Tượng Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà chùa Thầy


Quảng Chơn | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 63
24/06/2018 08:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 1921
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



tuong-Cap-co-docĐiều đáng chú ý tại chùa Thầy tỉnh Hà Tây có lối tôn trí tôn tượng ngài Cấp Cô Độc khác hẳn với những chùa khác. Tại đây, ngài Cấp Cô Độc được thờ phụng cùng bàn với Thái tử Kỳ-đà. Thái tử Kỳ-đà là nhân vật quan trọng luôn được nhắc đến nhờ vào việc ông ta đã bán khu vườn rộng và đẹp cho ngài Cấp Cô Độc để xây tịnh xá cúng Phật. Truyền thuyết kể rằng ngài Cấp Cô Độc đã dùng tiền vàng phủ đầy mặt đất để trả giá cho khu vườn, trừ những gốc cây. Cảm động trước lòng thành của ngài Cấp Cô Độc. Thái tử Kỳ-đà đã cúng dường tất cả những cây trong vườn cho nguyên nhân của sự việc cao cả này. Sau khi tịnh xá xây xong thì được đặt tên là “Vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của Thái tử Kỳ-đà”. Đây là một cái tên rất danh dự để nói lên công của hai người: một người cúng vườn và một người cúng cây trong vườn, Đó là tu viện quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Đức Phật đã trú ngụ nơi này 16 mùa an cư. Trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ này ngài Cấp Cô Độc đã chu cấp tất cả những vật dụng cần thiết cho tăng đoàn. Đức Phật đã thuyết nhiều thời pháp nơi này; vì vậy nhiều bản kinh được bắt đầu với lời dẫn “Tôi từng nghe như vầy, một thời Đức Thế Tôn cư ngụ tại thành Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn của ngài Cấp Cô Độc, cây của Thái tử Kỳ-đà”.

Tại chùa Thầy, tôn tượng của ngài Cấp Cô Độc cùng ngồi ngang hàng với Thái tử Kỳ-đà. Cả hai tôn tượng được tạc như hai vị quan với cùng kiểu trang sức: vương miện chạm mặt trời và mây, áo cổ tròn thêu hình kỳ lân, đai lưng có khóa vuông. Nhìn chung, ta thấy tượng Thái tử Kỳ-đà nổi bật hơn với hoa văn trên y phục và ghế ngồi biểu lộ ông ta là Thái tử. Tay phải Thái tử cầm như ý biểu chạm mặt trời và mây, vương miện của Thái tử tinh xảo hơn, tóc được búi lên bên trong của vương miện cùng hai dải mão chạy dài trên vai, đầu gối chạm hình dơi với tua rua chạy dài từ miệng dơi. Dơi âm Hán-Việt đọc là Phúc, có nghĩa là phúc đức, hoa văn này dùng chỉ ông ta là người phúc đức. Người nghệ sĩ đã tế nhị và khéo léo tạc những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng để người chiêm ngưỡng có thể phân biệt được chức năng và vị trí của hai người. Vị trụ trì và các thí chủ đứng ra trùng hưng ngôi chùa cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII đã phụng thờ hai pho tượng trong chùa. Đây là một điểm đặc biệt nói lên tầm quan trọng của việc ghi công đức cúng dường ủng hộ chùa chiền. Bia đá dựng ở chùa ghi công đức của các vị cúng dường , nhưng quần chúng Phật tử ít ai đọc được chữ Hán. Lập một bàn thờ riêng, tô tạo tượng của hai vị có công ủng hộ Phật và Tăng đoàn nguyên thủy là một sự sắp đặt khéo léo, như nói lên được sự biết ơn thí chủ trong công đức trùng tu chùa. Ở đây ta thấy rằng ngài Cấp Cô Độc không những chỉ được nhớ đến như một vị thành tâm hộ giáo, người cung cấp và dâng cúng rất nhiều tài sản đến Đức Phật và Tăng đoàn mà không đòi hỏi bất kỳ một đặc ân nào, mà ngài còn được biết như một hướng đạo Phật tử tại gia biết đến sự tạo phước qua thiện nghiệp và công đức bố thí cúng dường. Vì vậy, ngài được tôn kính như một vị hộ giáo tuyệt vời nhất của Phật giáo. Ở miền Bắc, ngài được xem như một vị chúa bảo vệ và giữ gìn chùa chiền và cũng là hộ thần của trẻ em. Nơi đây, tượng ngài được tôn trí chung với tượng  Thái tử Kỳ-đà để nhắc nhở thiện nam tín nữ công đức của Thái tử và cũng là quan điểm chính về sự bố thí cúng dường của Phật giáo. Một vài bia văn ở chùa viết rằng thành viên của gia đình chúa Trịnh ủng hộ và trùng tu chùa Thầy để cầu nguyện cho tổ tiên của họ.

 

Ảnh hưởng nghệ thuật

Phần này chúng ta bàn đến những yếu tố nghệ thuật đã có tác động đến sự hình thành và tạo hình của Thánh tăng A-nan và Đức ông Cấp Cô Độc trong truyền thống thờ tự tại các chùa ở miền Bắc. Phần đầu của tiết này chúng ta sẽ bàn tới hai giả thuyết có thể đã giúp hoặc làm mẫu để hình tượng Thánh tăng A-nan. Đoạn sau sẽ bàn về một giả thuyết có khả năng ảnh hưởng đến mô thức tạo hình cho các pho tượng Đức ông.

Ngài A-nan là một trong thập đại đệ tử và là vị thị giả nổi tiếng của Đức Phật. Trên mặt nghệ thuật tạo hình trong Phật giáo, hình tượng ngài A-nan rất phổ thông và có nét truyền thống. Đứng trên phong cách nghệ thuật lý tưởng mà bàn, chúng ta thấy tượng của ngài được tôn tạo như một vị tăng trung niên, gương mặt rạng rỡ trang nghiêm đầy lòng thương yêu quan hoài đến chúng sinh. Trong hình tượng vị Thánh tăng chẩn tế cô hồn, ngài luôn ngồi trên ngai, hoặc trên bệ cao (điển tòa) một cách trang trọng, chân để trên mặt đất. Sự diễn tả này theo quy ước sắp xếp ở các trai đàn chẩn tế là vị chủ sám luôn luôn ngồi trên ghế đặt ở giữa, hai chân nhẹ nhàng đặt trên mặt đất.

Khi khảo sát các nguồn gốc nghệ thuật đã có tác động hoặc xa hoặc gần lên sự tạo hình tượng Thánh tăng, có hai xuất xứ có khả năng gây ảnh hưởng đến cách tạo hình của ngài. Khả năng thứ nhất là một vị sư nào đó đã dựa vào sự miêu tả hình dáng và diện mạo của ngài A-nan diễn đạt trong kinh rồi hướng dẫn một họa sĩ hoặc một nhà điêu khắc tạc hình tượng của ngài. Nhìn chung đa số các tượng ngài A-nan thờ ở các chùa ở miền Bắc có những nét tương tự, trong khi tượng của hai vị thị giả đứng hoặc ngồi chầu hai bên thì mỗi nơi mỗi khác tùy theo cách diễn đạt và sự tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân. Đây chỉ là một giả thiết vì hiện nay chúng ta không có tư liệu minh chứng cho vấn đề này. Khả năng thứ hai là những nghệ nhân xưa tạc tượng ngài dựa theo những họa đồ in từ mộc bản của các kinh hoặc các khoa chẩn tế thí thực cô hồn được các vị sư từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam. Dựa theo các tư liệu lịch sử, chúng ta biết rằng Thiền sư Chuyết Công (1590-1644), người Trung Hoa, khi đến hoằng pháp tại Việt Nam vào đầu thập niên 1630 đã mang theo những bản kinh, và các khoa nghi chẩn tế thí thực cô hồn. Trong thời gian lưu trú tại miền Bắc, Thiền sư đã nỗ lực trùng tu chùa Phật Tích và khởi công xây dựng chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh vào giữa thế kỷ XVII. Trong thời gian này, vua Lê, chúa Trịnh đã thỉnh Thiền sư làm chủ sám trai đàn chẩn tế tại Thủ đô. Theo các tư liệu văn bia tại chùa Phật Tích và Bút Tháp cũng như sự nghiên cứu của tác giả Nguyễn Lang đã nhận định trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì ngài Chuyết Công và vị đệ tử nổi tiếng của ngài là Thiền sư Minh Hành (1596-1659), đã làm chủ sám cho các đại trai đàn chẩn tế cô hồn và cầu nguyện cho đất nước hòa bình nhân dân an lạc. Thiền sư Chuyết Công cũng đã tổ chức và in ấn lại vài bản kinh ở chùa Phật Tích. Rất tiếc là đất nước Việt Nam không có những viện bảo tàng lịch sử, hoặc văn khố thành lập vào các thế kỷ trước để lưu giữ tư liệu, sách vở và văn bản, do đó khó mà biết được. Nhưng dựa vào các tư liệu đã in cùng thời tại Trung Quốc hiện nay đang lưu giữ tại một số viện bảo tàng ở nước ngoài, có thể cho chúng ta một vài khái niệm về các bản in ngài Chuyết Công và Minh Hành đem vào Việt Nam mà bây giờ không còn bản in hoặc các khắc bản bằng gỗ. Thí dụ những bản in mộc bản về khoa cúng thí thực Ngạ Quỷ Diệm Khẩu điêu khắc và mô tả hình ảnh ngài A-nan ngồi thiền trong hang động. Tiêu Diện (Diệm Khẩu, Diệm Nhiên tuy là khác tên nhưng đều chỉ con quỷ đã gặp A-nan, và về sau Đại thừa hóa thành Bồ-tát Diện Nhiên Vương) được miêu tả như một con quỷ đói bị ngọn lửa nghiệp báo cháy nung ruột gan và phát ra từng tia lửa từ miệng. Dù là quỷ đói Ấn Độ đã phục sức theo Trung Quốc có thắt đai lưng, nhưng áo quần rách tươm. Tay phải của Tiêu Diện đang đưa ra trong trạng thái như đang trò chuyện và cảnh cáo ngài A-nan đang ngồi phía trên cao bên góc phải. Hai hàng chữ bên trên góc chú thích rằng Đức Quán Thế Âm Bồ-tát đã hóa thân Diệm Khẩu đến gặp ngài A-nan khi ngài đang ngồi thiền trong rừng. Trở lại vấn đề các yếu tố có thể tác động đến sự tạo hình của Thánh tăng A-nan, nếu so sánh tượng thổ phủ sơn của ngài A-nan thờ ở chùa Mía và chùa Bút Tháp là những pho tượng có niên đại xưa nhất ở Việt Nam còn lại (hình tư liệu trình bày trong bài này do tác giả chụp vào năm 1993, sau 1998 pho tượng này đã được tu sửa lại và mất hết các dấu tích xưa), chúng ta thấy các pho tượng này có những nét tương tự với hình minh họa trong nghi chẩn tế.

Trong phong cách lý tưởng, tổng thể mà nói chúng ta thấy rằng tượng Đức Ông Cấp Cô Độc được tạc như một vị quan có diện mạo đỏ như trái gấc. Có thể những nghệ nhân đã tạc ngài theo hình tượng ngài Quan Công, vị tướng anh hùng của Lưu Bị trong thời Tam Quốc, mà chúng ta biết qua truyện Tam Quốc Chí,hoặc Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trong những tác phẩm cổ tại chùa Mía và chùa Bút Tháp, tượng của ngài Cấp Cô Độc được tạo hình gần giống với tượng Quan Công có Quan Bình và Châu Xương đứng hầu. Dựa trên các tư liệu sử học chúng ta biết rằng kể từ thời Đường trở về sau, ngài Quan Công được thánh hóa trở thành vị hộ pháp già lam. Tượng Đức Ông chùa Bút Tháp và chùa Mía được mô tả như một vị quan triều đình, có đôi chân mày rậm, mắt mở to, gương mặt nghiêm khắc như là Quan Công hơn là vị thương gia giàu có Cấp Cô Độc người Ấn, cũng là vị cư sĩ nổi tiếng xây tịnh xá Kỳ Hoàn và hết lòng ủng hộ Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài. Các pho tượng Đức Ông đều mô tả ông ngồi thẳng trên ngai cao,có quan văn và quan võ chầu hai bên. Bộ tượng thờ chùa Bút Tháp, hình tướng Đức Ông tương tự như Quan Công, có vị quan văn trông như Quan Bình, con nuôi của Quan Công và vị quan võ, như thế là Châu Xương, tùy viên và chấp lệnh của Quan Công, đứng hầu hai bên.

Về sự tương tự khá trùng hợp giữa tượng Đức Ông và tượng Quan Công, chưa có bài viết nào hoặc một vị nào đưa ra vấn đề này. Ở đây, chúng ta đưa một vấn đề có thể giải thích sự tương tự này. Vào những thế kỷ trước, khi những nghệ nhân Việt Nam muốn tạc tượng Đức Ông Cấp Cô Độc nhưng không có tư liệu mẫu về hình ảnh của ngài, do đó họ có thể đã tạc ngài theo hình tượng của Quan Công, vị tướng được thờ ở các chùa chiền Việt Nam như một vị thần hộ pháp. Tượng Đức Ông Cấp Cô Độc mặc quan phục, mão cánh chuồn, hình ảnh của ngài giống như là một vị quan hơn một thương gia giàu có Ấn Độ. Chúng ta có thể cho rằng hình tượng của Ngài được dựng lên theo trí tưởng tượng của tín đồ hơn là theo sự chuẩn xác khi miêu tả hình tướng Cấp Cô Độc. Trong văn chương và kinh điển Phật giáo, ông Cấp Cô Độc là một người rất nổi tiếng và khá quen thuộc, nhưng trên mặt tạo hình thì thật xa lạ với những nghệ nhân địa phương. Hơn thế nữa, vì tượng này trở thành phổ thông vào thế kỷ thứ XVII-XVIII lúc đang xảy ra nội chiến Đàng Ngoài và Đàng Trong giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, do đó có khả năng là các nghệ nhân đã dựa trên hình tượng của Quan Công, một vị anh hùng được người Trung Hoa, và luôn được nhớ đến lòng dũng cảm, sự trung thành, nghị lực cương quyết của ông đối với Lưu Bị, người anh em kết nghĩa vườn đào.

Phong cách tự nhiên được phát triển trễ hơn so với phong cách nghệ thuật lý tưởng. Từ vài tác phẩm được trình bày trong bài viết này cho chúng ta thấy rằng những pho tượng tạc theo phong cách hiện thực nhìn chung rất gần gũi với quần chúng và dễ cảm nhận hơn so với những tượng tạc theo phong cách lý tưởng. Theo như các pho tượng chúng ta phân tích và trình bày ở trên, thì Ngài A-nan được tạc theo cả hai phong cách. Tượng của Ngài tại chùa Sùng Ân được miêu tả như một vị sư ngoại quốc vấn khăn quanh cổ, còn tượng của ngài ở chùa Hoằng Ân diễn tả ngài như một vị Tăng sĩ thuần túy người Việt Nam. Ngài Tiêu Diện thì dưới hình dạng gần con người hơn là loài quỷ. Từ các tiểu tiết tạo hình trên những pho tượng này cũng được xem trọng như không gian tương phản của chúng, và trở thành cơ hội để diễn đạt nhiều kiểu gương mặt và sự khác biệt trong tuổi tác. Bỏ qua bản chất vốn hung hãn của họ, vị Bà-la-môn và Tiêu Diện được diễn đạt một cách thật sống động. Hai vị thị giả của Đức Ông như là hai vị quan phụ tá cho các vị quan phủ, quan huyện khi thăng đường xử án mà ta thường thấy trong phim bộ Trung Quốc.

Quảng Chơn

Các bài khác về Truyền thống nghệ thuật Phật Giáo Việt Nam

chua-thay



Âm lịch

Ảnh đẹp