GN - Lời nói đầu của Hiến chương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đã nhận định: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống
nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn
trọng và duy trì các truyền thống hệ phái,
cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất
đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước”.
Đạo kỳ là biểu tượng hoàn chỉnh và thiêng liêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Giáo hội được thống nhất cả nước năm 1981, nhưng phải đến
giữa tháng 12-2006, Đạo kỳ và Đạo ca Giáo hội mới được chính thức công nhận,
được đề cập trong Chương I Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh và
thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI ở Hà Nội.
Điều 3, Chương I Hiến chương quy định rõ: “Đạo kỳ Giáo hội Phật giáo
Việt Nam
là cờ 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam (tiêu biểu cho hào quang của Đức
Phật)”. Các màu của Đạo kỳ được quy định một cách rõ ràng như thế, nhưng thực tế
thì sao?
Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, dường như mọi người đã quá
quen thuộc với Đạo kỳ, màu sắc được tuân thủ một cách nghiêm ngặt - đúng như
điều cần phải có. Tuy nhiên, ở một số tỉnh miền Bắc, thậm chí một số nơi tại Hà
Nội, sắc màu của Đạo kỳ bị thay đổi. Phổ biến nhất là màu vàng cam (biểu trưng
cho Tuệ căn) không giữ đúng như quy định.
Điều lạ lùng hơn, diễn ra gần đây thôi, trong lễ hội chùa Côn
Sơn ở tỉnh Hải Dương, Đạo kỳ Phật giáo Việt Nam đã bị đổi màu một cách tùy
tiện. Lá cờ không có màu trắng (biểu trưng cho Tín căn) mà thay vào đó là màu
xanh (lá cây); màu vàng cam thì bị đổi thành màu… hồng phấn; điều đáng tiếc là
những lá cờ này lại dùng trong buổi lễ diễn ra ở một ngôi danh lam và có sự
hiện diện của chư vị lãnh đạo Ban Trị sự PG tỉnh nhà.
"Đạo kỳ" ở chùa Côn Sơn đã bị biến màu tùy tiện như thế này - Ảnh: Giang Hoàng
Đạo kỳ với các màu quy định nghiêm ngặt như vậy là một biểu
tượng hoàn chỉnh, thiêng liêng. Do đó, không ai có thể viết chữ, gắn hình ảnh
gì thêm lên trên đó, hay sử dụng Đạo kỳ
như vật trang trí đơn thuần. Thực tế trong nhiều năm qua, biểu tượng này đã bị
xâm phạm một cách tùy tiện và vô ý thức, người ta gắn lên trên Đạo kỳ những câu
chúc mừng, hình Đức Phật đản sinh…
Hình ảnh Đức Phật là tôn quý, do đó, không thể gắn ghép lên
đâu cũng được. Việc làm trên vô hình trung xâm phạm đến cả hai: đó là thiếu thái
độ tôn kính đối với hình tượng Đức Thế Tôn, đồng thời lại không tuân thủ quy
định về Đạo kỳ của Giáo hội. Cũng giống như không ai có quyền viết gì, gắn hình
ảnh gì lên lá Quốc kỳ.
Đạo kỳ là biểu tượng cho Phật giáo, được quy định trong Hiến
chương, là biểu trưng cho sự “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất
lãnh đạo và tổ chức” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khó có thể chấp nhận một cơ sở
Phật giáo lại không ý thức được điều này.
Thiết nghĩ, Giáo hội nên có thông tư hướng dẫn việc sử
dụng Đạo kỳ, cũng tương tự đối với Đạo ca và các trang trí liên quan. Điều đó
là cấp thiết, góp một phần thể hiện tinh thần thống nhất của Giáo hội, không
thể để sự việc trên lại cứ diễn ra, chỉ có Phật tử phản ứng một cách tự phát.