15/08/2013 19:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 1215
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, một trong mười vị đại đệ tử của đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Tự tứ và sức chú nguyện của Tam bảo mà mẹ của ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỹ, sinh về thiên giới.




Noi gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, ngày nay những người đệ tử của Phật, đặc biệt là tại những quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Hoa, đều tổ chức lễ Vu Lan để hồi hướng phước đức, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong quá khứ.

Lễ hội Vu Lan chính thức được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm và ở mỗi quốc gia đều có nét đặc trưng riêng, điển hình như lễ hội Vu Lan ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam...

Lễ Vu lan tại Trung Quốc

Ở Trung Quốc, đến mùa Vu lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cúng thực phẩm và giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất. 
 Lễ Vu lan tại Trung Quốc

Họ đốt giấy tiền, vãng mã để cúng cho người quá cố và tin rằng, khi đốt những đồ hàng mã thì linh hồn người mất sẽ nhận được, nhờ vậy mà các vong linh ấy đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy đến công việc làm ăn, sinh sống của người còn sống, ngược lại còn phù hộ cho người sống được ăn nên làm ra.

Trong ngày lễ Vu lan, chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã quá cố. Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm trong mùa Vu lan để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát dày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành. Thường thì người phật tử ở Trung Hoa tổ chức lễ Vu lan từ ngày 15 tháng 7 cho đến ngày 30 tháng 7 Âm lịch.

Lễ cúng cô hồn và nghi thức cài hoa hồng đặc sắc tại Việt Nam

Ở Việt Nam chúng ta, cùng với sự hồi sinh và phát triển của Phật giáo, lễ Vu Lan ngày càng được tổ chức quy mô và trọng thể hơn. Cũng trong ý nghĩa báo hiếu công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cứu giúp cho các vong linh, phật tử ở nước ta thường đến chùa tụng kinh, cầu nguyện, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ và cho pháp giới chúng sanh. 
 Nghi thức cài hoa hồng

Nhiều nơi còn tổ chức đại lễ trai đàn chẩn tế để cúng dường, bố thí và cầu nguyện cho chư vị âm linh, vong linh cô hồn. Có một nghi thức rất đặc biệt, rất riêng, chỉ có người Việt mới tổ chức trong ngày lễ Vu lan, đó là nghi thức cài hoa hồng. 

Chính nghi thức cài hoa hồng này đã khiến cho nhiều người phải thổn thức khi trân trọng cài hoa lên ngực áo, đã khiến cho không biết bao nhiêu người rơi nước mắt khi phải ngậm ngụi cài lên ngực áo một đóa hồng màu trắng; và thông qua lễ cài hoa hồng này mà có không ít người đã hồi tâm tỉnh giác, trở nên hiếu thảo với cha mẹ hơn, sống tốt hơn.

Lễ Obon của người Nhật Bản

Lễ Vu Lan (Ullambana) theo tiếng Nhật gọi là Bon-Odori hay còn gọi là Bon-Dance được gọi ngắn gọn là Obon, đã được tổ chức tại quốc gia này hơn năm trăm năm nay. Tuy nhiên, ngày tổ chức lại khác nhau theo từng vùng khác nhau ở đất nước Mặt trời mọc này: các tỉnh ở phía Đông thì tổ chức vào tháng Bảy trong khi các tỉnh ở phía Tây thì lại tổ chức vào tháng Tám.
 Lễ Obon của người Nhật Bản

Lễ Obon được người Phật giáo Nhật Bản tổ chức trong ba ngày. Ngày đầu tiên được gọi là ngày Khai đàn, và ngày cuối cùng kết thúc bằng lễ phóng đăng. Lễ Obon ở Nhật Bản đã đạt được nhiều ý nghĩa trong cộng đồng người Nhật, nó không chỉ là ngày để tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà mà còn là ngày gia đình tụ họp gặp gỡ nhau. 

Người dân trở về quê để thăm viếng gia đình, bà con họ hàng cũng tổ chức tiệc mừng tuổi cho cha mẹ trong những ngày lễ Obon này. Họ đi thăm mồ mả ông bà và dọn dẹp cỏ rác xung quanh mồ mả. Họ làm thức ăn hay mua hoa quả để đem dâng lên chùa. Trong những ngày lễ Obon diễn ra, người dân còn tổ chức nhảy múa, gọi đó là những điệu nhảy Obon.

Vì sao lại có nhảy múa trong lễ Obon của người Nhật? Vì lẽ, người ta tin rằng: sau lễ này, các quỷ đói sẽ thoát khỏi nơi địa ngục, người thân của họ sẽ được siêu thoát nơi thế giới an lành. Vì thế, họ nhảy múa để mừng sự kiện trên và các điệu nhảy trong lễ Obon là một phần không thể thiếu trong lễ này.

Vu lan tại Malaysia

Ngày lễ Vu lan còn gọi là ngày Tổ tiên, hay là Lễ hội tháng Bảy. Bên cạnh những việc làm thể hiện tinh thần hiếu đạo của người Á châu trong mùa Vu lan, như: thăm viếng lăng mộ, tảo mộ, dâng cúng phẩm vật cho người thân đã quá cố, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, người ta còn tổ chức nhiều sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mang những sắc thái riêng của quốc gia này.
 Phẩm vật cúng cho người quá cố

Vào ngày Vu lan, hàng trăm, và đôi khi hàng nghìn người, tập trung đến các chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho người quá cố và cúng dường lên đức Phật. 

Theo phong tục, vào ngày lễ Vu lan, người dân nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh. Trước đây, mỗi khi Vu lan đến, người ta đốt rất nhiều giấy tiền, vàng mã, hình nhân và các vật dụng bằng giấy. Việc đốt vàng mã này xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng dân gian, bắt nguồn từ văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa, chứ hoàn toàn không liên quan đến giáo lý đạo Phật - Phật giáo không khởi xướng và không cổ xúy cho vấn đề này. Những năm gần đây, nhờ sự hướng dẫn của chư Tăng và sự phát triển nhận thức của phật tử, nên việc đốt vàng mã cũng đã bớt đi nhiều.

Bên cạnh đó, vào ngày Vu lan, người Phật tử Malaysia còn tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng tại các khu dân cư, có sự tham gia nhiệt tình của các ca sĩ, vũ công, người diễn kịch,... Tất cả mọi chi phí cho việc tổ chức văn nghệ và các hoạt động của lễ hội trong ngày Vu lan đều do quần chúng Phật tử tự nguyện đóng góp.

Tại Ấn Độ

Ngày nay, tuy không có ngày lễ Vu lan, nhưng tinh thần hiếu đạo trong những người con Phật thì từ xưa cho đến nay đều luôn tỏ rõ. Trước hết là gương sáng hiếu hạnh của Đức Thế Tôn, Người đã nhiều lần về thăm phụ vương và giúp phụ vương chứng thánh quả trước giờ phút lâm chung, lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp giáo hóa cho thân mẫu; rồi đến gương hiếu hạnh của các vị đại đệ tử của Phật, như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên,... 

Tinh thần hiếu hạnh trong Phật giáo Ấn Độ không chỉ thể hiện qua những tấm gương hiếu thảo của các vị xuất gia mà còn được biểu hiện qua sự cúng dường của hàng phật tử tại gia nhằm hồi hướng công đức cho cha mẹ. Rất nhiều bia ký được tìm thấy tại các di tích Phật giáo ở khắp Ấn Độ đều cho thấy rằng, trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà sư cũng như tín đồ Phật giáo, từ hoàng tộc cho đến dân chúng đã xây chùa, dựng tháp, tạc tượng, dâng y... để cúng dường Tam bảo, ngõ hầu hồi hướng công đức cho cha mẹ, tổ tiên và pháp giới chúng sinh. 

Lễ hội Vu lan dù được tổ chức ở đâu, dưới hình thức nào đi nữa thì ở đấy vẫn có một điểm chung, vẫn toát lên một tinh thần chung, đó là tinh thần hiếu đạo của người phật tử. Ngày hội Vu lan là ngày để người con Phật bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, để thực hiện nghĩa cử tri ân báo ân đối với hai đấng sinh thành, đối với tổ tiên, ông bà, trải rộng lòng thương đến cả những vong linh cô hồn và cả những mảnh đời bất hạnh hiện đang còn sống.

Đây là một ngày lễ hội rất có ý nghĩa, cần phải được bảo tồn và phát triển, phải làm sao để nó trở thành một ngày lễ hội của quần chúng, vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng, để cho tinh thần hiếu đạo được thấm nhuần trong lòng mọi người, để cho con người trở nên thuần từ và trung hiếu hơn.

Thị Giả (tổng hợp)

Nguon: http://phatgiao.org.vn/van-hoa/201308/Cac-nuoc-tren-the-gioi-don-Vu-lan-nhu-the-nao-11697/


Âm lịch

Ảnh đẹp