Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh, chùa Dạm là di tích đặc biệt quan trọng của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Song ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi với quy mô đồ sộ, xếp tầng bao trầm tích văn hóa, tôn giáo của các triều đình phong kiến đang ở hiện trạng không xứng tầm.
“Bởi trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện tại, ngôi chùa cũ do triều đình nhà Lý dựng và phong là đại quốc tự đã bị phá hủy. Ngôi chùa do nhân dân địa phương lập nên nhỏ như một cái đền khiến di sản được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962 chỉ luôn ở dạng tiềm năng với bao giá trị đang ngủ vùi dưới lòng đất”- ông Phong than thở.
Ngôi chùa Dạm ngày nay nhỏ xíu trên nền thứ hai của đại Quốc tự xưa. Ảnh T.L
Năm 2011, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học VN tiến hành nghiên cứu, khai quật tại chùa Dạm. Theo kết quả khai quật, chùa Dạm có tất cả 4 cấp nền, mỗi cấp chênh nhau độ từ 3-5m. Và mỗi cấp nền lại được kè bằng những khối đá lớn gồm 3 lớp đá. Hiện trạng những khối đá lớn giờ vẫn khá nguyên vẹn.
Hơn thế, con đường đá đi lên các lớp nền cũng vẫn còn. Cụ thể, con đường này được xây dựng rất công phu uốn lượn men theo triền đồi. Giới khoa học xác định, đây chính là con đường hành hương lên chùa của người Việt xưa. Việc hành hương trên triền đồi, dưới những tán cây tạo sự an nhiên cho Phật tử.
Với những kết quả khảo cổ khá khả quan nói trên, ông Phong cho hay, các nhà khoa học có thể bắt tay ngay vào quá trình lên phương án phục dựng. Hiện tại, cả 4 cấp nền đều có nhiều dữ liệu để phục dựng. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất là phần mái của công trình bởi tất cả những dữ liệu phần này đều đã không còn.
Dự kiến, năm 2020 tỉnh Bắc Ninh sẽ bắt tay phục dựng chùa Dạm, đại quốc tự nhà Lý.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa