Phật Giáo Hoa Kỳ ngày càng gia tăng mạnh mẽ


Buddhism & Buddha Groves in UK Bài viết của Jane Lampman, báo The Christian Science Monitor, Ngày 14 Tháng 9 Năm 2006
08/10/2010 19:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 4690
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cuộc thăm viếng của đức Đạt-lai Lạt-ma đã làm nổi bật sự kiện rằng, với con số 1 triệu 500 ngàn tín đồ, Phật giáo là một tôn giáo lớn đứng hàng thứ tư tại Hoa Kỳ.

Cambridge, MASS. (USA)–Khuôn mặt vui vẻ đó đã trở thành quen thuộc khắp toàn cầu – gần như là ai cũng có thể nhận diện được khi nói đến các vị lãnh đạo tôn giáo, tương tự như đức Giáo Hoàng John Paul II. Mỗi khi Người đến Hoa Kỳ, đức Đạt-lai Lạt-ma là một diễn thuyết viên được ưa thích nhất, Người thường chia sẻ những thông điệp từ bi và tinh hoa của người phát tiết ra cả đến bên ngoài cộng đồng Phật giáo.

Nhóm hội thảo tiêu đề: Thiền sinh kỳ cựu Julie Forsythe hướng dẫn các thành viên của trung tâm Dzogchen tại Cambridge, Mass., trong buổi “Thiền tập về Từ và Bi”. JASON BEAN



Sau khi khánh thành trung tâm phục vụ Hòa bình và Giáo dục vừa mới được thành lập tại Vancouver, B.C., vị lãnh đạo của dân tộc Tây Tạng tuần này bắt đầu thăm viếng vài thành phố Hoa Kỳ nhằm vào việc diễn thuyết trước công chúng, tham gia các buổi hội nghị cùng với các thành viên trẻ phục vụ cho hòa bình, các khoa học gia, các giảng viên đại học, các ủy viên quảng trị và một buổi hội thảo với hội phụ nữ California. Người cũng để tâm ngồi xuống giảng dạy cho các Phật tử Hoa Kỳ mới trong bước đầu học đạo.

Phật giáo đang phát triển nhanh chóng tại Hiệp Chủng Quốc, và một truyền thống Phật giáo Hoa Kỳ rõ rệt đang được hình thành .

Những trung tâm giáo dục Phật học và các đạo tràng (cộng đồng của những người cùng chung nhau thực tập Phật pháp) đang phát triển tại đây khi những người lãnh đạo sinh trưởng tại Hoa Kỳ lên khung lại các nguyên tắc đạo đức cổ xưa cho phù hợp với ngữ thuật của Tây phương hiện đại.

Mặc dù tôn giáo xuất hiện tại Ấn Độ nhưng đã có mặt tại Hiệp Chủng Quốc từ thế kỷ thứ 19, số lượng tín đồ đã gia tăng 170 phần trăm kể từ năm 1990 đến năm 2000, thể theo cơ quan American Religious Identity Survey (Cơ Quan thăm dò nhận diện các tôn giáo tại Hoa Kỳ). Một bản dự phỏng của cơ quan ARIS đã đưa con số Phật tử lên đến 1 triệu rưỡi vào năm 2004 trong khi các cơ quan khác đã phỏng đoán một con số lớn gấp đôi. Ông Richard Seager, tác giả cuốn sách “Buddhism in America” (Đạo Phật tại Hoa Kỳ) nói rằng: “Con số 1 triệu rưỡi là một con số rất khiêm nhường.”

Điều này đã đưa Phật giáo trở thành tôn giáo lớn đứng hàng thứ tư trong nước, sau Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, và Hồi giáo. Tiến sĩ Seager, một giáo sư về thần học tại đại học Hamilton College, thành phố Clinton, Nữu Ước, nói rằng: “Những người di dân từ Á Châu có thể chiếm 2 phần 3 tổng số và những người cải đạo chiếm vào khoảng 1 phần 3 còn lại.”

Điều gì đã lôi cuốn họ (kể từ sau sự mê say đối với Thiền tông Phật giáo vào thập niên 50 và 60)? Có người nói rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đóng một vai trò rất lớn, thêm vào đó, với tính cách không đặt nặng vấn đề mục vụ truyền giáo của Phật giáo đã tỏ ra rất thích hợp với khuynh hướng tìm về những con đường tâm linh của người Hoa Kỳ.

Thầy Lama Surya Das một vị Lạt-ma lỗi lạc người Hoa Kỳ, tu tập theo truyền thống Tây Tạng, nói rằng: “Người ta cảm thấy rằng những nhân vật Phật giáo như đức Đạt-lai Lạt-ma và thầy Thích Nhất Hạnh của Việt Nam đã có một đóng góp nào đó trong vấn đề này, khi các vị đã không tìm cách khuyến khích người ta cải đạo”. “Các vị không xây dựng cảnh chùa hùng vĩ, nhưng các vị cống hiến những tinh hoa trí tuệ, và các phương cách để hòa giải, hòa hợp rất cần thiết cho thời đại.”

Ông nói thêm rằng: “Còn một yếu tố lớn hơn nữa là đạo Phật đã cống hiến những phương thức thực tập tâm linh mà các tôn giáo Tây phương thường không mấy chú trọng đến.”

Tỉnh lặng: Các thiền sinh cùng ngồi thiền tại đạo tràng Cambridge. Phật giáo đã đến Hiệp Chủng Quốc vào nhữngnăm 1800. JASON BEAN.


“Người ta muốn tìm đến những thực tập được đặt căn bản trên kinh nghiệm chứ không cần đến một hệ thống đức tin mới hay là một thứ luân thường đạo lý mới mà chúng ta đã có sẵn, mà thường thì cũng tương tợ như nhau trong các tôn giáo.”

Thầy Surya Das nói rằng: “Chính những thực tập có khả năng chuyển hóa như thiền tập đã thật sự thu hút người ta.”

Vào một buổi tọa thiền tại đạo tràng thuộc thành phố Cambridge tiểu bang Massachussetts tuần vừa qua, khoảng 20 phật tử thuần thành ngồi xếp bằng trên bốn hàng gối màu nâu đỏ trước bàn thờ thắp sáng ánh nến. Một trưởng tràng đã hướng dẫn một giờ tọa thiền xen lẫn với tụng niệm kinh và chú. Sau đó, nhóm quay quần lại ngồi thành vòng tròn để thảo luận nửa tiếng đồng hồ.

Carol Marsh, một kiến trúc sư đã đứng ra làm người chỉ dẫn thực tập cho đêm đó, đã từng quan tâm đến việc tìm kiếm một đường lối tu tập từ mấy năm nay nhưng cô ta rất “dị ứng với những gì không duy lý”, cô đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn. “Rồi sau khi tôi đọc cuốn sách ‘Awakening the Buddha Within,' (Đánh thức vị Bụt ở trong ta’ [là một cuốn sách đầu tay của thầy Surya Das viết về những trí huệ mà Tây Tạng cống hiến cho thế giới Tây phương], và cuốn sách này đã trực tiếp đi vào lòng tôi… Mục đích tối thượng của tôi là sự giải thoát.”

Cô Marsh nói rằng: “Sau 8 năm tu tập, tôi thấy hạnh phúc hơn, an lạc nhiều hơn, và thấy mình vững chãi hơn trước những va chạm của cuộc sống.”

Điều quý giá nhất đối với Jane Moss, một người đã tu tập 15 năm nay là học được cách làm thế nào để sống được trong Hiện Tại. Và đồng thời chấp nhận rằng thực tại bao hàm sự hoàn hảo và nhìn thấy thế giới là tốt đẹp và tất cả mọi người đều có bản chất nhân từ. Hằng tháng, nhóm tổ chức buổi thiền tập chú tâm vào lòng Nhân từ và Thương yêu.

Tăng thân đã được thành lập và nhóm họp kể từ năm 1991, khi thầy Surya Das thành lập trung tâm Dzogchen tại đây sau mấy chục năm tu tập với các đạo sư Tây Tạng. Trước khi trở thành một vị Lạt-ma, thầy vốn tên là Jeffrey Miller, được lớn lên trong một gia đình trung lưu Do Thái tại Brooklyn. Là một người tranh đấu chống chiến tranh tại Việt Nam khi còn đang theo học tại đại học University of Buffalo (Nữu Ước), ông đã rất sững sốt khi hay tin người bạn thân của mình là Allison Krause bị bắn chết bởi Lực Lượng Bảo Vệ Quốc Gia (National Guard) tại đại học Kent State vào năm 1970.

Ông đã giải thích rằng: “Sau khi tốt nghiệp vào năm 1972, tôi hoàn toàn mất tin tưởng vào các hoạt động chính trị cấp tiến. Tôi nhận thức được rằng chiến đấu cho hòa bình là một sự mâu thuẫn hoàn toàn trên danh nghĩa, và tôi muốn tìm lại được sự bình an cho nội tâm mình”. Thay vì tiếp tục chương trình hậu đại học, chàng trai trẻ Miller trên bước đường tầm đạo đã đưa anh đến Hy Mã Lạp Sơn nơi mà anh sống trọn phần còn lại của thập niên 70 và 80 để tu học cùng với các giáo thọ Phật giáo và đồng thời dạy lại cho họ Anh ngữ.

Ông nói rằng: Thời kỳ đó cũng tràn đầy những khó khăn, những phút giây ngờ vực nhưng cũng có cả sự khai mở trí tuệ. Đi theo con đường đạo hạnh đã xưa hằng bao thế kỷ để vun trồng giác tánh, chương trình tu học của ông bao gồm 2 khóa tu, mỗi khóa kéo dài 3 năm chuyên chú mật thiết vào vấn đề thực tập. Ông nói qua điện thoại từ một khóa tu tại Texas, nơi mà ông đang huấn luyện các đệ tử rằng: “Một trong những bài học quý báu trong tăng chúng là bài học thương yêu nhất là khi tôi thật tình không ưa gì người đó cả.”

Thầy Surya Das nói tiếp: “Có rất nhiều tông phái Phật giáo nhưng mọi người đều đồng ý rằng cái mục đích chung là làm sao cho cá nhân và cộng đồng được giác ngộ. Điều đó có thể giải thích là an tịnh niết bàn, trí huệ, và từ bi. Điều này đòi hỏi một đường lối thực tập đặt nền tảng trên sự thiền định, hành xử theo đạo lý, và phát triển sự hiểu biết sâu sắc và lòng từ bi tích cực.

Các vị lãnh đạo tinh thần: Lama Surya Das (hình trái) là một trong những vị giáo thọ Phật giáo người Tây phương lỗi lạc nhất. Đức Đạt-lai Lạt-ma (hình phải) của Tây Tạng hiện đang thăm viếng Bắc Mỹ. WWW.SURYA.ORG; RICHARD LAM/AP


Buddha có nghĩa là “Thức Tỉnh” theo chữ Phạn, một ngôn ngữ của Ấn Độ thời cổ đại nơi mà đức Phật Cồ Đàm Tất Đạt Đa đã tìm ra Đạo Lý và Bát Chánh Đạo hơn 2,500 năm qua. Những người Phật tử tin rằng với đường lối này, con người thức tỉnh trước sự kiện đã luôn từng có mặt, “cái diệu hữu tuyệt hảo tự nhiên” . Họ không nhắc đến Đấng Tạo Hóa mà chỉ nói đến con nguời hay cái tâm bản ngã với chữ “t” thường và Phật (Thức Tỉnh) Tâm với chữ “T” hoa.

Thầy Surya Das đã viết rằng: “Năng lượng trị liệu được hình thành thông qua một cơ quan vi diệu hơn, nhưng cũng tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều là Phật cả”

Chúng ta không cần phải quy phụng kinh điển hay một đức tin nào cả hoặc là phải ăn chay, nằm đất. Và chúng ta cũng không cần phải cải bỏ đạo của mình. Vì thế có vài người Hoa kỳ đã nói đến Do Thái Giáo Phật Giáo chẳng hạn.

Chính Đức Đạt-lai Lạt-ma đã thường khuyến khích người ta hãy giữ lấy đạo của nền văn hóa nơi sinh trưởng của mình để tránh sự bối rối lầm lẫn thường xảy ra do hậu quả của sự pha chế giữa quan kiến Đông vàTây Phương

Tuy vậy một số người khác lại hoàn toàn đi sâu chuyên chú vào việc học tập kinh điển Phật giáo, khi những sách báo và những khóa tu do từ những giáo thọ sanh đẻ tại Hoa Kỳ đã làm cho công việc tu học của họ trở nên dễ dàng hơn.

Trung tâm Dzogchen (Đại Thành Tựu Pháp), với nhiều tăng thân tại các tiểu ban, truyền dạy một Pháp môn thượng thừa của Tây Tạng; hằng năm trung tâm có mở những khóa tu kéo dài từ một ngày cho đến hai tuần lễ. Thầy Surya Das, với cái pháp danh do vị giáo thọ Tây Tạng ban cho mang ý nghĩa là “Hộ pháp đăng”, là giám đốc tinh thần của trung tâm.

Hiện nay, 30 thiền sinh đang rốt ráo tu tập trong một khóa tu 100 ngày cho các thiền sinh cao đẳng tại trung tâm tu học Dzogchen ở ngoại ô thành phố Austin, Texas. Họ đang ở vào năm thứ 3 của chu kỳ 12 năm của các khóa tu tịch lặng- cũng có nghĩa là khóa tu này sẽ đào tạo thêm được các tân giáo thọ.

Nhiều vị thầy giáo thọ Tây Tạng đã giúp vào việc truyền đạt Phật giáo vào Hiệp Chủng Quốc và một trong số các vị đó là Chogyam Trungpa đã sáng lập ra đại học Naropa University tại Boulder, Colorado. Tuy thế vị giáo thọ này đã phạm giới khi va chạm với những xa hoa đã từng cám dỗ các tu sĩ của các tôn giáo – rượu chè và sắc dục.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã từng cảnh cáo các vị thầy giáo thọ theo đuổi chức vị lãnh đạo vì các lý do tài chánh thay vì là tinh thần.

Thầy Surya Das nói rằng: Cái vấn đề liên hệ giữa thiền sinh và vị thầy giáo thọ là một vấn đề đang được tranh cảI nhiều nhất khi Phật Pháp được truyền bá từ Đông sang Tây. Tuy nhiên một cơ chế Phật giáo Hoa Kỳ lành mạnh cùng với những đặc tính của nó cũng đang trên đà vươn lên. Nó nhẹ về phần chủ thuyết và nghi lễ hơn ở phương Đông và thiên về Thiền định nhiều hơn, ít phân chia thứ bậc tôn ti và chú trọng vào nền tảng dân chủ và công bình. Nhằm vào việc phục vụ cho cư sĩ tại gia hơn là tu sĩ xuất gia, và chủ trương nhập thế qua các chương trình xã hội và bảo vệ sinh môi.

Ông Seager nói rằng: “Nổi bật hơn cả là vai trò lãnh đạo và giáo thọ của giới phụ nữ thì rất là đáng kể”

Đức Đạt Lai nói về một Phật giáo biến dạng một cách tự nhiên tùy theo nền văn hóa của mỗi địa phương. Trong khi người đi vòng quanh thế giới, người cũng nhấn mạnh đến việc bắc nhịp cầu thông cảm giữa các tôn giáo cũng như là tìm tòi những phương thức bất bạo động để giải tỏa các dị biệt. Cuối tuần này “người đã từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình” sẽ dành thời gian cùng giới trẻ Denver chú tâm vào các đề án giải quyết xung đột. Người sẽ làm lễ chú nguyện cho Đại Bảo Tháp, một điễn hình to lớn nhất cho kiến trúc Phật giáo tại Hiệp Chủng Quốc, tại trung tâm Shambhala Mountain ở Colorado.

Tuần tới người sẽ có một buổi nói chuyện với 20,000 khán giả tại một sân vận động túc cầu tại Buffalo, và tại trường Phật học của thầy Surya Das, trước đây thầy Surya Das đã từng là thị giả cho người trong nhiều năm. Đức Lạt Ma người Hoa Kỳ này cũng sẽ tham gia trong buổi nói chuyện.

Thầy Surya Das rất lấy làm mãn nguyện khi kết luận rằng “ Phật giáo đã tạo cho tôi nên người, đem đến cho tôi hạnh phúc và giúp tôi tìm được chỗ đứng của mình trong cuộc đời và trong vũ trụ”
-----------
Tâm Từ Tiến

Nguon: http://www.diendanphatphaponline.com/diendan/showthread.php?6653-Ph%E1%BA%ADt-Gi%C3%A1o-Hoa-K%E1%BB%B3-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-gia-t%C4%83ng-m%E1%BA%A1nh-m%E1%BA%BD


Âm lịch

Ảnh đẹp