14/06/2011 20:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 2036
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ lâu, làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, không chỉ nức tiếng là nơi có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa, với nhiều lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc mà còn là nơi lưu giữ những tài liệu quý hiếm về Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.


Ông Phan Như Ý, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, cho biết: “Dân làng Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, trong đó khẳng định chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Văn bản liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa được lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi.

Văn bản do làng Mỹ Lợi lưu giữ có từ năm Quý Hợi (1743), dưới thời nhà Lê, được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa P.Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và P.An Bằng (làng An Bằng) về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa.

Văn bản được nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu tạm dịch như sau: “Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng. Nguyên năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tin ở chỗ giáp ranh, kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758) khoản của thuyền thủ Trường, phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vô tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vô tàu ấy, phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (tức ngày 6/11/1759)”.

Đình làng Mỹ Lợi, nơi lưu giữ những sắc phong, tài liệu quy lien quan đến Hoàng Sa.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An, văn bản này cho thấy, từ thời Lê, Việt Nam đã có đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Nội dung văn bản trên cho thấy cách đây 250 năm, triều đình nhà Nguyễn đã có đội quân làm việc tại quần đảo Hoàng Sa. Ông Phan Thuận An cũng cho biết, dân làng Mỹ Lợi đã bàn giao cho Nhà nước văn bản này vào năm 2010 để Nhà nước quản lý, xác lập chủ quyền của Tổ quốc. Giá trị của văn bản này mang tầm quốc gia, thậm chí là quốc tế, với những nội dung rất rõ ràng, ngày tháng cụ thể, người thật, việc thật. “Đây là một nguyên bản có giá trị lịch sử để chứng minh rằng biển đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói.

Theo tìm hiểu, làng Mỹ Lợi được thành lập năm 1562, do những người khai canh ra đi lập nghiệp từ làng Lương Niệm, Quảng Xuyên (nay là thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Làng có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa lâu đời, với nhiều lễ hội, phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó Đình Làng Mỹ Lợi được xây dựng từ năm 1808, đến năm 1996, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. 

Nguyễn Phương

http://baodatviet.vn


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp