18/08/2010 14:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 11284
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Theo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)

Kể từ khi đất nước ta bắt đầu có bút tự …thì văn chương, thi phú được dùng để ca ngợi cuộc sống, quê hương, đất nước, ruộng đồng, các gương hiếu học, nề nếp gia phong chẳng hạn như Gia Huấn Ca, đề cao các bậc anh hùng, gái trung trinh tiết liệt chứ không phải dùng để ca ngợi tình yêu. Khi đất nước bị Thực Dân Pháp chiếm đóng và khi nền móng thuộc địa đã vững vàng thì văn hóa Âu Tây tràn vào. Trào lưu văn chương lãng mạn Thế Kỷ 19 lúc bấy giờ làm chóang ngợp thế hệ Tây học và từ đó nền văn hóa cổ truyền xụp đổ. Phong trào văn chương lãng mạn Pháp điển hình có Chateaubriand, Lamartine, Alfred de Musset…chủ trương than mây, khóc gió, tán dương phụ nữ và những tình cảm lãng mạn. Sự biến đổi bình thường của thời tiết như từ Thu sang Đông đã làm tốn bao giấy mực và nước mắt vì các nhà văn, nhà thơ này cho rằng “Mùa Thu Chết”. Khi Tự Lực Văn Đòan ra đời thì hình ảnh êm đềm của thời xa xưa như “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, ôm con hóa đá để chờ chồng của Nàng Tô Thị, “chàng đọc sách ngâm thơ, nàng bên khung cửi” trở thành lạc hậu. Những câu tục ngữ, ca dao như “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?” trở thành cổ hủ, cần phải lọai bỏ. Vợ chồng “tân thời theo Tây học” bây giờ không nhường nhịn nhau mà cần phải tranh cãi cho ra lý lẽ. Văn chương, chữ nghĩa không còn được dùng để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, hạnh phúc gia đình mà là để ca ngợi tình yêu. Huy Cận không mơ một mái ấm gia đình mà chỉ mơ được ngồi quạt hầu cho người con gái ngủ ngày

Nắng chia nửa bãi chiều rồi.

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.

Sợi buồn con nhện giăng mau.

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.

Trong Trống Mái, Khái Hưng đã dựng lên một truyện tình lãng mạn gần như không tưởng trong một dịp nghí mát của Hiền “một thiếu nữ đẹp và giàu” ở đất Hà Thành làm cho bao chàng, kể cả Lưu – sinh viên năm thứ ba Trường Luật mê mệt. Hiền đã có lúc mê Vọi - một chàng thanh niên đánh cá quê mùa ở Sầm Sơn chỉ với thân hình vạm vỡ. Khi Hiền trở về Hà Nội thì quên mất Vọi, nhưng Vọi lại tương tư Hiền. Trước khi Vọi chết vì cá nhà táng (cá voi), Vọi đã khắc hai chữ V.H (Vọi và Hiền) lên khắp các ghềnh đá ở hai Hòn Trống và Hòn Mái. Đọan kết của câu truyện thật mù mờ…không ngòai mục đích dựng lên một truyện phiêu lưu tình cảm, làm rối rắm thêm cuộc đời và không giúp ích gì cho cuộc sống thực, hạnh phúc thực.

Rồi Đinh Hùng của Miền Nam đã thần thánh hóa đàn bà và tình yêu trong Mê Hồn Ca:

Mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu

Hỡi ơi hồn chuyển kiếp về đâu?

Ta xin giữ trọn lòng trinh bạch.

Ngưỡng mộ em như nữ chúa sầu!

Rồi khi người Mỹ vào Miền Nam với phim ảnh Holywood tràn ngập, tân nhạc nở rộ, công thêm với ảnh hưởng của Francoise Sagan (Pháp) và Quỳnh Dao của Đài Loan thì tình yêu nhiều lúc không còn là bước khởi đầu để tiến tới hôn nhân, xây dựng gia đình, sinh con nối dõi tông đường mà chỉ là…những đam mê, những phóng túng, những phiêu lưu, những lãng mạn không cần biết ngày mai. Thậm chí còn mơ tưởng đến “thú đau thương”  tức là mong cầu có đổ vỡ, tan tác, chia ly để tận hưởng xem sự đau thương thú vị như thế nào:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề (Xuân Diệu)

Như vậy từ thế kỷ trước các văn nghệ sĩ đã “gieo nhân” ngày nay con cháu chúng ta “hái quả” và nghiệp báo chuyển dịch không một sức lực nào ngăn cản nổi.

Ngày nay, tình yêu đã được hằng kho, hằng kho sách vở, báo chí, phim ảnh ca tụng như là một thứ “linh thiêng, thần thánh”, một nguồn hạnh phúc, hoan lạc đẹp nhất của kiếp người. Cứ theo những lời ca ngợi nói ở  trên, thật không có gì bất hạnh cho bằng không được yêu hoặc không biết tình yêu là gì. Nhìn chung quanh mình, thấy bạn bè, thiên hạ người ta “được yêu” còn mình thì không biết mùi vị tình yêu như thế nào …thì quả thật không có gì “quê mùa”, thiệt thòi cho bằng. Cô Susan Boyle, một ngôi sao trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ mới đây tại Anh Quốc than thở rằng từ trước đến giờ cô chưa hề được cậu con trai nào hôn cả! Thế nhưng tình yêu – dù chân thật hay lãng mạn - cũng chính là nguyên do gây ra không biết bao nhiêu khổ đau và còn kéo lê, chắc chắn cho đến ngày tận thế.

-          Nước mắt mà tình yêu ngang trái đem đến nếu dung chứa được có lẽ cũng ngập tràn Biển Đông. Ngưu Lang và Chức Nữ một năm gặp nhau có một lần mà lệ nhớ thương nhỏ xuống làm ướt cả trần gian trong những trận mưa Ngâu.

-          Hận thù vì tình yêu nếu có hình thể, có lẽ cũng chất đầy trái đất.

-          Rên xiết vì tình yêu, bay lên, nếu đọng lại, có lẽ còn nhiều hơn mây trời.

-          Tiếc thương vì tình yêu “chắp cánh bay đi” hoặc “dang dở” hoặc “duyên kiếp bẽ bàng” v.v.. còn buồn thê thiết và ảo não hơn mùa đông dài hiu hắt, hơn cả những đám tang…khiến người ta không thiết sống, mà chỉ muốn chết đi cho rảnh nợ. Ai thất tình mà nghe bản nhạc “Con Thuyền Không Bến” của Đặng Thế Phong chắc chỉ muốn uống độc dược quyên sinh.

-          Rồi thì những lời than vãn vì “tình yêu đơn côi”, “yêu đơn phương “, yêu người mà người chẳng yêu mình, yêu trộm nhớ thầm v.v.. nếu có thể vẽ ra bằng tranh thì chắc chắn không có chỗ mà treo.

Thử vào các khu thương mại Việt Nam ở Hoa Kỳ, hoặc mở bất kỳ một băng Video ca nhạc nào ra, cứ 10 bản nhạc thì đã có tới 7 bản nhạc buồn. Hầu hết đều là những lời lẽ khóc than vì tình yêu ngang trái, bội phản, gian trá, lừa lọc “ xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi”, ghen tuông, hờn giận, trách móc, nuối tiếc, nhớ nhung, đòi hỏi.  Xa em một ngày mà tim anh lịm chết. Xa anh một ngày mà tưởng chừng như một thế kỷ “đời vắng em rồi say với ai?”. Rồi thì những lời than van thảm thiết “trái tim lẫm lỡ”, “trái tim mù lòa”. Rồi những tiếng gào thét “Em ở đâu? Anh ở đâu?” v.v…Rồi khi tình yêu đổ vỡ, thậm chí còn giận hờn cả thiên nhiên bằng cách “Đem tình yêu trả lại trăng, sao!”.

Đấy là nói về những cặp trai gái yêu nhau rồi bỏ nhau. Còn đối với những cặp trai gái đã yêu nhau thắm thiết, đã trải qua giai đọan thử thách, kết hôn rồi chung sống với nhau, con số ly hôn cũng thật đáng buồn. Tại Hoa Kỳ, theo thống kê năm 2004, khoảng 50% các cuộc hôn nhân chấm dứt bằng ly dị, trong đó lứa tuổi từ 20 -24 chiếm tỷ lệ cao nhất. Các cuộc hôn nhân thứ nhì thì 60% đổ vỡ và 74% các cuộc hôn nhân lần thứ ba cũng chấm dứt nơi tòa án. Còn ở Anh, thống kê 2002 cho biết có 160,000 vụ ly dị tức 70% con số kết hôn lần đầu.

            Tại Việt Nam, ly hôn đang trên đà gia tăng. Theo thống kê ngày 26/6/2005, năm 2000 có 51,361 vụ ly dị. Tới năm 2005 đã tăng lên 65,929 vụ. Lý do nổi bật gồm:  Mẫu thuẫn về lối sống 27%, ngọai tình 25.9%, kinh tế 13% và bạo lực gia đình (đánh chửi nhau) 6.7%. Bây giờ yêu nhau rồi bỏ nhau vì đời sống khó khăn cho thấy giấc mơ “Một túp lều tranh hai quả tim vàng”  hay “Đầu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” đã không còn nữa.

            Như vậy hiển nhiên tình yêu không phải là nguồn hoan lạc như người ta tưởng, mà nó còn ẩn chứa, tiềm tàng một nỗi khổ đau khủng khiếp. Tình yêu vừa là dòng suối mát nhưng cùng lúc nó cũng là ngọn núi lửa thiêu đốt. Tình yêu vừa là mật ngọt nhưng nó cũng là chén thuốc đắng. Tình yêu vừa là sự bao dung nhưng nó cũng là cạm bẫy, hận thù. Tình yêu là cam kết muôn đời nhưng nó cũng là sự lừa lọc. Tình yêu khởi đầu bằng lời hứa hẹn nhưng nó hàm chứa gian trá. Gia đình tưởng như một tổ ấm nuôi dưỡng hai trái tim để đi hết cuộc đời, cuối cùng lại trở thành địa ngục. Cái lối định nghĩa “yêu là chết trong lòng một ít” chỉ làm lung linh, mờ ảo, rối rắm thêm tình yêu chứ thực sự không giúp ích gì cho những người đang yêu và những bạn sắp sửa yêu.

Vậy chúng ta thử mổ xẻ, và đặt những câu hỏi thẳng thắn để xem tình yêu là gì? Câu hỏi cần đặt ra là “Trong tình yêu có thiện tánh ( tốt lành) không?”

1) Yêu là hy sinh: Bởi không có sự hy sinh nào lớn lao và bền bỉ cho bằng hy sinh cho người mình yêu. Yêu là sự hy sinh mà chẳng mong cầu đền đáp.

2) Trong khi yêu, người ta lãng quên được cả không gian lẫn thời gian. Con người lúc đó trở về nơi đương xứ - tức cội nguồn xa thẳm. Khi yêu trái tim người ta bất tử.

3) Yêu là bình đẳng: Bởi vì chỉ có tình yêu mới xóa tan đi mọi phân biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp, tuổi tác cùng tất cả những ngăn trở do thói đời bày đặt ra để làm khổ con người.

4) Yêu là hòa hợp của lý viên dung: Hai ta tuy hai mà một. Nguồn vui của em cũng là nguồn hạnh phúc của tôi. Nỗi khổ đau của em cũng là nỗi khổ đau của tôi. Khi em vui tôi cũng thấy vui. Khi em buồn thì lòng tôi ảm đạm. Chỗ nào có em nơi đó là thiên đường. Mất có mình em mà tôi cảm thấy như  tôi mất cả cuộc đời.

5) Yêu là tuyệt đỉnh của niềm hoan lạc mà người ta không biết nó phát xuất từ đâu mà chỉ có thể nói nó phát xuất từ trái tim con người.

6) Yêu là sự tha thứ. Có tình yêu người ta dễ tha thứ, bỏ qua cho nhau.

Vậy có thể nói trong tình yêu có thiện tánh. 

7) Yêu là tột đỉnh của lòng Tham: Yêu là chiếm đoạt toàn diện những gì mà mình thích. Cho nên không thể chia xẻ tình yêu như nhường cơm xẻ áo.

8) Yêu là tột đỉnh của lòng ghen tị (Sân): Yêu là ti tiểu.

9) Yêu là tột đỉnh của lòng kiêu mạn (Mạn): Khi được yêu Cái Tôi ( cái Ngã) được thỏa mãn đầy đủ nhất.

10) Yêu là mặt trái của lòng hận thù (Ác) cho nên từ tình mà đổi thành thù là thế ấy!

11) Yêu là mặt trái của lòng nghi kỵ ẩn tàng (Nghi): Không có sự nghi kỵ nào được khuếch trương lớn cho bằng khi đã nghi kỵ người mình yêu.

12) Yêu là si mê (Si): Bởi nếu không có sự si mê thì tình yêu nhạt nhẽo và có khi chỉ là sự toan tính, trao đổi hay lừa gạt.

Vậy có thể nói trong tình yêu không có thiện tánh.

Tuy nhiên sự phân tích này chỉ mô tả hoặc trình bày cái quả  hay hệ quả của tình yêu chứ không nói được tình yêu là gì. Nói một cách khoa học nhất, chúng ta phải định nghĩa tình yêu như thế này: “Tình yêu là lòng ham muốn rồi khát khao chiếm đọat một người đàn ông hay đàn bà - mà người đó ở một thời điểm nào đó - thỏa mãn những khát vọng hoặc về tình dục, hoặc về vật chất hoặc về tinh thần của ta nhất.” Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này thì chúng ta rớt ngay vào Lý Duyên Sinh hay Thập Nhị Nhân Duyên mà Đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm. Thập Nhị Nhân Duyên là mối liên hệ nhân quả, khắng khít giải thích chuỗi Sinh, Tử, Luân Hồi, dĩ nhiên gây khổ đau cho chúng sinh. Mười Hai Mối Liên Hệ ấy như sau:

1. Vô Minh: Chúng sinh không nhìn thấy cái Ngã (cái Tôi) không thật mà cho rằng mình có thật, cho rằng mình thật sự hiện hữu. Vì không nhìn thấy Tánh Không của vạn pháp (của muôn vật) cho nên gọi đó là Vô Minh.

2. Hành : Từ Vô Minh mà có hành vi tạo tác, tức tạo nghiệp.

3. Thức: Vì có hành vi tạo tác cho nên có Thức (ý thức, biết). Do đó nếu ta nằm đó như một khúc gỗ, một cục đá thì không có Thức (ý thức).

4. Danh Sắc: Thức sinh Hình Danh, Sắc Tướng.

5. Lục Căn: Hình Danh, Sắc Tướng sinh Lục Căn. (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân Xác và Ý Thức).

6. Xúc: Lục Căn tiếp xúc với thế giới bên ngòai gọi là Xúc.

7. Thụ: Thụ là cảm nhận của con người khi Tiếp Xúc với thế giới bên ngoài.

8. Ái: Vì cảm thụ cho nên sinh Ái (yêu mến)

9. Thủ: Ái sinh Thủ tức là muốn chiếm đọat, nắm giữ cho mình sau khi Ái.

10. Hữu: Thủ dẫn đến Hữu. Vì sở hữu cho nên thấy vạn pháp, muôn vật đều Có.

11. Sinh: Từ Hữu (Có) dẫn đến Sinh, tức là thấy muôn vật sinh ra.

12. Lão Tử: Vì có Sinh cho nên phải dẫn đến Già, Chết tức Diệt. 

            Vậy thì theo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn). Từ Ái mà mong muốn chiếm đọat làm của riêng mình. Tha thiết mong cầu (yêu) mà không được thì buồn khổ đã đành, nhưng cho dù có tình yêu, nhưng vì bản tính của nó vốn Vô Thường cho nên sớm muộn gì cũng phải họai diệt (mất). Mà họai diệt thì sinh khổ đau, phiền não. Lúc 16 tuổi, khi Thái Tử Tất Đạt Đa trao chiếc vòng quý giá lưu niệm cho Công Chúa Gia Du Đà La – hoa hậu của các công chúa thì Thái Tử Tất Đạt Đa đã Yêu. Vì yêu thích cho nên sau đó thái tử đã trổ hết tài năng trong một cuộc thi để đọat (Chấp Thủ) cho được công chúa. Sau khi cưới đựơc công chúa rồi thì thái tử đã Hữu, tức làm chủ người đẹp, tức đã Có. Thế nhưng vượt lên hàng chúng sinh, Thái Tử Tất Đạt Đa nhìn thấy cái gọi là Tình Yêu đó (cái Hữu đó) không bền vững, có ngày nó sẽ họai diệt. Cộng thêm với lòng khát khao cứu độ muôn lòai Thái Tử đã từ bỏ Công Chúa Gia Du Đà La lẫn cung vàng điện ngọc để đi tìm Chân Lý.

Nhìn vào cuộc đời của Đức Phật, là người học Phật, tôi không bao giờ khuyên các bạn chớ yêu, nhưng xin các bạn nhớ cho:

1)      Tình yêu bị chi phối bởi Luật Vô Thường như lời Phật dạy. Từng giây, từng phút, từng sát na, từng hơi thở, tình yêu biến đổi không ngừng. Sự biến đổi, thay đổi đó là bình thừơng. Tình yêu là chiếc bình pha-lê lung linh với muôn ngàn màu sắc nhưng mỏng manh và dễ vỡ. Ngày người ta yêu bạn là lúc bạn nhiều tiền lắm của. Khi bạn mất hết của cải, không còn bao bọc nổi người ta nữa, liệu tình yêu còn nguyên vẹn không? Ngày bạn yêu người ta, người ta trẻ đẹp, nay nhan sắc tàn phai, liệu bạn có thay lòng đổi dạ không? Yêu nhau thì dễ, nhưng sống chung với nhau mới khó. Bao nhiêu tính xấu lúc này mới lộ ra, liệu chúng ta có thể tha thứ, bỏ qua, chịu đựng với nhau được không? Và chịu đựng tới bao giờ? Rồi thì sự quản trị, nắm giữ tiền bạc, sự tiêu xài, mối quan hệ giữa gia đình chồng, gia đình vợ, anh chị em cũng là nguyên do đổ vỡ. Có vợ, có chồng rồi nhưng vẫn còn trai lơ, mèo mỡ cũng khiến gia đình tan nát. Những sở thích cá nhân kỳ quái cũng là nguyên do cãi cọ, cơm không lành, canh chẳng ngọt. Người chồng cần kiệm còn người vợ thích ăn xài, mua sắm hoang phí cũng khiến gia đình xào xáo. Người chồng thích trầm tư, đọc sách để mở mang kiến thức còn người vợ lại thích Karaokê, nhảy múa, đi vũ trường, xem hát cũng dễ gây xung đột. Người vợ chí thú làm ăn, còn ông chồng thì tụm năm túm ba, nhậu nhẹt, cờ bạc tối ngày, nói mãi không nghe rồi đưa tới bạo hành. Tiền bạc là của chung nhưng lấy để giúp đỡ cha mẹ, anh chị em mình thì không sao, còn giúp đỡ gia đình chồng thì so đo, ngăn cấm cũng dễ gây bất mãn.  Lời ăn tiếng nói, cách dạy dỗ con cái cũng là những bất hòa, nếu không khéo lại đưa nhau ra tòa. Bạn già 70 tuổi, về Việt Nam cưới một cô gái 30 qua đây, liệu đó có phải là tình yêu chân chính không? Hay đó chỉ là sự lừa lọc, trao đổi bán buôn? Và còn hằng trăm, hằng ngàn những thứ đau đầu khác nữa.

2)      Tình yêu là sự trói buộc, vướng bận vô cùng phiền tóai. Mối liên hệ vợ chồng tưởng chừng như đơn sơ nhưng vô cùng rắc rối do hai cái Tôi (Ngã) đụng nhau. Xã hội càng văn minh, cái Ngã, cái Tôi lại càng to. Tình yêu như chiếc lồng son đầy gạo thóc và nước uống, nhưng khi con chim vào đó rồi mới thấy đây là ngục tù.

3)      Xin bạn đừng vui quá khi được yêu và đừng buồn quá khi không được yêu. Xin bạn nhớ cho rằng tình yêu là để thỏa mãn cái Tôi (cái Ngã). Mà cái Tôi có thể được thỏa mãn bằng nhiều cách chứ không phải chỉ có tình yêu. Ngòai ra, không phải chỉ một một mình người đó mới thỏa mãn bạn, mà biết đâu còn nhiều người khác có thể thỏa mãn cái Tôi của bạn. Vậy thì khi bị phụ rẫy, xin bạn hãy bình tĩnh, đừng căm thù, đừng giết hại người mà bạn đã có lần yêu. Hãy theo tinh thần của Đạt Ma Tổ Sư “Tự Lai Tự Khứ”: Còn Duyên Thì Ở Hết Duyên Đi.

Vậy thì:

Hỡi các bạn trẻ đang yêu đương say đắm. Các bạn đừng bao giờ coi tình yêu là thứ trò chơi của tuổi trẻ. Bởi vì trò chơi chỉ là thú giải trí, chán rồi lại bỏ. Đừng bao giờ đánh giá thấp tình yêu như thế các bạn ạ.

Tình yêu là sự giao thoa giữa hai luồng tình cảm và trí tuệ tinh khôi nhất chứ không phải là một thứ nghệ thuật cao để thỏa mãn xác thân. Yêu là gì?

Yêu là yêu mình và yêu người.

Nếu yêu mình ít hơn yêu người - thì tình yêu nguyên vẹn.

Nếu yêu mình lớn hơn yêu người - thì tình yêu gãy đổ.

Nếu cùng lúc hai người đều yêu mình ít hơn yêu người thì tình yêu vuột chạy làm sao được? Bởi thế người ta thường nói tình yêu là sự hy sinh lẫn cho nhau là như thế đó.

Hãy giáo dục nhau qua những chiếc hôn nồng thắm. Các bạn đừng bao giờ để phải rơi vào cái cảnh nhìn người yêu cũ của mình qua đi như một người xa lạ. Bảo là định mệnh trái ngang ư? Không? Đó là sự phản bội, lừa lọc. Bởi một khi lòng người đã quyết thì cái chết chẳng còn sợ hưống chi là những ngăn trở của cuộc đời?

Đừng bao giờ tự biến mình thành một con quỷ tinh khôn. Càng lăn lộn trong tình trường bao nhiêu tâm hồn của bạn càng chai đá bấy nhiêu. Đến một lúc nào đó các bạn sẽ nhìn đời bằng con mắt rã rượi, chán chường. Đừng đánh giá thấp tình yêu như thế. Đừng bao giờ coi tình yêu là thứ trò chơi của tuổi trẻ. Hãy đến với nhau bằng những bước chân của nàng Tiên nhẹ lướt trên mây. Hãy đến với nhau bằng những bước chân mềm như nhung của chú thỏ non ngơ ngác mà tinh khôn. Đừng toan tính. Tuyệt đối đừng toan tính bạn nhé.

Để cuộc đời này đáng sống và sống cho tươi đẹp, xin các bạn cứ Yêu. Nhưng thử tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc du thuyền vượt đại dương mà không có phao cấp cứu thì bạn nghĩ thế nào? Giả sử con đường tình ái mà bạn đang đi hòan tòan tốt đẹp cho đến ngày nhắm mắt lìa đời - giống như con tàu cặp bến an toàn thì chẳng cần đến phao cấp cứu làm gì. Nhưng nếu con tàu gặp bão tố và có thể bị chìm đắm thì xin bạn ôm lấy chiếc phao. Chiếc phao cấp cứu ở đây là những lời Phật dạy: Tình yêu giống như vạn vật vốn Vô Thường. Tình yêu chính là cuội nguồn của khổ đau. Ái Dục chính là cội nguồn của Luân Hồi, Sinh Tử tương tục. Khi đó bạn sẽ có lối hành xử  nhẹ nhàng, lợi lạc cho mình và không tổn hại cho người. Mất tình yêu lứa đôi chưa phải là mất tất cả. Khi đó bạn có thể dồn hết năng lực, trí tuệ của bạn vào một thứ tình yêu cao cả hơn: Đó là tình yêu cha mẹ, anh chị em, đồng bào, Tổ Quốc và cao hơn nữa là tình yêu đồng lọai.

Đào Văn Bình
Mùa Phật Đản 2554 (2010)


Âm lịch

Ảnh đẹp