12/08/2013 07:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 1250
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Mấy ngày nay, báo chí ngoài việc bức xúc với thông tin “nhân bản kết quả xét nghiệm” ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) thì còn “nóng” với chuyện Quảng Ngãi phát hiện hai cha con ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (40 tuổi) sau 40 năm sống biệt lập trong rừng (báo chí quốc tế gọi là Tarzan). Những bài báo phát đi đều gọi là “giải cứu”, nhưng cuối cùng, ngày 11.8 báo điện tử VnExpress đã loan tin, hai cha con họ muốn trở lại rừng hơn là sống cùng người Cor ở ngoài bìa rừng.



Bài báo tường thuật, cha anh Lang, ông Thanh luôn thốt lên giọng điệu thương nhớ núi rừng: “tra xú mờ gót” (muốn trở về rừng, thăm rẫy). Ở làng có người hỏi anh Lang: “xun manh lé” (thích ở đâu), Lang đáp không chần chừ: “manh gốc” (thích ở rừng).

Dù được đưa về với cộng đồng nhưng khi được hỏi muốn ở đâu, ông Lang vẫn muốn được ở rừng.Ảnh: Dân Việt

Con người ta có tình có nghĩa, có cội có gốc, hai cha con ông Thanh có cội gốc là dân tộc Cor với bản làng của ông từ hơn 40 năm trước. Nhưng vì bom đạn, ông đã lấy rừng làm nơi ẩn mình. Từ hai bàn tay trắng, họ đã có thể tự “huấn luyện” mình để tạo ra cái ăn, cái uống, thích nghi với tự nhiên, lấy lửa từ bùi nhùi của rừng, chữa bệnh từ mật thú, da thú, tạo giống mè, lúa rẫy, bắp từ cách lấy giống của bà con dưới chân núi là cách thông minh chứ không thể nghĩ họ là những người trình độ thấp theo ý chí chủ quan của người tư duy trên ngọn.

Cha con họ khi sống trong cảnh “nguyên thuỷ” lại tạo được các vật dụng lao động từ mảnh bom, mảnh thép vương vãi của xác máy bay, bom đạn. Họ đã khéo léo tạo ra những công cụ phục vụ lao động để sinh tồn là một gia tài quý cần được giải mã, nghiên cứu, định danh, không thể gọi họ là “người rừng” một cách thiếu nghiêm túc để đưa họ về xuôi rồi tự mãn gọi đó là “giải cứu”.

Cha con ông Thanh đã lao động cật lực, sáng tạo ra những vật dụng đơn sơ từ cây lồ ô để giữ khô lương thực, ớt, thuốc lá cho nhu cầu tự thân. Họ cũng sáng tạo ná, cung để săn bắt thú rừng cải thiện cuộc sống. Cái chòi như tổ chim của cha con họ là hình ảnh biểu tượng cho thấy họ hoà hiếu với tự nhiên, ở rừng nhưng không phá rừng. Ông Thanh vốn từng ở dưới núi, từng chứng kiến bao nhiêu nhà to bằng gỗ, cha con họ thừa sức đẵn gỗ làm nhà theo ý muốn nhưng họ chọn cách tôn trọng tự nhiên khi ở căn nhà nhỏ bé dựng cách sàn đất mấy mét để tránh thú dữ là một cách thân thuộc với núi rừng, chúng ta phải biết ơn cha con ông Thanh khi họ không là tác nhân tiêu cực phá đốt rừng cho mục tiêu riêng của họ. Thế nhưng bao nhiêu người nhìn vào căn nhà nhỏ bé đó với bao giọt nước mắt và cho đó là quá khổ cực. Phải đặt những suy nghĩ của mình vào tâm hồn cha con họ để biết ông Thanh, anh Lang như đang nhường những cách sống tốt hơn cho người văn minh?!

Nay thì họ mới về với những người anh em của họ, tiếp xúc những thứ hiện đại, họ vẫn không bị cám dỗ mà vẫn thương yêu lao động, muốn trở lại thăm rẫy, sợ rẫy bị thú rừng phá là một cách họ muốn tự lực lao động theo cách của họ chứ không phải theo cách yêu thương của nghĩa “giải cứu” có phần thô thiển.

Chủ tịch huyện Tây Trà nói sẽ xây nhà cho họ nhưng tôi sợ rằng, ngôi nhà mà huyện trích ngân sách ra xây sẽ nóng bưng vào mùa hè, và khó khăn sinh hoạt mùa đông theo cách của cha con họ, và chưa chắc họ thích hơn căn nhà tổ chim mà họ yêu thương mấy chục năm phụ tử tình thâm trong đó.

Nên tôn trọng ý nguyện cha con họ nếu thật sự người cha đã khoẻ. Và hãy để họ tự nhiên như những gì họ đã làm trước đó. Y tế thôn bản có thể thăm khám họ hàng tháng, mỗi tuần để chăm lo cho người cha. Cuộc sống hiện đại với họ rất nhiều bất trắc, chắc gì đã tốt cho cha con họ. Vậy nên hãy hỏi ý kiến hai cha con và tôn trọng ý nguyện đó, không nên lấy ý kiến gia đình với những chữ ký “đồng ý” kiểu tuyệt đối đồng thuận trong dòng họ để áp đặt vào hai cha con ông Thanh, anh Lang.

Còn nếu chính quyền địa phương quyết tâm “đưa họ về với cộng đồng” thì tiên quyết cũng phải ghi nhận ý nguyện của bản thân họ với tinh thần tôn trọng, tìm cách để họ thích nghi dần, chứ không nên áp đặt, đặc biệt là không nên “giải cứu”, ban ơn khiến họ e dè!

QUỐC NAM

Nguon: http://sgtt.vn/thoi-su/182296/can-ton-trong-y-nguyen-cha-con-ong-thanh.html


Âm lịch

Ảnh đẹp