08/06/2013 08:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 82280
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tại Việt Nam, sự kiện đón rước, giao lưu với Nick Vucijic, “nhà truyền bá phúc âm và nhà diễn thuyết truyền động lực” (theo Wikipedia tiếng Việt) và lễ Phật đản PL 25557 – DL 2013 đã được tổ chức gần như vào một thời điểm. Vì vậy, phát sinh so sánh việc tổ chức sự kiện là một điều tất yếu.


Dưới đây là nội dung so sánh việc tổ chức sự kiện đón rước và giao lưu Nick Vucijic với việc tổ chức lễ Phật đản tại TPHCM, để qua đó thấy rằng kỹ thuật dùng trong tổ chức sự kiện lễ Phật đản tại TPHCM đã rất sai lầm, đáng tiếc, với mong muốn điều như thế sẽ không lặp lại trong tương lai.

1)    Tổ chức sự kiện Nick Vucijic tại Việt Nam

Wikipedia tiếng Anh giới thiệu Nick Vucijic là một evangelist (mục đích của evangelist là cải đạo – “with the object of conversion” - wikipedia), Wikipedia tiếng Việt gọi là “nhà truyền bá phúc âm”.

Vì vậy, các buổi diễn thuyết của Nick Vucijic, kết thúc bằng buổi “làm chứng” tại nhà thờ Tin Lành Gia Định, đều là truyền giảng tôn giáo, thể hiện dưới những dạng thức khác nhau theo kỹ thuật truyền thông, đạt đến mức hết sức tinh vi (chúng tôi sẽ có các bài tìm hiểu riêng từ góc nhìn truyền thông).

Sự kiện tôn giáo này diễn biến theo 2 hướng, tại nhà thờ phục vụ cho số ít người theo đạo, xác định tư cách, tính chất truyền giáo, và phục vụ đông đảo khán thính giả, chủ yếu là thanh thiếu niên, trình bày tôn giáo dưới một dạng khác, tại 2 sân vận động lớn nhất nước, sân quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội và sân Thống Nhất, TPHCM.

Hướng tổ chức tại sân vận động, và chọn sân vận động lớn nhất, trung tâm, là điều các tôn giáo ngoài Phật giáo hướng đến, và thực tế đã đạt đến bằng nhiều dạng tổ chức, qua những biểu hiện hết sức khéo léo.

Với sân vận động, số người đến nghe diễn thuyết từ evangelist sẽ lên đến con số 20.000 – 25.000 người. Sóng truyền hình quốc gia VTV1 và VTV6 sẽ nâng con số người dự khán lên hàng triệu người.

Kịch bản chương trình, tổ chức không gian các buổi diễn thuyết của Nick Vucijic ở sân vận động cũng hết sức tinh vi, và tất nhiên đạt hiệu quả rất cao. Không gian nhiều mặt khán đài của sân vận động được tận dụng tối đa, vì vậy bục diễn thuyết mở ra 3 phía với cấu trúc hình tròn (dành một phía phông chiếu hình ảnh video). Do vậy, tính giao lưu tương tác từ diễn giả đến cử tọa mở rộng, cả về phẩm chất lẫn số lượng người. Điều dễ thấy là phần lớn hình ảnh Nick Vucijic thu qua các camera đều có hậu cảnh là đông đảo khán thính giả. Nhìn toàn cảnh đó là một vòng tròn người vĩ đại vây quanh Nick Vucijic, lấy tâm điểm là Nick Vucijic, hướng về Nick Vucijic. Tất cả hoạt động khác của buổi diễn thuyết đều theo tổ chức không gian người vây quanh Nick Vucijic, tập trung về Nick Vucijic như thế.

2)    Tổ chức sự kiện lễ Phật đản tại TPHCM

Lễ Phật đản tại TPHCM, gần như cùng thời điểm Nick Vucijic đến Việt Nam, đã được tổ chức với tư duy hoàn toàn ngược lại.

Một đàng tìm đến những sân vận động lớn trung tâm (vượt hẳn sân vận động mà Phật giáo TPHCM đã từng tổ chức lễ Phật đản là sân vận động Quân khu 7), một đàng rút về bên trong cơ sở tôn giáo, mà lại hướng ra cơ sở tôn giáo xa khu trung tâm.

Về mặt tổ chức sự kiện, một lựa chọn địa điểm như trong tổ chức lễ Phật đản tại TPHCM rõ ràng là không khôn ngoan, thiển cận và thiếu trách nhiệm, bộc lộ sự kém cỏi của những người tổ chức sự kiện.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là so sánh tổ chức không gian sự kiện.

Lễ Phật đản TPHCM năm 2013 được tổ chức đồng thời 2 vị trí: tiền sảnh trên lầu chùa Phổ Quang và sân mặt trước chùa Phổ Quang.

Với đặc điểm như thế của địa điểm tổ chức, không gian lễ Phật đản tại TPHCM bị cắt làm 2 phần.

Phần trên lầu với chư tôn giáo phẩm chủ trì buổi lễ và một số ít quan khách cao cấp, chỉ khoảng 90 người trở lại.

Phần sân trước chùa gồm số đông tăng ni Phật tử còn lại.

Chênh lệch 2 bên là một tầng lầu, nên ở một phần diện tích lớn là không nhìn thấy được nhau, như ở 2 không gian tách biệt, phải dùng một màn hình video. Hầu hết người đến dự lễ theo dõi buổi lễ qua… màn hình (!)

Nếu ở trường hợp Nick nói bên trên, đa số hình ảnh truyền hình đều có hậu cảnh đông đảo người tham dự, thì ở lễ Phật đản DL 2013 tại chùa Phổ Quang, hậu cảnh phía sau chư tơn đức chủ trì và khách mời cao cấp sẽ là… trời mây, vì mấy chục người làm tế lễ ngoài sân trên lầu. Còn số đông người dự lễ dưới đất như làm lễ trước màn hình chiếu phim.

Một đàng phá tung giới hạn 2 bên đối diện của không gian sự kiện, tạo thành một không gian duy nhất, đồng tâm, hướng về một tiêu điểm, tôn cao diễn giả, tăng tính kết nối, giao lưu, tương tác giữa diễn giả/người nghe. Một đàng thì chia cắt không gian sự kiện làm hai bằng độ lệch tầng, loại trừ số lượng đông đảo người tham dự ra khỏi sự kiện, buộc họ phải theo dõi gián tiếp qua màn hình TV. Còn những người quan trọng nhất của buổi lễ, thì chừng như mấy chục người làm lễ với nhau, nhìn quanh không thấy quần chúng đâu cả.

Trong truyền hình, không gian sự kiện bị chia cắt bằng độ lệch tầng, phần lớn vị trí không nhìn thấy nhau như vậy, rất khó cho đạo diễn. Vì có thể trừ một camera thu hình ảnh toàn cảnh có thể cho thấy “dường như” có lễ ở tiền sảnh trên lầu, còn thì các hình ảnh thu ở 2 nơi, dù xen kẽ với nhau, vẫn cho thấy thu ở 2 vị trí hoàn toàn khác nhau.

Một đàng thì tổ chức không gian sự kiện để tăng tính liên thông, giao lưu. Một đàng thì đặt đường đứt gãy bằng phân tầng ngay giữa không gian sự kiện, cắt cuộc lễ làm 2, làm cuộc lễ đã ít người càng trở nên ít người một cách biểu kiến.

Một bạn đọc nêu ý kiến: “Năm nay lễ Phật đản 2557 chùa Phổ Quang làm trên cao (sân thượng), khi cử hành lễ, các đơn vị, phái đoàn dự lễ, tất cả đều ngồi, đứng ở dưới đất, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp đọc Thông điệp Phật đản, HT Thích Trí Quảng đọc Diễn văn chào mừng Phật đản, rồi chính quyền phát biểu, mọi người chẳng thấy mặt mũi ở đâu? Chỉ nghe tiếng nói phát trên loa, như băng ghi âm phát lại! Thật buồn cười!”. Đây là hệ quả tất nhiên của việc chia cắt không gian sự kiện.

Làm như vậy là phá hỏng cuộc lễ. Nếu vì lý do bất khả kháng, chẳng đặng đừng thì mới như vậy. Những năm 1980, 1981, do không có lễ đài Phật đản lộ thiên trên lề đường trước chùa Ấn Quang, nên chỉ có chư vị tôn đức tăng ni hành lễ trên chính điện, Phật tử phải đứng dưới sân chùa, cũng là tình trạng “mọi người chẳng thấy mặt mũi ở đâu!” này. Nhưng đó là việc do nguyên nhân khách quan, rất đáng tiếc ở hơn 30 năm trước.

Không ngờ đến giờ, do trình độ kém, mà lại tái diễn việc cũ.

Yếu tố về trình độ tổ chức sự kiện lại không chỉ là chuyện đặc biệt ở TPHCM. Truyền hình An Viên phủ sóng vệ tinh cả nước và khu vực Đông Nam Á. Cả nước và nước ngoài nhìn thấy cảnh tổ chức lễ Phật đản chia cắt không gian như thế, thì còn ra gì Phật giáo TPHCM?

Việc người chủ trì lễ đứng trên lầu cao cũng là việc vẫn thấy, nhưng bao giờ cũng đứng, hướng về phía đại chúng để tạo không gian lễ thống nhất. Không bao giờ có việc trên cao ngồi ghế quay ngang, trên không thấy dưới, dưới không thấy trên, tạo thành 2 không gian riêng rẽ như lễ Phật đản năm nay tại TPHCM.

So sánh việc tổ chức 2 sự kiện như thế tại Việt Nam mới đây, thì thấy quả thật đáng buồn cho Phật giáo TPHCM. Đặt cạnh một chuỗi sự kiện có tính chất tôn giáo được tổ chức  một cách khéo léo, tinh vi, khôn ngoan, nhiều thâm ý như sự kiện Nick Vucijic tại Việt Nam, càng thấy sự yếu kém về trình độ của Phật giáo TPHCM bộc lộ rõ nét hơn bội phần.

Mong rằng lỗi trình độ trong tổ chức sự kiện này được Phật giáo TPHCM rút kinh nghiệp, để không gây ảnh hưởng không hay đến việc tổ chức lễ Phật đản những năm sau. Nếu không có  tầm nhìn hướng tới sân vận động thì thôi, không nên đưa lễ Phật đản vào vị trí ngõ cụt, rồi bẻ gãy cuộc lễ bằng một đường đứt gãy trong tổ chức không gian sự kiện như thế!

MT


Âm lịch

Ảnh đẹp