08/12/2011 20:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 126002
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Như thế là Trung Quốc thua một chiêu! Cả thế giới đều thấy rõ: ngọn cờ văn hóa Phật Giáo đã trở về trọn trong tay Ấn Độ, bất kể sau nhiều năm chính phủ Trung Quốc chiêu dụ các vị cao tăng toàn cầu.


 

 
Báo Times of India hôm 4-12-2011 gọi một cách trân trọng thế võ Ấn Độ lấn ép Trung Quốc này là “Return of Buddha” (Đức Phật Trở Về).
 
Có nghĩa là từ trước tới giờ, chính phủ Bắc Kinh bơm đủ thứ tiền, xây chùa, in kinh Phật, tu sửa Thiếu Lâm Tự, đưa võ tăng đi khắp thế giới biểu diễn... làm như Bắc Kinh là trung tâm Phật Giáo thế giới, và cũng để xóa tan thành kiến của những tên “tư bản giãy chết” rằng TQ chỉ ưa trấn áp tôn giáo, kể cả Đạo Phật truyền thống trong khu tam giáo đồng nguyên ở Hoa Lục.
 
Vây mà, chỉ một thế võ Phật Quyền tung ra, Ấn Độ đã cướp ngay ngọn cờ Phật Giáo từ tay Trung Quốc. Và Việt Nam đã xem đây như một thế liên kết mới về mặt văn hóa, để đứng hẳn bên cạnh Ấn Độ như một nơi hành hương tâm linh, và ra mặt sát cánh bên Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có vẻ như chuyện tôn giáo để VN làm vui lòng chính phủ Ấn Độ, nhưng cũng vừa ngầm tạo thế toàn cầu cho Biển Đông sau này.
 
Thời gian hội ngộ cuả các vị cao tăng toàn cầu tại Delhi vào những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2011 được gọi là First Global Buddhist Congregation, dịch ra đơn giản có thể gọi là “Đại Hội Phật Giaó Toàn Cầu lần thứ nhất”. Viết tắt là GBC. Và là lần thứ nhất.
 
Xin chú ý, lần thứ nhất. GBC lần thứ nhất.
 
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức các đạị hội Phật Giáo quốc tế, hiển nhiên không ai dám nói rằng Bắc Kinh là vô thần, bất kể nơi này không dễ cho nhiều hoạt động tôn giáo.
 
Thí dụ, Ban Tôn Giaó Trung Ương Đảng CSTQ đã tổ chức First World Buddhist Forum, dịch là Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới lần thứ nhất, tại Núi Tutuo, tỉnh Zhejiang vào tháng 4-2006. Viết tắt, nghĩa là WBF, khác hẳn với GBC. Lúc đó, có 1,000 vị sư và học giả nổi tiếng từ 37 quốc gia (kể cả các sư Đàì Loan, và các vị sư Tây Tạng nội địa) tới tham dự, thế là kể như nhà nước Trung Quốc nắm được ngọn cờ hộ trì Phật Giáo toàn cầu.
 
Một điểm ghi nhớ rằng trong đại hội 2006 ở TQ, vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 (vị do Đảng CSTQ chọn, chứ không phải vị do Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn) lúc đó tuy mới 16 tuổi nhưng đã đọc diễn văn khai mạc bằng tiếng Tây Tạng cho WBF. Tất nhiên, WBF không hề mời ngài Đạt Lai Lạt Ma.
 
Tuy nhiên, đạị hội GBC tại Ấn Độ năm 2011 cũng có tham dự của 1.000 vị sư và học giả nổi tiếng từ 46 quốc gia tham dự, và đã gửi lời mời 35 vị đại tăng Trung Quốc nhưng không thấy vị nào tham dự. Thấy rõ là chính phủ Bắc Kinh không hài lòng, cấm các sư tham dự GBC. Thêm nữa, đọc diễn văn trong GBC còn có Đức Đạt Lai Lạt Ma và ngài Karmapa, hai vị đạị tăng đã vượt Hy Mã Lạp Sơn để trốn sang tị nạn ở Ấn Độ.
 
Thế là ngọn cờ Phật Giáo nhẹ nhàng chuyển sang tay Ấn Độ.
 
Cả thế giới thấy rõ chuyện này: chỉ một chiêu thôi là Ấn Độ lại trở thành Đất Phật. Bất kể Trung Quốc bao nhiêu năm chiêu dụ thế giới.
 
Cần ghi nhận rằng, phái đoàn Phật Giáo VN đã linh đình sang tham dự GBC, thoải mái ngồi họp với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nghĩa là về với xứ Phật và không chịu đồng hành với Bắc Kinh.
 
Phái đoàn PGVN do Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ làm trưởng đoàn, trong đoàn có hơn 120 tăng ni, học giả cư sĩ...
 

Đoàn VN dự Đại hội
 

Hòa thượng Thích Thiện Tâm - Phó ban Phật giáo quốc tế GHPGVN đọc thông điệp của Đức Pháp chủ tại Đại hội
 
Một điểm nữa để Trung Quốc nổi giận: theo báo Times of India, vào ngày 30-11-2011, đại hội lần thứ nhất Global Buddhist Congregation tại Delhi quyết định thành lập một tổ chức Phật Giáo toàn cầu đặt trụ sở tại Ấn Độ, không phải tại TQ như WBF năm xưa gợi ý mà nhiều phái đoàn quốc tế lúc đó chỉ lẳng lặng bất đồng.
 
Báo Times of India nói rõ: không ai nhầm lẫn về điều này, rằng Ấn Độ đã trở thành trung tâm mới của Phật Giáo -- gồm đại diện 46 quốc gia và trong 3 truyền thống Phật Giáo: Nam Tông, Bắc Tông và Kim Cang Thừa.
 
Liên minh PG mới sẽ có tên là International Buddhist Confederation với trụ sở ở Ấn Độ, theo lời nhà sư Lama Lobsang, hội trưởng của tăng đoàn Asoka Mission, hội đoàn đã tổ chức đaị hội GBC này.
 
Cũng cần nhắc rằng, một ngày trước khi đaị hội GBC khai mạc, TQ đã hủy bỏ những cuộc thương thuyết về biên giới với Ấn Độ sau khi Ấn Độ từ chối yêu cầu của Bắc Kinh là không để Đức Đạt Lai Lạt Ma vào dự đạị hội trên.
 
Chưa hết, phản ứng của các vị sư quốc tế chắc chắn cũng làm TQ đau lòng.
 
Banagala Uptatissa, hội trưởng Mahabodhi Society của Sri Lanka, nói, “Cả thế giới nhìn về Ấn Độ vì là Phật Giáo. Nếu có ai từ Ấn Độ đưa ra sáng kiến, Ấn Độ có thể nắm quyền lãnh đạọ thế giới Phật Giáo.”
 
Tất nhiên, không thể toàn cầu được, vì Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ Ấn Độ trong ván cờ tranh giữ y bát Đức Phật.
 
Bản tin báo Giác Ngộ có một chi tiết mà tờ Times of India không nói tới:
 
Từ phiên họp trù bị đầu tiên, TT.Thích Nhật Từ là thành viên Ủy ban soạn thảo Nghị quyết và Hiến chương của Liên minh Phật giáo Thế giới, dự kiến Liên minh Phật giáo Thế giới sẽ được công bố trong ngày bế mạc hội nghị ngày 30-11.”
 
Như thế, các vị sư Việt Nam đã quyết định về với Ấn Độ, và đã góp sức soạn thảo Hiến chương cho Liên minh Phật giáo Thế giới. Điều cũng ghi nhận rằng, Việt Nam đang đi một thế liên kết toàn lực để có thể tìm liên minh nhằm bênh vực cho cuộc chiến gìn giữ Biển Đông: vừa hỗ trợ chính phủ Ấn Độ, vừa liên kết với các tổ chức Phật Giáo quốc tế.
 
Ngay cả vào năm 2009, khi WBF lần thứ 2 tổ chức ở cả hai nơi có tính biểu tượng - Wuxi ở Trung Quốc, và Đài Bắc ở Đài Loan - dù mời khắp toàn cầu, nhưng vẫn nhất định không mời Đức Đạt Lai Lạt Ma (lúc đó, có 71 vị sư và học giả từ Mỹ sang tham dự). Vì Bắc Kinh công khai chịu làm hòa với Đài Bắc, nhưng cực kỳ dị ứng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đang tị nạn ở Ấn Độ.
 
Đó là chưa kể những đại hội Phật Giáo thế giới khác, tổ chức ở Mã Lai, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản... nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bị đứng bên lề, vì không chính phủ nào ngoài Ấn Độ dám mời ngài vào đọc diễn văn, dù khai mạc hay bế mạc.
 
Bây giờ thì xong rồi, Trung Quốc đã mất lá cờ văn hóa Phật Giáo.
 
Thấy rõ, chính phủ Ấn Độ thượng thừa trong môn võ Phật Quyền, hơn xa Trung Quốc.
 
Chỉ còn một nỗi lo, là khi Đức Đạt Lai Lạt Ma viên tịch, chắc chắn Bắc Kinh sẽ đưa lên một cậu bé để nối ngôi. Đó là chuyện, nói theo kiểu xưa, “xin xem hồi sau sẽ rõ.”
 
Nhưng nhìn chuyện Đức Ban Thiền Lạt Ma sau khi viên tịch, là biết chuyện hồi sau của Đức Đạt Lai Lạt Ma rồi. May mắn, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiên đoán được những chuyện như thế này.
 
California
12/2011
-------------

Phản hồi (1 bài gửi):

sonlamcoc vào lúc 08/12/2011 10:01
avatar
Chúng ta - những người xưng là con Phật có thật sự muốn tạo ra một liên minh Phật giáo hay không? Chúng ta có thực sự mong muốn có một nền hòa bình cho khắp thế giới không phân biệt hay không? Tôi đọc bài viết mà thấy buồn quá. Dù chính phủ Trung Quốc vẫn mang nặng thành kiến với Tây Tạng vì họ đã chiếm đoạt được phần xác của mảnh đất này mà không chiếm được phần hồn của nó thì những người con Phật có nên đưa những thông điệp mang tính chất khiêu khích, hơn thua để khoét sâu thêm cái hố ngăn cách kiểu như thế này không? Bản thân mảnh đất Tây Tạng không giữ toàn được lãnh thổ cũng chính vì sự thù nghịch của người dân bản xứ với những "thế lực thù địch" mà họ đã được dạy cách cư xử hoặc thể hiện thái độ khi nhìn thấy dù có những người trong số ấy chẳng làm gì hại đến họ cả. Chính cái tâm thù nghịch của họ quá lớn đã khiến những vị lãnh đạo tinh thần của họ phải lưu vong để trước hết là bảo toàn mạng sống, sau mới nói đến việc hoằng pháp lợi sinh.

Nếu nhìn lại lịch sử của Việt Nam, khi giặc đến thì đánh đuổi, đánh đuổi chứ không nuôi mối hận thù. Nhưng khi giặc rút thì lại hòa hiếu, hữu hảo và chỉ một nụ cười khi gặp lại kẻ thù cũng giúp người dân Việt Nam nổi tiếng là thân thiện. Vì vậy, so với Tây Tạng, Việt Nam vẫn giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ để rồi dần dần khôi phục lại nền văn hóa mà dấu ấn của đạo Phật đã thấm vào và hòa nhập với linh hồn của khí thiêng sông núi.

Tinh thần của bài viết này quá ngạo mạn, từ ngạo mạn đến kiêu ngạo, cố chấp là khoảng cách không hề xa. Cứng quá thì dễ gãy nên không phải ngẫu nhiên mà đức Phật luôn dạy những người con của ngài phải KHIÊM HẠ.

Xin đừng khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa những người con Phật với nhau. Xin hãy yêu thương những chúng sinh vì vô minh mà lầm lỗi. Vì sớm hay muộn, đã về nhà hay chưa thì chúng sinh cũng gặp nhau cùng một chốn.


Nguon: http://www.phattuvietnam.net/quocte/17335.html


Âm lịch

Ảnh đẹp