27/10/2017 18:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 1702
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Vừa qua, Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN đã ra công văn hướng dẫn thành lập Ban Công tác kiểm Tăng nhằm quản lý Tăng Ni, tự viện tại địa phương một cách hiệu quả và kiểm soát, giải quyết vấn nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo khất thực phi pháp đang diễn ra ngày càng phức tạp.



Hiện nay, Phật giáo TP.HCM đang triển khai công văn này đến 24 BTS GHPGVN quận, huyện. PV Giác Ngộ đã có tiếp xúc với chư tôn đức về vấn đề này và nhiều ý kiến đồng tình, cần có Ban Kiểm Tăng để quản lý tốt hơn sinh hoạt của Tăng Ni, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh nhiều năm qua như: giả danh tu sĩ khất thực, giả danh tu sĩ bán nhang, quyên góp, khách Tăng không mời mà đến, Tăng Ni ở nhà Phật tử, ở am cốc…

Chư tôn đức cho rằng, muốn thực hiện công tác này hiệu quả cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp nhiều ban, ngành của Giáo hội với các ngành chức năng.

Mở rộng phạm vi hoạt động

Theo kết quả thống kê Tăng Ni, tự viện mới nhất năm 2014, TP.HCM có1.307 tự viện với 8.649 Tăng Ni, trong đó, 755 tự viện có quyết định bổ nhiệm trụ trì, tự viện hợp pháp nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm trụ trì là 235 ngôi, tự viện chưa gia nhập Giáo hội là 259 ngôi, 58 tự viện không nộp bảng thống kê (lần thống kê này cũng chưa thể thống kê am cốc tự phát).

Từ số liệu này cho thấy, thực tế Giáo hội địa phương cũng chưa nắm hết được số lượng Tăng Ni đang cư trú trên địa bàn, số lượng Tăng Ni ở am cốc, Tăng Ni ở nhà Phật tử và thực tế am cốc phát sinh ngày càng tăng… Bên cạnh đó, nhiều vấn đề phát sinh phức tạp tồn tại chưa có hướng giải quyết gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Phật giáo như: giả danh tu sĩ khất thực, quyên góp, bán nhang, khách Tăng không mời mà đến, v.v…

ANH A (2).JPG
Những người giả trang tu sĩ xếp hàng xin tiền trước chùa Vạn Thọ - Q.1 - Ảnh: Vũ Giang

Theo HT.Thích Tịnh Thành, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN quận Gò Vấp, công văn hướng dẫn thành lập Ban Công tác kiểm Tăng ban hành vào thời điểm này rất kịp thời và phù hợp. Tuy nhiên, muốn thành lập được Ban Kiểm Tăng đồng bộ xuống 24 BTS PG quận, huyện, thời gian tới cần có những cuộc họp thường xuyên giữa Ban Thường trực BTS GHPGVN TP và 24 BTS PG quận huyện để có sự chỉ đạo, trình bày các quan điểm của chư tôn đức đại diện hệ phái có truyền thống khất thực, có những cuộc họp rút  kinh nghiệm.

Nói về công tác kiểm Tăng, HT.Thích Như Tín, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kiểm soát PG cho biết trước đây Phật giáo TP cũng đã có 3 nhiệm kỳ liền (V, VI, VII) thực hiện công tác kiểm Tăng nhưng chỉ với nhiệm vụ ngăn chặn nạn lợi dụng chiếc áo nhà tu đi khất thực, bán nhang, khách Tăng không mời mà đến. Ban Kiểm soát Tăng Ni - Tự viện sẽ thành lập trong thời gian tới gồm chư tôn đức thành viên trong Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát, Ban Pháp chế sẽ mở rộng hoạt động hơn trước đây.

Ban này có chức năng kiểm tra Tăng Ni ở 24 quận, huyện, phối hợp với 24 BTS PG quận huyện kiểm tra tư cách tu sĩ vi phạm pháp luật, với Giáo hội, mất tác phong đạo đức, tu sĩ ở nhà Phật tử, ở am cốc xây dựng không phép; có trách nhiệm ngăn chặn thành phần lợi dụng tu sĩ khất thực phi pháp, buôn bán, quyên góp tiền bạc, khách Tăng không mời mà đến… gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo, mất trang nghiêm Giáo hội và gây khó xử cho Ban Tổ chức tại các buổi lễ.

Từ bài học kinh nghiệm…  đến thực tế

HT.Thích Minh Cảnh, Ủy viên Thường trực BTS PG TP chia sẻ: “Trong những năm đảm nhiệm vai trò Trưởng BTS PG quận Tân Bình, chúng tôi cũng có tiến hành triển khai công tác kiểm tra và chỉnh đốn hình ảnh Tăng Ni trong việc khất thực phi pháp trên địa bàn quận, bằng việc lập đoàn kiểm Tăng đến những nơi mà Tăng Ni khất thực thường xuất hiện.

Tuy nhiên, khi đoàn chúng tôi đến thực địa thì không thấy hình bóng Tăng Ni nào xuất hiện cả. Điều này cho thấy, đối tượng hoạt động khất thực phi pháp nắm bắt được những thông tin của Giáo hội và tìm cách đối phó. Một số trường hợp chúng tôi biết là giả danh tu sĩ nhưng họ không chịu hợp tác và không xuất trình giấy tờ, mời họ về trụ sở Giáo hội thì họ càng không hợp tác.

Nếu mình làm dữ thì khiến dư luận lại bảo rằng chính các nhà sư lại làm khó với các nhà sư với nhau. Do đó, tôi nghĩ rằng, để thực hiện công tác kiểm Tăng hiệu quả thì cần có sự can thiệp của các ban, ngành chức năng của quận, phường như: Công an,  MTTQVN, Phòng Nội vụ…”.

ANH A (4).JPG
Một người giả trang tu sĩ ngồi đếm tiền trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 - Ảnh: Vũ Giang

HT.Thích Thiện Lương, Trưởng BTS PG quận 8 nhận định về việc khất thực hiện nay, cho rằng tu sĩ thật sự không còn ai đi nữa (trừ chư tôn đức hệ phái có truyền thống khất thực thường tổ chức trong thời điểm, địa điểm nhất định chứ không ai đi riêng lẻ). So với trước đây, đối tượng giả trang tu sĩ khất thực phi pháp, bán nhang, quyên góp, khách Tăng không mời mà đến… thường gan lì, manh động hơn rất nhiều. Do đó, chư tôn đức thực hiện công tác này nếu không có sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì cũng rất nguy hiểm.

Phật giáo quận 8 là đơn vị từng thực hiện triệt để công tác kiểm Tăng trên địa bàn đông dân cư với chùa chiền phân bố dày - 56 ngôi, mà người “đứng mũi chịu sào” cho công tác này là HT.Thích Huệ Văn (lúc bấy giờ là Phó Thư ký Ban Kiểm Tăng) và HT.Thích Thiện Lương (Ủy viên Ban Kiểm Tăng).

Với kinh nghiệm liên tiếp 3 nhiệm kỳ thực hiện công tác này, HT.Thích Thiện Lương cho biết: “Sở dĩ quận 8 thực hiện được triệt để là nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công an phường. Khi phát hiện đối tượng, công an sẽ mời họ về trụ sở và sau đó mới mời chư tôn đức trong Ban Đại diện PG quận đến để xác minh giấy tờ. Nhờ đó, công tác kiểm Tăng tại quận 8 luôn thuận lợi”.

Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý tình hình khách Tăng không mời mà đến, HT.Thích Thiện Lương cũng cho biết, trên địa bàn Phật giáo quận 8 có chùa Pháp Quang đang thực hiện thí điểmcông tác này. Mỗi lần có tổ chức giỗ, kỵ thì NT.Thích nữ Tắc Thinh, trụ trì chùa sẽ cúng dường đến chư tôn đức trước, sau đó mới thực hiện niêm hương, cúng quá đường (không cúng dường tịnh tài tại trai đường). Khách Tăng không mời mà đến chỉ dùng cơm rồi về, do không đạt được mục đích là nhận cúng tịnh tài nên họ… nản mà dần rỉ tai nhau không đến nữa.

Cũng với cách thức trên, HT.Thích Tịnh Thành cho biết, ở quận Gò Vấp đối tượng này rất đông đảo, mỗi lần giỗ, kỵ, Ban Tổ chức mời đối tượng khách Tăng không mời mà đến ngồi vào khu vực riêng, chỉ dùng cơm rồi về.

ANH A (3).JPG
Nhóm phụ nữ giả trang tu sĩ tụ tập tại quán nước ở bờ kênh Nhiêu Lộc - Q.1 - Ảnh: Vũ Giang

HT.Thích Minh Cảnh cũng nhận định, tại TP.HCM có số lượng Tăng Ni trẻ ở các tỉnh tập trung khá đông. Vì thế, dẫn đến hệ quả là số lượng Tăng Ni học tập xong có nhu cầu ở lại càng nhiều. Một khi các cơ sở tự viện không đáp ứng được nhu cầu của Tăng Ni thì họ đi ra khỏi chùa tìm nơi riêng cất thất, cất am là điều tất yếu.

Việc cất am, cốc cũng là một hình thức khai sơn tạo tự nhưng với quy mô nhỏ, hình thức này phát triển mạnh mẽ hơn trước kia. Nếu quản lý Tăng Ni không sát sao, tình hình đến - đi quá tự do kéo dài, đời sống tu học đô thị bị xáo trộn đáng kể, tạo áp lực rất lớn trong việc quản lý. Khó tránh khỏi ở một số cơ sở tự viện, Tăng Ni đã có lối sống riêng, vượt tầm kiểm soát của Giáo hội.

Do đó, Hòa thượng đề nghị, Ban Kiểm Tăng cần phải kết hợp với các ban, ngành như Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni để quản lý xem, sau khi học xong họ đi đâu, làm gì, bao nhiêu vị, học ngành gì và sau khi tốt nghiệp, họ về đâu công tác Phật sự. Vì vậy, chức năng của Ban Kiểm Tăng không chỉ hoạt động đơn lẻ mà phải có sự phối hợp giữa các ban, ngành một cách đồng bộ nhằm tạo nên mối quan hệ hỗ tương với nhau trong quá trình đào tạo và quản lý Tăng Ni tại địa phương.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền

HT.Thích Tịnh Thành cho rằng, công tác kiểm Tăng, một mình Phật giáo thì khó có thể làm được mà cần có sự phối hợp với các ban, ngành chức năng như Dân vận, MTTQVN, Phòng Nội vụ, Ban Tôn giáo, an ninh của địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử của Giáo hội các cấp và trụ trì các tự viện cần tuyên truyền sâu rộng trong Phật tử, người dân để phân biệt được đâu là Tăng Ni thật, giả danh tu sĩ khất thực thì nhận dạng như thế nào, nên cúng dường Tăng Ni ở đâu và như thế nào cho đúng pháp. Khi từng Phật tử, người dân hiểu được, nâng cao ý thức cảnh giác thì công tác kiểm Tăng cũng sẽ được quần chúng hỗ trợ.

ANH A (1).JPG
Một người giả trang tu sĩ ngồi ngay trước cổng chùa Phật Bửu - Q.3
để xin tiền Phật tử đến chùa - Ảnh: Vũ Giang

Hiện nay, Giáo hội cũng đã thành lập Ban Thông tin - Truyền thông các cấp, từ đây cũng có thể tiếp sức với Giáo hội đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác kiểm Tăng. Chẳng hạn, truyền thông về một số cách nhận biết để phân biệt tu sĩ giả danh, lợi dụng hình ảnh Phật giáo để trục lợi trên các trang thông tin điện tử của Phật giáo, báo, đài.

Cần tuyên truyền, tuyên dương, nhân rộng một số mô hình hay của các chùa về tổ chức bài trừ tu sĩ giả danh, khách Tăng không mời mà đến để các nơi khác học tập. Bên cạnh đó, lực lượng phóng viên cũng là nhân tố chủ chốt có chuyên môn, nghiệp vụ có thể theo dõi đối tượng, để từ đó cung cấp thông tin cho Ban Kiểm Tăng, chư tôn đức BTS PG quận huyện.

ĐĐ.Thích Hải Đạt, Phó ban Thường trực Ban Thông tin-Truyền thông PG TP từng dự định tiến hành đưa một số hình ảnh tu sĩ giả danh đi khất thực phi pháp với chú thích, phân tích rõ ràng lên bảng thông tin của một số cơ sở tự viện để Phật tử hiểu, tránh nhầm lẫn.

Vì lẽ, chiếc bảng thông tin ở chùa cũng có tầm quan trọng như một kênh thông tin khác, mỗi khi chùa tổ chức các sự kiện tâm linh thì có hàng ngàn người đến. Một người được nhận thông tin có thể nhân lên gấp nhiều lần, từ đó thông tin cần tuyên truyền cũng sẽ được truyền đi sâu rộng hơn trong đời sống.

HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS PG TP cho biết, BTS PG TP đã triển khai công văn của Ban Tăng sự T.Ư về thành lập Ban Kiểm Tăng đến 24 BTS PG quận, huyện. Hiện nay, nhân sự Ban Kiểm Tăng từ 24 BTS PG quận, huyện đã được trình lên Ban Thường trực BTS PG TP.

Ban Kiểm soát Tăng Ni - tự viện thuộc TP.HCM sẽ có chức năng kiểm tra Tăng Ni, các tự viện có sinh hoạt với Giáo hội hay không, Tăng Ni ở nhà Phật tử, nhà trọ, ở am cốc xây dựng không phép; giải quyết các vấn đề phát sinh như: Giả danh tu sĩ đi khất thực phi pháp, lợi dụng hình ảnh tu sĩ đi bán nhang, quyên góp, khách Tăng không mời mà đến…

Sau Tết Nguyên đán, Ban Thường trực BTS PG TP và 24 BTS PG quận, huyện sẽ họp để triển khai cụ thể công tác này. Đây cũng là công tác mà TƯGH tin tưởng giao cho Phật giáo TP thực hiện thí điểm, sau đó báo cáo lên Ban Tăng sự T.Ư để rút kinh nghiệm cho các tỉnh, thành khác tiếp tục thực hiện.

 

Minh Thuận - H.Diệu

http://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2017/10/24/73D490/


Âm lịch

Ảnh đẹp