Tạp chí “Văn hóa cuối tuần” của Trung Quốc cho biết khi quần
thể kiến trúc cổ Hà Nam và khu bảo tồn thiên nhiên Đan Hà của Trung
Quốc được UNESCO công nhận là di sản thiên niên và văn hóa thế giới hồi
đầu tháng 8/2010, có nhiều điều đang suy ngẫm.
Khó có ai tưởng tượng được GDP năm 2008 của huyện có khu di tích là 200
triệu nhân dân tệ (NDT), nhưng tổng chi phí để được UNESCO công nhận
lại lên tới 1 tỷ RMB (huyện phải chi 450 triệu, còn lại nhà nước tài
trợ). Rất may là khu di tích này được UNESCO công nhận, chứ không thì
“tiền mất, tật mang”. Một điều đáng lo ngại hơn nữa là sau khi thành
“di sản thế giới”, di sản thế giới này sẽ nhộn nhịp kinh doanh và cửa
thiền sẽ biến thành nơi trục lợi kiếm tiền, với các khách sạn nhà hàng
mọc lên nhan nhản.
Trước năm 1992, khi chưa được công nhận là di tích văn hóa, khu đền Võ
Lăng là nơi tĩnh mịch, cây cỏ xanh tươi, phong cảnh hữu tình, chim muông
hội tụ. Nhưng tháng 12/1992 khi được công nhân là “di tích văn hóa”,
khu đền lập tức nhộn nhịp hẳn lên, dân bản xứ bị chuyển đi nơi khác để
có chỗ cho xây dựng hơn 400 khách sạn, nhà hàng phục vụ hàng trăm nghìn
du khách tứ phương có chỗ ăn ở. Thành phố thương mại bao vây các chùa
chiền, tiếng nhạc và Karaoke át tiếng tụng kinh niệm Phật.
Khu thành cổ Bình Dao thuộc tỉnh Sơn Tây vốn có phong cảnh hữu tình,
thanh bình trong tụng kinh gõ mõ và thiên hạ đến với đây với tấm lòng
thành kính. Nhưng sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa năm
1997, lập tức hàng trăm nhà hàng khách sạn mọc lên. Thu nhập vé vào cửa
trước đây chỉ chưa đầy 180.000 NDT/năm, nay tăng lên tới trên 15 triệu
NDT. Đó là chưa kể thu nhập từ các dịch vụ khác lên tới hàng trăm triệu
RMB. Xung quanh “cửa thiền” mọc lên một loạt “thành phố thương mại
khép kín” với nhiều khách sạn sang trọng cùng trung tâm thương mại.
Suốt ngày ồn ào tiếng người, tiếng nhạc giật gân, át hẳn tiếng tụng
kim. Cửa thiền đã thành nơi kinh doanh và kinh tế thị trường đã thống
trị nơi này.
Thiếu Lâm Tự
Cả thế giới đều biết Thiếu Lâm Tự là nơi tu luyện của các đệ tử nhà
Phật, nhưng hơn 10 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, Thiếu Lâm Tự giờ
đây không còn nguyên vẹn như xưa. Thiếu Lâm Tự cũng ráo riết kinh
doanh và hiện có tới 29 cơ sở phân hiệu ở trong và ngoài nước, trong đó
có tới 26 phân hiệu mới được xây dựng thêm. Dư luận trong nước than
phiền “Văn hóa Phật giáo đã bị thương mại hóa”, thậm chí một số học giả
thốt lên “Thiếu Lâm Tự đã bị biến thành McDonald”.
Năm 2005, Thiếu Lâm Tự đưa ra “chiêu” kinh doanh mới để tăng thu
nhập: ai đóng góp trên 100 NDT thì khắc tên trên Bia công đức, trên 500
NDT được khắc tên lên chiếc chuông của chùa, từ 5.000 RMB trở lên
ngoài những thủ tục trên còn được mời tới làm hộ pháp cho chùa và tặng
bức trướng “Thiếu Tâm tự họa”. Ai đóng góp trên 1 triệu NDT thì được
mời làm hộ pháp và được tặng bức trướng “Thiếu Lâm võ công y tông mật
cập” và một thanh bảo kiếm. Vậy là mọi người tranh nhau làm “công đức”.
“Văn hóa cuối tuần” dẫn lời Giáo sư Long Kinh Hồng, Phó Giám đốc Học
viện quản lý du lịch Đại học Trịnh Châu nói: “Thời gian qua, Thiếu Lâm
Tự đã bành trướng và ồn ào thái quá. Thậm chí, Thiếu Lâm Tự còn lập ra
nhiều công ty, mở nhiều lớp quản trị kinh doanh, giám đốc điều hành và
có nhiều thương phẩm được đăng ký thương hiệu. Đây là điều không thể
chấp nhận được.”
Tuy nhiên, Phương Trượng Thích Vĩnh Tín trụ trì Thiếu Lâm Tự biện
minh: “Thiếu Lâm Tự xây dựng và mở rộng chủ yếu là sự đóng góp của các
Phật tử . Hơn nữa ‘có thực mới vực được đạo’. Nếu không kinh doanh, thì
làm sao nhà chùa có tiền để mở rộng truyền bá kinh Phật?”
Trong cuộc hội thảo “Phật giáo trong toàn cầu hóa” tổ chức cuối năm
2008 ở Trung Quốc, một số học giả cho rằng: “Phật giáo là một loại hình
văn hóa, mà văn hóa thì bị tác động bởi các nhân tố xã hội. Bởi vậy,
việc mở rộng kinh doanh thời gian qua của các chùa chiền như Thiếu Lâm
Tự phản ánh một thực trạng là văn hóa Phật giáo bị thương mại hóa trong
xu thế toàn cầu hóa, nhất là trong môi trường xã hội đặt thương mại
lên vị trí hàng đầu”.
Một số học giả khác cũng bày tỏ lo ngại tình trạng cửa thiền cũng
chạy theo khẩu hiệu “phi thương bất phú” , dẫn đến cạnh tranh văn hóa
và kinh tế. Tới mức độ nhất định, văn hóa Phật giáo và chùa chiền sẽ
đánh mất chức năng đạo giáo, thanh đạm và rốt cuộc bị biến thành một
thực thể thế tục tầm thường. Nhiều người tìm đến cửa thiền không phải
để thoát tục, tĩnh tâm mà để tìm cơ hội phất lên giàu có.
Theo: tamnhin.net