10/06/2013 19:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 138387
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vào mùa Noel, bà con giáo dân bày Hang đá Bethlehem và máng cỏ đón Chúa Hài đồng. Vào những ngày tuần trăng tháng 4 âm lịch, bà con Phật tử cũng trang hoàng vườn Lâm tỳ ni để mừng Đức Phật giáng thế!


Năm nay, Phật tử nước ta có cuộc thi thiết kế vườn Lâm tỳ ni tại nhà và gửi ảnh dự thi thật ý nghĩa. Biểu tượng Lâm tỳ ni đã trở thành quá quen thuộc, gần gũi với hình tượng Hoàng hậu Ma-gia vịn tay lên cây hoa Sala và Đức Phật vừa chào đời đã đứng trên bông sen một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, hào quang lung linh... theo trí tưởng tượng của từng gia đình, từng địa phương...

Vậy Lâm tỳ ni ở đâu? Thánh tích trải qua gần 2.600 năm trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn giờ đây ra sao? Đó là ao ước của nhiều người và may mắn, tôi đã được đặt chân đến Lâm tỳ ni.

Lâm tỳ ni xưa kia là một vùng cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ độ nửa ngày đi đường bằng xe gia súc kéo. Giờ đây Lâm tỳ ni thuộc quận Rupandehi, phía tây nước Nepal, cách cửa khẩu biên giới Sonauli giao với Ấn Độ 36 km.

Lịch sử Phật giáo chép rằng: Theo tục lệ địa phương Hoàng hâu Ma-gia trên đường từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ trở về quê mẹ để sinh. Khi đến vườn Lâm tỳ ni, dừng lại nghỉ ngơi, bà tắm ở hồ, rồi bước lên 28 bước đến cây Sala thì sinh hoàng tử Tất Đạt Đa – Vị hoàng tử mà sau này đã từ bỏ ngôi báu, từ bỏ kinh thành xuất gia tu hành để trở thành Đức Phật Thích Ca. Ngày sinh Đức Phật giờ đây cũng được Thế giới thống nhất là 15/4 âm lịch.

Hồ nước nơi Hoàng hậu từng tắm và Đức Phật bước lên 7 toà sen
Hồ nước nơi Hoàng hậu từng tắm và Đức Phật bước lên 7 toà sen

Địa điểm vườn Lâm tỳ ni ngay từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, cụ thể là năm 249 trước công nguyên đã được Nhà vua A Dục - một người mến mộ đạo Phật xác định, xây đền thờ, bảo tháp và cột đá để tôn vinh Thánh địa muôn đời!

Gần 1000 năm sau, nhà sư Pháp Hiển, rồi đến Đường Huyền Trang tìm đến, Huyền Trang đã ghi chép rõ ràng về Trụ đá do vua A Dục dựng nên: Trên trụ đá có 5 dòng chữ với nội dung như sau: Quốc vương Pridarsin được sự phù hộ của Thánh thần sau khi lên ngôi vua được 20 năm đã đến đây đảnh lễ. ĐÂY LÀ NƠI ĐỨC PHẬT THÍCH CA ĐẢN SINH, Vua ra lệnh miễn thuế nghi lễ và chỉ thu 1/8 thuế lợi tức đối với dân chúng vùng Lâm tỳ ni.
 
Phật tử Việt Nam phái Trúc lâm tụng niêm trước cột đá Vua A Dục

Phật tử Việt Nam phái Trúc lâm tụng niêm trước cột đá Vua A Dục
Căn cứ vào những tư liệu quý giá ấy, đến thế kỷ 19, nhà khảo cổ người Đức đã phát hiện chính xác địa điểm có trụ đá vua A Dục và nền móng khu đền thờ Hoàng hậu, nền móng tịnh xá, hồ nước nổi tiếng thiêng liêng.
 
Côt đá Vua A Dục
Côt đá Vua A Dục

Thế nhưng phải đợi đến 100 năm sau, năm 1996, khi những nhà khảo cổ phát hiện ra được tảng đá mà Vua A Dục đánh dấu vị trí chăm nuôi Đức Phật trong những giờ phút chào đời, thì vào năm 1997 UNESCO mới chính thức đưa Lâm tỳ ni vào danh sách di sản văn hoá Thế giới

Đền thờ Hoàng hậu Ma-gia, nơi đặt phiến đá đánh dấu địa điểm Đức Phật Đản sinh
Đền thờ Hoàng hậu Ma-gia, nơi đặt phiến đá đánh dấu địa điểm Đức Phật Đản sinh

Được vinh danh di sản Văn hoá thế giới, vườn Lâm tỳ ni được Tổ chức UNESCO, Nhà nước Nepal quy hoạch và bảo vệ chu đáo. Trung tâm khu di sản có Khu đền thờ Hoàng hậu Ma-gia, hồ nước Hoàng hậu tắm trước khi sinh, cây bồ đề cổ thụ, trụ đá vua A Dục, nền móng tịnh xá, những vườn hoa…

Cây bồ đề cổ thụ nơi tín đồ khắp nơi đến ngồi thiền
Cây bồ đề cổ thụ nơi tín đồ khắp nơi đến ngồi thiền

Hầu như trong khu vực này không có nhà hàng, khách sạn, xe cộ đi lại cũng phải để khá xa. Khách hành hương nếu không đi bộ quen thì có thể đi xe đạp.

Ngoài khu Bảo tàng Trung tâm thì Thánh địa Lâm tỳ ni được chia thành hai khu, khu bên phía đông dành cho các công trình và tu viên thuộc phái Nam tông, khu phía tây là những công trình dành cho phái Bắc tông.

Có thể nói Lâm tỳ ni từng có một quá khứ huy hoàng và thiêng liêng, nhưng vào thế kỷ thứ 12 sau Tây lịch, trong cơn cuồng phong tàn sát đạo Phật từ tây nam tràn lên, Lâm tỳ ni cũng bị hoang tàn xơ xác vùi lấp dưới tầng sâu của sườn núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ mà khắc nghiệt.

May mắn cho tôi được Nguyễn Phương Giao, một sinh viên Trường Thuốc miền Nam Ấn Độ, sẵn lòng mộ đạo đi cùng đã giúp chúng tôi tìm hiểu khá kỹ càng những gì mà Vườn thiêng gánh chịu sau hàng ngàn năm.
 
Chiêm bái tảng đá nới đánh dấu Đức Phật đản sanh.
Chiêm bái tảng đá nới đánh dấu Đức Phật đản sanh.

Có lẽ trước tôi cũng đã có nhiều người Việt đến chiêm bái Lâm tỳ ni, xa hơn nữa thì chưa xác định, nhưng trong vòng bốn chục năm nay thì có thể nói thầy Thích Huyền Diệu là một người Việt Nam đến sớm và ở lâu nhất trên mảnh đất thiêng này. Thầy đến đây từ năm 1969, trước cảnh tiêu điều của những gì còn sót lại, thầy ước ao xây được một ngôi chùa Việt tại Lâm tỳ ni để giúp những người Việt từ khắp nơi trên thế giới có chỗ tìm về Đất Phật.

Thầy ước vậy và đến năm 1993, khi nhận đất xây chùa, thầy chỉ có 60 đô la Mỹ trong túi nhưng thầy vẫn dựng chòi bám đất xây chùa, từ một giảng viên Đại học ở Paris tiện nghi hiện đại đến một nơi không điện, không nước, sống giữa đầm lầy đầy rắn rết, muỗi mòng... để mở đất xây chùa đầu tiên trong tiến trình "Phục hưng" một Di sản Văn hoá Nhân loại hàng đầu... Thật đáng ghi nhận sự cống hiến của một nhà sư mang dòng máu Việt.

Trong vòng hai thập niên khôi phục với sự góp sức của nhà nước và các tổ chức tôn giáo, đã có hơn 20 nước và vùng lãnh thổ đến xây chùa, tu viện, bảo tàng, thư viện tại đây. Mỗi nước một phong cách.

Chùa Bhutan
Chùa Bhutan

Chùa Trung Quốc mang dáng dấp một Thiếu Lâm tự cổ kính, chùa Thái với một màu trắng tinh ấn tượng, Chùa Tây Tạng màu đỏ huyền bí như những chiếc cà sa mà các sư Tây Tạng vẫn mặc.

Chùa Tây Tạng
Chùa Tây Tạng

Hàn quốc xây cơ sở nghiên cứu với giảng đường to rộng, Nhật Bản xây tháp Hòa bình… Là người Việt, chúng tôi đứng lặng trước cổng chùa Việt Nam, với cổng tam quan hết sức thân thuộc. Cùng với chính điện tôn nghiêm, trong khuôn viên còn có Chùa Một Cột, đứng chụp hình tại đây mà cứ ngỡ như đáng đứng giữa Hà Nội vậy.

Tam quan chùa Việt Nam
Tam quan chùa Việt Nam

Chùa Một Cột tại Việt Nam Phật quốc tự ở Lâm tỳ ni
Chùa Một Cột tại Việt Nam Phật quốc tự ở Lâm tỳ ni

Năm 1993, thầy Thích Huyền Diệu nhận đất xây chùa, đến ngày 12/12/2012, thầy tổ chức lễ hoàn nguyên và cầu nguyện Hòa bình với hàng trăm người Việt từ Âu, Á, Mỹ, Úc về đây cùng các nhà tu hành từ hàng chục quốc gia trên thế giới và nhân dân sở tại hòa chung tiếng mõ cầu kinh nói lên ý nguyện chung sức tôn tạo vườn thiêng Lâm tì ni đúng tầm là Di sản văn hóa Nhân loại.

Hồng hạc lại về với Việt Nam Phật quốc tự, với Lâm tỳ ni
Hồng hạc lại về với Việt Nam Phật quốc tự, với Lâm tỳ ni

Đứng ở chính điện nhìn xuống sân chùa một bản đồ Việt Nam thống nhất hiện lên nhắc nhở bà con người Việt bất cứ từ nơi nào đến với Đất Phật cũng luôn nghĩ về Việt Nam quê nhà.

Nguyễn Lương Phán

Âm lịch

Ảnh đẹp