01/08/2013 11:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 854
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Ni trưởng Thích nữ Hải Triều Âm, thường được tôn xưng là Sư bà Hải Triều Âm, đã an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 11 giờ 56 phút ngày 24-6-Quý Tý (nhằm ngày 31-7-2013) tại chùa Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trụ thế 94 năm, 60 năm tuổi đạo. Theo thông tin của Giác Ngộ Online từ Bảo Lộc, lễ nhập kim quan sẽ được cử hành vào lúc 15 giờ hôm nay, 25-6-Quý Tỵ (nhằm ngày 1-8-2013) tại chùa Dược Sư.



suba-haitrieuam.jpg
Sư bà Hải Triều Âm (1920-2013)

Sư bà sinh năm 1920 tại tỉnh Hòa Bình, Bắc Việt. Vì mang trong người 2 dòng máu Pháp-Việt, nên ngoài tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Ni, còn được đặt tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan. Thân phụ là cụ ông Etienne Catallan. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Đắc. 

Lấy xong bằng tốt nghiệp Diplôme D'étude Primaire Supérieur, Sư bà đi dạy học. Ngay khi còn tại gia, Sư bà đã biểu lộ lòng từ bi. Ngày ngày dạy học, ngoài thời giờ Sư bà vào các bệnh viện, trại mồ côi, dưỡng lão để giúp đỡ an ủi động viên những mảnh đời bất hạnh. 

Cơ duyên được biết Phật pháp là do Sư cụ Thích Tuệ Nhuận. Bài pháp đầu tiên được nghe Sư cụ giảng tại chùa Quán Sứ là kinh Lăng Nghiêm, phẩm Quán Âm Quảng Trần và chương Đại Thế Chí niệm Phật. Lãnh hội được sự vi diệu của Phật pháp đem lại niềm an vui cho mọi người, Sư bà in những cuốn kinh nhỏ phát cho những Phật tử tới chùa tụng kinh hàng ngày. 

Sư bà quy y với Đại lão HT.Thích Mật Ứng, được ngài đặt pháp danh là Hải Triều Âm. 

Sư bà thành lập gia đình Phật tử, mở các hội trưởng lão, thanh thiếu niên, nhi đồng ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra Sư bà còn viết báo cho tòa báo Bồ Đề của Sư cụ Thích Tuệ Nhuận, dưới bút hiệu là Cát Tường Lan. Các bài pháp rất thực tế, đưa Phật pháp vào tư tưởng thanh thiếu niên thời bấy giờ. 

Năm 29 tuổi, thâm ngộ lẽ vô thường, dù phước thiện thế gian có hay đến đâu cũng không thể đưa đến giải thoát. Sư bà xuất gia với Đại lão HT.Thích Đức Nhuận, ở chùa Đồng Đắc, Hà Nội. Y chỉ và thọ giới với Sư cụ Tịnh Uyển, chùa Thanh Xuân, làng Phùng Khoang, Hà Nội. 

Đến năm 1954, vâng lời Hoà thượng di cư vào Nam, Sư bà nhập chúng ở chùa Dược Sư, Gia Định, Sàigòn. Vừa lo tu học, vừa hầu mẹ già bị bệnh bán thân, vừa lãnh vịệc chuyên giảng dạy cho Phật tử. Sư bà tinh trì giới luật, nghe kinh Kim Cang lãnh ngộ được tông chỉ niệm Phật. Tu quán Tứ Niệm Xứ để khai tuệ giác tỉnh, sở đắc về bộ kinh Lăng Nghiêm để khai tri kiến Phật. 

Sau khi thân mẫu qua đời, vì muốn báo hiếu công ơn mẹ, thấy rằng không gì bằng công đức tu hành, Sư bà nhập thất 5 năm ở chùa Vạn Đức, Thủ Đức, TPHCM, chuyên tâm niệm Phật. Sau chuyển lên Phú An, Đức Trọng, Lâm Đồng nhập thất 7 năm tại ngôi tịnh thất nhỏ Linh Quang. Những mong nhập Niệm Phật tam muội. 

Nhưng từ hoài bi nguyện độ sanh không bỏ, tại đây Sư bà bắt đầu độ chúng, lúc đó chỉ có vài chục người. Đến nay đã thành lập 8 chùa Ni Liên, Linh Quang, Liên Hoa, Viên Thông, Hương Sen, Dược Sư, Lăng Nghiêm, Bát Nhã. Đủ các căn cơ, già trẻ, lớn bé cho đến người tàn tật, trẻ mồ côi Sư bà đều đưa tay tế độ, mong họ được kết duyên với Phật pháp. Phật tử quy y thì không biết bao nhiêu mà kể. 

Đối với đại chúng, Sư bà khiêm cung, giản dị, từ hòa. Nhưng nghiêm khắc đưa đại chúng vào khuôn khổ giới luật, nội quy. Sửa trị những xấu ác, nhưng bao dung những lồi lầm chỉ cốt cho đại chúng thành những bậc pháp khí trong Phật pháp. 

Sư bà một lòng lo cho đại chúng, từ tinh thần đến vật chất, hy sinh sức khỏe thời giờ, tận tình từ đời sống tạm thời đến rồi đi, tới đời sống đạo vị lợi ích vĩnh viễn trong kiếp tương lai. Suốt ngày trọn đêm không giờ phút nào Sư bà ngơi nghỉ trong bổn phận tự giác giác tha. 

Lúc Sư bà ở Chùa Liên Hoa, Bình Thạnh, TPHCM, học chúng đổ về học pháp rất nhiều. Sư bà đã biên soạn toát yếu lại những bộ kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, luật Tỳ-kheo-ni v.v… lời văn giản dị, xác thực để học chúng dễ nắm được yếu chỉ của kinh luật. Mắt đeo kính, dưới ánh đèn dầu, Sư bà miệt mài đọc sách dịch kinh. Từng bộ kinh hán văn dày cộm đầy những chữ với bộ óc tuổi già thật mỏi nhọc, Sư bà vẫn hết sức cố gắng cặm cụi dịch sang việt ngữ để đàn hậu lai có sách học tập. Sư bà đã biên dịch, biên soạn, toát yếu gần 100 đầu sách… 

Sư bà là tấm gương sáng của một bậc Trưởng lão Ni, hết lòng tôn kính Phật Pháp Tăng, gặp bất cứ hình tượng Phật nào Sư bà đều thành kính đảnh lễ. Tận tình học pháp, nghiên cứu pháp, truyền bá giáo pháp. Đối với Tăng Ni, Sư bà khiêm cung, kính trọng, luôn dạy hàng đệ tử suốt đời phải thực hành Bát kính pháp, sống lục hoà, trên kính dưới nhường, lấy Giới Định Tuệ làm sự nghiệp chính của mình, là nơi quy ngưỡng của nhiều người.  

H.Độ tổng hợp

Nguon: http://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2013/08/01/33D003/


Âm lịch

Ảnh đẹp