội dung và hình thức cho tờ Liễu Quán”.

H (16).jpg
GS.Cao Huy Thuần: “Tôi không có quan niệm đây là tờ báo là sản phẩm của Huế..."

H (18).jpg
Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn nói, sẽ đăng lại bài viết trong Liễu Quán trên tạp chí Văn hóa Phật giáo

H (19).jpg
BS.Đỗ Hồng Ngọc bày tỏ niềm vui và bất ngờ với tờ Liễu Quán số đầu tiên

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì chia sẻ: “Khi nhận được tờ Liễu Quán, tôi không ngờ nó đẹp như vầy, kể cả nội dung bên trong nữa, tôi mong tờ báo này không phải là tờ báo Huế, cũng không nên là tờ báo Huế thì như vậy mới có hiệu quả sâu xa hơn. Tôi tự hỏi là tôi có thể làm được gì để phụ cho tờ báo này? Tôi rất hoan nghênh tờ báo này, hi vọng tờ báo sẽ được sống lâu và sống đẹp”.

Là người có nhiều năm trong lĩnh vực báo chí cư sĩ Phạm Văn Nga (Nguyên Cẩn), góp ý: “Về hình thức đây là một tờ báo đẹp so với các tờ báo Phật giáo hiện nay, về phương diện tiếp thị thì không rõ tôn chỉ cụ thể của báo sẽ đi theo hướng nào, nếu không sẽ có cái gì đó na ná giống Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nếu muốn đóng góp thì sẽ đóng góp vào phần nào. Tính phổ biến hiện tại - địa chỉ phát hành của báo còn hơi ít”.

ĐĐ.Thích Chúc Phú, Phó thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ, nhận xét: “Việc đầu tiên khi cầm tờ báo tôi có cảm giác đây là tờ báo đã bước vào làng báo 5, 6 năm rồi, mức độ chuyên nghiệp rất cao, về cả nội dung, về trình bày và về các kỹ thuật khác của báo chí. Được thoát thai từ nội san Liễu Quán nhưng hiện giờ nó đã chuyên nghiệp như thế này nhưng chưa biết lấy tên gì cho xứng danh. Có thể là đặc san, chuyên san…, nếu ấn phẩm Liễu Quán không thì hơi thiếu thiếu một cái gì đó. Hệ thống phát hành còn hơi ít…”.

H (7).jpg
Chư tôn đức và các Phật tử tham dự

H (10).jpg
Ấn phẩm Liễu Quán số đầu tiên

Buổi gặp mặt kết thúc với những lời tri ân từ HT.Thích Quang Nhuận, Phó ban Văn hóa T.Ư, cố vấn ấn phẩm Liễu Quán. Hòa thượng cũng bày tỏ cảm xúc khi được sự đón nhận nồng hậu của tất cả chư vị thiện hữu tri thức, và hứa sẽ cố gắng để không phụ tấm chân tình của tất cả mọi người.

Như Danh
Ảnh: Bảo Toàn


http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2014/02/28/336658/


Âm lịch

Ảnh đẹp