07/10/2011 13:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 90658
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dự kiến, tổng đầu tư cho việc tu bổ chùa Một Cột là hơn 31 tỷ đồng và công tác tu bổ sẽ được triển khai trong năm 2012, hoàn thành vào quý 1/2013. Nhiều câu hỏi đặt ra về việc 31 tỷ được chi vào việc những việc gì?



 Các tính toán đã được đưa ra trong cuộc họp của các nhà khoa học và các nhà quản lý về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột được UBND quận Ba Đình trưng cầu vào ngày 30/9 vừa qua.

Chùa Một Cột - di tích sắp tròn nghìn năm tuổi
Chùa Một Cột - di tích sắp tròn nghìn năm tuổi

 

Có nên xây mới nhà Tăng - nhà Tổ?

Chùa Một Cột (Diên Hựu) được xây dựng cách đây gần 1.000 năm (năm 1049), là một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962.

Tuy nhiên, đến nay chùa Một Cột - ngôi chùa có một không hai - đang bị xuống cấp, nước từ mái dột xuống các pho tượng, nhiều hạng mục công trình không phù hợp với ngôi chùa, cảnh quan di tích xung quanh, sân đường không đồng bộ, hệ thống thoát nước không đảm bảo, hệ thống cây xanh phát triển tự phát...

Trước thực trạng này, UBND quận Ba Đình đã lập đề cương kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột và  xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột.

Theo đó, chùa Một Cột sẽ được cải tạo hệ thống đường dạo, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, hệ thống cấp điện, cấp nước cho các công trình và tổng thể; tu bổ các thành phần, hạng mục hiện còn (yếu tố gốc) như: Tam quan, tam bảo, nhà mẫu, chùa Một Cột. Trong đó tam quan được trát vá phần tường bong tróc, đắp sửa hoa văn, con giống, tu bổ cửa gỗ, chống thấm, mối mọt... Nhà mẫu sẽ được lợp lại mái, lát lại nền, tu bổ hoa văn, con giống. Dự án cũng sẽ đánh giá cái nào còn dùng được, cái nào cần tu bổ với các cấu kiện gỗ; đắp trát tu bổ bờ nóc, bờ chảy, tu bổ phần bậc thang lên chùa và nghiên cứu hình thức, chất liệu cho phần tường hoa quanh chùa...

Ban quản lý dự án quận Ba Đình đã đưa ra hai phương án dự kiến tôn tạo, tu sửa chùa Một Cột nhằm xin ý kiến các nhà khoa học. Theo đó, cả hai phương án đều thực hiện trên phương pháp bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay những yếu tố hỏng, đảm bảo tính nguyên gốc.

Phương án thứ nhất là xây dựng nhà Tăng và nhà Tổ tổng diện tích 515m2, nhằm phân rõ không gian thờ tự, trai phòng.

Phương án thứ hai là xây dựng khu nhà Tổ, nhà Tăng ghép với nhau với diện tích 488m2 nhằm tiết kiệm diện tích. 

Trước hai phương án này, nhiều ý kiến cho rằng không nên xây thêm nhà Tăng trong khuôn viên di tích nữa vì không gian chỉ có thế. Hiện nay khi đứng từ sảnh bảo tàng Hồ Chí Minh nhìn sang, đã thấy nhiều mái, nhiều nhà lắm rồi, nếu xây thêm sẽ che khuất, lấn át chùa Một Cột. Hơn nữa, Chùa Một Cột không phải là nơi đào tạo tăng ni phật tử nên không cần xây nhiều khu vực phục vụ nhu cầu ở. Việc trùng tu di tích hiện nay phải quy hoạch lại sao cho các yếu tố mới không lấn át lên kiến trúc cũ, lộn xộn, không xứng tầm một di tích lịch sử quốc gia như hiện nay.

Bê tông có biến thành... đá?

Chùa có niên đại gần 1.000 năm, vậy mà hiện nay cột chùa lại là cột bê tông cốt thép, bậc thang lên xuống thì làm bằng xi măng, dáng thô, “tân cổ giao duyên” rất tức mắt. Chúng không tương xứng, kệnh cỡm trước một công tình kiến trúc độc đáo bậc nhất thời Lý.

Giáo sư Phan Khanh cũng như Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đều đưa ra ý kiến, đợt tu bổ lần này có lẽ quan trọng nhất là thay thế cột trụ và cầu thang chùa bê tông bằng bằng đá. Bởi thời nhà Lý là thời hoàng kim của điêu khắc, chạm trổ đá rồng phượng tinh xảo, uyển chuyển vượt xa điêu khắc đá Trung Quốc thời bấy giờ. Không có lẽ gì mà chúng ta không tái tạo lại thời hoàng kim đó! 

Dự kiến, tổng đầu tư cho việc tu bổ chùa Một Cột là hơn 31 tỷ đồng và sẽ được triển khai trong năm 2012, hoàn thành vào quý 1/2013. Nhiều ý kiến thắc mắc số tiền này sẽ được chi vào những việc gì.

Ông Vũ Kim Khánh - Phó Giám đốc BQL Dự án quận Ba Đình cho hay: Đây là lần đầu tiên có một cuộc trùng tu toàn bộ đối với quần thể khu di tích chùa Một Cột. Cái khó nhất là giữ, tìm được tư liệu, hình ảnh cũ về ngôi chùa này để có cách trùng tu đúng nhất. Thực tế, chùa Một Cột xuống cấp là có, chùa lại nằm trong khu di tích D1 (đặc biệt quan trọng) nên rất cẩn trọng khi tu bổ. Số tiền 31 tỷ đồng chi cho dự án này được dự tính có cơ sở, BQL phải đo đạc hiện trường, đơn vị tư vấn thực hiện và đưa ra phương án. Tạm tính xây lắp là hơn 22 tỷ đồng, chi phí đồ thờ gần 2,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 500 triệu đồng, còn lại là chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.

Tôn tạo, tu bổ ngôi chùa “bảo bối” của Việt Nam này ra sao vẫn chưa ngã ngũ. Trong tháng 10, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo quy mô để trưng cầu rộng rãi những ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, văn hóa, xã hội học, người dân để tìm ra phương án tối ưu tôn tạo, phát huy giá trị của chùa Một Cột.

Ông Đỗ Viết Bình- Phó Chủ tịch UBND Quận Ba Đình yêu cầu UBND phường Đội Cấn khẩn trương xử lý, giải tỏa các mái che, mái vẩy, hàng quán ở chùa Một Cột. Để đảm bảo tính tôn nghiêm, đảm bảo mỹ quan ngôi chùa, khu vực này cấm kinh doanh, buôn bán. UBND phường Đội Cấn phải chấm dứt tình trạng lộn xộn, nhếch nhác này bắt đầu từ ngày 1/10/2011.

Thùy Dương 

 

.

Nguon: http://www.phapluatvn.vn/giai-tri/sukien/201110/Thay-cot-cho-chua-Mot-Cot-2059031/


Âm lịch

Ảnh đẹp