15/07/2017 10:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 1822
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO -Các nhà sư từ khắp châu Á đã cam kết sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ giữa Phật giáo và công tác nhân đạo, hợp tác với các nhà hoạt động nhân đạo, nhằm hướng tới hòa bình, thịnh vượng và từ bi cho thế giới. Tuyên bố đó được công bố vào cuối một kỳ họp 3 ngày tại Chiang Rai (Thái Lan) có tiêu đề "Phật giáo và Nhân đạo ở Châu Á".

Kỳ họp được tổ chức bởi Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc và Quỹ Vimuttayalaya ở Thái Lan. Kỳ họp đã tập hợp được tầm nhìn của Quỹ về Phật giáo dấn thân và sự tập trung của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) vào mối liên hệ giữa đức tin và sự bảo vệ. Hơn 500 đại biểu tham gia bao gồm các nhà sư, học giả và sinh viên đến từ 13 quốc gia như Bangladesh, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

0a1a1a1a1a1a1a1a1a1a1-8.jpg
Đại biểu Thái Lan tham dự kỳ họp

Tiến sĩ Surin Pitsuwan, cựu Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là một người theo Hồi giáo, nói trong bài phát biểu khai mạc: "Tất cả các tôn giáo, ở cấp độ cao nhất đều dạy về đoàn kết nhân loại. Với dân số ngày càng gia tăng và nguồn lực hạn hẹp, chúng ta phải tự hỏi làm thế nào để bảo vệ và chăm sóc cho các thế hệ tương lai".

Indrika Ratwatte, giám đốc của Văn phòng Châu Á Thái Bình Dương thuộc UNHCR, cảnh báo: "Tín ngưỡng tôn giáo không được phép trở thành căn cứ để bức hại và là một nguồn thay thế. Các giá trị chung được chia sẻ với các truyền thống tôn giáo khác nhau, thể hiện một khuôn khổ vững chắc để quảng bá sự khoan dung và cởi mở đối với những người thuộc các tôn giáo khác nhau".

Ông lưu ý thêm rằng các tổ chức tôn giáo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp cho các tình huống tị nạn, bằng cách thúc đẩy hòa giải và sống chung hòa bình. Với 250 triệu tín đồ ở Đông Nam Á, Phật giáo là tôn giáo chính trong khu vực. Một số yếu tố trung tâm của Phật giáo, sự đồng cảm, từ bi và không phân biệt, trực tiếp gắn liền với nhiệm vụ của UNHCR và các tổ chức nhân đạo khác. Kỳ họp ở Chiang Rai đã tìm cách khám phá những điểm tương đồng trong quan điểm của Phật giáo và nhân đạo về 4 vấn đề: Ứng phó với thiên tai, khắc phục xung đột vũ trang, tăng cường xã hội và sự bền vững môi trường.

Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm tốt từ các quốc gia của mình liên quan đến các vấn đề như sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm nền tảng cho sự thay đổi tích cực, phản ứng của cộng đồng và vai trò của các tổ chức dựa vào đức tin trong các cơ sở nhân đạo. Các cuộc thảo luận sôi động xung quanh xung đột vũ trang và cộng đồng đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin để cải thiện sự hợp tác giữa các bên.

Các cuộc thảo luận đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc biến giáo lý Phật giáo thành những hành động cụ thể của địa phương. Đồng ý ưu tiên các nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người tị nạn, người vô gia cư, công nhân nhập cư và nạn nhân của thảm hoạ và xung đột quốc gia là điều rất quan trọng.

Chủ tịch Quỹ Vimuttayalaya, Hòa thượng V. Vajiramedhi, đã bế mạc kỳ họp vào ngày Chủ nhật bằng những lời hy vọng, và rằng khi mọi người đến với nhau thì "có nhiều bàn tay hơn để thay đổi thế giới." Sư khuyến khích các thành viên tham gia cùng hành động để thế hệ này trở thành một thế hệ "từ bi, tình yêu và chia sẻ".

 Văn Công Hưng (theo eTurboNews)

http://giacngo.vn/phatgiaonuocngoai/2017/07/14/5AD2C1/


Âm lịch

Ảnh đẹp