Trong tâm thức của mỗi người đều
có một quê hương riêng, rất riêng. Có người coi quê hương mình là cả
quả đất này; nhưng cũng có người coi Tổ quốc mình mới là quê hương
mình.
Có người đơn giản hơn thấy nơi mình sinh ra và lớn lên chính là
quê hương mình, cái quê hương ấy có thể chỉ gom gọn trong một làng,
một huyện, có khi trải rộng ra đến một tỉnh. Tâm tôi không to rộng,
nên tôi chỉ coi phố núi Pleiku là quê hương mình, quê hương với bao ân
tình kỷ niệm. Ngồi bên tách cà phê, nhắm mắt lại là từng dãy phố,
từng con đường, và có thể nói ngoa một chút, đến từng con người ở
Pleiku lại hiện ra.
Nhắc đến cà phê, người Việt Nam
mình thường chỉ nghĩ đến cà phê Buôn Mê Thuột. Thực ra, khi mới được
đưa vào nước ta, cây cà phê đã được trồng thử ở Ninh Bình, Quảng
Bình, Nghệ An… Mãi từ năm 1920 trở đi, vùng Buôn Mê Thuột mới bắt đầu
trồng cà phê và dần dần trở nên một vùng chuyên canh để rồi trở
thành biểu tượng cho công nghệ cà phê ở Việt Nam. Thế nhưng, phố núi
Pleiku quê hương tôi cũng là một nơi có ưu thế thổ nhưỡng cho việc
trồng cây cà phê.
Diện tích trồng cà phê ở Pleiku -
Gia Lai chỉ thua Đắc Lắc - Buôn Mê Thuột. Và có lẽ cà phê Pleiku cũng
không ngon bằng cà phê Buôn Mê Thuột, có thể do chất đất, có thể do
cách sao tẩm, chế biến chưa đạt đến đỉnh cao. Nhưng phải chăng, sở dĩ
cây cà phê Pleiku chưa được biết đến rộng rãi có khi cũng chỉ vì các
doanh nghiệp khai thác cây cà phê Pleiku - Gia Lai chưa có dịp cùng với
các vị lãnh đạo, các anh em thuộc giới văn nghệ sĩ, dâng ghiền cà
phê tỉnh nhà… ngồi lại với nhau, cùng uống cà phê, cùng trao đổi,
cùng góp ý… để làm dậy mùi hương cà phê Pleiku cho mọi người chú tâm
?
Ngày xưa khi đất nước chưa công
nghiệp hóa, chưa hiện đại hóa, con người tiêu thụ ít hơn, ta với bạn
lành có nhiều thời gian hơn để cùng nhau ngồi bên tách cà phê phin,
trong một buổi sáng sương mù lãng đãng, ở một quán cà phê vỉa hè,
vừa uống vừa nghe nhạc qua hệ thống loa của chiếc máy quay đĩa to
đùng, nhìn mọi người lướt qua nhẹ nhàng, không vội vã không hấp tấp,
như vậy ta cũng bình tĩnh hơn để nhấp ly cà phê. Mọi chuyện đều tương
tức. Đức Phật dạy: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì
cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái
kia diệt”. Ngày nay, thiên hạ vội vội vàng vàng nên ta cũng vội vội
vàng vàng theo, chế một ly cà phê tốc hành uống vội rồi đi, đi như
bị ma đuổi, đi mà không biết mình đi về đâu.
Bên tách cà phê buổi sáng, sương mù
giăng giăng khắp nẻo, cùng với tiếng vó ngựa lóc cóc trên mặt đường,
đường trồng nhiều cây thông, ta nghe lòng thanh thản, thư giãn. Nhìn
từng giọt cà phê rơi, rơi, rơi, nhè
nhẹ rơi, rơi… ta thấy như giọt thời gian rơi vào hư vô, nhắc ta phải
làm gì, biết mình phải làm sao trong cuộc đời này. Mình từ đâu đến
và chết rồi sẽ đi về đâu. Không điều gì bỗng dưng mà có, chẳng có
cái gì bỗng dưng mà không, tất cả đều là nhân duyên trùng điệp. Giọt
cà phê này từ đâu mà có, uống vô bụng rồi thì đi về đâu. Có thiệt
là uống vô bụng rồi thì mất hẳn ? Khi buồn ta uống cà phê để suy
gẫm, suy gẫm vì sao đời mình lao đao lận đận, vì sao cuộc tình nào
đến với mình rồi cũng vỗ cánh bay, vì sao mình cứ chối bỏ quê
hương, vì sao tháng năm biền biệt chưa về thăm cha già mẹ yếu, em thơ…
Khi vui ta uống cà phê và ta nhận diện ra rằng không có gì hạnh phúc
bằng giây phút hiện tại, ta an lạc với giây phút này, bởi nếu ta
không biết trân quý giây phút này, thì biết
đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
Tôi không ghiền cà phê, nhưng tôi
có uống, bởi có thói quen suy tưởng nên ghi lại đây vài dòng tâm tư
tản mạn, để tặng mình và tặng thân hữu gần xa.
Thích
Giác Tâm
(Văn
Hoá Phật Giáo số 102)