Và Tôi, và Tay, và Mắt, và Tai…
đã biến đổi, biến dạng đi rất nhiều mỗi khi nhìn lại, mỗi khi nhìn thẳng vào
gương soi, hay nhìn xuống dòng sông soi rọi diện mạo mình, mỗi khi có việc đi
qua dòng sông. Có lần tôi đã hoảng hốt kêu lên:” Tôi đây sao? Tôi già nhanh thế
này sao ? Và tôi sắp làm bạn với thần chết rồi sao? Ngày xưa tôi luôn thắc mắc,
tại sao cái ông nhạc sĩ mang mắt kính dày cọm, ốm o gầy mòn, mặc cái quần jin
cứ tuột lên tuột xuống hoài, cứ phải luôn nhắc đến cái chết, sợ chết, ám ảnh
bởi cái chết trong ca từ của ông ( Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Bây giờ nhìn lại
tôi thấy Tôi, tôi thấy Tay, thấy Mắt, thấy Tai….
và những người quen của tôi thân hay sơ, xa hay gần đều ám ảnh và sợ chết chứ
không phải chỉ có Trịnh Công Sơn.
Chết có thật đáng sợ không là tùy thuộc ở nơi ta, ở nơi cách
sống, làm việc, phụng sự và hy sinh cho tha nhân cho cộng đồng của chúng ta.
Sống đẹp thì chết đẹp. Sống không đẹp thì chết không đẹp, ai cũng thấy như vậy
mà.
Chánh Điện Chùa Bửu Minh Gia Lai
Mắt ơi ! Một năm nhìn lại mắt thấy gì ? Phật Pháp có hưng
thịnh không ? Cái phát triển bằng hình thức mà mắt nhìn thấy đó có thật sự đáng
mừng không, hay chỉ là hư ảo thoáng chốc rồi chìm vào mênh mông, mênh mông.Tâm
này còn vọng động nhiều, thân này còn lăng xăng nhiều thì Đạo cách xa vời vợi.
Tôi nhớ quay nhớ quắc hình ảnh của những bậc Đạo Sư ngồi thiền định trên núi
tuyết, trong thâm sơn cùng cốc, hoặc du hóa bốn phương cho mọi người biết Phật,
tin Phật. Ngồi thuyết giảng bốn năm tiếng đồng hồ trên pháp tòa, dáng như sư tử
chúa. Điều cần nói, cần đóng góp cho sự tồn vong của đạo pháp thì nói, thì lên
tiếng, vô úy. Không sợ mất cho cái một, chỉ lo cho cái tất cả bị mất thôi. Mắt
ơi ! Tôi không nghĩ đời này là đời mạt pháp. Pháp có mạt hay hưng thịnh là do
con người. Con người muốn pháp mạt thì pháp sẽ mạt, cứ nhắm mắt làm ngơ, cứ vô
tâm quên lãng, cứ thân chơi muôn dặm xa, cứ mắt xanh nhìn tín đồ trôi về tay
đạo khác. Còn nếu muốn đạo pháp hưng thịnh thì mỗi tín đồ cùng gìn giữ, mỗi
chùa cùng gìn giữ. Gìn giữ cách nào thì tùy mỗi người , mỗi chùa, có những cách
khác nhau, miễn sao ánh sáng Đạo rạng rỡ chiếu soi tận cùng những nơi tăm tối
khát khao, miễn sao bánh xe pháp lăn hoài không dừng nghỉ.
Tai ơi ! Một năm nhìn lại Tai nghe gì ?Tai có nghe tiếng kêu
xé lòng của một số em học sinh bị bè bạn đánh hội đồng lột xé quần áo ( tôi
thèm, tôi ước ao giáo lý Nhân quả , Nghiệp báo, Từ bi, yêu thương được dạy
trong các trường học).Tiếng kêu thất thanh mẹ ơi cứu con, con sợ người lớn lắm
! Mẹ ơi cứu con, nước đã cuốn con rồi mẹ ơi, hai bàn tay nhỏ xíu hoảng hốt quơ
lên trong cuồng lưu hung dữ. Tham, sân, si của con người đã biến nơi này thành
hỏa ngục. Nếu con người biết tu tập chuyển hóa thì trái đất này không giãy giụa
quằn quại như ngày hôm nay. Tai ơi ! Tổ Huệ Năng có dạy:” Con người có nam có
bắc nhưng Phật tính thì không có bắc nam”. Những vùng biên ải xa xôi, từ ngữ hiện
nay thường dùng là vùng sâu vùng xa, thèm khát giáo pháp, thèm nghe tiếng
chuông tiếng mõ, tiếng kinh khuya sớm, thèm nghe pháp thoại để mở trí mở lòng nhưng
các Thầy, các Sư Cô mình ngại khó khổ không đến, nên họ đã đến với những người
tìm đến với họ. Và họ đã vứt cái cuốc, cái gùi, cái rựa, nhốt con trâu con bò
vào chuồng, ôm cuốn Thánh Kinh đi đến nhà nguyện vào sáng sáng chủ nhật. Ai
được ai mất trước hiện tình như vậy Tai ơi !?
Tay ơi ! Một năm nhìn lại Tay đã làm được gì cho đạo pháp? Tay
có chống chèo cho con thuyền đạo pháp lênh đênh trên đại dương với nhiều bất
trắc bất ngờ: Cuồng lưu, bão tố, gió chướng, sóng thần, tảng băng ngầm….?? Tay mà không hành động , không chèo chống thì đạo pháp
lâm nguy chứ đừng tưởng. Coi chừng đạo Phật sẽ trở thành một môn cổ học, sẽ
trưng bày trong viện bảo tàng trong một ngày không xa, bởi đạo Phật đã xa rời
tuổi trẻ, đừng mặc cảm và nhìn thẳng vào sự thật chúng ta sẽ thấy rất rõ về
hiện trạng này. Chúng ta có tổ chức Gia Đình Phật Tử nhưng đã không còn vững
vàng khỏe mạnh như thời của các anh, các chị:Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Lê Cao
Phan, Hằng Vang, Hoàng thị Kim Cúc, Đặng Tống Tịnh Nhơn…..Gia Đình Phật Tử đã
không đổi mới, làm mới để kịp với nhu cầu đòi hỏi của tuổi trẻ thời đại, lại bị
phân cách chia cắt bởi quan điểm nhìn nhận, tư kiến: Gia Đình Phật Tử truyền
thống, Gia Đình Phật Tử phân ban , rốt cuộc tổ chức Gia Đình Phật Tử ốm o gầy
mòn không còn sinh lực, nhiều chùa Gia Đình Phật Tử chỉ còn hai ba chục em sinh
hoạt lèo tèo trong ngày chủ nhật. Thầy Nhật Từ có tâm huyết , có sức thu hút
tuổi trẻ đến với Thầy, nhưng duyên chưa đến Thầy cũng chưa làm được nhiều cho
tuổi trẻ. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho Thầy, cho các Thầy các Sư Cô trẻ tuổi khác có cùng tâm nguyện thao thức lo
lắng cho tuổi trẻ, lớp trẻ, được thuận duyên trên con đường làm đạo và dẫn dắt
họ. Tay ơi ! Tuổi trẻ Việt Nam mình hiện nay có nhiều lầm lạc,
bơ vơ, thác loạn, nổi loạn, họ đã hoang phí tuổi thanh xuân của mình rất nhiều.
Chúng ta rất tin tưởng về sự thành công bước đầu của các Thầy các Sư Cô luôn
quan tâm lo lắng cho tuổi trẻ như các Thầy Nhật Từ, Thầy Phước Huệ, Thầy Phước
Tiến, Thầy Đức Thiện, Thầy An Đạt….Các Sư Cô Thích nữ Huệ Dâng, Thích nữ Hương
Nhũ……
Chùa Bửu Minh mình cũng có thờ tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn
tay, phục chế từ pho tượng Phật Bà Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. Các bạn Tay, Tai, Mắt có biết là tượng Phật Bà chùa mình có ngàn
cánh tay không? Trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt, Bồ Tát Quan Thế Âm còn
gọi là Bồ Tát lắng nghe, lắng nghe tiếng đau khổ của thế gian tìm đến cứu giúp.
Tay là để hành động giúp đời, giúp người. Mắt
là để nhìn khắp thế gian, nơi nào có khổ đau là có mặt để chia xẻ. Và mắt phải mở to để nhìn vận mệnh quốc gia và
đạo pháp, quốc gia và đạo pháp hưng vong, kẻ thất phu người phật tử đều phải có
trách nhiệm.
Nhân ngày đầu năm Tân Mão, chúng ta: ( Tôi,Tay, Mắt, Tai)
hãy cùng quỳ xuống cầu nguyện :
- Trái đất được bình yên, không rên xiết, đau nhức, giãy
giụa.
- Thế giới an bình, Quốc gia Việt Nam phồn vinh thịnh vượng vững bền.
- Đạo Phật được mọi người biết đến, và hướng tâm tu học.
Trước khi chia tay với các bạn chúng ta cùng ngồi xuống hít
thở:
Thở vào tôi luôn ý thức rằng: Nếu không cảnh giác giữ gìn,
phò trì, chấn hưng thì đạo pháp sẽ mai một trong tương lai không xa .
Thở ra tôi luôn ý thức rằng: Tôi không ỷ lại ru ngủ bởi quá
khứ 2000 năm Đạo Phật có mặt ở đất nước này, không thường xuyên viện dẫn hình
ảnh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Vạn Hạnh Thiền Sư, Khuông Việt Thiền Sư,
Pháp Thuận Thiền Sư, Bồ Tát Quảng Đức……ra mà tự an ủi vỗ về mình. Mà luôn ý
thức rằng Tôi đang sống trong hiện tại, hiện tại PGVN đang có nhiều chuyện phải
bàn, phải làm mới, chư vị Tăng Ni trẻ tuổi phải dấn thân vào mọi tầng lớp trong
xã hội, đem thông điệp Từ bi, Trí tuệ của Đức Thế Tôn đến với mọi giới, không
phân biệt. Chúng ta những người đệ tử của Đức Phật phát nguyện đem Đạo Phật đến
với mọi người, đừng để mọi người tìm đến Đạo Phật . Phải đau đáu và canh cánh
bên lòng rằng để mất tín đồ là Đạo Phật không còn lý do gì để tồn tại. Phải
chiêm nghiệm và quán niệm hằng đêm về hai chữ Cải Đạo. Đặt câu hỏi vì sao sự
tình lại xảy ra như vậy ? Họ có nghệ thuật phương pháp truyền đạo giỏi hay là bởi,
do, chúng ta Nguyên Khí suy yếu, nên ngoại tà mới len vào xâm nhập lục phủ ngũ
tạng được ?
Thở vào tôi nguyện noi theo các Cao Tăng, Cư Sĩ tiền bối:
Hòa Thượng Khánh Anh, Hòa Thượng Khánh Hòa, Hòa Thượng Thiện Hoa, Hòa Thượng
Thiện Hòa……Cư Sĩ
Tâm Minh Lê Đình Thám, Cư Sĩ Thiều Chửu, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn….Các vị đã từng chấn hưng Phật Giáo.
Thở ra tôi luôn cầu nguyện cho các Cao Tăng Thạc Đức, Các
Thượng Tọa, Đại Đức, Sư Cô, các Cư Sĩ, hiện diện trên báo nhiều người biết, hay
đang âm thầm sống tịch lặng biên soạn, trước tác, dịch thuật…. chấn hưng đạo
pháp trong thời hiện đại. Cùng Chư Tôn Đức sống trọn vẹn trong thánh giới để
truyền giới, truyền đăng thắp sáng cho thế hệ tương lai.
Nam
Mô Hoan Hỷ Phật.
Chùa Bửu Minh cuối năm Canh Dần, đầu năm Tân Mão
Thích Giác Tâm
Website http://www.chuabuuminh.vn