18/04/2013 11:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 29265
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


"Trong đạo Phật có 5 tội khó có thể tha thứ, sẽ bị đọa địa ngục, gọi là ngũ nghịch tội. Trong 5 tội đó có một tội là không được làm chảy máu thân Phật".


PV đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Đạt Đạo, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM về chuyện phá hủy tượng Phật.

Thưa Hòa thượng, mấy ngày qua dư luận bàn tán việc một số cá nhân đập tượng, phá chùa… tại Bình Phước gây ảnh hưởng không tốt tới quan niệm của đông đảo Phật tử. Hòa thượng nghĩ sao về điều này?

Thật sự tôi không nắm được sự việc nên không dám bàn luận về sự việc đó như thế nào. Tuy nhiên đối với Phật giáo lâu nay không hề có chuyện Tăng, Ni và Phật tử dám phá hủy tượng.

Điều này xuất phát từ quy định của Đạo Phật, theo đó có năm tội được xem là ngũ nghịch khó có thể tha thứ được. Trong năm tội đó có một tội ghi rõ là không được làm thân Phật chảy máu. Chính vì điều này nên đã là người con Phật thì không ai dám hủy hay làm hư các tôn tượng Phật và Bồ Tát.

Vậy nếu tôn tượng cũ và bị hư thì Phật giáo quy định cách xử lý thế nào?

Lâu nay đa số các tôn tượng khi cũ hay hư hỏng sứt mẻ ở trên thân thì sẽ được sửa chữa và sơn mới lại. Nếu như cá nhân hay tự viện nào không có nhu cầu thờ thì sẽ cho các cá nhân hay tự viện khác thỉnh về để thờ cúng.

Ngoài ra nếu một số cá nhân không biết đưa đi đâu thì sẽ mang lên các chùa, tịnh xá… để gửi. Tôn tượng đặt ở các chùa để những người có nhu cầu sẽ đến thỉnh về thờ.

Riêng trường hợp tôn tượng hư hỏng nặng thì sẽ được đưa về các cơ sở chuyên sản xuất tượng để có thể sửa hoặc xử lý đúng tinh thần của nhà Phật.

Thế nhưng trên mạng vừa đăng tải video có cảnh một số người đập bể tượng, cắt đầu tượng ra khỏi thân… Hòa thượng nghĩ sao về điều này?

Rất nguy hiểm. Tôi không biết vì nguyên nhân gì nhưng nếu làm như thế thì thật không tốt, rất dễ gây sự hiểu lầm, bất bình trong cộng đồng Phật tử. Lâu nay những người con Phật luôn xem các pho tượng Phật như hiện thân của đức Bổn sư, vị thầy tâm linh của họ. Chính vì thế dù làm gì họ cũng không muốn nhìn thấy cảnh pho tượng Phật bị đập bể, hư hỏng được.

Vì thế nếu ai đã làm điều này thì phải chịu trách nhiệm đối với những việc mình đã làm. Nếu tác động rộng rãi đến cộng đồng Phật giáo thì thật khó có thể chấp nhận. Cần có sự giải thích và giải quyết hợp tình, hợp lý nhất.

Một số người cho rằng, có thể nguyên nhân của vụ phá tượng là do cơ sở thờ tự này không được cho phép. Theo Hòa thượng điều này có thể lý giải như thế nào?

Theo nội quy của Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo trung ương cũng như của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, vấn đề các chùa, am, cốc, tự viện được thành lập tự phát phải thực hiện đúng hiến chương của Giáo hội, Ban Tăng sự và phải tiến hành việc xin phép với chính quyền địa phương thì mới được hoạt động.

Những cá nhân nào tự lập am, cốc, chùa… mà không khai báo thì xem như chỉ là nhà của người dân bình thường, không có sự quản lý của Giáo hội

Ngoài ra đối với những cá nhân tự lập am, cốc trong các khu di tích, rừng núi… nếu làm sai quy định thì đại diện chính quyền, cơ quan có chức năng sở tại cần bàn bạc với Ban Trị sự Phật giáo tại địa phương để giải quyết cho hợp tình, hợp lý, đúng theo tinh thần của hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ban nội quy Tăng sự, pháp luật của nhà nước.

Nếu như chưa có sự thống nhất giữa các bên thì việc phá hủy hay di dời đều không được tự thực hiện.

Vậy theo Hòa thượng khi nào thì mới được tiến hành di dời?

Muốn di dời một cơ sở tự viện nào được thành lập mà chưa xin phép trước tiên các đơn vị chức năng cũng như Ban Trị sự các tỉnh thành cần mời người tạo ra cơ sở đó đến thông báo cho họ biết và bàn bạc di dời.

Khi đã nhiều lần bàn bạc mà không chịu thực hiện thì Ban Trị sự các tỉnh thành cùng chính quyền địa phương phải can thiệp. Riêng nếu như đất đó có đầy đủ các thủ tục có thể cấp phép thì đại diện giáo hội nên hướng dẫn để thực hiện sao cho đúng.

Nếu nơi xây dựng là đất có chủ quyền thì chúng ta phải tôn trọng chủ quyền của người sở hữu đất. Nếu chủ đất muốn dựng tượng thờ tại đây thì cũng vẫn chỉ xem là nhà của dân chứ không phải là nơi thờ tự của Giáo hội.

Lâu nay việc hợp thức hóa đã được thực hiện như thế nào, thưa Hòa thượng?

Lâu nay Ban Trị sự các tỉnh thành trong cả nước đã hợp thức cho rất nhiều tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường tự phát. Cụ thể là ở Bình Dương, Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương trong năm 2012 đã giải quyết công nhận hợp thức hóa cho nhiều ngôi chùa tại địa phương.

Vậy tiêu chí nào để hợp thức hóa?

Thứ nhất miếng đất đó phải có sổ đỏ. Thứ hai người trụ trì phải tạm trú lâu dài, có hộ khẩu tại đó. Thứ ba cá nhân vị tăng ni sở hữu phải thường xuyên sinh hoạt với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện.

Để từ đó, Ban Trị sự căn cứ để đề nghị với chính quyền và Ban Trị sự tỉnh thành hợp thức hóa cơ sở thờ tự dưới sự quản lý của Giáo hội.

Theo Hộ Pháp - Soha

http://chuaphuclam.com/index.php?/phat-giao-va-doi-song/pha-huy-tuong-phat-la-pham-trong-toi-ngu-nghich.html


Âm lịch

Ảnh đẹp