Họ
cho biết trước kia chùa lợp ngói âm dương, vách gỗ, mang nét kiến trúc
cổ kính trầm mặc. Cách đây không lâu, do chùa mục nát, sư trụ trì đã cho
xây sửa mới nên nét cổ kính không còn. Vì thiếu tiền, sư cũng chỉ xây
tạm bợ, không ra lối kiến trúc nào. Khách hành hương ít lui tới nên ngôi
chùa càng thêm buồn tẻ.
Ít người biết rằng, trong ngôi chùa buồn tênh đó có một cặp đàn cổ kỳ
lạ. Có lẽ bất kỳ nhà khảo cổ tâm huyết nào cũng muốn tìm hiểu lai lịch
của nó.
Cặp đàn độc nhất vô nhị
Đó là cặp đàn "kình ngư hóa long" và
"thần cù nghênh pháp" được đặt trên bệ thờ tiền hiền nơi chánh điện. Cả
hai đều được chế tác bằng gỗ, giống kiểu dáng của độc huyền cầm (đàn 1
dây). Tuy nhiên, chiếc đàn "kình ngư hóa long" chạm trổ theo tích "cá
hóa rồng" có đến 9 dây (cửu huyền cầm) và chiếc đàn "linh cù nghênh
pháp" chạm trổ theo tích "cá sấu nghe thuyết pháp" có 3 dây (tam huyền
cầm).
Sư Thích Thiện Phước hiện đang trụ trì
Năm Căn cổ tự cho biết, vị trụ trì đầu tiên của chùa là sư Thượng Quyền
Hạ Tịnh, viên tịch năm Nhân Dần, tức 1902. Còn sư Thích Thiện Phước là
trụ trì đời thứ 5 của chùa. Khi về trụ trì, sư Phước không thấy chùa lưu
giữ bất kỳ tài liệu nào liên quan đến tiểu sử ngôi chùa lẫn cặp đàn độc
nhất vô nhị.
Cả hai chiếc đàn đều chế tác theo
nguyên lý tạo âm của độc huyền cầm: Gốc dây bắt vào trục điều chỉnh cao
độ âm thanh, đầu dây bắt vào cần điều khiển giai điệu. Với cách chế tác
như vậy, chắc chắn khi chơi, loại đàn này sẽ tạo ra âm điệu buồn du
dương như độc huyền cầm. Những bậc cao niên địa phương cho biết, loại
đàn này không phải để giải trí mà để… chuyển hóa vũ trụ, xoay vần tạo
hóa. Họ khẳng định cặp đàn này do Phật sống Cử Đa chế tác.
Ông Cử Đa đã chọn cửa ngõ huyết mạch
nối liền Cao Miên (Campuchia) đến Thiên Cẩm Sơn (núi Cấm) và Ngọa Long
Sơn (núi Tượng) cất một cái miếu để thờ cặp đàn. Thuở đó, vùng Ngọa Long
Sơn là đại bản doanh của Đức Quản cơ Trần Văn Thành - người chỉ huy căn
cứ Bảy Thưa - Láng Linh kháng Pháp. Sau khi khởi nghĩa Bảy Thưa - Láng
Linh thất bại, thực dân Pháp đốt ngôi miếu ấy rất nhiều lần. Cứ mỗi lần
bị đốt, ngôi miếu lại được người dân cất mới.
Điều kỳ lạ là cặp đàn bằng gỗ nhưng
không bao giờ bị cháy trong những cơn hỏa hoạn. Lần bị thực dân Pháp đốt
cuối cùng, nền miếu bị bỏ hoang khá lâu. Một tín đồ Phật giáo hệ Thiền
Lâm lánh trần tìm đến đây cất trên nền miếu một ngôi chùa lá. Vị tu sĩ
thấy cặp đàn vẫn còn nguyên vẹn đã đặt lên bệ thờ. Những điều này, đáng
tiếc là chỉ được truyền miệng chứ không có bất cứ tài liệu lịch sử nào
ghi nhận.
|
Một góc Năm Căn cổ tự. |
Lần theo dữ liệu lịch sử
Năm 1840, ông Trần Văn Thành, quê quán
ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, huyện
Đông Xuyên, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) gia
nhập quân đội nhà Nguyễn giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên dựa vào
quân Xiêm La quấy rối biên giới Việt Nam. Trần Văn Thành được triều đình
cử làm Suất đội đánh đuổi quân xâm lược Miên - Xiêm.
Năm 1845, sau khi lập được nhiều chiến
công, Trần Văn Thành được ban khen "Quản cơ tinh binh" và thăng chức
Chánh quản cơ, chỉ huy 500 quân, trú đóng ở Châu Đốc để giữ gìn biên
giới phía Tây Nam. Năm 1846, Nặc Ông Đôn quy phục triều đình nhà Nguyễn
nên cuối năm Đinh Mùi (1847), Trần Văn Thành xin giải ngũ về quê khẩn
hoang làm ruộng và xin theo Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên học đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương.
Khi thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ,
An Giang thất thủ, Trần Văn Thành quy tụ những tín đồ hệ phái Bửu Sơn
Kỳ Hương lập nên đội quân khởi nghĩa. Trần Văn Thành tổ chức dân binh
đắp ụ chiến đấu ở quê nhà (Cồn Nhỏ) để ngăn quân Pháp. Tháng 6/1868,
Nguyễn Trung Trực đánh chiếm đồn Kiên Giang bị quân Pháp tổ chức phản
công. Hay tin, Trần Văn Thành kéo quân đắp cản ở Ba Bần, Trà Kên (nay
đều thuộc huyện Thoại Sơn) để ngăn cản tàu chiến Pháp đi tái chiếm tỉnh
lị Rạch Giá, đồng thời cắt cử quân sang Kiên Giang tiếp cứu.
Vũ khí thô sơ không thể chống lại tàu
chiến của Pháp, Nguyễn Trung Trực đành lui quân ra Hòn Chông, Kiên
Lương, Kiên Giang cố thủ để bảo toàn lực lượng. Trần Văn Thành dẫn lực
lượng kháng chiến của mình vào Láng Linh, Bãi Thưa (ngày nay thuộc huyện
Châu Phú, tỉnh An Giang) dựng trại, tuyển quân, rèn đúc vũ khí chuẩn bị
kháng chiến lâu dài. Ông lấy tên cho lực lượng kháng chiến của mình là
Binh Gia Nghị. Trong thời gian này ông đã tổ chức ám sát tên Chủ tỉnh
Vĩnh Long là Salicetti tại Vũng Liêm.
Cuối năm 1868, hầu hết các phong trào
kháng Pháp tại Nam Kỳ đều bị Pháp đàn áp tan rã gần hết. Lực lượng nghĩa
binh của Trần Văn Thành lâm vào thế cô và ông trở thành nhân vật bị
Pháp truy nã.
|
Chiếc đàn cửu huyền. |
Trong khi quân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, sát thương
tầm xa thì vũ khí của quân kháng chiến chủ yếu là gươm, giáo, mác sát
thương tầm gần. E ngại nghĩa quân nhụt chí chiến đấu, Trần Văn Thành
phải sử dụng niềm tin huyền thuật để hun đúc tinh thần. Lúc này Đoàn
Minh Huyên đã viên tịch. Trần Văn Thành đã cùng nhà sư Ngô Tự Lợi (tức
đức Bổn sư Ngô Lợi) - một chí sĩ yêu nước khoác áo cà sa - lập nên một
tôn giáo mới có tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy
nền tảng giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương để thuyết pháp thu phục tín đồ
nhằm quy tụ quần chúng nhân dân tham gia kháng Pháp.
Ngô Lợi kêu gọi người dân tập trung về
vùng thánh địa Láng Linh để "Khi trời đất xoay chuyển, những người sống
trong vùng đất thánh sẽ tồn tại. Ai ở ngoài sẽ chịu nạn tai" hoặc "Đời
Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong
rừng ăn thịt". Đó là thời điểm Trần Văn Thành kể câu chuyện đức Phật
thầy Tây An sai ngài đi cắm 5 cây thẻ bài trấn yểm theo địa thế "ngũ
long trấn phục" ở 5 điểm. Điểm trung tâm đặt trên núi Cấm (hang Ông
Thẻ). 4 điểm kia là cột mốc địa giới kháng chiến cách điểm trung tâm
hàng chục cây số, bao quanh một khu vực rộng lớn thuộc vùng Tứ giác Long
Xuyên.
Cùng thời điểm này, Trần Văn Thành còn
chiêu mộ được một võ quan triều Nguyễn, tên thường gọi là Cử Đa. Có
truyền thuyết cho rằng, Cử Đa là người của Vua Hàm Nghi phái vào Đàng
Trong giúp nghĩa quân. Cử Đa nhận nhiệm vụ huấn luyện võ nghệ cho nghĩa
quân. Và võ phái Thất sơn Thần Quyền ra đời từ đây.
Tháng 3/1873, thực dân Pháp tổ chức
một trận càn quy mô tấn công căn cứ Bãi Thưa. Sau 5 ngày đêm chiến đấu
kiên cường, căn cứ bị vỡ, Trần Văn Thành hy sinh.
Bổn sư Ngô Lợi tiếp tục tái thiết vùng
núi Tượng xây căn cứ tôn giáo kháng chiến. Tháng 5/1878, Bổn sư Ngô Lợi
tổ chức cho 2 đệ tử thực hiện một cuộc khởi nghĩa ở Cai Lậy, Mỹ Tho
nhưng nhanh chóng bị Pháp dẹp tan. Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn
thoát về căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục ẩn dưới danh nghĩa tôn
giáo nuôi mộng kháng chiến lâu dài. Suốt 12 tháng lập đạo kháng chiến,
tôn giáo này chịu tổng cộng 7 trận càn đại quy mô của phân Pháp. Trận
càn thứ 6, Pháp bắt được đức Bổn sư Ngô Lợi.
|
Chiếc đàn tam huyền và bức tượng Phật Cử Đa được “cải biên” thành Đức Đạt Ma. |
Phật sống Cử Đa dùng tiếng đàn làm tín hiệu?
Sau khi căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa bị
quân Pháp đánh tan, Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh, ông Cử Đa ẩn mình
vào rừng sâu tiếp tục chiêu mộ nghĩa binh kháng chiến. Có lúc bị Pháp
truy nã gắt gao, ông phải đóng vai một nhà sư có pháp danh là Ngọc Thanh
(và Chơn Không, Hư Không) lùi vào núi Tà Lơn ẩn mình chờ thời cơ. Ông
đã biến vùng núi Tà Lơn này thành căn cứ kháng chiến bí mật.
Ông là một nhân vật bí ẩn đối với lịch
sử. Cho đến giờ, không tài liệu nào nêu rõ tiểu sử của ông cũng như cho
biết năm sinh và mất.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu
Nguyễn Thành Hầu thì Cử Đa tên thật Nguyễn Thành Đa hay Nguyễn Đa. Năm
Thiệu Trị thứ năm (1845) ông thi đỗ võ cử nhân. Vì ông nói giọng miền
Trung nên có người gọi ông là Thầy Huế.
Quê ông ở làng Phù Cát (có tài liệu cho là ông sinh ra ở Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định).
Khoảng năm 1862, sau khi triều đình
nhà Nguyễn ký hòa ước, khiến 6 tỉnh Nam Kỳ mất vào tay thực dân Pháp;
ông lưu lại làng Bình Khê (Phù Cát, Bình Định) rồi tham gia quân đội
chống Pháp ở Huế, ở Hà Nội. Khi Vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương, thì
ông được cử vào vùng Lục tỉnh giúp nghĩa quân Trần Văn Thành kháng Pháp.
Sau khi căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa bị
Pháp đánh tan, ông tập họp nghĩa quân đánh chiếm đồn Cây Mít (Châu Đốc)
của quân Pháp để tạo tiếng vang cho phong trào kháng chiến. Chính vì
vậy, ông bị lộ tông tích. Quân Pháp truy lùng ráo riết, ông đành rời
Thất Sơn lui về núi Tà Lơn đóng vai nhà sư. Lúc này ông lấy tên là "Sư
Bảy" mượn chuyện truyền đạo để chiêu tập nghĩa quân. Ông âm thầm trở về
núi Cấm xây điện Bồ Hong, điện Trung Tòa, động Cao Vân để quy nạp đệ tử.
Từ núi Tà Lơn ông thường xuyên về núi Cấm để kiểm tra tình hình và dặn
dò các nghĩa binh không được động binh nếu chưa được lệnh của ông.
Chính thời gian này, ông chế tác cặp
đàn "kình ngư hóa long", "thần cù nghênh pháp" và cất ngôi miễu dưới
chân núi Ngang - nơi cửa ngõ từ Cao Miên vào núi Cấm. Từ địa điểm đó,
ông còn cho đệ tử xây nhiều ngôi miếu trên núi dọc theo đường đến núi
Cấm để làm các trạm liên lạc thông tin. Có lẽ, ông dùng tiếng đàn để làm
tín hiệu "cửu thinh bất động, tam thinh khởi biến". Có nghĩa là tiếng
đàn 9 dây cất lên thì chưa đến lúc khởi binh, khi tiếng đàn 3 dây cất
lên thì chuẩn bị khởi binh.
Tuy nhiên, sau một chuyến trở lại Tà
Lơn, ông viên tịch. Sau khi ông chết, Phan Xích Long - một đại đệ tử của
ông tiếp tục dùng huyền thuật để chiêu binh kháng chiến. Núi Tà Lơn trở
thành đại bản doanh của Phan Xích Long.
Phật sống Cử Đa chính là người khai mở
thánh địa huyền tích Tà Lơn ở Campuchia. Ông cũng chính là người đặt
tên các trạm dừng chân trên núi Tà Lơn: Trung Tòa, Kim Quan, Trạm Nhất,
Lan Thiên, Hàm Long, Bàn Ngự, Cán Dù, Châu Thiên…
Từ trước đến nay, các nhà khoa học
lịch sử chỉ chú trọng nghiên cứu các phong trào kháng chiến chống thực
dân Pháp qua các lực lượng vũ trang mà bỏ quên những phong trào kháng
chiến tín ngưỡng như phong trào Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Cần
phải nhìn nhận rằng, tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương và Từ Ân Hiếu Nghĩa đã
tạo nên linh địa Thất Sơn để phong trào kháng chiến chống Pháp làm chỗ
dựa tinh thần.