Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bây giờ ở thành phố, người ta dùng nước do Nhà máy nước cung cấp, ở nông thôn đã có giếng khoan, giếng đóng là phổ biến; cái giếng khơi mỗi ngày mỗi ít, e không bao lâu nữa, nó sẽ trở thành chuyện cổ tích, nếu không thế thì cũng trở thành giếng loạn.

Ngày xưa ở quê tôi, nhà nào chẳng có cái giếng khơi. “Giếng đào mà uống, ruộng cày mà ăn”, câu nói tả cảnh no đủ, thung dung của con dân thời Nghiêu - Thuấn thái bình thịnh trị.
Giếng khơi là cái giếng đào. Tùy mạch nước ngầm ở chỗ nào dưới đất mà giếng sâu hay cạn, thường thì sâu từ một tới hai đàng dây dừa (từ 3 – 6m). Miệng giếng hình tròn, đường kính trên dưới một thước, ít có giếng miệng giếng hình vuông. Người ta phải lồng “bộng” cho thành giếng khỏi lở. Mỗi bộng giếng cao chừng năm tấc, làm bằng đất nung, các bộng chồng lên nhau, từ đáy giếng lên tới miệng giếng. Vùng có nền đất đá ong như vùng xung quanh thành Hoàng Đế (kinh đô xưa của vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc, nhà Tây Sơn), giếng không cần có bộng, vì thành đá ong của giếng không sập. Nước giếng đá ong uống ngon, nhất là khi pha trà. Mạch ngầm trong đá ong nhiều nước. Giếng xách cạn, người ta lắng tai, nghe được tiếng giọt nước rơi tong …tong…từ thành giếng rơi xuống đáy giếng, chẳng mấy chốc đáy giếng nhiều nước trở lại. Nhà nào cũng phải lo có một cái giếng. Đào giếng phải tốn tiền thuê công thợ, tốn tiền mua bộng giếng. Thợ gốm Nam Tân, Ngãi Chánh (An Nhơn)…có tiếng làm bộng giếng khéo: Cái bộng tròn vành vạnh như mặt trăng rằm, nung chín, người xách nước va gàu mấy cũng không bể. Hàng bộng giếng được gánh đi bán dạo nơi các làng quê. Tới thời đã có nhiều xi măng, người ta ưa chuộng những bộng xi măng hơn. Xóm nghèo, làng nghèo, không đào được mỗi nhà một giếng thì đào “giếng xóm”, “giếng làng” cho nhiều nhà dùng chung. “Giếng chùa” thường cũng được dùng chung cho khu dân cư, vì nhà chùa vốn sẵn từ tâm. Vùng sông nước, nhà gần bến sông khỏi phải đào giếng. Xóm Bầu Sáo (lấy tên ông bầu hát làm tên xóm) bên bờ sông Đập Đá, cả xóm không có cái giếng khơi nào, người ta gánh nước sông về ăn uống, phục vụ sinh hoạt. Trưa, tối là lúc rảnh việc nhà, các cô thôn nữ “tóc bỏ đuôi gà” thường ra giếng làng, giếng xóm xách nước. Họ có những câu chuyện nổ như gạo rang xung quanh giếng nước, rồi từng đoàn gánh nước về nhà dưới nắng trưa, dưới trăng non mà không biết mệt nhọc, vì họ có tình yêu đời và cuộc sống vô tư lự. Và đây là một cảnh gánh nước khác, nó như thực như mơ, tiên đó mà trần cũng đó:”Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của tên lão lộc đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình ngôi sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài và ngoằn ngoèo như lối đi của loài rắn. Ví buổi trưa hè này là một đêm có bóng trăng dãi lạnh lùng và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị của một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần sau khi chia tay cùng chúa động” (Nguyễn Tuân - Những chiếc ấm đất)
Người ta dùng gàu nan tre xách nước giếng khơi. Cái gàu miệng tròn, có thanh gàu tra ngang, đáy thu nhọn, đựng chừng 5 lít nước, đan xong quét hai mặt trong ngoài một lớp “dầu rái” cho bóng, cho kín nước. Thanh gàu cột vào một đầu sợi dây dừa làm sợi dây gàu. Nhà thích “tự túc” thì nhặt tàu cau vàng rụng ngoài vườn, lấy mo chằm gàu xách nước, cũng tiện. Uống nước giếng từ trong gàu mo cau xách lên, có nhiều cảm giác mát mẻ lạ kỳ. Đến thời gàu tôn ra đời, gàu nan bị người ta rúng rảy, kế tiếp thời gàu nhựa ra đời, thế chỗ gàu tôn. Giếng rộng, sâu, lấy nước tưới ruộng, tưới vườn, không sức đâu mà xách, người ta làm cần vọt bằng cây tre dài (lấy nguyên từ gốc tới ngọn) mà múc nước. Kéo cần vọt, vục gàu xuống giếng sâu, nước đầy gàu, thả cần vọt là gàu nước được tự động xách lên. Múc nước bằng cần vọt, nghe tiếng cần kéo lên thả xuống kêu kĩu kịt, nó nặng nhọc như công việc tưới ruộng, tưới vườn. Anh trai làng có tâm tư riêng thì cái động tác cầm sợi dây buông gàu xách nước đôi khi cũng nẩy sinh những tình ý mới lạ:“Tưởng nước giếng sâu anh nối sợi dây dài / Ai dè giếng nước cạn anh tiếc hoài sợi dây” (Ca dao).
Người ta cũng thích tạo cảnh cho cái giếng. Giếng thường có cây cau, cây bồ ngót quấn dây trầu không đứng bên; không thế thì cũng cây bưởi, cây chanh lúc lỉu quả xanh, đơm hoa trắng, thả hương thơm… Nhiều giếng xây thành giếng (phần nổi trên mặt đất) bằng gạch hôm vôi, nền giếng láng xi măng, lại còn đắp bể non bộ, xây bình phong gạch đắp nổi long – li – quy - phụng ở nơi kế bên, kể cũng khoe mẽ được sự giàu có và thú chơi của chủ nhà. Cây đa (hoặc cây ngô đồng), giếng nước đầu làng là biểu tượng của làng quê xưa. “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô” (Thơ Kiều – Nguyễn Du) thì ra, đó là hình ảnh cái giếng làng buổi sang Thu. Giếng loạn là cái giếng cạn, “cỏ gà lún phún leo quanh mép” (Hồ Xuân Hương) giếng hoang phế, làm chỗ cho ếch nhái ở; cho nên cái giếng ấy hình như cũng có nỗi buồn, nỗi cô đơn: “Chiều chiều mây kéo về kinh / Ech kêu giếng loạn thảm tình đôi ta” (Ca dao). Người thiển cận, không biết nhìn xa trông rộng được ví với “Ech ngồi đáy giếng”.
Có lẽ ngày xưa, cái giếng nước trong vườn nhà ba anh em nhà Tây Sơn chẳng khác nhiều với cái giếng nước trong các gia đình người quê tôi. Nhưng ngày nay, cái giếng nước trong, ngọt ấy cùng với cây me cổ thụ đứng bên cạnh đã trở thành di tích lịch sử qúy báu để cho chúng ta tự hào và có bổn phận tôn trọng gìn giữ:

“Giếng nước này một cậu bé tên Thơm từng rửa mặt / giếng nước này một anh hùng tên Huệ từng rửa mặt / giếng nước này một vị vua hiệu Quang Trung từng rửa mặt / điều lạ lùng / sau đó / hàng vạn người đến đây rửa mặt / mong tìm giữa trong veo một gương mặt mà thôi” (Thanh Thảo).

Tôi đang có tâm trạng bồn chồn “nhớ giếng”, bởi vì tôi đã “xa” giếng từ ngày ra thành phố ở và kiếm sống; ngày nay cái giếng nước ở quê tôi đã bắt đầu khó gặp, nhiều giếng đã bị đậy kín vĩnh viễn bằng tấm đan đúc bê tông chắc chắn đặt lên trên. Tôi nhớ lắm hình bóng mẹ tôi vẫn thường ngồi bên giếng gội đầu bằng nước hương nhu, hình bóng cha tôi đứng bên giếng rửa chân lấm lem bùn đất mỗi buổi đi cày đồng về. Tôi nhớ cây đa giếng nước đầu làng vẫn làm xao xuyến lòng tôi mỗi chuyến tôi đi xa về. Ai xa quê, chẳng yêu nhớ quê, yêu nhớ cái giếng khơi quê nhà: “Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát / Giếng Đại Từ nước mát trong xanh” (Ca dao). Sáng nay như thường lệ, tôi thức dậy sớm tập thể dục và mở vòi nước máy chảy vào xô hứng nước. Nhưng sáng nay có khác, cái vòi nước chảy cho tôi liên tưởng cái áo tơi tiện lợi tôi ghé mua bên đường chiều hôm qua khi cơn mưa bất chợt đổ xuống và tôi choàng vội dưới cơn mưa.

10 / 2006
HUỲNH KIM BỬU
(Văn Hóa Phật Giáo số 102)

Âm lịch

Ảnh đẹp